THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Tuyển tập Thơ Luật Đường Nhuệ Giang
02-05-2017
Bìa N Giang F.jpgTrân trọng giới thiệu Tuyển tập Thơ Luật Đường Nhuệ Giang.

TUYỂN TẬP "THƠ LUẬT ĐƯỜNG NHUỆ GIANG"

 

Bước vào năm 2017, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã phát hành tuyển tập "Thơ luật Đường Nhuệ Giang", bao gồm một số bài được chọn từ nội san ra hàng quý trong hai năm 2015 - 2016 của Chi hội thơ Đường luật Nguyễn Trãi và Câu lạc bộ thơ Đường Hà Đông.

Tuyển tập gồm 4 phần:

- Phần I: "Hội thơ Đường Hà Đông", gồm sáng tác của hội viên câu lạc bộ thơ Đường Hà Đông và Chi hội thơ luật Đường Nguyễn Trãi.

- Phần II: "Thơ bạn bè", tuyển chọn một vài bài tiêu biểu trong số thơ của thi huynh, thi hữu khắp mọi miền đất nước gửi đăng ở các số khác nhau trong hai năm qua của nội san "Thơ luật Đường Nhuệ Giang".

- Phần III: "Giao lưu - xướng họa", có bài xướng, bài họa giữa hội viên với nhau và với bạn thơ từ các địa phương.

"Đất lành chim đậu", bạn bè khắp Bắc, Trung, Nam gửi bài đến giao lưu và cùng nhau xướng - họa. Ban Chấp hành chỉ lựa chọn một vài bài tiêu biểu đưa vào Tuyển tập.

- Phần IV: "Thơ phổ nhạc", đăng một số ca khúc được phổ nhạc từ các bài thơ luật Đường của hội viên.

Với nội dung phong phú, các bài thơ trong phần I, cũng là phần chủ đạo của tuyển tập, đã phản ánh tương đối đầy đủ tâm tư, tình cảm, chính kiến của hội viên CLB.

Chủ đề xuyên suốt của tập thơ là tình yêu, lòng mê say thơ ca nói chung, thơ luật Đường nói riêng, qua đó thể hiện tình người, lòng yêu nước, yêu quê hương, làng, phố thân thương của hơn 30 thành viên CLB.

Bằng những hình tượng cụ thể, tình yêu quê hương, đất nước được thể hiện trong tuyển tập là vô bờ.

Nhiều bài thơ ca ngợi Hà Nội ngàn năm văn hiến, cảnh đẹp Xứ Đoài, làng lụa Hà Đông, đất Mỗ tứ danh hương, Yên Nghĩa đất thiêng, v.v.

Với những câu thơ phảng phất tính triết lí, song không kém phần trữ tình, nên thơ, mơ mộng, tác giả Đỗ Biện đã viết trong bài "Đồng làng - Trăng":

"Đồng làng chim hót, gió mây giăng

Luống để lòng ta hỏi chị Hằng".

Nhà thơ Trịnh Bá Anh lại mở đầu bài "Tình quê":

"Lan tỏa hương đồng nức xóm thôn

Cò bay thẳng cánh ngợp tâm hồn".

Tác giả Nguyễn Đình Nụ đã phác họa "Bức tranh quê":

"...Bao thuở dâu xanh thêu thảm biếc

Một lần lụa óng dệt đường hoa..."

Các nhà thơ là những người thích du ngoạn và đi đến đâu cũng phải có thơ, như "Qua Bãi Cháy", "Thịnh Long - phố Mơ" của Trịnh Bá Anh; "Biển Hạ Long" của Đỗ Thị Chuyền; "Thăm Mũi Né", "Bên bờ sông Ô Lâu" của Nguyễn Thu Diếp; "Thi hứng vịnh Hạ Long" của Nguyễn Thị Kim Dung; "Thăm Lũng Cú", "Tìm về", "Hẹn ngày trở lại" của Đỗ Thị Hà; "Trưa chùa Thầy", "Hướng về Mường Động" của Trần Hùng; "Cảnh non cao", "Đẹp đôi Hòn Ngọc" của Phạm Văn Huy; "Phố biển", "Du thơ xứ Mường" của Nguyễn Đình Khảo; "Cảnh đẹp Hương Sơn", "Lạc chốn bồng lai" của thi lão Trịnh Thu Loan; "Nhớ những dòng sông", "Rừng hồi xứ Lạng" của Nguyễn Đình Nụ; "Đầu xuân đến Hạ Long" của Đinh Thị Kim Oanh; "Nhớ Huế", "Bên sông Như Nguyệt" của Nguyễn Thị Sim; "Tỏa mọi miền", "Vọng hải hà" của Trịnh Bá Sướng; "Sắc màu Hương Sơn", "Ngàn Phố êm đềm" của Nguyễn Thị Thực; "Giọng hò Bến Thủy" của Phan Hồng Thái; "Một lần du ngoạn" của Trương Tất Thấu; "Nhớ Bảo Lộc" của Hoàng Văn Trung; "Suối Mỡ", "Đà Nẵng", "Cao Bằng", "Gửi bạn Bắc Cạn" của Kim Tuyên...

