THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
“TÁM MƯƠI XUÂN” CỦA TÁC GIẢ NGÔ HUY DƯƠNG Một sức sống dẻo dai , và đầy nhiệt huyết với thơ luật Đường
12-05-2013
Cu Duong .F.jpg Chân dung Hai Vợ chồng tác giả Bài thơ

              Năm 2013 này, tác giả Ngô Huy Dương – hội viên Chiếu thơ Đường Quốc Oai – Hà Nội đã bước sang tuổi thượng thọ 80 xuân mà vẫn say sưa sáng tác thơ ca, vẫn rất khỏe mạnh, dẻo dai và minh mẫn. Ông vừa tập hợp gần trăm bài thơ các thể loại, lại được hàng trăm tác giả yêu thơ từ khắp mọi miền của Tổ quốc họa thơ của ông gửi về, để in ấn và phát hành thành thi phẩm “Hương sắc đồng quê” vừa cho ra mắt bạn đọc gần xa, do Nhà xuất bản Văn học cấp phép, trong đó có rất nhiều bài thơ Đường luật khá hay. Một trong số những bài thơ đó là bài Tám mươi xuân” được in đầu tiên trong tập thơ này. Nguyên văn bài thơ đó như sau:

Thoáng thôi tám chục tuổi mai vàng

Thao thức đêm nằm dạ xốn xang

Thời trước bao phen đời bão tố

Giờ đây ngày tháng sống huy hoàng

Đàn con thành đạt đều phương trưởng

Cháu chắt học hành cũng vẻ vang

Gia tộc sum vầy vui hạnh phúc

Cơ ngơi thông thoáng lại khang trang.

 

       Lời bình:     Nhà thơ Đỗ Phủ của Trung Quốc thời Đường đã có câu : “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là người được sống thọ 70 tuổi xưa nay hiếm. Tuy nhiên trong thực tế thời nay, cũng có rất nhiều người may mắn được hưởng tuổi thọ còn cao hơn thế, nhất là cuộc sống thời mở cửa hội nhập quốc tế hiện giờ, người dân có điều kiện để nâng cao mức sống cả về vật chất lẫn tinh thần, đã giúp cho thế hệ người cao tuổi ngày càng tăng thêm tuổi thọ. Bài thơ “Tám mươi xuân” của tác giả Ngô Huy Dương sáng tác khi ông bước vào tuổi thượng thọ 80. Bài thơ ông viết theo thể Đường luật bát cú khá chuẩn, nghệ thuật được diễn đạt bằng phép liệt kê, phép đối, ẩn dụ. Giọng điệu thơ nhẹ nhàng, vui tươi, sảng khoái, chính là cái hồn thể hiện tâm trạng thư thái của tác giả. Ngay từ cái tít đầu bài thơ “Tám mươi xuân” đã thấy nhà thơ tự hào, phấn khởi khi nhìn lại cuộc đời của chính mình - một cuộc đời đầy ý nghĩa và đó là bằng chứng cho hạnh phúc của tuổi già.

Hai câu mở đầu là cảm nhận chung của tác giả về quãng đời đã qua.  Tác giả Ngô Huy Dương chọn hình ảnh ẩn dụ “mai vàng”, tượng trưng cho mùa xuân mới, bắt đầu thêm một tuổi mới, và ông ngỡ ngàng khi nhận ra mình đã được trải qua tám mươi mùa mai vàng nở. Một quãng đời mơ ước của con người mà cụ cảm thấy trôi đi sao mà nhanh thế! Cụm từ “Thoáng thôi…” diễn tả tâm trạng như mơ. Đúng là “Đời ngắn như hơi thở”, vừa mới ngày nào nay đã thành ông lão tám mươi. Hình như nhà thơ còn có sự tiếc nuối cho thời trẻ trung của mình không còn nữa. Có lẽ vậy nên ông luôn “Thao thức đêm nằm dạ xốn xang”. Tuổi già ít ngủ, đêm nằm lắm mộng, nên thường nghĩ ngợi, chiêm nghiệm về đời người. Hai câu thực tiếp theo là điểm nhấn tâm trạng gợi mở chân dung cuộc đời của tác giả: “Thuở trước bao phen, đời bão tố/ Giờ đây ngày tháng, sống huy hoàng”.  Hai câu thực này dựng lên hai cảnh đời đối lập: quá khứ và hiện tại. Quá khứ của tác giả Ngô Huy Dương cũng giống như phần lớn mọi người từng phải trải qua “đầy bão tố”. Đó là ẩn dụ gợi lên những gian nan, thử thách của một thời đã qua. Cũng có người may mắn được hưởng cuộc đời êm ả, nhưng tác giả Ngô Huy Dương thì phải trải qua vô vàn khó khăn trong cảnh hàn vi. Trong quãng đời đầy bão tố ấy, hiện lên chân dung một con người đầy ý chí và nghị lực để xây dựng cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Luật nhân quả chẳng hề sai, khi tác giả Ngô Huy Dương được phúc báo trong hiện tại là cuộc sống được đàng hoàng, no ấm, con cháu thành đạt. Có lẽ, với người khác sẽ là tự mãn, nói quá, nhưng ở đây, ông đã nói thực lòng mình: “Giờ đây ngày tháng sống huy hoàng” - là cuộc sống mơ ước có danh, có giá, có phúc, có lộc vẹn tròn. Một cuộc đời rất hậu mà không phải ai cũng có được. Chắc chắn tác giả Ngô Huy Dương đang được hưởng tuổi già khỏe mạnh, minh mẫn, đủ đầy về con cháu, đủ đầy cả về vật chất và tinh thần. Hai câu luận tiếp theo trong bài thơ này, chính là bức tranh minh họa cho cảnh sống huy hoàng ấy của gia đình ông: “Đàn con thành đạt đều phương trưởng/ Cháu chắt học hành cũng vẻ vang”.

