THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Ra mắt THƠ ĐƯỜNG HÀ NỘI - Tập VIII
23-12-2016
BIA HA NOI  8.jpgTHƠ ĐƯỜNG HÀ NỘI - Tập VIII, Đánh dấu một chặng đường phát triển của Câu Lạc Bộ Thơ Đường Hà Nội / CẢM NHẬN của Tiến sĩ Đinh Nho Hồng Phó Chủ nhiệm thường trực CLB thơ Đường HN



ĐIỂM QUA CUỐN "THƠ ĐƯỜNG HÀ NỘI" tập VIII


Năm nay CLB chúng ta cho ra mắt tập VIII thơ Đường Hà Nội.

Có thể nói, cuốn sách đã đăng những bài thơ đầy tâm huyết của các hội viên CLB, trong đó có 45 bài được 15 CLB cơ sở chọn lọc và đã trình diễn dự thi tại Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội.

Cũng như những tập trước đây, chủ đề được đề cập đến nhiều nhất là quê hương, đất nước và tình yêu thơ ca nói chung, thơ luật Đường nói riêng của các hội viên CLB chúng ta.

Quê hương, trước hết là nơi chôn nhau cắt rốn, làng xóm thân thương, là mái đình, giếng nước, được thể hiện trong các bài "Quê hương" của Trần Thị Thanh Liêm, "Nghe bài hát quê hương" của Trương Thanh Tâm , "Nước giếng làng" của Nguyễn Hiên Ninh, "Hương xứ Đoài" của Phạm Văn Miết, "Ngợi ca Thạch Xá", "Hạ Bằng quê tôi" của Phạm Thế Bên,...

Nhiều hội viên đã viết những bài ca ngợi cảnh đẹp, truyền thống các vùng miền khác nhau của đất nước, như: "Chiều hồ Tây" của Kiều Tiến Lương, "Ngắm hồ Tây" của Lỗ Thị Minh Toan, "Hà Nội văn hiến anh hùng" của Từ Văn Bái, "Chùa Thầy" của Hồ Văn Thiện, "Thăm đền bà Đế" của Nguyễn Đắc Công, "Động Hương Tích" của Nguyễn Thị Hồng Phúc, "Buổi sớm Mai Châu" của Lưu Văn Luận, "Huế" của Phạm Thị Huệ, v.v.

Tác giả Khuất Anh Chung còn đem thơ "Thả bên núi Thầy":

"Hồn thơ níu gió tươi sông Đáy

Nét họa vờn mây rạng núi Thầy".

Biển đảo cũng là quê hương, là máu thịt không thể tách rời khỏi cơ thể Việt Nam, như bài "Biển đảo" của Tạ Thị Thanh Lộc, "Hướng Biển Đông" của Kiều Nhâm, "Chủ quyền biển đảo" cua Trần Thị Kim Dung, "Bảo vệ biển đảo" của Nguyễn Văn Khoa,...

Tình yêu thơ ca, đặc biệt là thơ luật Đường được thể hiện trong tác phẩm của hầu như tất cả các CLB cơ sở. Thi lão Trương Mai đã nhiều lần phát biểu rằng, từ khi có duyên với thơ luật Đường, tự cảm thấy cuộc sống không thể thiếu thơ Đường được. Để minh họa cho ý kiến thi lão, ta hãy đọc một số bài sau đây trong tập VIII: "Sống cùng thơ" của Nguyễn Văn Tính, "Thú văn chương" của Đỗ Hùng Cường, "Mộng văn chương" của Trịnh Bá Sướng, "Chơi thơ" của Nguyễn Thị Sim, "Vui xướng họa" của Trần Văn Thập, "Ngày hội thơ Đường" của Trung Thị Châu, "Vang vọng thi ca" của Nguyễn Văn Cạnh, "Giao lưu thơ Đường" của Nguyễn Văn Khoa, "Nối nhịp cầu thơ" của Hồng Loan, "Thơ có cánh" của Nguyễn Trọng Khoát, "Xao xuyến hồn thơ" của Nguyễn Thị Minh Tài, "Trăng và thơ" của Phạm Gia Giáo...

Nhiều tác giả đã ôn lại những kỷ niệm giao lưu thơ tại Đà Nẵng, Kim Bôi. Hàng loạt bài thơ có chung đầu đề "Du thơ xứ Mường". Đã có những bài thơ chuẩn bị cho Hội thơ tại Nghệ An năm sau.

Càng yêu thơ bao nhiêu lại càng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp, những bậc thơ văn đại tài của dân tộc, cũng như các anh hùng, liệt sĩ bấy nhiêu. Bài "Trăng thơ nhớ Bác" của Nguyễn Văn Chúc có câu:

"Trăng thơ nhớ Bác thấu nhân tình

Tỏa sáng tâm hồn Hồ Chí Minh...".