Đặc biệt, trong một lần, CLB tổ chức tham quan Tam Đảo, nhiều hội viên đã tức cảnh đề thơ về thắng cảnh nổi tiếng này, như "Tam Đảo" của Bùi Quang Nghĩa, "Bình minh Tam Đảo" của Trịnh Bá Anh, "Buổi hẹn hò" của Nguyễn Duy Cang, "Xót ve" của Nguyễn Đình Sơn...

Tâm hồn thi sĩ Nguyễn Đình Nụ như còn lâng lâng khi nhớ lại "Chiều Tam Đảo":

"Mây trắng bay ngang phủ núi đồi

Bồng bềnh sương tỏa tựa mưa rơi

...

Bâng khuâng đến với chiều Tam Đảo

Ngỡ chốn bồng lai ở cõi đời"

Nhà thơ Nguyễn Đình Sơn miêu tả danh thắng này trong bài "Lên Tam Đảo":

"...Trập trùng Tam Đảo đá chen mây

Thông reo Thác Bạc bao nao nức

Trúc hát Suối Mơ những ngất ngây..."

Phần lớn hội viên là những người cao tuổi, song vẫn coi mình là "chưa già" (thơ Đỗ Thị Chuyền), còn "xuân xanh" (thơ Nguyễn Thị Thực), sẵn sàng "quên tuổi già", chứ không hề quên yêu. Ta hãy đọc các bài "Tương tư xuân", "Gửi người yêu dấu nơi cung Hằng", "Cảm hoa sen đất Chùa Bối tặng em một bản tình ca" của thi lão Trịnh Cơ, ngoài 90 tuổi. Hay các bài "Tình yêu đôi lứa", "Gái quê ta" của thi lão Trương Mai. Xin trích mấy câu sau đây trong bài "Nơi bến vắng" của nhà thơ Trương Mai:

"...Em đi tìm bạn ngồi tha thẩn

Anh lỡ sang ngang đứng thẫn thờ

Đôi mắt lung linh đầy quyến rũ

Làn môi chúm chím khó phai mờ

Như đồng khô hạn đang mong nước

Gặp trận mưa rào thỏa ước mơ."

Và hai câu kết bài "Cô gái nhà bên" cũng của thi lão Trương Mai:

"...Ước giậu mồng tơi ngăn chẳng có

Chung sân liền lối tiện sang nhà."

Đấy là những cây cao bóng cả U 80 - 90, còn hội viên ít tuổi hơn, tình yêu cũng không kém phần nồng thắm. Với nhà thơ Đinh Văn Quý, 62 tuổi, từ bất cứ đề tài nào, như "Cái ao", "Bánh bao", "Cối xay bột", "Núi Đôi", "Du thuyền", "Chợ hoa", "Biển", v. v... đều được "chuyển thể" thành chuyện ái tình.

Có thể nói, nhiều hội viên say thơ luật Đường đến mê mẩn, tâm hồn bay bổng như người đang yêu. Sống với thơ, đời thấy tươi hơn, tuổi thọ cao hơn. Hãy đọc các bài "Yêu thơ", "Thăm bạn thơ", "Mảnh vườn thơ" của tác giả Đỗ Thị Chuyền; "Yêu thơ luật Đường" của Nguyễn Thị Chuyên; "Cổ Nguyệt đường phiêu lãng mộng em" của thi lão Trịnh Cơ; "Hạ Long thơ" của Phạm Văn Huy; "Nhịp cầu thơ" của thi lão Nguyễn Huynh; "Tình thơ" của Nguyễn Đình Khảo; "Nối nhịp cầu thơ" của Lê Hồng Loan; "Tình thơ Đà Nẵng- Hà Đông" của thi lão Trịnh Thu Loan; "Bốn mùa thi ca" của Đỗ Thị Minh Nhẫn; "Kết bạn thơ", "Tức cảnh họa thơ" của Phạm Thị Nhung; "Làm thơ" của Giáp Phú; "Giấc mơ người thi sĩ", "Chơi thơ" của Nguyễn Thị Sim; "Thi nhân" của Nguyễn Đình Sơn; "Tỏa sắc hương" của Trịnh Bá Sướng; "Đại hội thơ" của Trương Tất Thấu; "Thơ" của Kim Tuyên; "Đến hội thơ" của Nguyễn Thị Thực; "Duyên thơ" của Bùi Quang Nghĩa; "Dòng cảm hứng" của Nguyễn Thị Minh Thắng; "Nợ thơ" của Hoàng Văn Trung. Trong các bài "Thơ Đường đất Việt", "Cõi mơ", "Tình thơ", "Thơ yêu", tác giả Nguyễn Thị Kim Nhung đã thể hiện lòng đam mê thơ luật Đường bằng những câu mượt mà, đằm thắm, đầy nữ tính. Thơ như đã "mọc trong tim" thi sĩ, dù ai có muốn "ngắt bỏ", thì cũng phải "đi tìm lại" mà  thôi (bài "Tình thơ", tác giả Kim Nhung)...Và có thể tìm thấy hàng loạt bài khác, cũng bày tỏ tình yêu thơ luật Đường, trong cuốn sách dày hơn 260 trang này.

