THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
MỘT BÀI THƠ ĐẦY ẮP SUY TƯ CÓ SỨC LAN TỎA TỚI TÂM HỒN NGƯỜI ĐỌC
09-03-2021
thumb.jpgXin được giới thiệu

THĂM VƯỜN BÁC

Về thăm vườn Bác buổi chiều nay

Nhẹ bước lối xưa sỏi rải đầy

Dâm bụt đỏ hồng tươi sắc nắng

Hàng xoài xanh mát đẹp màu mây.

Trông cây nhớ tới bao kì tích

Thấy cả thầm yêu những đổi thay

Đứng trước nhà sàn con lặng khóc

Bồi hồi nhớ Bác nỗi nào khuây.

(Nguyễn Viết Dưỡng)

1. Chúng ta đều biết, thơ Trung Quốc phải trải qua hàng nghìn năm phát triển mới tìm được một hình thức trữ tình hoàn thiện với Luật thi (thơ cận thể), và trở thành một thể loại tiêu biểu của thời đại hoàng kim của thi ca cổ điển Trung Quốc.

Thơ cận thể là sản phẩm của tư duy nghệ thuật Trung Quốc thời trung đại. Bài Luật thi là một cấu trúc chỉnh thể, một hệ thống khép kín, thường do Đề đảm trách. Hệ thống đó được tổ chức một cách có quy luật, với những quan hệ nội tại chặt chẽ, đồng thời có mối liên hệ với thế giới ngoại cảnh, tạo nên ý nghĩa sâu xa mà ta gọi là “ý tại ngôn ngoại”. Vì vậy, ở một bài Luật thi, Đề là trung tâm, là “phát đoan” (đầu mối). Vận hành của nó là đi từ xa đến gần, từ ngoại cảnh đến tâm cảnh. Và khi nó (bài thơ) đã “trữ” được “tình” rồi thì bài thơ kết thúc. Do đó, bài Luật thi bao giờ cũng gieo nặng ý nghĩa ở phần kết. Đây là đặc điểm của thi pháp thể loại quy định.

Về phương diện bố cục, ở thời nhà Đường, Kim Thánh Thán – nhà nghiên cứu Trung Quốc chia bài Luật thi thành hai phần: “Tiền giải” và “Hậu giải” (Tiền giải thiên về cảnh, hậu giải thiên về tình).

Người làm thơ Đường chỉ chú trọng trữ phát tình cảm sao cho thể hiện được cái “tứ” của mình, từ “trầm tư” đã “diệu ngộ” được. Mạch cảm hứng vì thế mà đi “một hơi” (nhất khí) do sự “nhập hứng” của thi nhân (Ở Việt Nam ta, khi bình một bài luật thi, người ta thiên về bố cục Đề, Thực, Luận, Kết). 

2.1. Bài thơ của tác giả Nguyễn Viết Dưỡng, bài thơ với tựa đề “Thăm vườn Bác” và phần “tiền giải” của bài thơ cũng tràn ngập hình ảnh vườn Bác. Tựa đề đó đã làm khởi phát cảm xúc lâng lâng, bồi hồi, xúc động xuyên suốt toàn bài thơ. Và sự vận hành của “phát đoan” bài thơ là từ xa tới gần, từ ngoại cảnh đến tâm cảnh, từ cái nhìn bao quát cảnh vườn Bác, đến suy nghĩ nội tâm, và kết thúc bài thơ, tác giả trở về với “phát đoan” (Đề). Đó là sự biểu hiện của tính “nhất khí” xuyên suốt bài thơ này.

Tựa đề đó cũng đã quy tụ những phương thức nghệ thuật đặc trưng của Đường thi mà tác giả sử dụng. Đặc biệt là bút pháp “thực tả” và “hư tả” được kết hợp một cách nhuần nhuyễn khiến cho bài thơ “Thăm vườn Bác” tuy không mới lạ trong rừng thơ viết về Bác mà vẫn có sức lan tỏa tới tâm hồn người đọc yêu thơ.

2.2. Thăm vườn Bác là mong ước, là khát vọng, là tình cảm của hàng triệu người con Việt Nam, dẫu xa, dẫu gần mỗi lần tới thủ đô Hà Nội nơi có nhà sàn, vườn Bác. Và cũng như mọi người con khác, Nguyễn Viết Dưỡng được về thăm vườn Bác:

“Về thăm vườn Bác buổi chiều nay

Nhẹ bước lối xưa sỏi rải đầy”

“Chiều nay” là một thời gian vừa như xác định, lại vừa như không xác định. Chọn thời gian chiều, câu thơ gợi dậy một không gian nhuốm đầy tâm trạng mà ta thường bắt gặp trong thơ ca Trung đại.

“Chiều nay” – đó là một buổi chiều mà bước chân con nhẹ nhàng nơi lối sỏi xưa thăm vườn Bác. Hai chữ “lối xưa” đầy hàm ẩn, vừa chứa đựng tâm trạng đứa con đang nhẹ nhàng bước chân trên lối sỏi đầy, lại vừa gợi ra hình ảnh đầy suy tư… Bút pháp “hư tả” của thể Luật thi đã phát huy sức mạnh. Câu thơ không có một từ nào nói về Bác mà ta vẫn thấy Bác hiện hình trong câu thơ. Nói “lối sỏi xưa” mà người đọc hình dung ra hình ảnh Bác như ngày nào vẫn ung dung dạo bước trên những lối sỏi đầy! Và đứa con về thăm Bác thì nhẹ bước trên lối sỏi xưa. Bởi, Bác đâu đã đi xa, “Bác vẫn còn đây của các con” (Thơ Tố Hữu), Bác đang yên giấc ngủ… Đứa con kính yêu Bác bước chân nhẹ nhàng để canh cho giấc ngủ của Bác được bình yên.

