THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
“Vịnh Bìm Bìm” của Trần Sửu Một bài thơ Đường luật cô đọng, súc tích
21-08-2012
Bim bìm.jpg Trần Sửu quê ở làng Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất –  TP Hà Nội

Anh vừa là chủ xưởng sản xuất các mặt hàng cơ kim khí phục vụ nông nghiệp, vừa yêu thích văn chương, nhất là trong lĩnh vực sáng tác thơ Đường luật. Mặc dù mới làm thơ chưa lâu, nhưng hiện anh đã có gần trăm bài thơ Đường đủ các thể thức, trong đó có những bài rất hay được in chung trong tập “Thơ Đường Phủ Quốc - Số II, do Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin cấp phép. Một trong những bài đó là bài “Vịnh Bìm Bìm” dưới đây , xin được giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Bìm bìm một đám sính leo cao

Chúng đến từ đâu, mọc thuở nào

Ngoi ngược bám cành vin đại thụ

Bò ngang cuốn gốc lấn tường bao

Nương thân là bởi trăm mưu vậy

Sống dựa xem bằng vạn kế sao?

Nếu đứng một mình không chỗ cậy

Còn đâu cơ hội ngóc đầu cao.

                                                                        (Trần Sửu)

 

Lời bình của Nguyễn Duy Cách:

        Trong thế giới của cỏ cây hoa lá, đôi khi có những loài cây vốn hiền lành  đẹp đẽ làm và dịu mát không gian, nhưng lại có những đặc điểm được nhà thơ cảm nhận như con người xấu xa. Mượn cảnh vật để bày tỏ thái độ về nhân tình thế thái, với cách viết giàu hàm ý, hay và có chiều sâu được không ít thi sĩ vận dụng. Bài thơ “Vịnh Bìm Bìm” của Trần Sửu trên đây là một bài thơ hay và sắc ý, được viết theo thể Đường luật khá cô đọng và súc tích.

         Hai câu mở,Bìm bìm một đám sính leo cao/Chúng đến từ đâu mọc thuở nào. Tác giả khái quát mô tả đặc tính của loài cây bìm bìm – một loài cây dây leo mọc tự nhiên, hoang dã. Bìm bìm thường mọc ở bờ rào cạnh những cây to. Chỉ cần có chỗ bám ở đất, bám vào tường rào, cây lá, là bìm bìm leo và lan tỏa rất cao và rộng. Bìm bìm phát triển mạnh có thể lấn át làm cho các loại cây khác không lớn được hoặc không sống được. Bìm bìm còn được leo thành giàn, leo quanh mái nhà làm cho không gian sống của con người mát mẻ và đẹp đẽ hơn.

        Tuy nhiên, hai câu thực của bài thơ này, tác giả nhìn loài cây bìm bìm với cái nhìn không mấy thiện cảm khi thấy nó “Ngoi ngược bám cành vin đại thụ/ Bò ngang cuốn gốc lấn tường bao”. Tác giả dùng các động từ và hình ảnh đối nhau, phối hợp gợi cử chỉ, hành động sinh trưởng, phát triển của bìm bìm thật xấu tính, xấu nết. Hai câu luận tiếp theo bắt đầu xuất hiện những hàm ý cao và sâu. Hình ảnh cây bìm bìm chỉ còn là đối tượng làm cơ sở để tác giả bắn phá, công kích con người thấp hèn nhân phẩm, mua danh bán chức. Bìm bìm được tác giả giới thiệu là không rõ nguồn gốc “từ đâu?, thuở nào? ” nên gần như không phải là con người. Từ ngữ “ngoi ngược” cho thấy bìm bìm đầy tham vọng, muốn leo cao chiếm lĩnh quyền thế.. Các ẩn dụ “vin đại thụ” “lấn tường bao” càng bộc lộ rõ bản chất xấu xa của bìm bìm. Khi đã có cơ hội leo lên được cao thì nó đè đầu cưỡi cổ cả kẻ đã cho nó leo lên. Nó muốn trở thành một kẻ  độc quyền và khi quyền thế đã thuộc về nó rồi, nó có thể làm cho tất cả mọi đối tượng dưới nó phải lép vế, thậm chí là bất lực để nó đè nén không làm gì được.

       Bìm bìm leo cao và lấn át mọi thứ nhanh, mạnh như vậy là nhờ đâu? Hai câu luận của tác giả là lời giải thích biện luận: “Nương thân là bởi trăm mưu vậy/ Sống dựa trăm bằng vạn kế sao?”. Bìm bìm rõ ràng là loài “nương thân, sống dựa” nghĩa là không tự lập, tự cường mà sống bám vào kẻ khác để leo cao. Bìm bìm còn dùng trăm mưu vạn kế, tìm vị trí để leo cao bất cứ chỗ nào leo được cho dù đó là cây đại thụ, nhà cửa hay tường bao, thậm chí bất chấp cảnh báo nguy hiểm,loài cây này vẫn lấn lướt cả cột điện cao thế… Nhưng rõ ràng với các cụm từ “trăm mưu vạn kế” thì bìm bìm là ẩn dụ chỉ những con người sống tiểu nhân, thủ đoạn xảo quyệt, làm ăn phi pháp, luồn cúi, nịnh bợ, chuyên sống dựa vào quyền thế, biết tìm chỗ để nương thân, tiến thân bằng thủ đoạn, sẵn sàng làm điều phi nhân, bất nghĩa để đạt được mục đích của nó…

         Những tưởng bìm bìm có thể tác oai tác quái trong thiên hạ, nhưng qua ngòi bút của nhà thơ nó cũng có điểm yếu nhất như ở “Gót chân Asin” là sống dựa sống bám,được tác giả thể hiện qua hai câu kết: “Nếu sống một mình không chỗ cậy/ Còn đâu cơ hội ngóc đầu cao”. Hai câu kết có tính chiến đấu về tư tưởng rất cao, chỉ rõ mặt yếu và kết cục bi đát cho bìm bìm. Bìm bìm liệu có leo cao khi hết chỗ cậy nhờ? hết chỗ bám. Kẻ sống cơ hội, xấu xa khi mất chỗ dựa sẽ ra sao. Sớm muộn sẽ có ngày bị trả giá đắt và trở thành trò cười cho dân lành.

         Bài thơ dùng lối ẩn dụ thật hay, độc đáo và sâu sắc. Qua bài thơ, tác giả bày tỏ thái độ tích cực của một nhà thơ chân chính trước hiện tượng xã hội vẫn còn mua danh bán chức. Bài thơ của tác giả Trần Sửu còn là lời cảnh tỉnh cho những kẻ sống như bìm bìm.

 

  Nguyễn Duy Cách

 Xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội

Điện thoại : 0948.245755

 

 

Tác giả NDC - Quốc Oai - Hà Nội