THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
“HỒN THƠ VIỆT” MỘT THI PHẨM SÂU NẶNG TÌNH QUÊ CỦA NGUYỄN HỮU HOÀN
26-07-2017
 BIA THO.jpgBìa tập thơ

           “Hồn Thơ Việt”  là tập thơ đầy trải nghiệm của tác giả với tình yêu quê hương đất nước. ông tên là Nguyễn Hữu Hòan nguyên hội viên thơ luật Đường tỉnh Thanh Hóa ( sắp tới ông sẽ sinh hoạt tại  các tổ chức thơ luật Đương khu vực Hà Nội)

         Từ một người lính chống Mỹ, đến người thầy trên bục giảng, người hoạt động chính trị ở các cương vị lãnh đạo ở huyện, tỉnh; khi về với đời thường thành một người làm thơ. Có lẽ đó là cuộc đời từng trải, hiểu biết nhiều, có tâm hồn giàu tình cảm và tri thức…Lẽ tự nhiên những vần thơ đã nở hoa kết trái trong ông.

          Ngoài hai chục bài cảm tác về Tết, về Xuân và lẽ đời còn lại hơn 70 bài viết về các vùng miền của trên 60 tỉnh, thành phố của đất nước. Có thể gọi đây là tập du ký bằng thơ. Đây là nét độc đáo của tập thơ. Các tác giả và nhà thơ ai cũng có thơ viết về các vùng miền Tổ quốc. Nhưng đi nhiều, có thơ cảm tác như Nguyễn Hữu Hoàn thì có một. Ông cảm nhận các địa danh đi qua không chỉ bằng nhãn quan của người du lịch mà bằng tâm hồn của một nhà thơ; bằng sự am hiểu của nhà Lịch sử, Địa lý, Văn hóa và bằng nghệ thuật quan sát của nhà nhiếp ảnh. Mỗi tỉnh, thành phố đều được thơ ông mô tả với những nét riêng về cảnh vật về truyền thống lịch sử, những nét Văn hóa đặc trưng.

   Tập thơ in ấn đẹp , trình bày sáng sủa , dày dặn trên 100 trang do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Ở đây phải nói tới sức sáng tạo, sáng tác của ông. trong lĩnh vực thơ luật Đường. Nội dung  thơ hết sức phong phú, chủ đề lại gần gũi với mọi bạn đọc, Bởi lẽ qua thơ ông đã vẽ lên một tập tranh toàn cảnh về đất nước Việt Nam . Các cặp mở , các cặp thực và các cặp luận đều toát nên một bút pháp vững vàng . Đặc biệt các cặp đối trong từng bài đều chặt chẽ , gây một ấn tượng khó quên về vùng miền mà tác giả giới thiệu.

          Tả phong cảnh, tả Thủ đô Hà Nội với nét thơ mộng, trầm hùng:

                   Hoàn Kiếm thướt tha liễu đợi chờ

                   Trúc Bạch mây trôi khơi nỗi nhớ

                                                (Nhớ Hà Nội)

Cảnh Huế với Sông Hương, Núi Ngự lãng mạn, hữu tình:

                   Sông Hương một dải mây ùa tới

                   Núi Ngự song sơn gió thổi về

                                                (Huế Thương)

Cảnh Điện Biên lịch sử hôm nay:

                   Mường Thanh bừng sáng hoa mơ trắng

                   Hồng Cúm vàng tươi lúa óng mầu

                                                ( Hoa Mơ Trắng)

Nét trù phú của Cần Thơ:

                   Đồng ruộng mênh mông cò thẳng cánh

                   Sông ngòi chằng chịt gió ôm bờ

                                                ( Trấn thủ Tây Đô)

Những địa danh, sự kiện lịch sử truyền thống từng tỉnh, thành được khai thác trong thơ với con mắt của một nhà sử học:

                   Triều Lý dời đô vì nghĩa cả

                   Nhà Lê hoàn kiếm tạ ơn mong

                                                (1000 năm Thăng Long)

Qua Bắc Giang:

                   Lam Sơn cờ nghĩa lộng Xương Giang

                   Hồn phách giặc Minh ngập bến Than

                                                (Thành Xương Giang)

Đến Quảng Trị:

                   Khe Sanh đất lửa lại hồi sinh

                   Lao Bảo ngục tù cựu chiến binh

                                                (Đất lửa)

Vào Tây Ninh:

                   Trảng Bàng Bến Cát bền gan sắt

                   Đất thép Củ Chi vững thạch bàn

                                                ( Đất thánh Tây Ninh)

Những nét Văn hóa, những đặc sản từng vùng miền được thể hiện trong thơ bằng sự hiểu biết sâu sắc và tình yêu đất nước. Qua Bắc Ninh nhớ về quan họ:

                   Đến hẹn lại lên quan họ đợi

                   Trầu têm cánh phượng ánh trăng mơ

                                                (Đến hẹn lại lên)

