Tập thơ chan chứa nghĩa tình
Hải Phòng - cửa ngõ vươn ra biển lớn
Hải Phòng - giàu truyền thống lịch sử
Từ nữ tướng Lê Chân lập ấp An Biên, Hải tần phòng thủ. Từ
Đức Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo chiến thắng quân xâm lược trên Bạch Đằng giang. Từ
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vang truyền sấm ký. Từ người cộng sản
Nguyễn Đức Cảnh kiên trung. Từ tiếng trống Kim Sơn kháng Nhật, Cát Bi rực lửa,
đường Năm, đường Mười quật khởi, Tiên Lãng phá càn…
Hải Phòng có nhiều danh lam thắng cảnh cuốn hút khách thập
phương: Cát Bà lung linh bóng núi có rừng Quốc gia và vùng sinh thái toàn cầu,
có Đồ Sơn - sơn thủy hữu tình với Bến Nghiêng nơi xuất phát đoàn tàu không số
huyền thoại, có miền du khảo đồng quê với làng Bảo Hà tổ nghề tạc khắc, có hai
dòng múa rối cổ truyền, có khói thuốc lào say đừ nỗi nhớ…
Hải Phòng vinh dự 9 lần đón Bác Hồ về thăm, khích lệ quân
dân Thành Tô trung dũng quyết thắng. Ngày nay đang vươn ra biển lớn đổi mới làm
giàu “sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng quê hương ”.
Tất, tất cả và còn nhiều nét đặc trưng của thành phố rợp
trời hoa phượng đỏ đã được các cây bút thơ Đường luật trong cả nước thổi hồn
vào những áng thơ Hải Phòng thân yêu thật sâu nặng nghĩa tình… Hàng ngàn bài thơ, hàng ngàn ý tứ, cảm
xúc, nhận biết về Hải Phòng thật muôn hình, muôn vẻ mà rất hòa đồng, bởi Hải
Phòng cũng là máu thịt đồng bào,Tổ quốc như nhà thơ Đỗ Thị Hòa Hòa Bình) viết:
“Chuyện kể Mường ta với Hải Phòng / Vốn chung một bọc giống Tiên Rồng ”.
Bởi thế mỗi con người, mỗi sự kiện, mỗi chuyển biến, mỗi thành công của Hải
Phòng cũng như chuyển biến, thành công của mọi miền đất nước. Nhà thơ Tấn Nghĩa
(Đồng Nai) viết: “Bất khuất trung kiên thời máu lửa / Tự hào biết mấy Hải
Phòng ơi ! ”.Nhà thơ Linh Viết Lãng (Bắc Cạn) nhấn thêm : “Tự hào Đất
Cảng ta xây mộng / Thành phố văn minh đẹp mỗi ngày”. Nhà thơ Huỳnh Đức
Trung (Đắc Lắc) thả hồn về xứ hoa Hải Phòng với tình thơ thật đẹp “Xứ hoa
phượng đỏ đẹp làm sao / Đất cảng quê hương đáng tự hào”. Nhà thơ Phạm Đình
Ngân (Huế) viết rằng : “Xứ sở Hải Phòng nơi đáng sống / Thiên nhiên hòa
quyện với tình người”. Xứ sở Hải Phòng được tạo dựng trải hàng ngàn năm,
qua thời “Lê Chân lập ấp xây bờ cõi” (Nhà thơ Hồng Thịnh, Yên Bái) xứ sở
ấy ngày càng phát triển đến nay đã trở thành thành phố đô thị loại một quốc gia
với 15 quận huyện đông vui giàu đẹp.
Tình người Hải Phòng chan chứa yêu thương đồng bào, căm
ghét bất công, cường bạo. Tiêu biểu là Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm mà nhà thơ Trịnh
Hữu Hiệp (Thanh Hóa) ngợi ca “Giữa quán Trung Tân vang sấm ký / Bên dòng
Giang Tuyết vọng chuông ngân”. Nhiều bài thơ đã nhắc đến những chiến công
hiển hách ba lần đánh thắng quân xâm lược phương bắc trên Bạch Đằng giang “Lấp
lánh Hải Phòng sử sáng trang / Chiến công hiển hách Bạch Đằng Giang” (nhà
thơ Nguyễn Đình Chiến - Bắc Ninh). Từ Quảng Trị, nhà thơ Trí Quang thấy Hải
Phòng không chỉ oanh liệt mà còn rất mộng mơ: “Hải Phòng mơ mộng và oanh
liệt / Mãi mãi ngàn năm những khúc ca”. Nhà thơ Vĩnh Linh (Bà Rịa Vũng Tàu)
thì viết: “Hải Phòng miền đất thép anh linh…” Hòa chung niềm vinh dự tự
hào Hải Phòng được 9 lần đón Bác Hồ về thăm, nhà thơ Trần Thị Kim Loan
(Đồng Tháp ) viết: “Chín lần đón Bác ngân lời hát / Thành phố tôi yêu
thật tự hào” ….
