Hoàng Văn Thụ Hoàng Văn Thụ (1909 - 1944)
là một nhà lãnh đạo cao cấp của Trung ương Đảng, có đóng góp lớn với phong trào
cách mạng Việt Nam
và là nhà thơ cách mạng. Ông làm nhiều bài thơ thể hiện tư tưởng, tình cảm và
chí hướng của mình bằng cả tiếng Tày, tiếng Nùng, tiếng Si lẫn tiếng Việt, đều
mang đậm truyền thống thơ ca cổ điển dân tộc . Trong số đó, bài thơ ông viết
cuối cùng trong nhà tù Hỏa Lò (Phố Thợ Nhuộm, Hà Nội) trước ngày ra pháp trường
dưới đây là một tác phẩm rất nổi tiếng làm rung động trái tim bao thế hệ bạn
đọc:
Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo dõi buổi tung hoành
Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu
Trước sau xin giữ tấm lòng thành.
Hoàng Văn Thụ sinh ngày 04/11/1909 (có tài liệu nói ông sinh năm 1906),
người dân tộc Tày, quê thôn Phạc Lạn, Tổng Nhân Lý, Châu Văn Uyên, nay là thôn
Phục Lạn, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Từ nhỏ, Hoàng Văn
Thụ đã nổi tiếng thông minh, học đâu biết đấy. Mới hơn 10 tuổi, cậu thường
xuyên hỏi những câu khiến người cha học rộng biết nhiều của mình phải bối rối.
Giống cha mình – ông Hoàng Hải Lan – một người vì bất bình với chế độ thực dân
phong kiến đương thời đã từ quan về vui thú điền viên, Hoàng Văn Thụ sớm có
lòng căm thù quân cướp nước và bọn bán nước. Năm 1926, Hoàng Văn Thụ đã quyết
định lựa chọn cho mình con đường cách mạng: tham gia hoạt động vì mục đích giải
phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột. Năm 1929, Hoàng Văn Thụ được kết nạp
vào Đông Dương Cộng sản Đảng, năm 1934 được bổ sung vào Xứ uỷ Bắc Kỳ; được bầu
làm Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ, Ban chấp hành Trung ương, rồi Ban Thường vụ Trung ương
Đồng chí phụ trách công tác công - binh
vận, sáng lập tờ báo Cờ giải phóng. Tháng 8/1943, đồng chí bị thực dân Pháp
bắt. Kẻ thù tra tấn đồng chí vô cùng dã man tới hơn hai chục trận, (có trận từ
3giờ sáng đến 9 giờ tối) nhưng chúng không sao khuất phục nổi người cán bộ Đảng
trẻ tuổi trung kiên ấy. Sáng ngày 24 tháng 5 năm 1944, chúng đưa Hoàng Văn Thụ
ra xử bắn. Phải từ giã cuộc đời nhưng ông ung dung đi tới pháp trường Tương
Mai. Khi viên giám thị hỏi: có cần bịt mắt hay không, ông trả lời : không cần.
Quan toà hỏi ông có cần nói lời cuối cùng không? Ông dõng dạc nói: "Trong
cuộc đấu tranh sinh tử, giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những
kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết
rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng". Một vị linh mục hỏi ông có cần rửa tội hay
không, ông tự tin đáp: "Cảm ơn ông, tôi không có tội gì. Nếu yêu nước, cứu
nước là có tội thì những người Pháp hiện giờ đang đấu tranh chống phát xít Đức
bên nước ông đều là có tội cả. Ông hãy về hỏi xem họ có tội không?". Vào
trước ngày bị địch bắn, ông đã viết một lá thư kèm theo bài thơ trên chiếc quạt
giấy gửi cho các đồng chí bạn tù ở lại. Chị Phạm Thị Vân, tức Hoàng Ngân, – Ban
Thường vụ Giải phóng Phụ nữ Bắc Kỳ - bấy giờ đang bị giam gần đấy đã giữ gìn kỷ
vật chiếc quạt ấy như một báu vật thiêng liêng. Căn cứ vào nhiều tư liệu lịch
sử, được biết Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân, sinh năm 1921, con gái của
nhà tư sản dân tộc Phạm Trung Long, một thương gia giàu có ở Hải Phòng. Vì hoạt
động cách mạng cùng nhau, mến nhau vì tính cách, lòng can đảm và lý tưởng cao
đẹp, tình yêu giữa hai người đã nảy nở rất tự nhiên. Chuyện tình cảm sâu sắc
của anh chị đã được báo cáo với hai gia đình và tổ chức Đảng. Đồng chí Trường
Chinh và Hoàng Quốc Việt, Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ khi đó - đã đồng ý. Năm 1939,
khi Phạm Thị Vân 18 tuổi, Hoàng Văn Thụ cùng gia đình xuống nhà gái ở Hải Phòng
xin hỏi cưới. Do nhiệm vụ cách mạng còn đầy khó khăn, gia đình hai bên đều nhất
trí đợi đến khi tình hình cách mạng khả quan hơn mới tính đến chuyện lễ cưới.
