THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Thơ Đường luật Bình Dương
05-11-2018
Duong luat binh duong.1.jpgBinh Dương mới có Chi hội thơ Đường luật dộ 2 năm mà đã có tới 2 tập Thơ Đường luật
Xin giới thiệu nguyên bản bài giới thiệu tập thơ Bình Dương để chúng ta cùng chia sẻ

ĐÔI ĐIỀU VỀ CUỐN THƠ “ĐƯỜNG LUẬT BÌNH DƯƠNG – TẬP II”

 

 

        Thật tình cờ khi tôi vào chơi với bạn thơ, được bạn cho xem “BẢN THẢO” sách hội mình mới chắp bút xong ngày 28 tháng 8 năm 2018. Cuốn thơ “Đường Luật Bình Dương – tập II”. Đọc và suy ngẫm về cuốn thơ trên tôi có một số cảm nhận, xin mạo muội trao đổi cùng các bạn thơ trong Chi Hội thơ Đường Luật Bình Dương như sau:

        1/ Trước nhất là cảm nhận về công tác chọn bài và trình bày tác phẩm:

        - Tuyển chọn bài đăng công phu, đa dạng về nội dung, giới thiệu được nhiều thể thức viết thơ Đường luật (Ngón chơi).

        Bìa trước, sau là sự giao thoa cũ – mới, ngầm cho bạn đọc liên hệ đến sự phát triển vượt bậc của Bình Dương. (Hai biểu tượng đặc trưng của Bình Dương là: Tòa tháp đôi khu hành chính mới và Ngã sáu Thủ Dầu Một).

        - Chất lượng bài viết của hội viên đa phần đạt trình độ chuyên môn, có nhiều bài viết tính chuyên sâu của thơ Đường luật thể hiện rất cao, rất tinh túy.

        - Vào đầu cuốn sách (Trước cả lời tựa) là hai tác phẩm “Xuân Mới Mừng Đảng Quang Vinh” và “Bình Dương Điểm Đến…”* rất ý nghĩa và phù hợp với tiêu đề bìa sách. Phải chăng đây là tiếng nói của nhân dân Bình Dương nhân dịp xuân sang bày tỏ sự biết ơn sâu sắc với Đảng, Bác Hồ đã đem lại cho họ cuộc sống ấm no hạnh phúc “Xóa đời nô lệ vui trăm họ/ Hát khúc tự do thỏa vạn lòng”**.  Phải chăng đây là tiếng nói của chính quyền và người dân địa phương mở lòng mời gọi bạn bè khắp nơi hãy đến với Bình Dương chung tay xây dựng và phát triển…

        2/ Về nội dung:

        Cả cuốn thơ là nhịp sống công, nông, thương, …nghiệp của Bình Dương thời kỳ hội nhập “Một dải cao su xinh tựa ngọc/ Nhiều khu công nghiệp đẹp như ngà” (Cần nói rõ Bình Dương là một trong những tỉnh đi tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước). Vậy nên mới có “Cái nghiệp văn chương nhiều khốn khổ/ Con đường thương mại dễ giàu sang”. Cái nghiệp văn chương đã không còn thuần túy câu từ chữ nghĩa của người thơ nữa, con đường thương mại không thuần túy là buôn bán nữa. Đây chính là nhịp sống đang chuyển đổi từ nhận thức của con người đến nghề nghiệp và mọi thói quen xưa cũ để hội nhập hòa vào dòng đời của cả thế giới mà con người quê hương Bình Dương đang thực hiện.

        Trong cái nhịp sống thay đổi đó không phải lúc nào người Bình Dương cũng đón nhận được vạn điều thuận lợi “Mây vờn bốn mặt mưa chìm xuống/ Gió lượn ba bề nắng nổi lên”, nhiều lúc gặp khó khăn họ đã kiên trì chờ đợi và họ đã chớp được thời cơ để thay đổi cuộc sống sự nghiệp của mình “Vẫn tưởng kiên trì xoay phận khó/ Ngờ đâu nhẫn nhịn đổi thân nghèo”. Và họ vẫn tiếp tục hăng say với sự nghiệp của mình “Say nghề luyện khéo duyên thành quả/ Mến nghiệp thêm giàu nghĩa nở hoa”. Rồi trong cái thành nghiệp đó, khi nhìn lại, gặp lại… họ bỗng thẹn thùng “Người đi kẻ đến càng đông đúc/ Ngắm nghía bông lơn quá thẹn thùng”. Rất văn chương cho dù cuộc sống đã cập thời công nghiệp hiện đại. Phải chăng đây là bản sắc rất Bình Dương “Mang dòng máu đỏ người Nam Việt/ Đắp cội non xanh giống Lạc Hồng”...

