THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Đến với bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh
09-02-2014
(1)choi.jpg  Xin giới thiệu

ĐẾN VỚI BÀI THƠ “NGUYÊN TIÊU” (RẰM THÁNG GIÊNG) CỦA HỒ CHÍ MINH

 

Thi sĩ là người tình của thiên nhiên”. Với vẻ đẹp tự thân phong phú và kì diệu, thiên nhiên đã ừa vào những trang thơ dưới đôi mắt “xanh non”; “biếc rờn”, dào dạt đắm say của người nghệ sĩ; và vì thế thiên nhiên “đẹp hai lần”. Là một nhà cách mạng, suốt đời hoạt động cho độc lập tự do dân tộc; Người chưa bao giờ coi mình là nhà thơ, là người nghệ sĩ; nhưng với tâm hồn nhạy cảm, tinh tế với những vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời... Vì thế bên cạnh sự nghiệp cách mạng; Người còn để lại nhiều bài thơ về thiên nhiên đẹp làm đắm say bao thế hệ người yêu thơ. “Nguyên tiêu” (Rằm tháng giêng) được xem là một trong những bài thơ hay – một thi phẩm mang đậm phong vị Đường thi và vẫn thấm đẫm cảm quan hiện đại của một người chiến sĩ Cách mạng...

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

Nhà thơ Xuân Thủy dịch như sau:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

Từ xưa đến nay, vầng trăng thiên nhiên vẫn thế. Trước Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi đã có những câu thơ hay về trăng:

“Đêm qua trăng sáng trời tựa nước

Chiêm bao cưỡi hạc tới thiên cung”

Trăng trong thơ Bác mang một phong vị riêng; vừa cổ điển vừa hiện đại; một vẻ đẹp quyến rũ tình đời, tình người... Nhà thơ Xuân Thủy kể lại: đầu năm 1948, Bác chủ trì Hội nghị Trung ương mở rộng, nhằm vạch ra phương hướng và nhiệm vụ mới cho một giai đoạn phát triển của Cách mạng Việt Nam. Sau cuộc họp, Bác xuôi thuyền về căn cứ. Nhân trăng sáng, cảnh đẹp, Bác cảm hứng viết bài thơ này, chính phút thi hứng đó, Người để lại một viên ngọc đẹp giữa núi rừng Việt Bắc – Nguyên Tiêu.

“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên”

Câu thơ đầu tiên như một câu kể đơn thuần, không dùng những từ ngữ hoa mĩ; nhưng chính sự mộc mạc, giản dị ấy, cái hay của ý thơ được biểu lộ. Nguyên tiêu là lúc ánh trăng đang ở thời kì viên mãn, tràn đầy nhất. Câu thơ thứ nhất như một “bản lề” mở ra một không gian bát ngát đến vô cùng, vô tận. Không gian rộng lớn ấy như muốn tràn ra lai láng qua khuôn khổ chật hẹp của câu chữ. Tuy nhiên khi dịch thơ, nhà thơ Xuân Thủy đã thêm vào chữ “lồng lộng” mà làm mất đi chữ “chính viên”. Ở đây, Bác chỉ kể mà không tả, để cảnh vật tứ nói lên tất cả. Cái đẹp của Cảnh khuya, của trăng đã nằm trong sự khẳng định “chính viên”. Không gian là “kim dạ”; thời gian là “nguyên tiêu”; cảnh vật là “nguyệt chính viên”. Tất cả hài hòa, đan xen vào nhau, tạo nên bức tranh đặc sắc, mang phong vị Đường thi, nhưng vẫn rất hiện đại...

“Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên”

Từ sự mộc mạc của câu thơ đầu tiên, câu thơ thứ hai đột ngột bừng sáng với sự xuất hiện của ba từ “xuân”. Ba từ “xuân” hòa vào nhau là cho khung cảnh bao phủ một sắc xuân ngập tràn, sức sống bừng lên toàn vũ trụ. Đêm chiến khu 1948 ấy, xuân dường như chảy dài theo dòng sông, lan rộng cùng mặt nước và vút lên trời cao để rồi ta nhận ra trong đó một thi hứng đẹp và trong trẻo...

“Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”

Nhà thơ Xuân Thủy khi dịch câu thơ này đã làm mất đi một chữ “xuân”, và Bác nhận xét: “Dịch lưu loát, giữ được chất thơ nhưng dòng thứ hai có ba chữ xuân hòa với nhau mà bản dịch chỉ có hai chữ “xuân”, thế là đủ ý mà chữ còn thiếu”. Trong nguyên tác, động từ “tiếp” mà Bác sử dụng cũng là một điểm nhấn của hình thức nghệ thuật, thế nhưng nhà thơ Xuân Thủy đã không đưa vào bản dịch mà thay vào đó là chữ “lẫn”. Dẫu đã phản ánh được phần nào sự hài hòa, ngập tràn của xuân nhưng thu hẹp không gian và làm giảm hiệu quả nghệ thuật của bài thơ. “Tiếp” là sự nối liền, tạo ra không gian rộng lớn, trải dài từ sông nước vút lên trời cao, gợi nên cảm giác sức xuân dâng đầy cả đất trời...

