THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Thành phố non cao”Một thi phẩm mang âm điệu thơ bay bổng, lãng mạn Của Nguyễn Đại Lượng
08-03-2013
Dà Lạt.jpg 

Lời bình của Nguyễn Duy Cách:

Bao giờ trở lại chốn sương mờ

Thành phố non cao cảnh mộng mơ

Nước biếc non xanh tươi bức vẽ

Mây hồng hoa tím thắm tranh tô

Lang Bi…  đỉnh núi hòa mây trắng

Trai gái Thung khe  quyện bến tơ

Hạ bút ghi lòng bao nỗi nhớ

Đôi dòng cảm xúc họa nên thơ.

                                                                       Nguyễn Đại Lượng

                                             (Nguyên Giám đốc Công ty BVNT Đông Đô đã nghỉ hưu)

        Đà Lạt là thành phố du lịch, một thành phố mộng mơ nằm trên cao nguyên Lâm Đồng, có khí hậu ôn hòa và địa hình cảnh quan thiên nhiên rất phong phú và thật đẹp. Khách thơ đến thăm Thành phố Đà Lạt không thể không có thơ viết về thành phố này. Bài thơ “Thành phố non cao” là một sáng tác mới đây của tác giả Nguyễn Đại Lượng sau một chuyến đi thăm quan thực tế ở Đà Lạt trở về. Bài thơ viết theo thể Đường luật bát cú, cấu trúc chặt chẽ. Đây là một tứ thơ khá hay với ngôn ngữ và âm điệu thơ bay bổng, lãng mạn của một hội viên mới của Chiếu thơ Đường Hà Nội.

        Bài thơ được viết theo dòng hồi tưởng, khát khao lại muốn được trở lại thăm Đà Lạt. Hai câu đầu thể hiện rất rõ tâm trạng ấy: “Bao giờ trở lại chốn sương mờ/ Thành phố non cao cảnh mộng mơ”. Cụm từ “Bao giờ trở lại…” gợi nét đẹp tâm hồn của nhà thơ rất yêu mến cảnh quan vùng đất Đà Lạt. Vẻ đẹp của Thành phố nơi này thật quyến rũ lòng người, khiến ai đã đến rồi lại muốn đến mãi. Đà Lạt huyền ảo, thanh lọc tâm hồn, đem đến cho ta những phút giây thăng hoa, thi vị và cảm thấy thật ý nghĩa khi được sống lao động và làm việc, được đi du ngoạn để chiêm ngưỡng trong cuộc đời của mỗi con người.

        Hai câu thực là bức tranh toàn cảnh của Đà Lạt: “Nước biếc non xanh tươi bức vẽ/ Mây hồng hoa tím thắm tranh tô”. Với một loạt hình ảnh đối xứng, liệt kê phác họa bằng những gam màu rất đặc trưng, một bức tranh thơ sơn thủy hữu tình về Đà Lạt được vẽ lên thật sống động và có hồn, ngỡ như cảnh bồng lai mà tạo hóa đã ưu ái cho nơi đây. Nổi bật trong bức tranh thiên nhiên của Đà lạt là màu xanh biếc của mặt hồ trong veo như in cả bầu trời xanh hòa cùng với nước. Tiếp theo là màu xanh tươi hùng vĩ của đồi núi như chiếc áo thần tiên êm đềm, dịu mát khắp cả một vùng cao nguyên lộng gió. Màu xanh của nước, màu xanh của rừng cây, của những đồi thông và màu xanh của núi, của trời hòa lẫn với màu hồng của những áng mây lững lờ trôi trong ráng chiều. Ở dưới là màu sắc rực rỡ của những vườn hoa vốn đã rất nổi tiếng của Đà Lạt. Tất cả như dệt nên cho nơi này như một cảnh thiên đường mơ ước.

     Bức tranh thơ mộng của Đà Lạt càng đẹp và quyến rũ hơn bởi: “Lang Bi … đỉnh núi hòa mây trắng/ Trai gái thung khe quyện bến tơ”. Hai câu thơ luận miêu tả tinh tế. Cả hai câu đối xứng khá đẹp. Câu thứ nhất gợi lên vẻ đẹp của độ cao hùng vĩ của đỉnh núi Lang BiAng. Một ngọn núi đẹp nổi tiếng của Đà lạt mang vẻ đẹp huyền thoại với mây trắng quấn quanh đỉnh núi như dải lụa của tiên sa. Theo truyền thuyết thì đó là chuyện tình sử của một đôi trai gái yêu nhau là chàng Lang và nàng BiAng nhưng không thành, sau người ta thường gọi là đỉnh núi này là đỉnh núi Lang BiAng. Câu dưới gợi lên vẻ đẹp của độ sâu trong thung lũng, khe núi vừa thâm sâu, vừa gợi tình như bến mơ rất hợp với nơi hẹn hò, yêu đương lãng mạn của những đôi uyên ương. Cảnh đẹp ở đây như giăng tơ tình, lưới yêu nên du khách gọi đó là “Thung lũng tình yêu”. Vẻ đẹp của Đà Lạt không phải là vẻ đẹp của chốn tu hành, lánh tục, mà là vẻ đẹp gợi tình yêu của những đôi trai thanh, gái lịch. Không gian đẹp đẽ đến nao lòng như chạm vào dây cảm xúc để kẻ si tình rung lên trong con tim những khát khao được yêu. Cảnh đẹp ở nơi này như đánh thức tình yêu trong mỗi con người, giúp họ tìm thấy cảm giác rất thực của chính mình.

        Cùng theo dòng hồi tưởng của cảm xúc, cảm hứng thơ tuôn trào trong lòng tác giả: “Hạ bút ghi lòng bao nỗi nhớ/ Đôi dòng cảm xúc họa nên thơ”.  Hai câu kết phảng phất lời thơ của cụ Nguyễn Khuyến trong bài thơ “ Thu Vịnh” : “Thi hứng đã toan cầm bút viết/ Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”. Tuy nhiên, phần kết của tác giả được sáng tạo phù hợp với sự thể hiện tâm trạng của nhà thơ. Cảm hứng thơ dâng trào khiến tác giả phải hạ bút viết ngay không sẽ quên mất. Đôi khi thơ chỉ đến bất chợt như quà tặng của đất trời ban cho thi sĩ. 

       Câu thơ kết như một lời tự sự rất hồn nhiên của tác giả thể hiện nét đẹp tâm hồn, tinh tế của nhà thơ. Vẻ đẹp của “Thành phố non cao” Đà Lạt đã được khắc họa thành thơ, mãi là món ăn tinh thần quý giá cho nhà thơ cũng như cho bao bạn đọc khi đến với Thành phố tuyệt đẹp này./.

 

Nguyễn Duy Cách. Hội viên CLB thơ Đường Hà Nội

 Xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội

Tác giả NDC - Hà Nội