Nếu như phần thực là cảnh sống đối lập thì phần luận là những hình ảnh đối xứng: “Đàn con – cháu chắt” tạo nên bức tranh gia đình thật sung sướng và hạnh phúc biết bao! Đọc hai câu luận này, ta thật mừng cho tác giả Ngô Huy Dương - được đông con nhiều cháu, chắt đã đành, mà con cháu lại đều thành đạt, hứa hẹn tương lai sáng lạn – Một gia đình tứ đại, phúc đức bền lâu, quả là một gia đình lý tưởng về sự thành đạt và thịnh vượng. Phải chăng, đó cũng là phúc ấm của Tổ Tiên và cả đời tu nhân tích đức mới có được. Cảnh sống đó thật ngưỡng mộ và là khát vọng của mọi gia đình trong xã hội ta đang vươn tới. Nhìn nhận lại toàn bộ cuộc đời của mình đã qua, tác giả Ngô Huy Dương vô cùng vui sướng và tự hào: “Gia tộc xum vầy vui hạnh phúc/ Cơ ngơi thông thoáng lại khang trang”.

Không chỉ là cảm nhận về đời mình mà lớn hơn, tác giả Ngô Huy Dương cảm nhận thấy phúc ấm của tổ tiên, trời đất, cũng như thần linh đất nước, đã vun đắp lên cuộc sống hạnh phúc, vững bền với tương lai đang rộng mở trong cuộc sống hòa bình. Cùng với sự đổi đời của muôn triệu gia đình Việt Nam, là sự đổi đời của gia đình nhà thơ Ngô Huy Dương. Cảnh nhà tranh vách đất, cảnh nghèo đói thất học không còn nữa, mà thay vào đó là những ngôi nhà kiên cố, khang trang, thoáng mát, sạch sẽ, với tiện nghi sinh hoạt thuận lợi, con cháu được học hành nên người. Vui hơn nữa, là cháu con gia đình nhà thơ luôn nhớ tới tổ ấm gia đình, luôn giữ gìn và phát huy truyền thống nền nếp gia phong, đạo lý uống nước nhớ nguồn để có được cảnh xum vầy hạnh phúc đầy mơ ước. Tuổi già được hưởng thái bình, được an nhàn, đầm ấm bên con cháu, được hòa nhập cùng cộng đồng với những buổi sinh hoạt trong Hội người cao tuổi, trong các Câu lạc bộ thơ, trong những buổi thăm hỏi, dạo chơi du ngoạn danh lam thắng cảnh… thật hạnh phúc biết nhường nào!

Bài thơ “Tám mươi xuân” của nhà thơ Ngô Huy Dương với ngôn từ tinh tế, giàu hàm ý và cảm xúc, đã đề cập được những vấn đề rất đáng quan tâm về hạnh phúc tuổi già, về lẽ đời và mái ấm gia đình. Bài thơ của tác giả Ngô Huy Dương thể hiện nét đẹp tâm hồn của một vị cao niên mẫu mực, để các thế hệ con cháu của ông sau này noi theo./.

                                                                   Nguyễn Duy Cách

                         (Hội viên CLB thơ Đường Hà Nội -

       Chi nhánh Quốc Oai – huyện Quốc Oai – Hà Nội.

     Điện thoạị: 0433.943846. Di động: 0948.245755

                Email: nguyenduycach1950@gmail.com.

Tác giả BBT giới thiệu