Tháng ba mùa hoa gạo nở như lòng người náo nức hướng về ngày giỗ tổ, bởi vậy tác giả Lê Đức Đồng viết: “Đất thiêng liêng nguồn cội/ Đàn chim lạc bay về” (Nhớ ngày giỗ tổ) mang theo tâm trạng đó Trần Đức Chính với bài thơ “Về Phú Thọ” tạo nên bức tranh đầy màu sắc, tâm trạng.
Mở đầu là 4 câu thơ mang đậm dấu ấn hội họa:
Phú Thọ cảnh say mê
Sông Thao chuối dọc đê
Trập trùng cao dẫy cọ
Bát ngát xanh đồi chè
Quả thật những hình ảnh cây chuối, rừng cọ, “đồi chè” đã làm nên thương hiệu mảnh đất nơi đây và đi vào thơ văn như một gam màu nồng ấm “Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt” (Tố Hữu). Ta bắt gặp sông Thao uốn lượn dưới những đồi núi “Trập trùng cao” như nét phác họa mềm mại tạo nên bức tranh sơn thủy. Hai cặp từ láy tượng hình “trập trùng”, “bát ngát” được thi nhân sử dụng tạo ra không gian rộng và sự hùng vĩ, giàu đẹp của miền trung du.
Nếu thiên nhiên là bức tranh đẹp thì cuộc sống được con người tạo dựng lên không khí náo nức, tươi vui.
Trống hội vang làng xã
Hát xoan rộn xóm quê
Ta bắt gặp âm thanh: Trống “vang”, hát xoan “rộn”, điều đó nói lên niềm vui tràn ngập khắp nơi, cuộc sống mới rắc ánh hào quang lên từng mái nhà, ngõ xóm, một chân trời mới mở ra trước mắt mọi người.
Hai câu kết khép lại bài thơ nhưng lại mở ra một vấn đề mới, để mọi người suy ngẫm:
Phong Châu miền đất cổ
Quốc tổ gọi ta về
“Ta về” với cội nguồn, về với niềm tự hào trào dâng, về với dòng máu Tiên Rồng, về với lòng yêu nước thắp lửa trong tim và ta luôn ghi sâu lời dạy của Bác Hồ: “Các vua Hùng có công dựng nước, Bác cháu ta phảI cùng nhau giữ lấy nước”.
Bài thơ “Về Phú Thọ” ngắn gọn xúc tích, hteer ngũ ngôn, nhưng chứa đựng những thông điệp lớn lao về quê hương đất nước, về trách nhiệm, niềm vinh dự của bản thân… xin được cảm ơn tác giả Trần Đức Chính.
Một lần nữa xin đọc lại toàn bộ bài thơ " Về Phú Thọ" để cùng suy ngẫm đàm đạo
Phú Thọ cảnh say mê
Sông Thao chuối dọc đê
Trập trùng cao dẫy cọ
Bát ngát xanh đồi chè
Trống hội vang làng xã
Hát xoan rộn xóm quê
Phong Châu miền đất cổ
Quốc tổ gọi ta về .
. 5/2014
Xuân Hiến , Hà Nội