Suy Ngẫm Trước Thành Nhà Hồ
Nhà Hồ thành quách dựng uy phong
Sừng sững kiêu hùng bạt bão giông
Tiếc nỗi nhân tình kia bỏ mất
Nên đành cơ nghiệp chốc bỏ không
Tiền nhân lầm lỡ còn di hận
Hậu thế khôn ngoan nguyện kết đồng
Mới biết lòng dân là thế nước
Đạo trời đã tỏ luật hưng vong
Đọc bài thơ"Suy Ngẫm Trước Thành Nhà Hồ" của tác giả Phạm Văn Thiệp làm tôi bỗng tái hiện lại một trang lịch sử hào hùng đầy bi tráng của dân tộc ta. Thành Nhà Hồ đứng đó trơ ra cùng tuế nguyệt. Hơn bảy thế kỷ trôi qua, như còn vang lên đâu đó tiếng thét rung trời chuyển đất của các nghĩa sỹ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Tác giả Phạm Văn Thiệp đã phác họa dưới con mắt của một người am tường lịch sử về Thành Nhà Hồ.
Nhà Hồ thành quách dựng uy phong
Sừng sững kiêu hùng bạt bão giông
Đúng là như vậy, tuy giờ đây dấu tích còn lại không nhiều bởi chiến tranh tàn phá, mưa nắng dãi dầu nhưng Thành Nhà Hồ vẫn được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, thật xứng tầm với tài năng, trí tuệ của ông cha ta. Nhìn những khối đá lớn ken sát vào nhau ta không khỏi bàng hoàng trước sự sáng tạo kỳ diệu của các bậc nghệ nhân kiến trúc đã để lại cho hậu thế một công trình kiệt tác. Những từ (uy phong, sừng sững, kiêu hùng), đã phác họa vẻ bề thế, sự trường tồn vĩ đại theo thời gian. Nhà Hồ với khát vọng to lớn muốn kinh bang tế thế, muốn hiên ngang tuyên bố chủ quyền dân tộc và khẳng định ý chí độc lập tự cường của nhân dân ta. Thành Nhà Hồ được dựng lên vào đầu thế kỷ XV. Theo lịch sử để lại thành được xây dựng với thời gian gấp gáp chỉ trong ba tháng. Nhưng bằng sức sáng tạo tuyệt vời cho đến nay, thành vẫn đứng sừng sững thách thức với thời gian.
Sừng sững kiêu hùng bạt bão giông
Tác giả khéo léo sử dụng những từ tượng hình giàu sức gợi cảm để khẳng định sức sống mãnh liệt của Thành Nhà Hồ. Trong các câu thực, luận tác giả đã gợi lại một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc ta vào cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15. Đó là giai đoạn thế thái nhân tình đầy thác ghềnh, vận nước ngàn cân treo sợi tóc. Nhà Trần suy vong nhưng họ vẫn cố níu kéo và tham vọng phục hưng. Nhà Hồ mới lên thế đang nghieng ngả, lòng dân chưa thuận. Những cải cách của Hồ Quý Ly là bước đột phá đầy nghị lực, tâm huyết song không hợp thời. Thật tiếc thay sức người có hạn, thời cuộc không đồng nên chí cả mà lỡ bước. Cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ thất bại. Tất cả trang lịch sử bi thương ấy được tác giả minh họa sống động trong hai câu thơ:
Tiếc nỗi nhân tình kia bỏ mất
Nên đành cơ nghiệp chốc về không
Sau thất bại của nhà Hồ, trải qua bao năm tháng nếm mật nằm gai bền gan chiến đấu, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng từ năm 1418-1428 đã thắng lợi rực rỡ. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã để lại nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu. Song điều so sánh với cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhà Hồ ta càng thấy được nhà Hồ thiếu đi một yếu tố quan trọng đó là tinh thần đoàn kết toàn dân. Trong bài Cáo Bình Ngô Nguyễn Trãi đã nêu bật lên điều đó.
Nhân dân bốn cõi một nhà dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới
Tướng sĩ một lòng phụ tử hòa nước song chén rượu ngọt ngào
Trong suốt chiều dài lịch sử biết bao triều đại phong kiến Việt Nam đã biết dựa vào yếu tố lòng dân mà làm nên nghiệp lớn. Đặc biệt dưới sự lãnh đạo của đảng nhân dân ta đoàn kết dưới ngọn cờ cách mạng để chiến thắng kẻ thù. Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hơn bao giờ hết tình đoàn kết dân tộc được đề cao và vun đắp mạnh mẽ.
Bài học xương máu mà Nhà Hồ để lại đã được tác giả Phạm Văn Thiệp có một sự đánh giá, nhận xét tinh tế:
Tiền nhân lầm lỡ còn di hận
Hậu thế khôn ngoan nguyện kết đồng
Hai câu kết là sự đánh giá có tính chất hùng biện. Nó khẳng định một chân lí, một quy luật của cuộc sống.
Mới biết lòng dân là thế nước
Đạo trời đã tỏ luật hưng vong
Nghĩa là sự bại vong của nhà Hồ là quy luật đã được báo trước. Tuy nhiên sự suy vong của triều đại này lại là sự mở đầu của triều đại sau. Đó cũng là tính tất yếu của bánh xe lịch sử nó luôn đi lên để mở ra một kỷ nguyên mới.
Bài thơ Suy Ngẫm Trước Thành Nhà Hồ của tác giả Phạm Văn Thiệp khá hoàn hảo về thể thất ngôn bát cú Đường luật. Các phần (đề, thực, luận, kết) mạch lạc, rõ ràng. Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc vừa triết lí sâu sắc, vừa ấm áp tình người nên khi đọc bài thơ ta có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ta khâm phục sự vĩ đại của thành nhà Hồ, cảm thông với thời thế đảo điên mà sức người khó tránh. Đặc biệt tác giả đãphản ánh được sức mạnh của nhân dân trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, điều này là chân lý đúng với mọi thời đại không bao giờ thay đổi.
Bài thơ thực sự để lại cho tôi một cảm xúc đặc biệt để viết lên đôi dòng cảm nhận. Có thể khả năng còn hạn chế nên tôi chưa lột tả hết cái hay của bài thơ rất mong được sự thông cảm của các thi huynh, thi hữu, xin trân trọng cảm ơn!
THANH BÌNH
Làng Quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội
ĐT: 0982182046.