THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Lũng Cú - Điểm hẹn du lịch hấp dẫn khách thập phương
01-09-2012
Cọt cơ Lung Cú.jpg 

Đọc lại bài thơ đường luật “Lũng Cú”

                                                                       

                                  Lũng Cú

Chiều nghiêng  dốc  đứng nắng cheo leo

Lắt lẻo ngàn trùng lộng gió reo

Lũng Cú chông chênh nhô đỉnh núi

 Yên Minh vắt vẻo trải lưng đèo

 Tung bay cờ đỏ lừng biên giới

 Lồng lộng vàng sao rộn bản Mèo

 Em gái Hơ- Mông đầy sức sống

 Môi hồng, má mịn, mắt trong veo.

                     (Hoàng Thị Ngọc Hồi - Hội viên chiếu thơ Đường Hà Nội)

Lời bình của Nguyễn Duy Cách :

        Chị Hoàng Thị Ngọc Hồi sinh năm 1949, hiện là cán bộ hưu trí ở số nhà 22A, ngõ 337, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội. Vốn yêu thích văn chương nhất là làm thơ, chị sáng tác rất nhiều thể loại thơ, đặc biệt là thơ Đường luật. Chị là một hội viên của Hội UNESCO thơ Đường Việt Nam, CLB Thơ Đường Hà Nội đã có nhiều tác phẩm được in chung ở nhiều tuyển tập. Bài thơ “Lũng Cú” chị viết theo thể Đường luật trên đây, như giới thiệu một điểm hẹn du lịch hấp dẫn khách thập phương. Với đặc điểm địa hình, khí hậu, dân cư và nhất là vị trí địa lý, Lũng Cú ( Hà Giang) được coi là điểm cực bắc của Tổ quốc, là cổng trời, đem đến cho ta nguồn cảm hứng về lãnh địa thiêng liêng, về vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên và con người nơi đây. Đã có biết bao tài liệu phim ảnh, thơ văn viết về Lũng Cú để thể hiện tình yêu, lòng mến mộ của mảnh đất nơi địa đầu của Tổ quốc này. Vẻ đẹp của Lũng Cú trong bài thơ được miêu tả khái quát trong thời điểm của nắng chiều tuyệt đẹp: “Chiều nghiêng đỉnh dốc nắng cheo leo/ Lắt lẻo ngàn trùng lộng gió reo”. Từ trên đỉnh dốc, tác giả mở rộng tầm mắt nhìn toàn cảnh Lũng Cú mà ngây ngất đến nao lòng. Lũng Cú như một bức tranh hùng vĩ tuyệt đẹp trong nắng chiều vàng dịu ngọt như màu mật ong tinh khiết. Ánh nắng gợi lên cả vẻ đẹp về độ cao vời vợi của núi non theo con dốc quanh co, cheo leo như đường lên cõi trời mây tiên cảnh. Cũng chính vì cao ngất đến cheo leo nên ánh nắng như nghiêng theo đỉnh dốc, tạo nên những đường ánh sáng lấp lánh kì diệu như dát vàng, dát ngọc cho miền sơn cước xanh tươi hùng vĩ này. Tác giả được tận hưởng và cảm nhận thấy không gian ngàn trùng đang lồng lộng gió. Gió ngàn như luôn lay động cả rừng cây, len lỏi qua nhưng khe đá, ngọn núi đến tận cùng của vũ trụ, tạo nên âm thanh huyền bí và làm dịu mát lòng người bởi sự trong lành đến tột cùng của trời đất ở nơi  này. Tâm hồn tác giả cũng trở nên thanh thoát, nhẹ nhõm, hồn nhiên bao la cùng vũ trụ. Hai câu thực khắc họa  hai mảng nổi tiếng của Lũng Cú là vẻ đẹp của núi non và vẻ đẹp của những ruộng bậc thang ở huyện Yên Minh: “Lũng Cú chông chênh nhô sườn núi/ Yên Minh vắt vẻo trải lưng đèo”. Từ láy “chông chênh” đầy sức tạo hình, gợi vẻ đẹp hùng vĩ của đỉnh Lũng Cú như một điểm nhấn. Một dấu ấn địa lý điểm cực bắc của Tổ quốc. Vượt lên độ cao của  muôn trùng ngọn núi đá cao chót vót là đỉnh Lũng Cú có lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió và phía bên kia là lãnh địa của nước láng giềng Trung Quốc. Phóng tầm mắt về phía bên này của Lũng Cú là khu vực ruộng bậc thang của huyện Yên Minh. Đây là một bức tranh đẹp nổi tiếng của Hà Giang do bàn tay con người nơi đây tạo dệt nên. Từ láy tạo hình “vắt vẻo” gợi vẻ đẹp của ruộng bậc thang cả về độ cao, hình dáng uốn lượn trên triền núi rất hấp dẫn. Vào mùa lúa chín, màu vàng tươi và hương thơm của lúa bay theo gió đến khắp đại ngàn làm ta ngây ngất không nguôi... Rồi, ta bất chợt nhận ra Tổ quốc mình sao mà đẹp đến thế! Dường như miền đất này chính là nơi hội tụ vẻ đẹp hùng vĩ và quyến rũ nhất thế gian mà lần đầu tiên ta mới nhận ra. Và, ta sẽ thấy thật tiếc nếu như chưa có dịp được đến với mảnh đất địa đầu này, rưng rưng nhớ đến câu chuyện năm xưa Bác Hồ sau bao năm bôn ba khi trở về Tổ quốc. Chính Bác đã đặt chân lên mảnh đất vùng biên giới của Cao Bằng - Hà Giang với bao cảm xúc dâng trào. Trong đó, ngoài khát khao trở về còn có niềm xúc động trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước.

