THÔNG BÁO

Canh_dao_chuc635918145714052467.jpg Năm 2025

Năm  2024  đã khép lại với bao .biến động. Đất nước  ta cũng như   bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát của nhân loại cũng  lùi dần về quá khứ


Đôi điều cảm nhận về bài thơ "nợ" của Cấn Đăng Hải
12-12-2012
CXon chim cop.jpg 

Tác giả Cấn Đăng Hải sinh vào năm Giáp Thân (1944) tại làng Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, một vùng đất có bề dày lịch sử là nền văn hóa sông Hồng thuộc quê hương Phủ Quốc - Xứ Đoài.

Năm 1965, ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong, được trực tiếp phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh lịch sử. Đến năm 1972, ông được cấp trên cho đi học Đại học kinh tế, rồi về làm việc tại Bộ Giao thông Vận tải. Năm 2005, ông nghỉ hưu tại quê nhà, sinh hoạt trong Hội Người cao tuổi và là hội viên Câu lạc bộ Thơ của xã Cấn Hữu.

Gần chục năm lại đây, với phong trào sáng tác thơ ca rầm rộ, Cấn Hữu quê ông cũng hòa vào trong trào lưu ấy. Nhiều người có những tác phẩm thơ, truyện, tản văn, phóng sự, ghi chép, thông tấn báo chí … được đăng tải trên các báo, tạp chí của Trung ương, báo ngành và báo địa phương. Ông làm hàng trăm bài thơ, trong đó có vài chục bài thơ Đường luật. Bài "Nợ" đã được in trong ấn phẩm "Thơ Đường Phủ Quốc" của CLB UNESCO Thơ Đường Việt Nam - Chi nhánh Quốc Oai số ra đầu tiên. Đây là bài thơ Đường luật ông làm theo thể "đồng thủ từ" - một thể loại rất khó trong Thơ Đường.

Nợ bốn mươi năm quá nửa đời

Nợ con, nợ vợ nỗi đầy vơi

Nợ tình bạn hữu còn đôi chút

Nợ nghĩa quê hương cả một thời

Nợ mẹ, cha cao như núi Tản

Nợ thầy, cô rộng tựa biển khơi

Nợ đời… món nợ dài vô tận

Nợ trả dần, lòng thấy thảnh thơi !

                Lời bình: Ai đã được sinh ra trong cuộc đời này đều là người mắc nợ với những món nợ khác nhau. Có món nợ gọi thành tên, có món nợ suốt đời không biết tên. Nhưng đã là "nợ" thì sẽ luôn luôn ám ảnh con người, nhất là với những người nhạy cảm.

Bài "Nợ" của Cấn Đăng Hải bao trọn những món nợ ấy. Bốn câu thơ đầu tiên là nợ thời gian "bốn mươi năm", "nợ con", "nợ vợ", "nợ tình bạn hữu" và "nợ nghĩa quê hương". Những món nợ không thể diễn tả được bằng lời, bằng câu, nên cứ "đầy vơi", thôi thúc tác giả. Những câu thơ không giàu hình ảnh nhưng giàu sức gợi, người đọc có những liên tưởng khác nhau.

Bốn câu thơ cuối là ba món nợ: "Nợ cha mẹ", "nợ thầy cô" và "nợ đời". Những món nợ này từng được ví với các hình ảnh quen thuộc từ xưa trong văn chương và cả trong ca dao. Những món nợ không còn khó định hình và không còn "đầy vơi" nữa, mà đã được so sánh với núi Tản, với biển khơi, với sự vô tận của đất trời. "Nợ mẹ cha" là món nợ lớn nhất, vì: "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…". Công đức sinh thành, dưỡng dục, nuôi dạy, lấy lẽ sống của con làm lẽ sống cha mẹ của tác giả đã gắn bó tình phụ tử, mẫu tử từ lúc còn ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành. "Nợ mẹ cha", "nợ thầy cô" bởi đã dạy dỗ cho ta trưởng thành và nên người… mà đặc biệt là người mẹ. Ngoài công lao sinh thành, dạy dỗ, người mẹ còn luôn sát cánh chăm sóc, nâng đỡ con cái học hành, mạnh tiến trên đường học vấn, như câu ca dao: "… Khó đi mẹ dắt con đi/ Con thi trường học, mẹ thi trường đời". Tinh thần hiếu thảo đối với mẹ cha đã thấm nhuần trong huyết mạch của tổ tiên ta, từ đời này sang đời khác, thế hệ này đến thế hệ kia, trước sau rất trọng ơn nghĩa công lao của cha mẹ: Mẹ ru con ngủ cho yên/ Mai sau con lớn bút nghiên học hành/ Mẹ cha công đức sinh thành...

Tất cả sự yêu thương, dạy dỗ ấy đã khiến ta trưởng thành nên người như hôm nay. Bài thơ của tác giả với những câu từ giản dị, không hoa mĩ, ngắn gọn, hàm súc khiến người đọc không thể không suy nghĩ với những món nợ trong cuộc đời. Nếu như ai đó bảo rằng không bao giờ mắc nợ, thì người đó hẳn không biết nhìn thấu đáo mọi việc, không biết trân trọng những gì được gọi là tình nghĩa, yêu thương.

Câu thơ cuối "Nợ trả dần, lòng thấy thảnh thơi!", như là lời động viên, an ủi chính bản thân tác giả - một con người luôn luôn nặng lòng với những món nợ trần gian. Bài thơ như lời nhắc nhở nhẹ nhàng với những ai chưa một lần đặt câu hỏi "Mình đã nợ cuộc đời này những gì?". Cảm ơn tác giả Cấn Đăng Hải, vì điều đó để hơn một lần nhìn lại mình, biết "trả nợ dần" cho lòng mình thảnh thơi hơn.

                                                                            Nguyễn Duy Cách -Quốc Oai

Tác giả BBT giới thiệu