        Hiểu thấu sâu sắc trong sự phát triển có nhiều điều hy vọng, có tương lai sáng lạn “Tâm bừng én nhạn ngày xuân mới/ Nghĩa mến đào mai dạ hẹn chờ” . Nhưng người Bình Dương cũng không quên có sự kế thừa truyền thống của ông cha … “Thăm người buổi cũ từng duyên ước/ Viếng đất nơi xưa đã hẹn lời”. Để rồi “Âm thầm gắn chặt duyên tình thắm/ Lặng lẽ vun bồi vị mật tươi”, đến nay Bình Dương đã như một tỉnh công nghiệp, nhưng đâu đó vẫn hiển hiện cảnh làng nghề truyền thống ở trình độ cao “Tân Uyên sắc gốm khơi nghề dậy/ Phú Giáo tình rừng thỏa sức bay”.

        Trong cái kế thừa, cái bảo tồn có nhân tâm đức thiện, đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn của người Bình Dương “Lính cựu thân già tâm vẫn sáng/ Chiến binh tuổi lớn trí còn ngời…” để đi làm công việc hết sức ý nghĩa “ Đi tìm Liệt Sỹ đâu màng lợi/ Giúp kiếm người thân đến mọi nơi…” Họ truyền dạy cho thế hệ sau ghi nhớ học tập đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn các thế hệ đi trước đã đổ máu giành lại nền độc lập hôm nay “Ai qua Đồng Lộc dừng giây lát/ Tưởng niệm bạn tôi trọn một đời/ Hiến tuổi hai mươi đi cứu nước/ Đất Đồng Can mãi thắm tình người”…. Chính vì vậy mà khách đến Bình Dương mới thỏa lòng say “Nắng vàng bối rối len hoa lá/ Lòng khách phương trời thêm ngất ngây”. “Thẫn thờ mắt biếc hồn ai dậy/ Thảng thốt canh huyền nắng gió bay”, “Vui mừng lúc thấy cà sai nụ/  Thỏa mãn khi nhìn lúa trĩu bông”,…

        Trong cái nhịp sống công nghiệp muôn màu đó đương nhiên phải có phảng phất nỗi nhớ nhà, quê hương của những người xa xứ đến Bình Dương lập nghiệp “Thao thức bên song nghĩ đủ đường/ Nhìn đèn hiu hắt nhớ quê hương” hay “ Nửa đêm gió gọi tràn nhung nhớ/ Chạm vỡ niềm riêng rụng trái sầu”, “Quê cha… lúc nhớ hồn mơ tưởng…/ Đất khách… khi buồn dạ vấn vương…”,…. Nhưng chúng ta cũng tin tưởng rằng họ đã mãn nguyện khi đến với Bình Dương “Hương trinh sắc ngỏ vùng quê đấy/ Có nhớ trăng huyền mãi ngất ngây” hoặc “Xóm làng ngày ấy hồng tâm thượng/ Phố xá giờ đây trắng lệ trường” (Ngay trong nước mắt nhớ nhà của tác giả đã nói lên sự sung túc, hạnh phúc của họ rồi).       

        Trong cuộc sống văn minh đương đại người Bình Dương vẫn có những trăn trở về các thói hư tật xấu đang tồn tại đâu đây, họ tẩy chay nó, lên án nó “Ngâm màu hóa chất lừa rau sạch/ Phết phẩm gia cầm tráo thịt dơ” hay “Bướm đậu mê tình dễ dở dang/ Vì em đắm sắc hóa mơ màng” hoặc “Nghĩa của bày trưng không sợ quẹo/ Tình bài sát phạt chẳng hề quanh” để rồi họ lên án “Lão ấu trang thanh bằng bậc cả/ May còn mọn vợ chịu kêu anh”… Họ lên án những thói hư tật xấu… nhưng nhân tâm sẵn sàng giúp nhau cùng tiến bộ “Kiến thức văn chương cùng dốc cạn/ Yêu đời thắp sáng những niềm mơ”, “Ai  cùng cảnh ngộ nài cho khéo/ Cảm nỗi tương đồng lại ái gieo”

