THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
MỘT BÀI THƠ THIỀN- MỘT TRIẾT LÝ THẾ TỤC CỦA BẬC XUẤT GIA
11-05-2017
Sen.non.jpgXin được giới thiệu bài viết của Nguyễn Văn Thụ , CLB Hương Chiều

Tôi vừa có dịp đọc được bài thơ của Đại đức Thích Thanh Thọ, (chùa Linh Sơn Tự, Vụ Bản, Hà Nam), bài thơ đó cố tựa đề là ‘Lời tâm sự’ như sau:

Người ơi, nỡ để tạo xoay vần

Hệ lụy tơ phiền quấn lấy thân

Thể xác bơ phờ sai vẫn mặc

Tinh thần uể oải đúng không phân

Sa cơ ấy chí nhanh buông thả

Lỡ vận kìa tâm chóng ngại ngần

Hãy đứng vươn lên từ chỗ ngã

Trang đời tiếp nở ngát hoa xuân.

 

          Nghe qua bài thơ, ta thấy rõ, đây là một bài thơ thiền, bài thơ triết lý đường đời của một bậc xuất gia mẫn thế…

          Vâng, chỉ vì mẫn thế, cho nên người xuất gia này mới có lời khuyên:

          Người ơi nỡ để tạo xoay vần

          Xưa nay người đời thường tin vào số mệnh ; đói/no, giầu/nghèo, sướng/khổ, may/rủi, ách/thông…từng cặp phạm trù này, họ cho rằng, tất cả đều do số mệnh qui định, đều do ông Tạo, ông Trời xếp đặt, cho nên có phấn đấu cũng chẳng được nào.

          Trước sự lầm lạc nơi bến mê ấy, bỗng có một cành phan đưa ra cứu vớt sinh linh: ‘Người ơi, nỡ để tạo xoay vần’. Sự cứu vớt này không như sự dìu, đỡ bằng cơ bắp, mà là bằng cách đưa ra một lời thỉnh giác, một lời khích lệ trân quí.

          Người thế tục như tôi nói ra điều này, sẽ có người hỏi: hành ngôn như vậy thì sao lại gọi đây là một bài thơ thiền?

Vâng,’thiền’ là gì ? trước hết xin hiểu ‘thiền’ theo nghĩa phổ thông là chỉ trạng thái yên lặng, lắng  sâu trong tâm thức, để từ đó, ‘thiền’ mới phát ra năng lượng tư duy; tức là ‘thiền’ không ngồi yên thụ động trước sự an bài của tạo hóa.

Đọc câu thơ này, tôi chợt ngộ ra khái niêm sắc, không của nhà Phật ; có đấy mà cũng là không đấy, tĩnh đấy mà cũng lại là động đấy.

Đọc đến câu thứ 2 của bài thơ:

Hệ lụy tơ phiền quấn lấy thân

Câu thơ này có công năng mở rộng ý nghĩa cho câu 1. Câu 1 nêu lên, người ta sao nỡ để cho con tạo xoay vần, thì đến câu 2, nếu cứ mặc nhiên cho sự xoay vần, thì những sợi tơ phiền não nó sẽ dính dấp vào ta như cái lưới ma chướng chăng ra ép ta, câu thúc ta.

Đến 2 câu thực của bài thơ, tác giả đã khai triền chủ đề:

Thê xác bơ phờ sai vẫn mặc

Tinh thần uể oải đúng không phân

Vâng, cuộc sống trong thời đại @ ngày nay có nhiếu điều làm ta bơ phờ về thể xác, làm ta uể oải về tinh thần ; gặp khi đó ta vô cảm, sai ta cũng mặc kệ, đúng ta cũng chẳng phân minh. Tình trạng ấy, với cá nhân ta, thì ta đành cam hoàn cảnh tồi tệ ; với xã hội, nhân quần, thì nhân quần xã hội sẽ phải loạn ly (loạn tâm, loạn tiền, loạn súng đạn…)

Sang 2 câu luận của bài thơ, tác giả nêu lên hai diều hệ quả về sự sa cơ và lỡ vận:

Sa cơ ấy chí nhanh buông thả

Lỡ vận kìa tâm chóng ngại ngần

Câu 3/4 ở trên tác giả nói về nhân vật của bài thơ có thái độ thụ động. Đến câu 5/6 ở dưới,, tác giả phê phán nhân vật trong thơ có lối sống buông thả khi sa cơ, ngại ngần khi lỡ vận, khi ấy họ không biết trườn lên vượt khó, đành chịu ngã gục, đành chịu thất bại.

Chữ NỠ ở câu 1 đẫ hô ra câu 7/8 sau đây:

Hãy đứng vươn lên từ chỗ ngã

Trang đời tiếp nở ngát hoa xuân

Câu 7 như là một chỉ lệnh và lại là một lời khuyên đầy tự tin cho một con người vừa bị gục ngã. Câu thơ có tính triết lý tưởng như giản dị nhưng lại rất cao siêu. Nó là thông điệp cho bất cứ ai, nếu thất bại ở quê hương, thì hãy đứng lên, tích cực lên ở ngay tại quê hương mình, chớ có ngõm ngọ đi tìm ‘đất hứa’.

Và nếu được như vậy thì ‘trang đời´sẽ tiếp nở ngát hoa xuân’

Tính triết lý của bài thơ thiền này nằm ở 2 câu kết thật đẹp.

Thế mới biết đạo Phật có giáo lí gần với cuộc sống con người. Đức Thích Ca Mâu Ni cho rằng thế giới tự nó tồn tại, không do ai tạo ra . Vạn vật là vô thường, luôn luôn biến chuyển theo luật nhân quả, sinh ra và diệt đi.. Số phận của con người là do bản thân con người tạo nên,và mình phải tự chịu trách nhiệm, không do thần thánh nào định đoạt.

Cho nên, nếu có cái NHÂN: ‘Hãy đứng vươn lên từ chỗ ngã’,thì ắt hẳn sẽ có  cái QUẢ  là ‘trang đời tiếp nở ngát hoa xuân’

Cảm ơn nhà thơ, nhà tu hành Thích Thanh Thọ đã góp một thi phẩm vào kho tàng THƠ THIỀN, và tôi xin tặng tác giả yêu kính của tôi một bài thơ tôi làm  đã 5 năm rồi, mà nay mới có người để tặng:

VÔ ĐỀ

Nhặt lá bồ đề rụng

Thâu cành hoa trúc rơi

Chép thơ trong đuốc tuệ

Thiền tọa ngâm không lời.

NGUYỄN VĂN THỤ

Tác giả BBT