Cảnh đẹp Hải Phòng qua ngòi bút các bạn thơ hiện ra thật
hút hồn du khách thập phương: Tới Đồ Sơn nhà thơ Hoàng Vũ (Nam Định) quan sát :
“Triều dâng con sóng xô ghềnh đá / Bến cá thuyền neo nắng gió hòa” Còn
nhà thơ Trần Mười (Quảng Nam) lại vẩy bút vẽ nên bức tranh: “Đồ Sơn hoa ngát
tỏa rung cành / Sơn thủy Hải Phòng bút vẽ tranh”. Nhà thơ Phạm Hữu Xuân (Hạ
Long) du thăm cảnh mộng mơ Đồ Sơn bỗng tâm hồn canh cánh “Chợt nghe lòng hỏi
Tàu không số / Năm ấy các anh xuất bến nào ?”. Tạm rời Đồ Sơn, ta
theo nhà thơ Nguyễn Văn Phiêu (Hà Nội) qua cây cầu vượt biển Đình Vũ “Nối
bến ước mơ thành phố Cảng / Mở trang huyền thoại nước non nhà”, để hòa cùng
“Sóng biển xô bờ nơi bến cảng / Phượng hồng gọi nắng chốn quê hương”,
như nhà thơ Nghiêm Thiện Sinh (Hà Nam) nảy bút để ra đảo Cát Bà, vùng sinh thái
có: “Đồi xanh sóng vỗ…”, có “Núi biếc thông reo…”, có một “Quần
đảo lung linh mảnh đất vàng”. Từ đất võ Bình Định nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ ca
ngợi “Cát Hải thiên thu cảnh đẹp…” Còn nhà
thơ Lê Quang Hoạt (Điện Biên) thì mơ mộng “Cát Bà đón gió se duyên mộng /
Nậm Rốm chờ trăng kết tóc tơ”
Thật sâu đậm tình thơ, ngọt ngào và thắm thiết tình người.
Một cuộc giao thoa tình thơ, tình người tại thành phố Hoa phượng đỏ ngay từ
lúc: “Ao ước làm sao đến Hải Phòng / Để cho thỏa mãn dạ chờ mong” như
nhà thơ Nguyễn Thị Kim Phê (Đà Nẵng) thổn thức, cũng như nhà thơ Hoàng Thị Bông
(Bắc Giang) đã quyết : “Nghĩa bút thiết tha dù cách núi / Tình thơ chan chứa
dẫu ngăn sông” để đến cái giây phút: “Phượng reo khúc nhạc chào mừng
khách / Thắm thiết ân tình nghĩa chẳng vơi”mà nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh
(Nghệ An) cảm nhận. Các thi nhân đã có dịp trải nghiệm trên đất Hải Phòng: “Nhịp
sống tưng bừng nơi phố biển / Để hồn thi sĩ những tơ vương” (Nhà thơ Bùi
Đức Tới - Hà Tĩnh).
Và rồi giờ phút chia xa biết bao nhung nhớ: “Đất Cảng
chiều nay chẳng muốn rời / Bạn bầu Đường luật tự muôn nơi” (tâm sự của nhà
thơ Nguyễn Thị Va – Phú Thọ). Chưa muốn rời vì yêu quý Hải Phòng và vì
câu thơ còn chưa dứt, tình thơ đang dạt dào như nhà thơ Phan Văn Thắng (Đà
Nẵng) khẳng định “In đậm tình thân, nghĩa Hải Phòng…” một “Thành phố
Hải Phòng thắm sắc hoa’’ như nhà thơ Lê Quang Tân (Cao Bằng) ca ngợi…
Hải
Phòng thân yêu - Tập
thơ nhận được hàng ngàn tấm lòng thân yêu, hàng ngàn con tim chan chứa yêu
thương dạt dào cảm xúc, những áng thơ chắt từ đáy lòng, những hồn thơ đẹp bay
lên từ mọi miền Tổ Quốc dành cho Hải Phòng, nơi đã từng hy sinh chịu đựng, kiên
cường bất khuất, chiến thắng và đang đồng lòng vươn ra biển lớn, giao lưu hội
nhập và phát triển để trở thành thành phố đẹp giàu mà nhà thơ Lưu Văn Biên (Hải
Dương) nhìn nhận “Bốn biển giao thương tình nghĩa thắm / Vườn hoa hội nhập
nở xuân đời”…
Hải
Phòng thân yêu – món quà quý của các nhà
thơ Đường luật cả nước và của ngày hội thơ Đường toàn quốc lần thứ XIII dành
cho Hải Phòng. Những áng thơ trong Hải Phòng thân yêu là những bông hoa tươi thắm sắc màu hòa
cùng sắc phượng hồng rực rỡ trên thành phố Cảng rất đỗi thân thương, tự hào,
mãi mãi.
T/M Ban biên tập
Nguyễn Công Xình. Chi hội Hải Phòng