Lên Tây Nguyên nhớ cồng – chiêng - Di sản Văn hóa Thế giới:

                   Nghe tiếng cồng chiêng hồn của núi

                   Lễ mừng cơm mới đón xuân sang

                                                ( Văn hóa Buôn Ma…)

 Vào Bạc Liêu:

                   Dạ cổ hoài lang ca vọng cổ

                   Văn Lầu gieo nhạc hát mà chơi

                                                (Hỏi chàng công tử)

  Đến Đồng Nai:

                   Măng cụt Tân Cang xoài lúc lỉu

                   Chôm chôm Long Khánh chín dâu vàng

                                                (Cảnh sắc Chứa Chan)

          Phải có một tấm lòng, một tình yêu sâu nặng nên qua từng tỉnh, ở mỗi địa danh nhà thơ đều thể hiện sự vương vấn, nhớ mong, hò hẹn, đợi chờ và những kỷ niệm… Những tình cảm ấy thổi hồn cho những bài thơ, câu thơ, bay lên thơ mộng.

          Có một nhà thơ đã viết:

          “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở 

          Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn"  

   Nguyễn Hữu Hoàn là tri thức thời đại mới, nhưng lại chọn thể thơ truyền thống là Thơ Đường luật (chủ yếu là thất ngôn bát cú) làm phương tiện để tải tâm hồn và ý tưởng của mình với cuộc sống. Thơ Đường luật rất cô đọng  "trói voi bỏ rọ". Chỉ 8 câu với 56 chữ một bài mà phải nói được đầy đủ cảm xúc, nhận thức của tác giả về một vấn đề của cuộc sống. Làm thơ Đường luật không dễ hay mà lại khó, nội dung phải súc tích nhưng phải đúng niêm luật, thể lệ chặt chẽ. Nguyễn Hữu Hoàn đã vượt qua được cái khó ấy. Nhìn chung các bài thơ trong "Hồn Thơ Việt" có nội dung đề tài mới lạ và chu toàn về niêm luật.

         Nguyễn Hữu Hoàn có thơ cho khắp các vùng miền Tổ quốc, từ Bắc, Trung, Nam, từ vùng núi đến đồng bằng và Thành phố. Nhưng nếu có thêm vài bài về Biển và các Hải đảo của đất nước thì trọn vẹn biết bao.

          Đây là tập thơ thứ 2 của ông sau « Nỗi Niềm đất mẹ » và săp tới ông dự định sẽ cho ra mắt bạn đọc 2 tập thơ tiếp theo « Bông lau trắng và Phụ nữ đất trời Nam » Xin chúc mừng ông và sẵn sáng đón nhận niềm vui chung của bạn hữu.

               Xin trích dẫn một chùm thơ trong tập của ông :

Thủ Đô gió ngàn

(10-THÁI NGUYÊN)

 

Thái Nguyên- Định Hóa chiến khu xưa,

Việt Bắc gió ngàn đượm nắng mưa.

Chàng Cốc chuyện tình - sao phải hỏi !

Nàng Công cổ tích - đã lên chưa ?

Trăng lồng cổ thụ in hoa núi,

Nhật chiếu song môn rạng cảnh chùa.

Thuỷ tụ Tân Cương trà  tuyết tuyết,

Đất lành tình đậm nhớ người xưa.

Chú thích:

- Định Hóa: Di tích lịch sử ATK. Đồng Chùa nơi Bộ Tổng tham mưu ở

- Chàng Cốc : chuyện tình hóa đá

- Nàng Công : chuyện tình hóa thành sông

 

 

Việt Nam

Triệu Tổ

(16- PHÚ THỌ)

Vua Hùng khởi Tổ lập Văn Lang,

Đất rộng trời cao Thổ hợp Càn.

Thủy thác khai cơ quy một mối,

Đăng cao viễn vọng tụ non ngàn.

Âu Cơ Mẫu Quốc Rồng Tiên giống,

Tổ phụ Lạc Long Việt Quế vàng,

Hào khí Thăng Long soi đất Bắc,

Linh thiêng hổ phục sáng trời Nam.

 :

Chú thích       - Nam Việt Triệu Tổ : Tổ muôn đời của Việt Nam

- Câu đối:      “ Thủy thác khai cơ tứ cố sơn hà quy bản tịch

                        Đăng cao viễn vọng quần phong la liệt tự nhi tôn”

 

 

Nhớ Cố Đô

(19- HÀ NỘI)

 

Da diết lòng ta nhớ Cố đô,

Bóng soi liễu rủ đợi bên hồ.

Bằng lăng tím mộng thêu niềm nhớ,

Vàng óng Hoàng lan dệt ước mơ.

Quân tử nhớ người xa vẫn đợi,

Thương ai tình ngái bấy nhiêu chờ.

Mây chiều Trúc Bạch trôi hoài vọng,

Sương sớm Hồ Tây đượm ý thơ.

                 Nhà Giáo-Thi sĩ Hoàng Hào

                 Và BBT

 

 

Tác giả BBT