THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
ĐỌC LẠI BÀI THƠ “THÚ QUÊ”CỦA NHÀ THƠ ĐỖ TIẾN HIỀN
13-02-2013
Đòng que.jpg Có phải cuộc sống nên thơ nhất và những bài thơ hay nhất thường được các thi sĩ viết về những thú quê ?

Ở chốn thôn quê mộc mạc, dân dã gắn bó với người dân Việt Nam từ bao đời nay, có biết bao nhiêu niềm vui, niềm hạnh phúc được nhen lên từ những thú quê bình dị nhất. Nhà thơ Đỗ Tiến Hiền đã phát hiện và tìm thấy thi hứng từ chính “Thú Quê” mà ông đã viết:

Đun ấm chè tươi, nướng củ khoai

Trên đời ai dễ sướng hơn ai

Chè tươi pha đặc, thơm và mát

Khoai nướng lùi gio, ngọt lại bùi

Đằng hắng sai con mang điếu hút

Lom khom ngả chõng đón trăng ngồi

Xin đừng quạt nguội mà bay hết

Hương khói thơm tho của đất trời.

                                         (Rút trong tập “Cung Đàn Xưa”. NXB Hội Nhà Văn Việt Nam

của cố nhà thơ Đỗ Tiến Hiền)

         Chọn thể thơ Đường luật tám câu, nhà thơ Đỗ Tiến Hiền đã thể hiện một cách cô đọng, súc tích bằng những hình ảnh, ngôn từ chọn lọc, vừa gợi tả, vừa gợi cảm.

         Hai câu mở, nhà thơ giới thiệu cái thú quê bằng gợi lên hai sự việc vốn đã là nét đẹp ở chốn làng quê Việt Nam: “Đun ấm chè tươi, nướng củ khoai” và kèm theo là lời tâm đắc: “Trên đời ai dễ sướng hơn ai”, đã gói gọn bao tình ý và cả triết lý sống.

         Hai câu thực vừa gợi tả vừa gợi yếu tố tự sự theo phép đối xứng thật chỉnh: “Chè tươi pha đặc, thơm mà mát/ Khoai nướng lùi gio ngọt lại bùi”. Nước chè tươi hay nước lá vối – đặc biệt là chè tươi – một thứ nước uống hàng ngày không thể thiếu ở vùng đồi vùng quê Phủ Quốc Xứ Đoài nói riêng và vùng nông thôn cả nước nói chung. Không biết làng quê nông thôn ở các vùng miền trong cả nước thế nào, chứ vùng nông thôn ở huyện Quốc Oai là một vùng đất rất chuộng uống chè tươi, thậm chí dùng chè tươi cả trong các ngày cưới, lễ tết. Nhất là vùng đồi chè ở Yên Thái, xã Đông Yên, Quốc Oai, lá chè được hái từ cây chè lâu niên trồng trên vườn đồi, lá nhỏ răng cưa, dày và xanh đậm. Đứng trong vườn đồi chè tươi đã có cảm giác thơm mát lạnh, nhẹ nhõm lạ thường. Người dân vùng này thường chọn hái lá chè vừa độ ngon nhất, rửa sạch, nước trong ấm để hãm pha chè là loại nước mưa hoặc nước giếng đá ong được đun sôi sùng sục, rồi vò dập lá chè bỏ vào ấm sao cho vừa độ đậm đặc. Nước chè tươi xanh trong khi rót ra, tỏa hương nghi ngút thơm ngon quyến rũ, uống vào thấy tỉnh táo và khỏe mạnh. Tác giả thưởng thức chè đã miêu tả rất chính xác: “Chè tươi pha đặc thơm mà mát”. Người dân nông thôn ở nơi đây, không có mấy nhà là không dùng chè tươi để dùng cho cả nhà, vừa để mời khách quý và bà con chòm xóm khi đến chơi nhà, cùng ngồi uống chè và đàm đạo việc nhà nông. Bát nước chè tươi còn thay cho cả “Miếng trầu là đầu câu chuyện” làm cho tình quê thêm đầm ấm, vui tươi. Người quanh vùng thường truyền nhau câu thành ngữ: “Chè Yên Thái, gái Đông Yên” quả không sai. Chè tươi ở vùng này không chỉ là thứ nước uống giải khát, mà còn là thứ thuốc Nam bổ mát và làm đẹp da thịt. Chính vì thế mà ở Đông Yên, chị em phụ nữ nào cũng da trắng hồng rất đẹp. Nướng khoai ở đây cũng là một thú quê đầy thi vị của làng quê. Từ xưa, người dân thôn quê với bếp lửa đơn sơ đã biết tận dụng than củi, tro bếp đang còn đỏ hồng để nướng khoai, nướng sắn. Tác giả không hề nói dối mà rất thật “Khoai nướng lùi gio, ngọt lại bùi”. Đúng là khoai nướng thơm ngon hơn khoai đem luộc. Nhà thơ cũng quá quen thuộc tận hưởng thú vui ấy với người dân ở thôn quê, nên rất tường tận từ việc chọn khoai, cách lùi gio nướng khoai cho đến khi bới khoai ra sao cho vừa lúc khoai chín thơm nức, khi ăn cảm nhận hương vị ngọt bùi khoai nướng của làng quê. Đặc biệt ở vùng đồi đất Yên Thái – Đông Yên còn có loại giống khoai lang ngon, củ to tròn, rất nhiều bột. Khi nướng chín có hương vị ngọt bùi thật lạ kỳ. Ở đây, ta cảm nhận thấy có cả hương vị ngọt bùi của cuộc sống chốn làng quê, vị ngọt của tình người thôn quê: mộc mạc, chất phác, đôn hậu. Có lẽ đó mới là hương vị quê hương thẩm thấu trong thú vui ẩm thực, trong tâm hồn quê hương của nhà thơ.