Năm nào cũng vậy, đến Tết Nguyên Tiêu, Chi hội thơ Đường luật Nguyễn Trãi và CLB thơ Đường Hà Đông vẫn luôn tích cực tham gia Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu Quốc Tử Giám do Hội Nhà Văn tổ chức. Nhiều hội viên đã sáng tác thơ về sự kiện này, như "Nguyên Tiêu đêm dạ hội" của Nguyễn Thu Diếp; "Nắng tương tư" của Trần Hùng... Trong bài "Rằm tháng Giêng", Nguyễn Kiều Duy Cang Bằng viết:

"Nguyên Tiêu trong trí chẳng phai mờ

Đã được Bác Hồ tặng tứ thơ

...

Ngày thơ đất Việt, ngày khai hội

Dạ khúc tết xuân, dạ mở cờ".

Với bài "Chuyện bức hoành phi", tác giả Nguyễn Kiều Duy Cang Bằng còn cho chúng ta nhớ lại những ngày hào hùng của năm 1945, khi nước Việt Nam mới giành được độc lập, chính quyền non trẻ phải đương đầu với bao khó khăn, thách thức, chống chọi thù trong giặc ngoài. Trong hoàn cảnh đó, Hồ Chủ tịch đã tiếp phái bộ Pháp và giải thích cho họ hiểu ý nghĩa của bức hoành phi "Hoàn ngã sơn hà" do các cụ phụ lão tặng Bác, được treo trong phòng khách, khiến phái viên Pháp lúc đến "vênh vang mặt", khi về "íu xỉu hồn".  

Trong tuyển tập "Thơ luật Đường Nhuệ Giang" có nhiều bài ca ngợi Đảng, Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, biết ơn thương binh, liệt sĩ đã hy sinh thân mình vì nền độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Về hình thức - nghệ thuật, ngoài việc tuân thủ đúng niêm luật, nhiều câu thơ mượt mà, giàu hình ảnh, dí dỏm, thâm thúy, còn thấy trong tuyển tập những kiểu chơi thơ phong phú, như thuận nghịch độc, khoán thủ, khoán tâm, tung hoành trục khoán, v.v. Đặc biệt, nhiều hội viên say sưa sáng tác thơ "Ngũ độ thanh". Nhà thơ Hồ Văn Chi (Đà Nẵng) đã lí giải một cách hài hước khi viết "làm thơ ngũ độ thanh" "rước khổ vào thân", "tựa ai hành" (đăng trong phần Thơ bạn bè), song thi lão Đàm Văn Quả, sắp bước lên nấc thang cửu tuần, vẫn say mê sáng tác thơ ngũ độ thanh. Mặc dù đã vài lần "Xuýt gặp Diêm Vương" (bài đăng trong nội san số 9, ra quý I/2017), nhưng thi lão vẫn nắm rất chắc luật thơ ngũ độ thanh. Theo luật do chính người Việt chúng ta đặt ra, trong một câu thơ ngũ độ thanh, ít nhất phải có 5 thanh khác nhau (và nhiều nhất là 6 thanh). Điều đó không xẩy ra được trong tiếng Trung Quốc, vì tiếng Trung chỉ có 4 thanh là bình, thượng, khứ, nhập. Còn trong tiếng Việt có 6 thanh: 2 thanh bằng (dấu huyền và không dấu), 4 thanh trắc (sắc, hỏi, ngã, nặng).

Ngoài bác Đàm Quả ra, nhiều hội viên khác cũng ưa thích kiểu chơi thơ này, ví dụ các bài "Trăng nhớ" của Trịnh Bá Anh, "Xao lòng" của Kim Nhung (đăng trong phần "Giao lưu xướng họa"), "Khoảnh khắc đầu xuân" của Phan Hồng Thái, v.v...

Vì các tác giả của "Thơ luật Đường Nhuệ Giang" là những "nhà thơ" nghiệp dư, do yêu thích thơ đến với thơ luật Đường, chắc chắn Tuyển tập còn nhiều thiếu sót, mong được bạn thơ xa gần góp ý xây dựng.

Xin chân thành cám ơn!

                                                                                               Lý Thiên Nhẫn

Tác giả BBT