THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Đến với BÀI THƠ “XIN CHỮ ÔNG ĐỒ “ CỦA VŨ VĂN QUỸ
08-05-2013
Ông đò.jpg 

 

          Vừa qua, Ban Chủ nhiệm CLB sáng tác VHNT Việt Nam, Chi nhánh Quốc Oai và Chiếu thơ Đường Quốc Oai  tổ chức buổi ra mắt và giới thiệu tác phẩm “Đường Thi Tri Kỷ” của hội viên Vũ Văn Quỹ. Tập thơ do Nhà xuất bản Văn học cấp phép, in bìa cứng, trang trí rất đẹp. Tôi mới đọc hết một lượt 122 bài trong tập thơ này, thấy ông am hiểu và viết khá thuần thục về cấu tứ thể thơ Đường luật, và quan trọng hơn là nội dung, ý nghĩa trong ngôn từ thơ đều rất trong sáng và đẹp đẽ. Bài thơ “Xin chữ ông Đồ” trong tác phẩm này, là một trong số những bài thành công nhất của ông:

                                         XIN CHỮ ÔNG ĐỒ

Tết đến chúc nhau những ước mơ

Đón xuân xin chữ của ông Đồ

Cầu bền lộc thọ, trời ban phúc

Nguyện vững khang ninh, tổ tạo cơ

Tâm đức nhủ ta nên giữ đạo

Nghĩa nhân khuyên cháu phải tôn thờ

Hân hoan nâng cốc, Giao thừa tới

Rộn rã lòng xuân, vọng tiếng thơ.

                  ( Vũ văn Quỹ - Đêm Giao thừa -  2013)

        Nhắc đến “Ông Đồ”, trong chúng ta không ai là không nhớ đến bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên viết cách đây đã 77 năm về trước (tức là vào năm Bính Tý – 1936), đã nói lên tâm trạng của người hoài cổ về truyền thống cho chữ và xin chữ thư pháp trong những ngày đầu Xuân mới. Ở cái tuổi bảy mươi lăm (75), tác giả Vũ Văn Quỹ viết bài thơ này có lẽ vào lúc Giao thừa thiêng liêng và quí giá - là ngày mở đầu đón mừng một năm mới đầm ấm bên người vợ hiền thục và con cháu trong gia đình ông. Phút Giao thừa – thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, chỉ một khắc thôi, sao mà hồi hộp, xúc động đến thế!. “Xin chữ ông Đồ” - Một ước mơ thật giản dị mà độc đáo, khác lạ, bởi nó rất thanh cao, đẹp đẽ và sâu sắc:

Tết đến chúc nhau những ước mơ

 Đón xuân xin chữ của ông Đồ”.

          Xin chữ - là nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam ta – là khát vọng muốn gửi gắm những điều tốt đẹp trong năm mới. Theo truyền thống của dân tộc ta, người trẻ thì mong học giỏi, đỗ đạt và có công ăn việc làm. Người già thì xin được sức khỏe, gia đình yên ấm, hạnh phúc, con cháu giỏi giang, thành đạt. Chữ ông Đồ thể hiện vẻ đẹp tinh túy và được coi là chữ của Thánh hiền ban tặng, mà ông Đồ là người đại diện, chữ viết thể hiện vẻ đẹp cốt cách, trí tuệ và được coi là may mắn. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, người Việt xưa không thể không có chữ của Thánh hiền để treo trong nhà mình:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

 Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng  xanh”.

       Nhiều năm nay, ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Hà Nội, cứ đến ngày Thơ Nguyên Tiêu Rằm Tháng Giêng Âm lịch, ta lại thấy biết bao khách thơ thập phương đến đó để xin chữ của “Ông Đồ” thời nay.

       Ở đây, tác giả Vũ Văn Quỹ xin chữ ông Đồ để cầu lấy mọi sự tốt đẹp nhất:

Cầu bền lộc, thọ, trời ban phúc

 Nguyện vững khang, ninh, tổ tạo cơ”. 

