ĐẾN VỚI BÀI THƠ “ HOA TRINH NỮ” CỦA HOÀNG MƯỜI
Hoàng Mười là Hội viên Hội thơ Đường luật Việt Nam. Anh có nhiều bài thơ viết về mùa hè, về tình yêu, tình bạn, về mùa xuân và các loài hoa. Đọng lại trong tôi đó là bài “ Hoa Trinh Nữ”
Giàn hoa trinh nữ ánh sương sa
Hoa trắng, nhành xanh tỏa trước nhà
Cành dẻo vươn cao chào hạ tới
Lá mềm vẫy gió đón thu qua
Nhụy tươi tâm thắm trong như ngọc
Cánh trắng lòng trinh tựa tuyết pha
Hình bóng giai nhân mềm mại dáng
Yêu kiều, hiền dịu nét kiêu sa.
Bố cục bài thơ chặt chẽ, niêm luật nghiêm ngặt thanh vần tinh tế nhưng không vì thế mà khô khan. Thơ anh bay bổng, lãng mạn và rất cô đọng.
Đọc 2 câu mở của bài thơ:
Giàn hoa trinh nữ ánh sương sa
Hoa trắng nhành xanh tỏa trước nhà
Anh không chỉ tả một bông hoa mà là cả một giàn hoa. Khi sương đêm đọng lại trên lá được ánh nắng buổi sớm chiếu rọi nó trở nên lung linh huyền ảo anh ví nó đẹp như ánh sương sa. Không có gì đẹp hơn thế nữa.
“ Hoa trắng cành xanh tỏa trước nhà”
Bông hoa màu trắng, nhành lá màu xanh đan xen tạo nên một màu tinh khiết, thanh bạch, nhẹ nhàng. Hương thơm dịu ngọt lan tỏa khắp nhà.
Ngôi nhà đã đẹp cộng thêm giàn hoa duyên dáng càng tôn thêm vẻ đẹp lịch sự, trang nhã như chính chủ nhân của ngôi nhà này. Chứng tỏ chủ nhân có óc thẫm mỹ vô cùng phong phú. Tôi chưa có dịp đến nhà anh nhưng tôi tin chắc rằng trước cửa nhà anh phải có một giàn hoa trinh nữ. Anh yêu hoa, chăm sóc hoa và quan sát rất kỹ mới có cảm xúc để viết lên những tứ thơ hay như vậy.
Còn đây nữa là hai câu thực:
Cành dẻo vươn cao chào hạ tới
Lá mềm vẫy gió đón thu qua
Tác giả đã dùng lối nói ví von, nhân cách hóa để ví cành lá của hoa cành dẻo",“ lá mềm” “vươn cao”, “ “vẫy gió”, “chào hạ", “ đón thu”. Tác giả đã sử dụng nhiều động từ “ vươn, vẫy, chào, đón” để nhấn mạnh sự phát triển sinh động của hoa như cánh tay của con
người vậy. Cũng vui mừng chào đón ánh nắng chan hòa của mùa hạ, cái không khí êm đềm, dịu mát của mùa thu. Cách dùng từ ngữ của tác giả thật là tinh tế, dí dỏm.
Còn hai câu luận thì sao:
Nhụy tươi tâm thắm trong như ngọc
Cành trắng, lòng trinh tựa tuyết pha
Ôi cái tâm thắm, lòng trinh của hoa được tác giả ví như người con gái mới lớn. Nó vô cùng trinh trắng, trong như ngọc, ngọc là thứ trang sức vô cùng quý mà cái tâm thắm, "trong như ngọc” thì còn gì bằng. “ Lòng trinh tựa tuyết pha” nghĩa là trong suốt và trắng ngần chưa hề bị vẫn đục bởi môi trường xung quanh tác động.
Hai câu kết thật tinh tế làm sao:
“ Hình bóng giai nhân mềm mại dáng
Yêu kiều, hiền dịu nét kiêu sa”
Không còn nghi ngờ gì nữa. Tác giả đã mượn hình ảnh của bông hoa trinh nữ nói lên cảm xúc của mình trước một người con gái đẹp: đẹp người, đẹp nết với đủ các tố chất” công dung, ngôn hạnh”. Người con gái có vẻ về ngoài mềm mại duyên dáng, kết hợp với nội tâm sâu sắc, nết na hiền dịu và biết vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ bản thân thì còn gì đẹp hơn nữa. Cái đẹp hiện đại, có trình độ học vấn, có tri thức biết đối nhân xử thế, nhìn đời, nhìn người bằng con mắt thân thiện, đúng là một người con gái hoàn mỹ, được tác giả tôn vinh thật yêu kiều và rất kiêu sa.
Gấp cuốn thơ lại tôi vẫn còn xúc động bởi mùi hương dịu ngọt của loài hoa trinh nữ, một mùi hương quyến rũ mà tác giả đã vận dụng khéo léo để ví như hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với những nét đẹp truyền thống.
Đọc thơ anh, chị em ta rút ra được bài học về giá trị nhân văn sâu sắc. Hãy cùng nhau làm đẹp hình ảnh của mình trước công chúng, trước phái nam mạnh mẽ mà vẫn giữ được nét yêu kiều, kiêu sa như chính loài hoa trinh nữ mà anh yêu thích.
Cảm ơn tác giả đã cho chúng ta thưởng thức vẻ đẹp của loài hoa trinh nữ qua một bài thơ.
Kim Thanh - CẦU GIẤY- HÀ NỘI