        Vì sao Bình Dương có được sự nghiệp hôm nay. Bởi Bình Dương có “Lòng dân ý Đảng hòa chung một“, Có thế hệ thanh niên không ngại gian khó “Quần hồng đâu ngại sợi tơ lơi”, có những người dân cần cù chịu thương chịu khó “Thề xưa… khó khổ lòng cam chịu/ Nguyện cũ… gian nan trí chẳng rời”, họ chịu đựng vượt qua mọi thử thách để đoạt lấy sự tươi đẹp “ Chày cối thi đua cùng đập giã/ Trong ngần trắng trẻo ấm lòng ta”  Họ nhìn về tương lai với niềm tự tin mãnh liệt “Thấm đẫm sương khuya niềm ước mộng/ Quỳnh vui một đóa nở đăng khoa” ,  “Thuyền thơ cỡi gió chào trăm bến/ Bút ngọc lùa mây trải vạn bờ”. Thực tế là Bình Dương đã và đang cặp bến bờ hạnh phúc cùng nhịp sống hiện đại…

        Nội dung cả tập thơ thật phong phú, xứng danh với một vùng đất giàu truyền thống lịch sử Xưa – Nay: “Một vùng đánh giặc kiên cường đã…/ Đổi mới vươn lên tỏa ánh hồng”…

        Xin cảm ơn và chúc mừng các bạn chi hội thơ Đường luật Bình Dương đã cho ra đời tập thơ có nội dung hay và thành công!

        3/ Tính chuyên môn của tập thơ:

        Trước hết tập thơ đã thể hiện bút pháp thơ Đường luật rất phong phú nhuần nhuyễn với nhiều ngón chơi, thể viết khác nhau: Thập thủ ô thước kiều (Nhớ cố hương), Xa luân (Con thuyền xa bến, Xao lòng), Thuận nghịch đọc (Suối hoa, Bản tình ca mùa sim…), Hồi cú thuận nghịch đọc (Khó đề), Phú đắc (Cò bợ, Con mèo con cún, Chim xuân đợi bạn…), Chiêu hồi vận (Chiêu hồi ái, Nghinh phong xúc cảm…), Tung hoành trục khoán (Tặng nàng thơ), Thủ vỹ điệp ngữ cú (Độc tửu cùng đông, Thôi…!), Nhất vận (Tất niên), Lục chuyển (Chia tay thày trò), Yết hậu (Tình, Rình…), Đa cú (Thu), Vỹ tam thanh (Duyên nghiệp vợ chồng), vv

        Bài viết kể cả chính luật và “bất luận”, kể cả vần Bằng và vần Trắc đều có: Niêm, Luật, Đối ngẫu, bố cục khá chỉnh chu. Bệnh lỗi ít, các bệnh lỗi nặng như Đại, Tiểu trùng vận, Phong yêu, Hạc tất, Trùng từ, Mạ đề rất ít bài mắc phải. Tập thơ có rất nhiều Bài thơ và Tứ thơ hay.

        - Các bài thơ hay có thể kể tên như: Biển khơi, Bướm đậu 1, Gởi thơ cho nguyệt, Nhớ cố hương, Hoàng Long mùa lũ, Về  thăm Vũng Tàu, Độc ẩm, Chân quê, Viếng cảnh chùa, Rình, Thương thày, Cuộc cờ, Hòn vọng phu, Chim xuân đợi bạn, Một nỗi sầu, Hẹn gặp lại, Đàn mơ,  Mùa xuân, Nàng thơ muốn đi tu, Viếng động Phong Nha Kẻ Bàng, Sen, Tưởng niệm, Tây bắc, Xuân thơ, Hiên tây, Thần làng, Tất niên, Thủy chung, Gái lỡ thì, Tặng bạn thơ, Thôi…!, Thuận An Hòa, Suối hoa, Chia tay thày trò, Ai về nhuộm ánh trăng xưa, Thu hoang hoải 2, Hành hương Yên Tử, Hoa cỏ may, Nhớ mong, Yêu biển, Ong thợ, Hoa trinh nữ, Tình thi hữu, Tựa thủa ban đầu, Chuyện hôm nay, Giấc mơ vàng…vv

        - Có rất nhiều các Tứ thơ hay ví dụ:  “Bản đàn chim giỡn cầm vui tới/ Điệu múa mưa bay vũ thẹn lời”. Gảy Đàn mà hay đến mức chim nhảy múa kéo về cả đàn... Múa đẹp đến mức gió mưa thẹn thùng… chẳng hóa ví như sắc đẹp của Tứ Đại Mỹ Nhân Trung Hoa ngày xưa sao??? Chưa kể đến ngón dùng từ Hán – Việt “dị âm đồng nghĩa”, Chim và gia cầm cùng giống, Đàn và cầm cùng nghĩa…