Cả hai người đều quyết định đặt lý tưởng giải phóng dân tộc lên trên tình yêu
đôi lứa. Sau hôm đó, Hoàng Văn Thụ lấy tên của người vợ mới đính ước đặt bí
danh mới cho mình là Hồng Vân. Còn Phạm Thị Vân lấy họ của người chồng chưa
cưới đặt bí danh mới là Hoàng Ngân. Điều đó
như là một cách để họ thể hiện tình yêu trọn
vẹn dành cho nhau
Thực tiễn đã
chứng tỏ tình cảm của đôi trai tài, gái sắc ấy thật thật lãng mạn và thủy
chung. Chính tình yêu chân thành, cao thượng đã tiếp thêm sức mạnh giúp anh chị
gắn bó, chia sẻ khó khăn, cùng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Hoàng Văn Thụ
là mối tình đầu và duy nhất, Hoàng Ngân -
hy sinh năm vào năm 1949
Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy, ban đầu vốn không có
nhan đề, được viết trên một chiếc quạt giấy gửi cho Hoàng Ngân. Lúc đó chị cùng
nhiều đồng chí khác đang bị giam bên trại tù nữ gần đấy. Ở một số sách, bài này
có tên là "Nhắn bạn". Hiểu rõ về tác giả và xuất xứ bài thơ này ta
mới có thể hiểu đúng được tác phẩm. Sáng tác theo thể thất ngôn bát cú Đường
luật rất nghiêm cẩn, bài thơ đã làm toát lên chân dung tinh thần người chiến sỹ
cách mạng kiên trung, khí phách hiên ngang, lẫm liệt đồng thời cũng là lời nhắn
gửi tha thiết tới bạn bè đồng chí hãy hăng hái chiến đấu, giữ vững lòng trung
thành với Đảng, với dân. Phần trên, sáu câu đầu của bài thơ, tác giả tái hiện
hình tượng người chiến sỹ cách mạng dù trong hoàn cảnh tù đày, bị
gông cùm, xiềng xích, bị đánh đập dã man nhưng vẫn không mảy may nao núng, Hai
câu đề nêu lên một nhận xét mang tính quy luật có ý nghĩa lịch sử và khái quát
ở đời: “Việc nước xưa nay có bại thành ”. Một khi đã lựa chọn con đường cứu
nước, thực hiện hoài bão lớn lao mưu cầu lợi ích cho dân tộc, việc trọng đại
“vá trời lấp bể” như vậy, từ xưa tới nay đã có biết bao người thực thi, có
người thất bại, có người thành công là điều tất yếu. Nhưng dù thất bại hay
thành công, điều quan trọng nhất là người ấy phải “giữ trọn được thanh danh”,
bảo toàn được tên tuổi mình sao cho trong sạch. Vốn xuất thân từ một gia đình
có truyền
thống gia giáo và yêu nước, quan niệm
sống này của tác giả có sự kế thừa tư tưởng “quốc gia hữu sự thất phu hữu
trách” từ ngàn đời của ông cha ta. Một khi Tổ quốc lâm nguy, mọi người – dù là
dân thường cũng đều phải có trách nhiệm. Ở phần thực của bài, tác giả nói rõ
chí hướng “phục thù” cứu nước “không hề nản” của bản thân cũng như của bao anh
em, đồng chí khác nữa. Hay nhất trong bài là câu thơ: “Ngọc nát còn hơn giữ
ngói lành”. “Ngọc nát” là nhãn tự hội tụ vẻ đẹp của cả bài thơ. Nói đến “ngọc”
là nói đến một loại trang sức đẹp đẽ, có giá trị cao được người đời rất quý
trọng. Còn nói đến “ngói” là để chỉ thứ nguyên liệu làm từ đất nung dùng để lợp
nhà. Vật dụng này nếu có “lành” nguyên vẹn cũng trong xã hội đương thời được
đặt trong thế tương quan đối ngẫu ở hai vế của câu thơ nhằm so sánh một bên là
phẩm cách cao đẹp của người chiến sỹ cách mạng với một bên là lối sống bảo mạng
vị kỷ của không ít kẻ không mấy giá trị. Hai hình ảnh ẩn dụ Ngọc dù có “nát”, thân thể người cộng sản dù
có bị hủy hoại cũng còn hơn hẳn“ ngói lành”, hơn cuộc sống cầu an của những kẻ
vô trách nhiệm với non sông, dân tộc. Sự so sánh này thật đắt giá thể hiện một
nhân cách sống vô cùng cao đẹp . Cùng quan điểm này, hơn 600 năm trước, người
anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi (1938- 1442), nạn nhân của vụ thảm án Lệ Chi Viên,
từng nói: “Ngọc dù bị đập nát quyết không hủy được sắc trong, trúc dù chặt gãy
quyết không hủy được gióng thẳng”. Tứ thơ của Hoàng Văn Thụ gặp gỡ ý tưởng của
Nguyễn Trãi, cùng toát lên một triết lý sống, một nhân sinh quan “chết vinh hơn
sống nhục”. Qủa thật, súng đạn của kẻ thù có thể cướp đi mạng sống người chiến
sỹ nhưng tinh thần và nhân cách cao đẹp của các anh sẽ sáng mãi. Hai câu phần
luận, tác giả nêu lên hoàn cảnh hiện tại của mình: “Thân dẫu lao tù lâm cảnh
hiểm / Chí còn theo dõi buổi tung hoành”. Bị sa vào hoàn cảnh nguy nan “hùm
thiêng thất thế” nhưng với bản lĩnh phi thường, người cộng sản đã coi nhà tù là
môi trường thử thách, là lò nung tôi rèn ý chí. Bọn đế quốc có thể giam giữ
được thể xác con người nhưng ý chí bất khuất và tâm hồn khoáng đạt của người
cộng sản thì vạn kiếp chúng cũng không thể giam giữ nổi. Thể phách, chí hướng
của các anh vẫn “tung hoành” rộng mở dọc ngang cùng trời đất với những ước mơ
đẹp đẽ nhằm đưa đất nước thoát khỏi ách nô lệ của giặc ngoại xâm.
