Tác giả Vũ Văn Quỹ vốn là một nhà giáo, trực tiếp giảng dạy ở trường đại học từ năm 1964. Sau 40 năm cống hiến cho sự nghiệp “Trồng cây - trồng người” của mình ở Trường Đại học Lâm nghiệp Xuân Mai, Hà Nội ông mới thật sự về hưu, sống một cuộc sống êm ấm, hạnh phúc bên gia đình yêu thương của mình, tham gia hoạt động tích cực trong tổ chức Chi hội thơ Đường ở huyện Chương Mỹ - Hà Nội.
Vốn là một con người sống nặng tình, nặng nghĩa nên về nghỉ hưu, ông vẫn luôn nhớ đến mái trường, những học trò thân yêu của mình, với biết bao nhiêu kỉ niệm buồn vui trong cuộc đời gắn bó với nghề dạy học... Để rồi tất cả những nỗi nhớ ấy cất lên thành những vần thơ ngọt ngào, tha thiết, cháy bỏng. Bài thơ “Gieo chữ, trồng cây” dưới đây, là một bài thơ thể hiện rõ nhất những tâm tư tình cảm sâu nặng, những tâm sự thầm kín, được in trong tập thơ thứ 2 của ông: “Đường thi đạo nghĩa” sắp xuất bản:
Tô điểm cho đời một bức tranh
Bao năm sự nghiệp đã hoàn thành
Giảng đường đại học, gieo mầm chữ
Lâm nghiệp trồng rừng, phủ nét xanh
Cuộc sống quê hương luôn tốt đẹp
Cảnh quan đất nước mãi trong lành
Môi trường sinh thái luôn gìn giữ
Tổ quốc Việt Nam mãi sáng danh.
Vũ Văn Quỹ
Sẽ có rất nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao nhan đề của bài thơ lại là “ Gieo chữ, trồng cây”, chứ không phải “Gieo chữ, trồng người”. Những tưởng bài thơ của tác giả đặt nhan đề sai, hay có sự nhầm lẫn, nhưng không phải, mà nhan đề của bài thơ thật vô cùng ý nghĩa. Chúng ta hiểu “gieo chữ” ở đây, ý nói là một nhà giáo đi trau dồi kiến thức cho học sinh, đi gieo tri thức cho lớp thế hệ trẻ. Còn “trồng cây” là nói đến công việc mà ông trực tiếp giảng dạy ở trường đại học cho sinh viên: Những kiến thức về chính trị, khoa học, mà cụ thể là những phương pháp, kĩ năng, kinh nghiệm…về rừng, về cây trồng… để khi ra trường, các em phục vụ công tác thật tốt cho công việc sau này của mình. Nhưng hiểu một cách sâu sắc thì “trồng cây” ở đây cũng chính là “trồng người”, bởi nó gieo tri thức, nuôi dạy con người trưởng thành không chỉ về kiến thức chuyên môn, mà còn cả về đạo đức, nhân cách… đào tạo thành những con người phát triển một cách toàn diện. Bác Hồ của chúng ta thường nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, còn có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó ”. Vì thế, con người cần tu dưỡng cả hai mặt đức và tài để trở thành người có ích cho xã hội. Và đó mới là ý nghĩa sâu sắc nhan đề của bài thơ ông viết.