        Hay cặp câu “Bình thiền túc mị đầu thanh thản/ Chủng tạ hàn minh dạ não nề” Tứ thơ này có 4 từ đầu của mỗi câu nếu dịch sát nó đã bỏ xa cái nghĩa của từ gốc (Từ Hán cũng có sự văn chương hóa như từ Việt). Hay là ở chỗ người đọc không cần hiểu nghĩa của 8 chữ đầu trong hai câu thơ trên, chỉ căn cứ 6 từ cuối của hai câu thơ cũng hiểu được khá sát ý của hai câu thơ trên nói gì rồi. Tôi trộm nghĩ qua cách thể hiện dùng từ Hán – Việt trong hai câu thơ này có lẽ việc sử dụng từ Hán trong thơ Đường luật đương đại cần có cách nhìn phóng khoáng hơn. Chúng ta đang cố gắng rời xa những ảnh hưởng lâu đời của ngoại bang, thế thì những gì đã được Việt hóa chúng ta cần trân trọng vì nó đã là của mình rồi…. Người đọc và thi nhân đương đại viết thơ Luật Đường bằng chữ Việt, đọc lên bằng âm tiết Việt thì chúng ta cũng nên căn cứ Từ Điển, Ngữ Pháp Việt để soi xét phép đối trong thơ Đường luật (góc độ loại từ Hán – Nôm – Việt).

        Ví dụ khác “Vật tặng bồ yêu luôn chẳng rẻ/ Quà trao vợ quý cũng không bèo”. Rõ ràng theo ý thơ thì người con trai ở cặp câu này đa mang, đào hoa… Phép đối của tác giả tưởng chừng đơn giản, nhưng càng đọc càng ngẫm càng thấy rõ nhân vật cũng phân biệt rõ ràng đấy chứ. Vậy cái hay là từ phép đối và cách dùng từ mà tác giả lột tả được bản chất của sự việc một cách kín đáo. (Trong trường hợp này nếu tôi là vợ của nhân vật tôi chẳng cần phải ghen, bởi với anh ta gia đình vẫn là gốc, là số một. Nhưng nếu là “…luôn rất đắt/ ….cũng chưa bèo” thì có khác đấy ạ!).

        Ví dụ nữa: “Năm vần trỗi nhạc đưa tình mở/ Bảy chữ ươm lời nhận sóng mơ”. Nói về thơ Đường đấy mà lại rất “Thỏa nghĩa kim bằng”… Thật là hay!

        Một ví dụ nữa: “Thầy Đường giữ luật không nghiêm túc/ Thơ mới dùng ngôn thiếu chỉnh tề/ Giận kẻ chây lười gây nhếc nhác/ Trách người bảo thủ viết lê thê”. Sao giận mà đáng yêu đến thế, sao trách mà đáng trân trọng đến vậy... Rất nhân tâm!

        Còn rất nhiều Tứ thơ hay khác nữa, nhưng chúng ta hãy để khi khác đàm về chuyện này. Bây giờ xin phép nói đôi điều về những điểm còn thiếu sót của tập thơ:

        Đầu tiên là các bệnh lỗi liên quan đến luật thơ: Trên thực tế xuyên suốt cả tập thơ không có bài nào thất luật, thất đối… Nhưng Bố cục lỏng, Đối chưa sát… thì cũng vẫn còn.

        Xin ví dụ: Bài ‘Uống Trà” đọc lên thấy đầu đề và nội dung còn xa nhau, mặc dù bài thơ hay. Vậy giả tỷ bố cục chặt chẽ hơn chút nữa thì bài thơ còn trân quý biết bao.       Muốn rèn luyện kỹ năng này chúng ta nên tập viết nhiều về thể Phú đắc.

        Cặp câu “Hy vọng hồn nhiên không vướng bận/ Tương lai tươi sáng vẫn hằng mơ”. Rõ ràng phép đối ở đây còn khá xa nhau cả về đối ý và thủ pháp đối làm cho câu thơ không rõ ý.

        Thứ đến là các bệnh lỗi:

        Bệnh Thất Niêm;

        Bệnh Thất luật:

        Bệnh Thất đối: Suy xét thật “hết nhẽ” thì không có bài nào thất đối. Song đối chưa thật chuẩn thì vẫn còn, có khi đối được loại từ nhưng đối ý lại rất xa, có khi đối được ý, loại từ thì lại không đối được thanh ở các “cặp từ” viết “bất luận”…

        Bệnh thất vận: Bài Hẹn Vũng Tàu (Au, Âu và Ao), Chung tay vì cuộc sống (Âu, Au, và Ơ)…

        Bệnh Bình đầu: Bài Lẻ loi, Chơi thỏa thích, Cùng trăng…

        Bệnh Thượng vỹ: Bài Cảm xúc, Tình xuân, Mừng chiến thắng 30 tháng 4 năm  1975, Rực ánh hồng….