        Không chỉ riêng gia đình nhà thơ Vũ Văn Quỹ, mà nhân dân ta từ xưa, cứ vào dịp đón Tết, mừng Xuân mới, gia đình nào cũng muốn treo tấm giấy hồng điều, trong đó có bốn chữ “Ngũ Phúc Lâm Môn” với một mong ước năm mới được đón 5 điều ước vào nhà, đó là “Phúc-lộc-thọ-khang-ninh”. Nghĩa là có sự tốt lành, an vui, may mắn, như dân ta thường nói tới chữ Phúc “Ở hiền gặp lành? Những người nhân đức trời dành phúc cho”; hoặc: “Có đức mặc sức mà ăn”, sống phải nhân đức, chịu khó lao động, trời Phật sẽ dành phúc cho. Ai sống tâm phúc sẽ may mắn hái được nhiều lộc thơm, hưởng tuổi thọ dài lâu. Không thể có lộc và có thọ nếu sống không có phúc, vì phúc là tiền đề cho lộc đơm hoa, là nền tảng cho thọ kết quả. Thiết nghĩ: Một con người chân chính, ai cũng mong gặp nhiều điềm lành, điều lành và luôn đón nhận được nhiều điều tốt, việc tốt trong cuộc sống. Mong được sống sung túc, thành đạt - hưởng thọ dài lâu - mạnh khỏe, an vui và vững mạnh đời đời về mọi mặt – đó cũng là mơ ước ngàn năm của con người. Cái mà mọi người già trẻ, giàu nghèo, sang hèn … đều mong muốn : Đó là sức khỏe – có sức khỏe là có tất cả. Được mặt này, mất mặt kia cũng là còn có khổ, là lẽ thường tình. Song gia đình nào mà chả mong ước đời cha ông, cho đến đời con cháu đều thịnh vượng, cuộc sống thanh thản và bình yên. Giờ phút Giao thừa thiêng liêng, giao hòa giữa con người với trời đất như được coi là giờ phút nguyện cầu linh ứng thiêng liêng nhất. Lòng thành kính sẽ động lòng đến Trời Phật, đến Thần Linh, Tiên Tổ. Hai chữ “Cầu” và “Nguyện” ở đầu hai câu thực đồng nghĩa nhau, ghép lại thành một cụm từ đối nhau thật tuyệt, toát lên ước mơ được Trời ban cho ngũ phúc. Tất nhiên, phải là người có lòng nhất tâm tu thiện, xây dựng gia đình yên ấm, đoàn kết và có văn hóa, thì sự cầu nguyện mới hiệu quả. Ẩn sâu trong lời cầu nguyện đó, tác giả muốn nhắc nhở mọi thành viên trong gia đình mình, cùng nhau tích cực hướng thiện, xây dựng cuộc sống tươi  đẹp, để ước mơ trở thành hiện thực. Là người thích nghiên cứu về đạo Trời, đọc những sách của Thánh hiền và đời, tác giả Vũ Văn Quỹ hiểu sâu sắc ý nghĩa “Xin chữ ông Đồ” về giá trị tinh thần, giáo dục con cháu quí biết nhường nào. Bởi vậy, hai câu luận tiếp theo ông viết, đã hướng tới phương châm sống, hành động rất thiết thực và cụ thể:

                     Tâm đức nhủ ta nên giữ đạo

Nghĩa nhân khuyên cháu phải tôn thờ”.

         Hai câu luận cũng đối xứng nhau, phối hợp thành ý tuyệt đẹp và chuẩn xác. Đức nhân là gốc của con người, là cội nguồn của  hạnh phúc từ xưa đến nay, như một chân lí bất di bất  dịch. Sẽ chẳng  bao giờ mơ ước trở thành hiện thực nếu sống thiếu đức nhân. Trời đất không bao giờ ban sẵn cho ta, mà muốn có được, thì phải tu luyện và rèn luyện thường nhật. Cuộc sống biến thiên không ngừng và phức tạp vô cùng. Bao đam mê cám dỗ có thể làm gục ngã ta khi ta mắc vào cái vòng tham, sân, si. Chỉ cần nhụt chí, thiếu bản lĩnh, mất  tỉnh táo trong chốc lát thôi, là có thể trượt dài trong lầm lỗi và mất tất cả. Khi ấy, làm  sao có được “Phúc-lộc-thọ-khang-ninh” ? Các cụm động từ “nên giữ đạo”, “phải tôn thờ” vừa là lời khuyên nhủ nhẹ nhàng, vừa như một mệnh lệnh tất yếu đầy truyền cảm và thuyết phục. Trong thời hiện tại, nhân  cách và lối sống tốt đẹp đang bị xuống dốc trầm trọng, mấy gia đình quan tâm đến điều quý giá này, mà nhiều người, họ quan tâm đến những toan tính vụ lợi, ích kỉ. Chữ Thánh hiền xưa, đã tưởng như bị mất, bị lãng quên, nhưng nó vẫn được gìn giữ cho đến hôm nay. Bởi  vậy, ước mơ “ Xin chữ ông Đồ” của tác giả Vũ văn Quỹ càng giản dị và quý báu biết nhường nào! “Xin chữ ông Đồ” không chỉ để gửi mơ ước cho gia đình mình, mà cũng là mơ ước chung cho cộng đồng xã hội, là trân trọng yêu quý bản  sắc văn hóa dân tộc, lưu giữ hồn dân tộc Việt Nam ta.

         Có lẽ thấm thía việc “Xin chữ ông Đồ” đó, nên tác giả vô cùng vui và hạnh phúc trong giây phút giao thừa đoàn tụ, đầm ấm bên gia đình:

“Hân hoan nâng cốc, Giao thừa tới

Rộn rã lòng xuân, vọng tiếng thơ”

         Hai câu kết thật đẹp, vừa cụ thể, vừa khái quát không khí đầm ấm, vui tươi, hạnh phúc của gia đình tác giả. Không chỉ có chén rượu mừng xuân mới làm cho ai  cũng ấm lòng, phấn chấn, mà là sự thăng hoa của tâm hồn nhà thơ đang lan tỏa cùng hương vị và sắc màu của Trời đất lúc xuân sang, để ông vừa nghe tiếng thơ trên làn sóng điện của Đài phát thanh và truyền hình, vừa đặt bút viết nên “56 viên ngọc” trong bài thơ “Xin chữ ông Đồ” in trong tác phẩm được cấp phép đầu tiên này. Đến đây, tôi lại càng thấm thía nhớ tới những lời tinh túy và thâm thúy của người xưa: “Làm việc phúc không bao giờ thừa. Sống nhân nghĩa bao nhiêu cũng chưa đủ”… và lời của Đại thi hào Nguyễn Du: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

 

 Nguyễn Duy Cách

 Xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Điện thoại: 0948245755

Email: nguyenduycach1950@gmail.com

 

 

Tác giả BBT giới thiệu