2.3. Hai câu thực là không gian vườn Bác trong cái nhìn bao quát của tác giả với hai hình ảnh gần gũi, thân thuộc:

“Dâm bụt đỏ hồng tươi sắc nắng

Hàng xoài xanh mát đẹp màu mây”

Sức gợi từ những thi liệu chọn lọc này rất lớn. Cây dâm bụt không phải là loài cây lạ để tác giả quan sát, trầm trồ, vậy mà nó lại hiện ra trước mắt tác giả đầy thi vị trong ánh lam chiều. Hình ảnh ấy đưa tác giả cũng như người đọc chúng ta trở về với làng Sen quê cha và làng Trù quê mẹ Bác – nơi tràn ngập “những hàng dâm bụt đỏ hoa quê” – nơi chôn rau cắt rốn mà suốt cả cuộc đời Người ấp ủ. Rồi hình ảnh hàng xoài xanh mát gợi cho ta liên tưởng đến miền Nam – nửa đất nước luôn trong trái tim Người. Bút pháp đặc tả và phép đối đã phát huy hiệu quả tuyệt đối. Chỉ có hai câu thơ với hai hình ảnh mà bức tranh vườn Bác hiện lên đậm nét, trong sáng, đẹp đẽ, tràn đầy sức sống. Ở đây, một lần nữa, ta lại thấy câu thơ không có từ nào nói về Bác mà ta lại thấy Bác. Phải chăng bút pháp hư tả được kết hợp nhuần nhuyễn với thực tả, khiến cho ý thơ hàm súc? Người ta nói thơ Đường “ý tại ngôn ngoại” là thế, “Ngôn tận ý nhi bất tận” là thế.

2.4. Ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ chọn lọc, tinh luyện. Màu đỏ hồng của cây dâm bụt, màu xanh mát của hàng xoài qua cách so sánh ngầm với các tính từ chỉ sắc thái được tác giả sử dụng một cách nghệ thuật, khiến cho cảnh vật nơi vườn Bác chẳng những đẹp lung linh mà còn giàu sức gợi cảm. Vẻ đẹp đó dẫn đến một sự liên tưởng lô-gic:

“Trông cây nhớ tới bao kì tích

Thấy cả thầm yêu những đổi thay”

Cặp câu Luận thực sự là “luận” từ “trông” đến suy nghĩ. “Trông cây nhớ tới bao kì tích” đó là một phép biện chứng của tâm hồn, của tư duy nghệ thuật. Đây là một cách thức biểu đạt của nghệ thuật Đường thi, thể hiện bằng mối quan hệ. Thơ Đường nói ít, gợi nhiều cũng nhờ phương thức này. “Trông cây nhớ tới Người” đã có nhiều trong âm nhạc, thi ca. Nguyễn Viết Dưỡng lại một lần nữa tô đậm cảm xúc trong thi ca viết về Bác.

2.5. Hai câu kết trở lại cảm hứng được mở ra từ đề nhưng đầy xúc động:

“Đứng trước nhà sàn con lặng khóc

Bồi hồi nhớ Bác nỗi nào khuây”.

Tác giả khóc vì cảm động khi được về thăm vườn Bác, vì bồi hồi nhớ Bác. Tác giả khóc vì “trông cây nhớ tới bao kì tích” mà Người đã cùng dân tộc ta viết nên.

Tác giả khóc vì lúc này lý trí đã trở lại. Người làm thơ dường như cứng cáp hơn, nhận ra một sự thật khi đứng trước nhà sàn: Bác đâu còn nữa, “Bác đã lên đường với tổ tiên”. Tĩnh tâm, tác giả như thấy trống vắng nên “lặng khóc”, nên “bồi hồi nhớ Bác”; Nhà thơ Tố Hữu ngày 2/9/1969, khi trở về thăm Bác cũng đã thảng thốt bởi “phòng lạnh rèm buông tắt ánh đèn” mà viết:

“Con lại lần theo lối sỏi quen

Đến bên thang gác đứng nhìn lên

Chuông ơi chuông nhỏ còn reo nữa

Phòng lạnh rèm buông tắt ánh đèn”.

Có điều, khoảng cách giữa một thi nhân lớn Tố Hữu với tác giả Nguyễn Viết Dưỡng nên hai cách diễn đạt, biểu hiện khác nhau. Nhà thơ Tố Hữu không nói “khóc” mà cả đoạn thơ là tiếng khóc nấc khi “Phòng lạnh rèm buông tắt ánh đèn”. Còn Nguyễn Viết Dưỡng thì nói “Con lặng khóc”…

“Lặng khóc” là khóc một mình, khóc nhiều, khóc đến không còn tiếng. Đọc câu thơ của anh Nguyễn Viết Dưỡng, người đọc bất giác rơi lệ và nỗi nhớ Bác không thể nào khuây được trong tâm can của tác giả.

“Thăm vườn Bác” của tác giả Nguyễn Viết Dưỡng cũng là một bài thơ đầy ắp niềm tâm sự.có sức lan tỏa tới tâm hồn người đọc.

 

CLB Thơ Cựu giáo chức Thành phố Hà Tĩnh

Trần Quốc Chỉnh

 

 

Tác giả BBT