        Bệnh Mạ đề: Bài Nhớ cố hương, Mừng nguyên tiêu, Ngày họp thường kỳ…

        Bệnh Khổ độc: Câu “Thích béo chẳng ngờ hụp mỡ trong” hay “Nhì nhằng mất đứt nửa già tháng”

        Lỗi Trùng vận: Những bài viết “Thủ vỹ ngâm” mà chỉ dùng có Vần hay vài từ cuối với Vần có thể coi là mắc lỗi Trùng vận. (Vì ở đây phép “Thủ vỹ ngâm” đã bị biến cách). Tuy nhiên trong phạm vi bài viết chỉ kể ra dưới góc độ soi xét chuyên môn thôi, chứ đôi khi viết như vậy mà bài thơ hay hơn thì cá nhân tôi nghĩ có mắc lỗi một xíu cũng bỏ qua được.

        Lỗi Trùng từ: Chữ “Linh” trong “Cảnh sắc xuân về”, chữ “Cảnh” trong “Thác Bảo Đại”, …

        Lỗi Trùng ý: Cặp câu “Lung linh ánh nguyệt đẹp xinh xao/ Lấp lánh khuôn nga ửng má đào” có thể coi là điệp ý, (Nguyệt hay khuôn nga đều là Trăng tất)…

        Lỗi Điệp điệu: Cặp thực luận bài “Mộng ước” và “Xuân đến Bình Dương”…

        Lỗi Điệp thanh: Câu “Thường Tân vạn thủa nước ghi công” hay “Màu cờ sắc áo không nề ngại…”,…

        Lỗi Điệp âm: Chữ “Lần” và chữ “Hận” trong bài “Một nỗi sầu”, chữ “Đào” và chũ “Đạo” trong “Năm mươi tuổi đã làm sao…”,….

        Lỗi Đại vận: Câu “Người già rộn rã chúc gần xa”, “Bạn hữu giao hòa xướng - họa – ca”,…

        Lỗi Tiểu vận: Câu “Bôn ba trôi chảy tóc sương pha”, “Ngày mai hai đứa ở hai nơi”, “Vững dạ lo tròn chuyện quốc gia”…

        Lỗi Phong yêu: Câu “Tương lai tươi sáng vẫn hằng mơ”, câu “Cái thuở tung tăng vui sách vở”,…

        Lỗi Hạc tất: Câu “Bất công áp bức nay lùi bước”, “Bình đẳng xin dâng tám tháng ba”,…

        Lỗi Chánh nữu: Câu “ Phái đẹp ngàn đời đau số phận”, “Lầu bầu bởi vướng bận lao đao”

        Lỗi Bàng nữu:  Câu “Trà ngon thưởng thức bạn cùng ta/ Nghĩa nặng tình thâm lắng mặn mà” lỗi vì  ba từ : Thưởng, Thức, Thâm…

        Mặc dù tôi biết việc in thơ xướng, họa của bạn thơ ngoài hội vào tập thơ có khó khăn làm cho trang Vịnh – Xướng – Họa của cuốn thơ giảm phần sinh động. Song cảm nhận về trang Vịnh, Xướng, Họa của các bạn tôi thấy còn hạn chế. Người tham gia Vịnh - Xướng - Họa trong chi hội chưa nhiều, chủ đề xướng vịnh họa chưa phong phú…

        Đương nhiên với cả một cuốn sách với 400 – 500 bài thơ thì cũng khó tránh việc có bài bị bệnh lỗi. Các ví dụ được nêu lên chỉ mang tính chất cùng trao đổi và tham khảo mà thôi.

        Điều đáng mừng là sự tiến bộ khác biệt giữa “Đường Luật Bình Dương” tập I (còn khá nhiều sai sót) tới “Đường Luật Bình Dương” tập II những sai sót đó các bạn đã khắc phục được để đem đến với bạn đọc một cuốn thơ khá hoàn chỉnh và bổ ích.

        Xin chúc Chi hội thơ Đường luật Bình Dương thành công hơn nữa trong những tập thơ tiếp theo.

 

        Chú thích * và **: Tất cả những từ trong dấu ngoặc kép hoặc in nghiêng ở bài viết là trích dẫn từ Thơ của các tác giả trong “Đường Luật Bình Dương” tập II.

 

Ngày 02 tháng 9 năm 2018

Cao Trần Nguyễn Nguyễn

Tác giả BBT