Nhắc đến xứ Huế không mấy ai trong chúng ta không xao xuyến hình dung ra một mảnh đất đầy thơ mộng và duyên dáng. Một nhạc sĩ đã từng viết: “Ơi Huế của ta!, ta có Huế tự hào, vượt bao chiến công, Huế đi lên kiên cường…”. Huế không chỉ là mảnh đất duyên dáng, thơ mộng mà nó còn
là nơi ghi bao chiến công oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Vùng đất xứ Huế có nhiều nét đẹp đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho thi nhân sáng tác thơ ca.
Tác giả Cấn Thị Đối – một hội viên người cao tuổi đang sinh hoạt
Trong Chi hội thơ Đường huyện Thạch Thất – Hà Nội, có một tâm hồn rất nhạy
cảm như bao nhiêu người khác ở Huế, đã đi vào trong trái tim như một phần
máu thịt của chính mình. Từng được vào thăm quan và chiêm ngưỡng xứ Huế,
đã yêu và gắn bó sâu nặng với mảnh đất này, nên tác giả có những cảm nhận
hết sức tinh tế. Người ta vẫn thường nói: “Bước chân tới mảnh đất xứ Huế vào
bất cứ thời điểm nào, con người ta đều cảm nhận được cái hồn và vẻ đẹp
huyền bí ở nơi đây”. Chỉ với một buổi sáng bình minh thôi, tác giả đã vẽ nên một
bức tranh xứ Huế thật đẹp và đầy thơ mộng…
Bài thơ “Bình minh trên Huế” của tác giả Cấn Thị Đối đã nói lên tất cả
những điều đó:
Chuông dục bình minh đỏ thắm dần
Ánh dương tô đẹp Huế thanh tân
Sông Hương duyên dáng, đầy thơ mộng
Núi Ngự hiên ngang, thật tuyệt trần
Sông núi hút hồn người lãng tử
Nước non say đắm bậc thi nhân
Cố đô mĩ lệ bao kì vọng
Kiều diễm, thủy chung, vĩnh viễn xuân!
Mở đầu bài thơ là lời giới thiệu của tác giả về buổi sớm bình minh trên
mảnh đất xứ Huế: “Chuông dục bình minh đỏ thắm dần/ Ánh dương tô đẹp Huế
thanh tân”. Âm thanh đầu tiên mà bạn đọc cảm nhận được đó chính là tiếng
chuông gọi bình minh của buổi sớm, hay nói cách khác là âm thanh riêng biệt
của mảnh đất xứ Huế báo hiệu một ngày mới, là thời điểm bắt đầu một ngày
mới với tiết trời trong lành, thoáng đãng, tinh khôi, gợi nên cảnh yên bình của
cuộc sống nơiđây. Nhà văn Macximgorki từng nói: “Bình minh là thời điểm trong
sạch nhất để con người ta thanh lọc tâm hồn”. Sự khác biệt giữa mảnh đất xứ
Huế với nhữngmảnh đất khác là ở chỗ, nó xuất hiện những tia nắng, nhưng
không phải là nắng hồng nhạt hay vàng lơ, mà lại là ánh nắng màu đỏ thắm.
Đây là một màu rất đặc trưng của mảnh đất miền trung dày dạn gió sương với
cái nắng oi ả. Điều đặc biệt là ánh nắng ấy, không phải màu đỏ tía, hay màu đỏ
rực như trong thơ Nguyễn Trãi từng viết: “Rồi hóng mát thuở ngày trường/
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương/ Thạch Lựu hiên còn phun thức đỏ/ Hồng liên
trì đã tiễn mùi hương”mà ánh nắng ấy mang trong mình màu “đỏ thắm”, nó
gợi nên cảm giác hào hứng, sự tươi trẻ và căng tràn sự sống. Ánh nắng ấy tô
điểm cho Huế thêm thơ mộng, yêu kiều và duyên dáng hơn. Vẻ đẹp này cũng
đã từng được nhà thơ Hàn Mặc Tử cảm nhận: “Sao anh không về chơi Thôn
Vĩ/ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”. Nhà thơ cảm nhận ánh nắng ấy
như những ánh dương huy hoàng tỏa rọi xuống trần gian, làm cho Huế trẻ
hơn, hấp dẫn và đầy quyến rũ.