Thơ là tiếng nói của trái tim cảm xúc, của những cung bậc tình cảm xôn xao trước hiện thực của nhà thơ. Mỗi bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau mà hiện thực được soi chiếu, cảm nhận bằng thế giới tâm hồn, nên nó tạo ra tính đa dạng, phong phú trong những bài thơ hay của Bác. Con người dù ở trong hoàn cảnh, địa vị nào cũng có thể đến được với trăng – cái đẹp của muôn đời, không một rào chắn nào ngăn cản được. Tuy nhiên, làm được điều ấy không phải dễ, cần vượt lên hoàn cảnh, ung dung, chủ động như Người mới hiểu hết được ý nghĩa, giá trị của thiên nhiên và cuộc sống ban tặng cho loài người. Bác là người không phải sống cho mình mà cho lẽ phải trên đời, cho hàng chục triệu con người đang khao khát ánh sáng tự do. Yêu nước, muốn cứa nước, nên suốt thời gian làm việc ở chiến khu Việt Bắc, Bác luôn bộn bề công việc. Mặc dù việc quân việc nước bận rộn, nhưng thiên nhiên luôn được Bác dành tình cảm đặc biệt

“Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lại nguyệt mãn thuyền”

Chất ảo của thiên nhiên và chất thực của cuộc sống đã hòa quyện lại làm một. Nét đẹp tươi, bừng sức sống của chiến khu Việt Bắc đã làm phông nền cho cuộc “đàm quân sự”. Chất thơ dào dạt nhưng không thiếu chất đời trong đó. Câu thơ thứ ba mang đậm không khí vừa “cổ” vừa “kim”. “Yên ba” rất gợi; “thâm xứ” rất đắt, gới nhớ đến câu thơ của Thôi Hiệu đời Đường “Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Cảnh vật mờ ảo đầy sức gợi nhưng vẫn lột tả được hiện thực – “đàm quân sự”. Bức tranh núi rừng Việt Bắc đẹp quyến rũ, thế nhưng con người không đắm chìm vào thiên nhiên mà tận hưởng. Đằng sau mà sương khói mờ ảo, kín đáo ấy là nơi mà những nhà Cách mạng đang “đàm quân sự”, đang trao đổi những điều có tính chất sống còn của Tổ quốc, dân tộc...

“Giữa dòng bàn bạc việc quân”

Đáng tiếc, bản dịch thơ lại quá rõ ràng, chính xác, không kích thích trí tưởng tượng của người đọc và làm mất đi lớp sương khói vấn vương trong câu thơ. Chỉ trong 7 chữ, mà câu thơ của Bác chứa đựng cả vẻ đẹp cổ điển lẫn hiện đại, cả lãng mạn lẫn hiện thực. Cái đẹp của cuộc đời không thể mâu thuẫn với chính trị. Không gian là cõi mơ, nhưng người trong không gian lại tỉnh để bàn việc quân. Để rồi, ngay sau phút bàn việc quân, nhà quân sự bước ra khỏi mui thuyền, gặp ánh trăng bát ngát và biến thành thi sĩ:

“Dạ bán quy lại nguyệt chính viên”

Nhà thơ Xuân Thủy đã dịch rất thành công: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Còn gì đẹp hơn một con thuyền chở đầy ánh trăng! Thuyền chở người và thuyền chở cả trăng. Sáng ngời, bao la trong niềm lạc quan, yêu đời phơi phới của người thi sĩ, chiến sĩ Hồ Chí Minh.

Ai cũng biết trăng và thơ luôn là hai người bạn tri kỉ, song hành trong suốt cuộc đời Cách mạng của Người. Đã bao lần, người đọc sửng sốt trước vẻ đẹp lung linh trong thơ của Bác:

“Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

(Cảnh khuya)

“Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe của ngắm nhà thơ”

(Ngắm trăng)

Vẫn là vầng trăng của tình nghĩa nhưng mỗi bài thơ lại có những cảm nhận mới mẻ. Trong “Nguyên tiêu”, trăng mang một điều gì đó thật xúc động, như một người bạn nhẹ nhàng, lặng lẽ tạo nên khoảnh khắc bình yên quý giá trong tâm thức thi nhân.

Cảm hứng trong “Nguyên tiêu” là cảm hứng của niềm vui, hạnh phúc, hi vọng và tin tưởng. Dù chỉ hiện ra trong một khoảnh khắc đêm rằm tháng giêng nhưng lại gợi nên những giá trị thẩm mĩ vĩnh cửu.

Bài thơ là phương tiện giao tiếp nghệ thuật giữa chúng ta – người đọc hôm nay với Bác, để có thể hiểu được một tấm lòng thơ, một nhân cách, một con người đã trở thành huyền thoại. “Nguyên tiêu” là một bức chân dung tinh thần của Hồ Chí Minh – một cái tôi trữ tình nhưng vẫn đậm chất thép, như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết:

“Vần thơ của Bác, vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”

 

Phan Thu Hiền, Lớp 11

Trường THPT Trần Văn Kỷ

 

Tác giả BBT giới thiệu