Ngay hai câu mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu về công việc của mình: “Tô điểm cho đời một bức tranh/ Bao năm sự nghiệp đã hoàn thành”. Là một nhà giáo, ông tự ví công việc của mình giống như một họa sĩ, luôn tìm kiếm, lựa chọn những gam màu sắc khác nhau để tô điểm cho bức tranh của mình thật đẹp, thật hấp dẫn. Còn ông thì ngày đêm đèn sách, soạn những bài giảng để trau dồi kiến thức cho học trò của mình, có đủ tự tin vững bước trên đường đời. Hai từ “hoàn thành” như một lời thở phào nhẹ nhõm, có cảm giác như ông đã rất thỏa mãn, hài lòng về tất cả những gì ông đã làm và công hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ai cũng biết sống trong cuộc đời này, mỗi con người đều có những ngả đường lập nghiệp khác nhau, mỗi người đều tự lựa chọn cho mình một công việc để gắn bó suốt cuộc đời. Có phải con người ta chỉ hạnh phúc khi đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp!. Ở đây, tác giả Vũ Văn Quỹ cũng vậy, ông gắn bó với nghề dạy học, không quản những khó khăn trong nghề, vượt qua biết bao nhiêu thử thách, chông gai, để truyền dạy cho bao lớp mầm xanh của đất nước. Mặc dù bài thơ không nói đến kết quả của công việc, nhưng hai từ “hoàn thành” đã phần nào nói nên kết quả công việc dạy học của mình và ông luôn mong những thế hệ mà ông giảng dạy, sẽ trưởng thành vững bước đi gây dựng tương lai...
Nếu như hai câu thơ đầu tiên trả lời cho câu hỏi “Tác giả là ai và đã từng làm gì?”, thì hai câu thực tiếp theo lại trả lời cho câu hỏi “Công việc mà nhà thơ từng làm ở đâu và như thế nào?”: “Giảng đường đại học, gieo mầm chữ/ Lâm nghiệp trồng rừng, phủ nét xanh”. Là một nhà giáo, trực tiếp là giảng viên của Trường đại học lâm nghiệp. Công việc chính của ông là giảng dạy về chính trị, về những kiến thức cơ bản, chuyên sâu về rừng, về cây trồng, về đất… để từ đó sinh viên ứng dụng kiến thức đó thực tiễn vào công việc của mình một cách khoa học, đạt hiệu quả cao nhất. Người thầy giáo đóng một vai trò vô cùng quan trọng, được ví như là người dẫn đường chỉ lối cho học trò của mình những hướng đi đúng đắn nhất. Chính bởi vậy dân gian thường có câu ca ngợi rất ý nghĩa: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
Ông giành trọn cả cuộc đời của mình để phấn đấu cho sự nghiệp “Gieo chữ, trồng cây” chỉ vì một mục tiêu vô cùng cao cả và thiêng liêng: “Cuộc sống quê hương luôn tốt đẹp/ Cảnh quan đất nước mãi trong lành/ Môi trường sinh thái luôn gìn giữ/ Tổ quốc Việt Nam mãi sáng danh”.
Chúng ta đều biết rừng đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người, nó không chỉ cung cấp tài nguyên thiên nhiên quý giá, mà còn là môi trường sống của con người. Vì vậy, những lớp tri thức trẻ được đào tạo ra từ giảng đường Đại học Lâm Nghiệp, đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp, cũng vì một mục tiêu là làm cho rừng ngày càng phát triển, xanh tươi, tránh được những cơn bão lũ thiên tai, hạn hán, làm cho cuộc sống của con người được bình yên, sống giữa môi trường trong lành, thoáng đãng, để hưởng thụ tất cả những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời này.
Có thể nói mục đích của người thầy giáo thật thiêng liêng và cao cả biết bao. Trọn cuộc đời hi sinh cho sự nghiệp, nhưng ông không hề mong một chút danh lợi về mình, mà chỉ với một mục đích nuôi dưỡng những mầm xanh, để sau này các em sẽ đem tri thức của mình phuc vụ quê hương, đất nước, làm cho dân tộc Việt Nam sẽ mãi tỏa sáng trên trường quốc tế.
Bài thơ như một lời tâm sự, nhắn nhủ với những thế hệ trẻ mai sau, hãy luôn nỗ lực, phấn đấu học tập thật tốt, để đưa đất nước Việt Nam sánh vai cùng với các nước giàu mạnh trên thế giới. Phải chăng đây chính là ước mơ trong sâu thẳm trái tim của nhà cựu giáo chức Vũ Văn Quỹ, trước khi buông phấn, rời giảng đường đại học để về sống trọn nốt quãng đời còn lại?
Nguyễn Duy Cách
Xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội
ĐT: 0948245755
Email: nguyenduycach1950@gmail.com