Vẻ đẹp của xứ Huế vào buổi sớm bình minh đâu chỉ có tiếng chuông
ngọt ngào, ánh nắng thơ mộng mà nó còn được tô điểm bởi vẻ đẹp của sông Hương và núi Ngự:
“Sông Hương duyên dáng đầy thơ mộng/ Núi Ngự hiên ngang thật tuyệt
vời”. Sông Hương mang trong mình một vẻ đẹp thơ mộng, huyền bí, nó như một thiếu nữ ở tuổi dậy thì, e ấp, thẹn thùng, bắt đầu gõ cửa trái tim khi tình yêu chớm nở. Dòng sông Hương lững lờ trôi nhè nhẹ, tạo cho con người cảm giác yên bình, gạt đi hết bộn bề lo toan của cuộc sống. Có rất nhiều người tìm đến Huế chắc có lẽ cũng bởi vì điều đó, muốn dòng sông Hương giúp họ cuốn trôi đi hết tất cả những bụi bặm, những xô bồ, tấp nập của cuộc sống thường nhật. Trở về với dòng sông Hương, con người như được sống với chính con người thật của mình, với những điều chân thành nhất từ sâu thẳm nơi trái tim mình. Nếu như sông Hương mang trong mình vẻ đẹp mềm mại, thướt tha, thì Núi Ngự lại mang vẻ đẹp hiên ngang, bất khuất. Nó tương trưng cho con người Huế nói riêng và con người Việt Nam nói chung, gan góc, kiên cường, luôn luôn đứng vững hiên ngang trong mọi hoàn cảnh. Trở về với quá khứ, Huế trong
chiến tranh là một mảnh đất anh dũng biết nhường nào! Nơi đây không chỉ sản sinh ra những con người anh hùng, mà còn là mảnh đất đã từng chứng kiến bao chiến công oanh liệt của dân tộc. Vẻ đẹp của sông Hương duyên dáng, thơ mộng hòa quyện với vẻ đẹp của núi Ngự hiên ngang, bất khuất tạo nên một bức tranh xứ Huế mang vẻ đẹp riêng mà không nơi nào có được.
Chính bởi vì Huế đẹp và thơ mộng quá, nên tác giả Cấn Thị Đối không thể kìm được lòng mình, phải thốt lên rằng: “Sông núi hút hồn người lãng tử/ Nước non say đắm bậc thi nhân”. Ở đây, tác giả đã không ngần ngại, mà tự nhận mình là người lãng tử, bậc thi nhân, suốt đời đi tìm kiếm cái đẹp để hòa tâm hồn mình vào đó, sống trọn với niềm vui ấy. Đó là một cuộc sống vô cùng thanh cao và chắc có lẽ chỉ có tâm hồn người nghệ sĩ mới có sự cảm nhận tinh tế đến như vậy. Đứng trước vẻ đẹp kỳ diệu của xứ Huế, cho dù có một tâm hồn cằn cỗi đến đâu cũng phải rung động, cũng phải mở rộng trái tim mình, để đón nhận hương sắc tuyệt diệu của mảnh đất nơi đây. Huế không chỉ đem đến cho con người vẻ đẹp thiên đường để chiêm ngưỡng và thưởng thức, mà còn gieo vào lòng người những ước mơ và khát vọng: “Cố đô mĩ lệ bao kì vọng/ Kiều diễm, thủy chung,vĩnh viễn xuân!”. Trải qua hàng nghìn năm của lịch sử, Huế đã trải qua biết bao sự kiện hào hùng của dân tộc, được tôn vinh công
nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Mảnh đất này đã nuôi dưỡng biết bao nhiêu khát vọng của con người, hun đúc cho con người một ý chí kiên cường, dũng cảm để vượt qua mọi bão tố, phong ba của cuộc đời. Không những thế, trong tâm trí của tác giả cũng như trong tâm hồn của bạn đọc, mảnh đất xứ Huế luôn hiện hữu với vẻ đẹp kiều diễm, thủy chung và căng tràn sức trẻ.
Tác giả Cấn Thị Đối là một người có một tình yêu Huế mãnh liệt và chỉ có tình yêu mới giúp nhà thơ có sự cảm nhận hết sức tinh tế như vậy. Bài thơ chỉ vẻn vẹn có tám câu, nhưng chất chứa những tinh cảm thiêng liêng và sâu nặng của nhà thơ với mảnh đất Huế. Với ngôn từ giản dị, giọng điệu thướt tha, bài thơ đã đi vào trái tim của đông đảo bạn đọc như một món quà vô giá. Xin mượn bốn câu thơ của tác giả Huyền Thư, để kết lại bài viết này:
“Dù ai đi năm châu bốn biển
Hãy tìm cho mình một mảnh đất để yêu thương
Đối với tôi Huế là tất cả
Trọn cuộc đời mang một vẻ đẹp riêng”.
(Huyền Thư)
Nguyễn Duy Cách
Xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội
ĐT: 0948245755
Email: nguyenduycach1950@gmail.com