THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Đâu chỉ chút hương yêu
20-09-2017
Chi gáy.jpeg Xin giới thiệu bài viết của Thanh Phong về một bài thơ

       Tôi từng xúc động và ngưỡng mộ vì có lần, lắng nghe một cụ già ôm đàn ghi ta buông lời tình ca mượt mà thắm thiết; hay lần khác, ngắm nhìn cặp khiêu vũ, đôi mái tóc trắng phau, tay trong tay, chân bước nhịp nhàng theo điệu nhạc du dương và cũng có lần, dõi theo bậc cao niên ngồi ghế đá bên hàng cây chờ đợi bạn tri âm… Và niềm xúc động, lòng ngưỡng mộ ngày nào trở lại khi đọc bài thơ Chút hương yêu, in trong tập Nhặt bóng hoàng hôn, của tác giả Lê Minh Chiếu:

 

Mình tưởng thời gian bóng ngã chiều

Nào ngờ còn đọng chút hương yêu

Quẳng đi màu tóc nơi sâu thẳm

Chôn chặt men tình chốn tịch liêu

Mượn gió đông tàn vùi nỗi nhớ

Mang bầu rượu ấm đếm chân xiêu

Chuyến phà Cao Lãnh luôn đưa khách

Mà lối về xưa bỗng quạnh hiu!

 

       Tình yêu được biểu đạt qua bài thơ thật ra còn đẹp hơn, sâu đậm hơn những hình ảnh vừa nêu trên. Một tình yêu vừa rất riêng, rất thật vừa  hóm hỉnh nhưng lại chất chứa niềm trắc ẩn riêng tư.

       Câu mở đầu, lời thơ bỏ lửng, nói chưa hết ý mà như đã rõ: “Mình tưởng thời gian bóng ngã chiều” thì… mọi thứ đã đi qua quãng đời, mong gì trở lại, huống hồ tình yêu. Chữ “tưởng” dùng rất hay, tưởng chứ không phải nghĩ hay biết. “Mình tưởng” nghĩa là chưa suy nghĩ nhiều hoặc chưa ý thức một cách đầy đủ về tuổi xế chiều. Như vậy, chữ “tưởng” cho thấy trạng thái thoát khỏi ám ảnh tuổi già nên mới sẵn lòng đón nhận “chút hương yêu” (cách nói e dè, kín đáo). Cái độc đáo khó nhận ra ở hai câu đầu là nụ cười hóm hỉnh ẩn hiện sau dòng chữ. Nhân vật xưng “mình” cảm thấy khoan khoái, thú vị biết dường nào, vì tưởng rằng, ở tuổi xế chiều, mọi thứ cứ trôi tuột, “nào ngờ” ở tuổi này còn trỗi dậy niềm khao khát tình yêu, còn có thể đón nhận khi tình yêu đến và còn đủ “tư cách” trong tình yêu. Chữ “nào ngờ” có sức gợi tả trên nhiều phương diện, thứ nhất gợi ra tình huống bất ngờ: điều tuyệt diệu đến thật khó tin; thứ hai gợi thấy nụ cười mãn nguyện của nhân vật “tôi” với chính mình; và thứ ba…

       Đọc đến hai cặp câu thực và luận như cùng một nội dung ý nghĩa, thể hiện ý muốn xóa tan, quên lãng, lánh xa “chút hương yêu”. Vì đâu nên nỗi? Chắc người đọc cảm thông, nếu hiểu rằng bao nhiêu khuôn phép xã hội vẫn còn gò bó với “tuổi xế chiều”, dù họ đang sống thời hiện đại (Đôi khi chính họ cũng tự khe khắt với mình). Do âm điệu cao vút kết hợp với những động từ mạnh (quẳng, chôn, vùi) tạo nên lời thơ cứng cỏi, mạnh mẽ, biểu lộ thái độ dứt khoát chối từ “hương thơm quả ngọt” trái mùa. Những câu thơ đọc lên nghe lòng đượm chút xót xa, buồn bã. Đâu chỉ thế, đoạn thơ có thêm tầng ý nghĩa và một hình ảnh khác nữa. Thái độ vội vàng theo lời bảo của lí trí đành bất lực vì những hành vi vô nghĩa: Làm sao “quẳng đi màu tóc”, “chôn chặt men tình”? hay làm sao “Mượn gió đông tàn vùi nỗi nhớ”? hoặc không thể tìm quên trong men rượu. Qua đây, hình ảnh nhân vật xưng “mình” hiện lên chân thực, sống động với trạng thái bối rối, lúng túng, phần nào yếu đuối trong tình yêu. Phải chăng câu thơ chứa đựng cái đẹp đẽ trong cái bình thường? Tương tự, ở một bài thơ khác Ta cũng là người (cùng tác giả), tính nhân văn toát lên từ nỗi lòng rất thành thực, rất trần tục nên “rất người”:

 

Ta cũng là người, cũng bấy nhiêu…

Âm thầm lặng lẽ, giữa cô liêu

Trăng vàng âu yếm hôn lên tóc

Chạnh nhớ người xưa nhớ đủ điều.

 

       Phần thực và luận mang âm hưởng mạnh mẽ, cao vút, đến hai câu kết chuyển sang dịu êm, trầm lắng, tạo cảm giác đứt đoạn, gẫy khúc của lời thơ. Bên cạnh, ngữ nghĩa câu chữ hình như tách biệt ý toàn bài  (Chuyến phà Cao Lãnh luôn đưa khách. Mà lối về xưa bỗng quạnh hiu). Có thể hiểu, dòng đời trôi chảy triền miên, dòng người tấp nập ngược xuôi, nhưng mình ta riêng lối cô đơn hiu hắt. Nếu đọc lướt qua, ý thơ hai câu cuối hóa ra lạc điệu, vậy mà theo mạch ngầm cả bài lại thấy hợp lí. Mạch thơ biến chuyển: Tình yêu đến thật bất ngờ khi tuổi xế chiều − Muốn lãng quên nhưng đành bất lực – Cuộc sống thì trôi chảy, riêng mình thì lẻ loi đến rợn ngợp. Ý thơ của dòng kết theo hướng mới mẻ, khác biệt, khó đoán biết. Tác giả không theo tâm lí thường tình, theo lối viết tràn đầy, viên mãn. “Chút hương yêu” đến đôi khi người ta cảm thấy ngậm ngùi, tiếc nuối vì thuận theo quy luật nghiệt ngã của tạo hóa, đây là tâm trạng có thực mà mấy ai dễ dám nhìn nhận.

       Tình yêu − đề tài thi ca muôn thuở. Hầu hết người cầm bút, dù ít nhiều cũng ngợi ca ái tình, mỗi người mỗi vẻ. Thế nhưng, câu chuyện “chút hương yêu”“thời gian bóng ngã chiều” thật hiếm thấy trong thơ ca, nó mang lại một quan niệm thẩm mỹ mới về tình yêu. Cái độc đáo mang tính riêng biệt, khó lẫn của bài thơ là tâm trạng tình yêu lúc xế chiều được biểu đạt không chút giả tạo hay “làm dáng”. Trang thơ Nhặt bóng hoàng hôn khép lại mà bài Chút hương yêu vẫn còn dư vang của “cái thật”, thật đến nao lòng!                                                                                  

                                                                        Thanh Phong- An Giang

 

                     

 

 

        Buùt kyù 

  

 

 

Tác giả BBT