        Đến hai câu luận, tác giả khắc họa chân dung tâm trạng của thi sĩ: “Đằng hắng sai con mang điếu hút/ Lom khom ngả chõng đón trăng ngồi”. Từ “đằng hắng’ được đảo lên đầu câu thơ gây ấn tượng và cảm xúc thật đẹp làm sao! Cái tiếng “đằng hắng” nghe sao mà dân dã, quen thuộc – đó là tín hiệu của người đang tâm đắc, đang cao hứng khi tận hưởng thú vui của làng quê. Tiếng “đằng hắng” ấm áp của mái ấm gia đình có già, có trẻ đang đoàn tụ bên nhau. Ngay sau tiếng đằng hắng như hiệu lệnh ấy, người cha sai con nhớ mang điếu cho cha hút thuốc lào, tiếp tục tận hưởng thú quê trong cảm giác bay bổng, lâng lâng, thơm tho đặc trưng của làn khói thuốc lào được rít sâu trong chiếc điếu cày, rồi thong thả nhả ra làn khói trắng cuộn tròn lên không trung, mắt lim dim khoan khoái như tự thưởng cho mình thú vui.

        Sau khi tận hưởng niềm vui ấy, nhà thơ nhàn nhã “lom khom” ngả mình trên chiếc chõng tre mộc mạc để tiếp tục thưởng ngoạn “đón trăng ngồi”. Từ thú vui trần tục, con người hướng tới thú vui tinh thần và không cần phải đi đâu xa, ngồi ngay trên chiếc chõng tre của ngôi nhà tranh mộc mạc, thi sĩ có thể thả hồn vào gió trăng để ngắm cảnh làm thơ, thật tuyệt diệu biết bao! Trong cuộc sống còn có những xô bồ, bon chen, đâu dễ có được cái thú vui nhàn tản, thanh thoát, bình dị đến thế!

        Trong giây phút thăng hoa cùng thú quê, cùng đất trời, thi sĩ không quên khéo nhắc nhở con cháu mình: “Xin đừng quạt nguội mà bay hết/ Hương khói thơm tho cửa đất trời”. Câu thơ mới hay làm sao! Thi vị làm sao! Nó như vừa dặn dò, vừa như lời thỉnh cầu thật nhẹ nhàng, hiền hậu mà ý nghĩa sâu xa. Nhà thơ khéo nhắc con cháu mình đừng quạt nguội mà làm mất đi hương vị của chè, của mùi khoai nướng thơm bùi, mất đi thú vui của mình đang tận hưởng khoái lạc cõi đất trời, khoái lạc quê hương, khoái lạc bên hạnh phúc vợ con đầm ấm! Phải chăng, nhà thơ Đỗ Tiến Hiền còn gửi vào ngầm ý sâu sắc cho các thế hệ con cháu, đừng bao giờ làm mất đi niềm hạnh phúc bình dị, nguồn vui bình dị và mộc mạc của quê hương. Người đọc không khỏi giật mình cho lời kết của bài thơ sao mà sâu sắc thế!

                                                                                  Nguyễn Duy Cách

                                                                      (Hội viên CLB thơ Đường Hà Nội)

Tác giả Nguyễn Duy Cách - Hà Nội