Phần cuối của bài thơ là hai câu kết, thanh điệu bằng, trắc ở tiếng thứ
hai trong câu 7 và câu 8, theo luật thơ Đường, tác phẩm đã có sự phá cách dùng
hai thanh trắc ở hai âm tiết mở đầu hai câu thơ cuối: “Bạn hỡi gần xa hăng
chiến đấu/ Trước sau xin giữ tấm lòng thành”. Đây có thể là sự ngẫu nhiên hay
dụng ý riêng của tác giả? “Bạn hỡi” vừa là lời cảm thán mời gọi, nhắn nhủ đồng
chí, bạn hữu gần xa cả trong và ngoài nhà tù – trong đó có người vợ chưa cưới
của tác giả - vừa lại như lời lòng tự dặn lòng: Hãy giữ vững ý chí đấu tranh,
giữ vẹn tấm lòng trung thành trước sau như nhất với Đảng, với dân. Câu kết của
bài cô đọng, đanh chắc như một lời thề. Lời thề ấy kết tinh phẩm chất cao
thượng của một con người “phú quý bất năng dâm, bần tiện
bất năng di,
uy vũ bất năng khuất”: gươm đao hay sang
giàu không thể cám dỗ, nghèo hèn không làm thay đổi, uy vũ không làm khuất
phục. Câu thơ ấy thêm một lần khẳng định ý chí kiên định của người cộng sản.
Cho dù máy chém, cho dù “cái chết đã kề bên” nhưng người chiến sỹ ấy vẫn ngẩng
cao đầu kiêu hãnh quyết không khuất phục. Chỉ đến ngày mai thôi, với chủ thể
trữ tình, cuộc sống sẽ không còn nữa, trái tim sẽ phải ngừng nhịp đập, đến thân
thể cũng không còn vẹn nguyên nữa, vậy mà kỳ diệu thay, cả bài thơ thất ngôn
bát cú Đường luât này không một câu từ nào, không một chút mảy may tư tưởng nào
tác giả sợ hãi, lo lắng, oán thán, than khóc hay hối hận. Tất cả từng câu thơ,
từng chữ đều chói ngời ý chí, tình cảm, trí tuệ anh minh của một con người yêu
nước hơn cả mạng sống bản thân, luôn tin ở mình, tin ở lý tưởng cao đẹp đã lựa
chọn, tin ở tương lai tất thắng của cách mạng. Tính độc đáo bài thơ này là ở
chỗ: tuy là bài thơ tình yêu, tuy đối tượng tác giả hướng tới trực tiếp là
người vợ chưa cưới nhưng cả bài thơ thấm đẫm nhiệt tình cách mạng, chói ngời tư
tưởng của một người cộng sản chân chính. Bài thơ thiên về lý trí bởi tác giả
theo quan niệm “Thi dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo”, làm thơ là để nói lên chí
hướng của mình; văn chương có sứ mệnh truyền tải đạo đức, lẽ sống đẹp tới bạn
đọc. Bài thơ đúng là viên ngọc quý trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam.
Viên ngọc ấy chói ngời chất thép và tính chiến đấu đã tiếp thêm bao nghị lực,
sức mạnh cho những người ở lại. Đọc và suy ngẫm về bài thơ, chúng ta càng thêm
ngưỡng mộ và cảm phục tác giả, nhà lãnh đạo trẻ tuổi vô cùng ưu tú của Đảng ta
ở nửa đầu thế kỷ XX. Tuy Hoàng Văn Thụ đã đi xa nhưng tinh thần, ý chí và phẩm
cách sáng trong như ngọc của ông cùng với bài thơ “Nhắn bạn”gửi cho người vợ
chưa cưới của mình, cũng như các đồng chí, trước lúc đi xa, nó tha thiết chân thành đã, sẽ còn sống mãi.và
là khúc biệt ly của người Cộng sản.
Thạc sĩ Nguyễn Thi Thiện