Nén nhang thắp lên mộ đồng đội cũng bằng thơ:

"...Kính cẩn nghiêng mình giây tưởng niệm

Tuần nhang vĩnh biệt thắp bằng thơ"

(Bài "Nén nhang thơ" của Hoàng Thế Liệu).

Nhiều bài thơ đã đề cập đến thành công của Đại hội Đảng XII, bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Tóm lại, về nội dung, tập VIII "Thơ Đường Hà Nôi" cũng vô cùng phong phú như các tập trước đây.

Về hình thức - nghệ thuật đã có bước tiến. Nhiều tác giả đã áp dụng các thú chơi thơ, như ngũ độ thanh (Nguyễn Quang Chính, Đàm Văn Quả...), thuận nhịch độc (Xuân Lâm, Đặng Văn Phú...), tung hoành trục khoán (Nguyễn Xuân Lộc), khoán thủ, khoán tâm, thơ trốn vận (Nguyễn Văn Thụ), vận dụng các lối chơi đối ngẫu khác nhau... Thi lão Đàm Văn Quả, 86 tuổi, cho biết, do say mê sáng tác thơ luật Đường, đặc biệt là chơi thơ "Ngũ độ thanh", nên tinh thần sảng khoái hơn, sức khỏe dồi dào hơn, tuổi thọ nâng cao hơn, mặc dù đã trải qua đại phẫu thuật cách đây 30 năm do bạo bệnh. Một vài tác giả còn chơi thơ phá cách, không áp dụng niêm, luật của thơ Đường, có thể coi đó là thơ cổ phong, hoặc thơ mới.

Vấn đề cần chú ý khi sáng tác thơ ngũ độ thanh, thuận nghịch độc, tung hoành trục khoán...nói riêng, cũng như thơ luật Đường nói chung, là không vì phải tuân thủ luật chơi mà bỏ qua ý thơ, chất thơ, tứ thơ, để đến nỗi như nhà thơ Lưu Trọng Lư đã chế diễu là: "Nắn nót cốt sao nên bốn vế; Chẳng thơ thì cũng cóc cần thơ". Một điều đáng được ghi nhận là trong tập VIII này, vẫn còn những bài thơ có hai câu thực và hai câu luận không đối nhau, nhưng so với các tập trước thì đã cải thiện nhiều. Các lỗi nhại đề, phong yêu, hạc tất, khổ độc, v.v... cũng ít hơn. Nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ hơn, thì chắc chắn sẽ tránh được các lỗi này. Như lỗi mạ đề, chỉ cần sửa lại đề bài là xong.

Có một điều cần cân nhắc là nên đầu tư suy ngẫm, dù sáng tác ít bài hơn, giảm số lượng đi một chút, nhưng nâng chất lượng thơ lên, còn hơn cho ra hàng loạt bài không đạt yêu cầu với chất lượng thấp, phạm lỗi, mắc bệnh, không có tứ thơ. Việc giao lưu, mạn đàm trao đổi, học hỏi lẫn nhau một cách thực sự cầu thị chắc chắn sẽ nâng cao trình độ sáng tác của mỗi người. Tuy rất hãn hữu, song cũng có thi hữu, thậm chí đã nhiều năm "trong nghề", từng được góp ý một cách chân thành, tế nhị, mà không rút được kinh nghiệm, vẫn sáng tác rất nhiều bài khá trôi chảy về vần điệu, nhưng lủng củng về ý tứ, nhiều câu vô nghĩa, có khi sai cả văn phạm, trong một câu cũng ý nọ xọ ý kia, không hiểu tác giả muốn nói gì, mà luật lại không chuẩn, không "nắn nót" nổi "bốn vế" đúng luật. Hy vọng, trong tương lai gần, sẽ không còn những trường hợp như vậy.

Trên đây, tôi đã điểm qua nội dung và nghệ thuật của tập VIII "Thơ Đường Hà Nội". Hội viên CLB thơ Đường chúng ta cũng là những thành viên của xã hội. Thật đáng trân trọng khi phần lớn thi huynh, thi hữu tuổi đã cao, nhưng qua những vần thơ đầy tâm huyết của mình, luôn chứng tỏ là tấm gương tốt cho các thế hệ con cháu noi theo. Trên tinh thần xây dựng, "Thơ Đường Hà Nội" đã phản ánh một cách trung thực nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, gắn bó với thực tế, góp tiếng nói tích cực làm cho xã hội ngày càng tươi đẹp hơn, quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.


Tiến sĩ Đinh Nho Hồng

Phó Chủ nhiệm thường trực CLB thơ Đường HN






Tác giả BBT