THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
“Chị tôi”- Một bài thơ chan chứa thế tình
25-08-2012
im12831072881.jpg  Đến với bài thơ yêu thích

Chị tôi

 

Thẫn thờ ngồi nhặt nắng vàng rơi

Kỷ niệm Trường Sơn vẫn để đời

 Gối chiếc chăn đơn, tình vắng lạnh

Môi phai má lạt, sắc tàn vơi

Ước mong làm vợ nôn nao ruột

Thèm khát ru hời héo hắt môi

Chấp chới cánh cò chao bãi vắng

Vai gầy gánh nặng, nặng nhân đôi.

 

     Đọc bài thơ “Chị tôi”, từ ngôn ngữ đến nhạc điệu, đến cái trường – tâm – trạng của bài thơ dễ khiến cho người ta tưởng đây là thể thơ tự do, thế mà nó lại là một bài thơ luật.

      Tôi thích đọc bài thơ này.

    Hai câu đầu của bài thơ nêu rõ cái duyên cớ để “Chị tôi” phải có tâm tư:

Thẫn thờ ngồi nhặt nắng vàng rơi

Kỷ niệm Trường Sơn vẫn để đời…

    “Chị tôi” hẳn đã luống tuổi rồi. Trước cảnh chiều tà cô quạnh, chị tiếc thời gian trôi nhanh, chị cố làm một cái điều vô vọng “nhặt nắng vàng rơi”, cố níu kéo kỷ niệm tháng năm xưa ở Trường Sơn cùng đồng đội gỡ bom, thông đường cho đoàn quân ra trận. Cái kỷ niệm ở Trường Sơn ngày ấy có thể là kỷ niệm những ngày chịu đựng canh măng cơm sắn, có thể là kỷ niệm một chút tình thoáng gặp với câu thề chờ đợi trăm năm…

      Nhưng tất cả là đã lỡ làng!

    Cái duyên cớ để “chị tôi” sinh ra nỗi niềm chính lại làm cho bài thơ rất nên duyên. Câu thứ ba, thứ tư của bài thơ đã cực tả cái tình thực của “Chị tôi” trong thời hậu chiến:

… Gối chiếc chăn đơn, tình vắng lạnh

Môi phai má lạt, sắc tàn vơi…

       Sau những năm tháng ở rừng thiêng nước độc, thì bao nhiêu xuân sắc “Chị tôi” đã hiến dâng cho nền độc lập tự do; cho niềm tự hào dân tộc. Cặp từ “gối chiếc” // “ chăn đơn” đem sánh đối với cặp từ “ môi phai” // “ má lạt” đã làm cho tình người, tình đời nó réo lên diết da, đố ai cầm lòng cho được.

     Nếu câu thứ ba, thứ tư là tả cái tình cảnh lỡ làng của “ Chị tôi” thì câu thứ năm, thứ sáu lại là thể hiện cái tài của người tự sự:

… Ước mong làm vợ nôn nao ruột

Thèm khát ru hời héo hắt môi …

      Cứ chiếu theo từng con chữ ở câu ba, câu bốn thì “chị tôi” chưa thật lão; những con chữ ấy nó đã dọn đường cho câu năm câu sáu, làm vang lên trong cõi nhân tình, làm rộ lên sự “ước mong” “thèm khát” làm cháy lên ngọn lửa “ thiên chức” trong tâm khảm “chị tôi”.

       Tôi nghe nói, mỗi người đều có một cái số mệnh. Tôi muốn bổ sung thêm: vật vĩ mô có cái mệnh của vật vĩ mô, vật vi mô có cái mệnh của vật vi mô. Thế thì, mỗi bài thơ cũng có cái mệnh số riêng của nó. Cái mệnh của một bài thơ luật thất ngôn bát cú nằm ở câu bảy, câu tám. Bài thơ có thọ được hay không chính do ở hai câu kết. Từ cái tứ thơ nhặt nắng dẫn đến chuỗi hình ảnh gối chiếc, môi phai, dẫn đến niềm riêng, “thèm khát ru hời” nó đã dồn dập gõ vào tâm ta, thì bỗng nhiên đến câu thứ bảy thứ tám bài thơ lại lắng đọng, chìm sâu với một chuỗi hình ảnh đến nao lòng:

…Chấp chới cánh cò chao bãi vắng

Vai gầy gánh nặng, nặng nhân đôi.

    Bao nhiêu hy vọng của “chị tôi”, nay thời gian đã phũ phàng biến thành cánh cò chấp chới. “Chị tôi” nay cuối ngày chỉ còn có tần tảo nơi đồng khô, bãi vắng. Cặp hình ảnh vai gầy // gánh nặng đối nhau đã làm nhân đôi sự vất vả, cô đơn của “chị tôi”.

   Từ cái duyên cớ, cái tình, cái tài của bài thơ, đến hai câu kết của bài thơ, tôi đoán rằng, bài thơ sẽ có một mệnh số trường thọ trong lòng nhiều bạn đọc.

     Tôi xin được thưa thêm. Trong thơ xưa, người ta thường cám cảnh về nỗi niềm của người chinh phụ (người vợ có chồng đi chinh chiến).

Như trong “Chinh phụ ngâm”Của Đoàn Thị Điểm:

Nay một thân nuôi già dạy trẻ

Nỗi quan hoài mang mẻ xiết bao…

     Như Trương Cửu Linh trong bài “Tự quân chi xuất hĩ” (Từ thuở chàng đi) do Ngô Tất Tố dịch thuật:

Từ ngày chàng bước chân đi

Cái khung cửi dệt chưa hề dúng tay.

     Nhưng ở đây, Đỗ Thị Hòa, tác giả bài thơ “Chị tôi” lại khắc họa nỗi niềm của chị thanh niên xung phong, đã đem cả một thời xuân đi phá bom, mở đường cho sự nghiệp thống nhất non sông. Những nữ TNXP ấy đã trực tiếp góp phần tạo cho bao nhiêu đôi lứa, còn mình thì “nhặt nắng vàng rơi” chờ cho cạn ngày, cạn tháng… 

   Đọc xong bài thơ, tôi cam đoan sẽ không ai vô cảm được; ai cũng biết xót thương, ai cũng đều biết đến một điều, vì sao ta có được cuộc sống này…

                                                                                    Nguyễn Văn Thụ

                                                                       Chủ nhiệm CLB thơ Đường TTVH Hà Nội

 

Tác giả NVT - Hà Nội