        Lên đến đỉnh Lũng Cú là ta có thể thực hiện lòng nguyện ước được ngắm, được chạm tay vào chân cột cờ để cảm nhận, cảm xúc yêu nước sâu sắc: “Tung bay cờ đỏ lừng biên giới/Lồng lộng vàng sao rộn bản Mèo”. Dẫu hình ảnh lá cờ Tổ quốc đã trở thành vô cùng thân thuộc với ta. Lá cờ Tổ quốc nhà ai cũng có và từng treo vào dịp Quốc khánh, ngày lễ tết... nhưng phải được tận mắt chiêm ngưỡng cột cờ Tổ quốc sừng sững như một pháo đài bất khả xâm phạm, lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió trên miền đất cực bắc này ta mới thấy bồi hồi, xúc động hơn bao giờ hết. Lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc mà ngàn đời nay cha ông ta phải đổi bằng xương máu. Lá cờ Tổ quốc là bức thông điệp của cuộc sống yên bình trên đất nước ta... Lá cờ Tổ quốc như lời nhắc nhở chúng ta phải biết trân trọng và giữ gìn thành quả cách mạng của dân tộc... Lá cờ Tổ quốc là niềm tự hào của mỗi chúng ta... Âm thanh tiếng sáo Mèo rộn rã, ngân nga, vắt vẻo theo sườn núi bay bổng lên tận cùng của cõi hư không, hòa quyện với gió và hòa quyện vào hình ảnh lá cờ Tổ quốc đang tung bay trên đỉnh Lũng Cú như một thông điệp đẹp đẽ của cuộc sống yên vui, hạnh phúc đến với khắp bản làng miền biên cương cheo leo núi đá này. Tiếng sáo Mèo như nói lên tình yêu của con người nơi đây luôn gắn bó với mảnh đất thiêng liêng, gắn bó với thiên nhiên tươi đẹp ở vùng đất nơi này.

       Từ hình ảnh của thiên nhiên, hình ảnh cột cờ, vẻ đẹp của con người Lũng Cú hiện lên thật đẹp đẽ trong phần kết: “Em gái Hơ Mông đầy sức sống/ Môi hồng, má mịn, mắt trong veo”. Mảnh đất địa đầu cực bắc Tổ quốc là vùng đất của chè Shan, rượu mật ong và của những nét văn hóa truyền thống đặc sắc các dân tộc Mông, Lô Lô, Giáy, Hơ Mông... Nơi đây còn là xứ sở của đào phai, hoa lê, tuyết trắng vào mùa xuân và náo nhiệt trong buổi chợ phiên. Thiên nhiên nơi này đã tạo nên những nét đẹp riêng đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa. Từ xưa, dân gian đã từng có câu ca ngợi “Chè xứ Thái - gái Hà Giang”. Quả thật, miền đất Hà Giang sơn thủy hữu tình, khí hậu trong lành với sản vật độc đáo đã sinh ra những chàng trai cô gái rất đẹp và khỏe mạnh.Vẻ đẹp của cô gái Hơ Mông tình cờ lọt vào ống ngắm của nghệ sĩ và vào tầm ngắm của du khách, là một ví dụ nhỏ đủ để nói lên vẻ đẹp của mảnh đất và con người nơi đây. Ta có thể bắt gặp hình ảnh cô gái đó trong buổi chợ phiên, trên con dốc cheo leo hoặc trên nương lúa… Dù chỉ gặp một lần nhưng khó ai có thể quên được. Tác giả đã phải thốt lên ca ngợi “đầy sức sống” như một vẻ đẹp độc đáo rất riêng chỉ có ở miền sơn cước trong lành này. Một vẻ đẹp tự nhiên vốn có không cần trang điểm hay bất cứ biện pháp thẩm mỹ nào. Đẹp hơn cả, ấn tượng hơn cả không phải là cặp môi hồng, làn da hồng hào trắng mịn, mà là vẻ đẹp của đôi mắt trong veo. Một vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng đến ngỡ ngàng của cô gái Hơ Mông. Vẻ đẹp đó như một sự khẳng định cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp tính cách của con người ở nơi này. Đó cũng là sự khẳng định cho sức sống trường tồn của vùng đất địa đầu của Tổ quốc.

        Gói gọn trong tám câu thơ Đường thi, dẫu không thể nói được nhiều hơn về những vẻ đẹp đa dạng, phong phú của Lũng Cú - Hà Giang, nhưng tác giả cũng đã gợi lên những nét chấm phá một cách đặc sắc, cô đọng về vẻ đẹp của đất và con người nơi đây. Đặc biệt, bài thơ còn đem đến cho ta những cảm xúc đẹp đẽ khi đến với Lũng Cú.

 

Nguyễn Duy Cách

Xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Thành phó Hà Nội

Điện thoạ : 0948245755

 

Tác giả NDC - Hà Nội