THÔNG BÁO

Canh_dao_chuc635918145714052467.jpg Năm 2025

Năm  2024  đã khép lại với bao .biến động. Đất nước  ta cũng như   bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát của nhân loại cũng  lùi dần về quá khứ


Xuân của Mai Phạm
14-02-2017
Thieu nu .1.jpgXin được giới thiệu bài viết của Châu Thạch , Đà Nẵng
ĐỘC “XUÂN” THƠ MAI PHẠM
                                   Châu Thạch
XUÂN
Run run gió chạm cánh Hoàng Mai
Ừ nhỉ! Xuân đang động gót hài
Cái rét đông tàn vừa hoá kiếp
Chút nồng xuân chớm đã phôi thai
Trăng thôi e ngại làn mây xám
Sông đã se sua vạt áo dài
Em xoả tóc thề hong nắng mới
Tìm hương con bướm đậu trên vai.
                                 Mai Phạm
Bình :   Châu Thạch
Thơ Đường Luật ngày nay rất phổ biến. Tuy nhiên để tìm một bài thơ thanh thoát, nghĩa là không nặng nề với điển tích, với từ ngữ cổ xưa, với ý và tứ lặp lại từ hàng vạn bài thơ trước đây thì thật khó. Mùa xuân năm nay thật lòng tôi tâm đắc với bài thơ của Mai Phàm, một nữ sĩ ở Đà Nẵng mà bút hiệu và tánh cách của chị được nhiều thi nhân yêu mến. 
Bước vào hai câu Đề của bài thơ hồn ta rung động ngay với gót chân Xuân làm lay động nhẹ cành mai:

Run run gió chạm cánh Hoàng Mai
Ử nhỉ! Xuân đang động gót hài

Đây là một ý thơ thật là độc đáo, liên tưởng hình ảnh mùa xuân về trên cánh mai thật là thi vị. Khó có nhà thơ nào diễn tả mùa xuân về đơn sơ như thế. Cái đơn sơ đó làm tâm hồn ta thú vị khi nhà thơ thốt lên “ừ nhỉ!” như một phát hiện bất ngờ đem đến niềm vui rất ư là thanh thoát. Câu thơ làm cho mùa xuân bỗng nhiên xuất hiện trong vườn nhà như vị khách thân thương từ xa mới về. Câu thơ cũng cho ta liên tưởng đến thời tiết, đến khung cảnh êm ả đầu xuân. Tự nhiên lòng ta thấy thoải mái nhờ tác dụng của hai câu thơ nầy, nó rất tự nhiên  mà nó đem cả mùa xuân vào hồn ta không kèn không trống. Tôi đọc bài thơ nầy trong khi ngoài kia trời mưa và lạnh, nhưng sao tôi thấy cả căn phòng hình như ấm áp và có chút hương thơm bay nhè nhẹ.

Hai câu thơ Trạng tác giả đưa hình ảnh sự chết và sự sống  bên nhau, nhưng lạ sao, hai hình ảnh nầy tá khách vào nhau  làm cho ý thơ trở thành thâm thúy:

Cái rét đông tàn vừa hoá kiếp
Chút nồng xuân chớm đã phôi thai

Sự hóa kiếp của mùa đông và sự sinh ra của mùa xuân trong hai câu thơ đã lý giải cái lẽ vô thường, luân hồi của trời đất. Triết lý cao siêu đó được đưa vào trong hai câu thơ tả cảnh bình thường mà một người đọc chỉ chiêm nghiệm nó trong tìm ẩn của lòng mình. “Cái rét đông tàn” và “Chút nồng xuân ấm” đối nhau trong câu Trạng làm cho ta cảm nhận tự nhiên trên da thịt ta, thời tiết se se lạnh hoặc âm ấm của buổi đầu xuân. Qua hai câu thơ ở vế Đề và Trạng, tác giả đã cho ta mắt nhìn thấy xuân, xúc giác, thính giác chạm vào xuân để rồi, qua câu Luận, tác giả mở ra cả bầu trời xuân cho ta thưởng thức:

Trăng thôi e ngại làn mây xám
Sông đã se sua vạt áo dài

Trăng và nước hiện ra như bao bài Đường luật khác, nhưng trăng và nước ở đây được nhân cách hóa hay làm sao!  Đó là cô thiếu nữ “thôi e ngại làn mây”, “se sua vạt áo dài”. Đọc hai câu thơ ta thấy được cả bầu trời xuân, và cả cái bầu trời xuân đó thanh khiết như một thiếu nữ thơ ngây. Cái xuân của bầu trời nhập vào cái xuân tươi trẻ trong hồn ta qua hình ảnh cô thiếu nữ thơ ngây đó, khiến hồn ta tự nhiên khoan khoái, nhẹ nhàng, an vui một cách lạ kỳ mà nếu không ai nói ra thì ta không biết được ta vui bởi tác lực từ đâu. Đó là tác lực từ vế thơ Luận ở trên!  

Ở hai câu Trạng và luận tác giả cũng chỉ tả cảnh nhưng lại làm trọn chức trách được giao cho hai vế thơ nầy ở luật Đường thi là “bình và luận” cái chủ đề Xuân mà tác giả xướng ở trên một cách linh động và ẩn ý.
Qua vế kết, tác giả lại dựng lên hình ảnh thiếu nữ như trong một bài thơ tình, tóm gọn hình ảnh cả mùa xuân trong hình ảnh người con gái, làm cho bức tranh lung linh tuyệt đẹp, khiến xuân đầy ắp sự đáng yêu:

Em xoả tóc thề hong nắng mới
Tìm hương con bướm đậu trên vai.
      Không phải là nắng đậu trên vai mà là “con bướm đậu trên vai”. Mà cũng chưa chắc con bướm đậu trên vai mà chỉ là “hương con bướm đậu trên vai” thôi. Câu thơ chót gom cả cái thi vị của mùa xuân trên đôi vai thơm của người thiếu nữ, cô đọng mùa xuân trên một hình ảnh sống động mà ai cũng thích nhìn, thích ngắm, mà ai cũng dề dàng rung động.
    Bài thơ đưa ta đi từ cánh mai vàng đến chiếc vai thiếu nữ. Đoạn đường rất ngắn mà ta hít thở đầy đủ hương xuân, nhìn từ chi tiết đến bao quát hình ảnh xuân về, cho ta trong vô thức, chiêm nghiệm lẽ huyền vi của trời đất. Nếu không khen bài thơ nầy thật hay thì quả là vô tình quá vậy.
                                                                        Châu Thạch – Đà Nẵng


Tác giả BBT