THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Thơ Đường trên sóng biển Đông
02-04-2016
 Gs Hoang Chuong.jpgG/s Hoàng Chương Chủ tịch Hội thơ Đường luật VN đọc lời khai mạc

Thơ Đường trên sóng biển Đông

                                                               Bài và ảnh: Nguyễn Đình Phượng

 

          Mỗi năm một lần, đến hẹn, các tác giả thơ Đường luật trong cả nước lại tụ về trong"Ngày hội thơ Đường". Năm nay, những câu thơ Đường được cất lên trên bãi biển Mỹ Khê - nơi cửa ngõ biển Đông nên càng có ý nghĩa...

 

                .Từ hội tụ, lan tỏa

          Hội thơ Đường năm nay diễn ra trong 2 ngày, 18 và 19/3, tại hội trường khách sạn Trường Sơn Tùng 5, bên con đường mang tên Đại  tướng Võ Nguyên Giáp. "Đông vui, hoành tráng, xúc động, tự hào" là cụm từ tôi nghe nhiều tác giả nhắc đến trong Ngày  Hội thơ Đường. Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội thơ Đường luật Việt Nam phấn khởi cho biết: "Ngày hội thơ Đường lần này quy tụ gần 700 tác giả của tất cả các Chi hội trong cả nước. So với các lần tổ chức trước, không gian thơ Đường năm nay rộng hơn, ý nghĩa hơn bởi đây là hoạt động chào mừng kỉ niệm 41 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng".

          Ông Phan Văn Thắng, Chủ tịch Chi hội chủ nhà cho biết: "Được giao nhiệm vụ đăng cai, chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng là được đón các bạn thơ khắp cả nước về gặp gỡ, giao lưu. Nhưng lo nhất là các yếu tố bảo đảm. Ngay từ đầu năm 2015, Chi hội phát động mỗi hội viên tiết kiệm 3.000 đồng/ngày để cuối năm có số tiền 1 triệu đồng. Rất mừng là Chi Hội đã hoàn thành nhiệm vụ".

          Cả tháng nay, ông Phan Văn Thắng gầy sọp đi, nhiều hôm ông phải ngủ tại khách sạn để giải quyết công việc. Qua sự kiện này ông càng hiểu tấm lòng của các hội viên. Số tiền trên 50 triệu thu được từ hội viên đã góp phần làm cho Ngày hội thơ Đường Việt Nam 2016 thêm phong phú. Ông Thắng và bà Vạn Lộc mỗi người ủng hộ 10 triệu đồng. Một hội viên ủng hộ 2 triệu đồng; 12 người ủng hộ 1 triệu đồng; 18 người ủng hộ 500.000 đồng, còn lại đều từ 200-400 nghìn đồng.  Ngoài ra, chi hội còn có 2 hội viên tình nguyện ủng hộ xe ô tô để đưa đón cán bộ thường trực Hội đi lại trong suốt quá trình diễn ra Ngày  Hội thơ Đường.

          Thơ Đường có sức cuốn hút mạnh mẽ với nhiều thế hệ, nên hội trường khách sạn Trường Sơn Tùng 5 rộng là thế mà vẫn không đủ chỗ cho tác giả treo thơ. Thơ được trình bày trên nilon; thơ viết ở dạng thư pháp; lại có cả thơ viết bằng chữ Hán, bài nào cũng đặc sắc và giàu cảm xúc. Nhiều Chi hội thơ Đường nhân dịp này đã ra những tập san in trên giấy tốt, nội dung phong phú. Riêng Chi hội thơ Đường Đà Nẵng in 2 tập rất đẹp tặng các đại biểu dự ngày thơ.

          Từ xưa, thơ Đường vốn là thú chơi tao nhã của người Việt. Ngày nay, khi đời sống vật chất của người dân đã có bước phát triển thì thơ Đường                            cũng được nới rộng về biên độ, chất lượng ngày càng nâng cao bởi thêm sinh khí mới. Bà Xuân Đào, quê gốc "Bên bờ Hiền Lương", cựu giáo viên Văn THPT trẻ hơn cái tuổi của mình nhờ thơ Đường. Bà Quách Thị Loan, vợ Liệt sĩ - Anh hùng LLVTND Ngô Văn Nhỡ ở xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang gọi thơ Đường là bạn tri âm, tri kỉ. Nhờ thơ Đường mà bà vượt lên nỗi đau mất chồng, nuôi người con trai khôn lớn, trưởng thành. Nhiều người xúc động khi thạc sĩ văn học  Phan Viết Đan, Phó chủ tịch Chi hội thơ đường tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, dìu nữ tác giả Trần Châu Hoàn 56 tuổi, bị liệt chân phải, vượt nhiều bậc cầu thang lên hội trường để đọc bài thơ "Hẹn mùa xuân". Còn ông Nguyễn Đức Hương, cựu giáo viên toán THCS ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, đã 72 tuổi, trong đó có trên 20 năm không nhìn thấy ánh sáng nhưng nhờ thơ Đường mà ông vui hơn, khỏe hơn, yêu đời hơn. Bài thơ "Nhớ thời gieo hạt" của ông đọc trong đêm giao lưu được nhiều người tán thưởng. Tôi cũng được gặp các tác giả về từ Tây Nguyên như: Nguyễn Xuân Dương (Đắc Nông); Nguyễn Ngọc Đấu (Gia Lai)...Những bài thơ Đường của các ông được gieo vần bằng âm hưởng của đại ngàn, của cồng chiêng nên nghe rất hào sảng và trữ tình.

             .Đến sợi dây thơ Đường

          Những năm gần đây, thơ Đường ở nước ta đang có bước phát triển mạnh. Bằng chứng là Hội thơ Đường Việt Nam đã có gần 3.000 hội viên. Ngày trước, thơ Đường là sân chơi của bậc cao niên, túc nho, nhưng ngày nay, người "chơi" thơ Đường không thiếu những bác sĩ, kĩ sư, cử nhân...Đặc biệt, người yêu thơ Đường cả nước từng biết đến hai "nữ sĩ" Tôn Nữ Xuân Thảo ở Huế và Nguyễn Thị Nghĩa (bút danh Xuân Đài), ở thành phố Đà Lạt đều 90 tuổi. Khi các cụ tuổi đã cao, thì lớp con cháu kế tiếp đã nối dài "sợi dây huyết hệ" thơ Đường. Trong ngôi nhà số 92 phố Huỳnh Tấn Phát, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng của nữ sĩ Xuân Đài có tới 6 người đều là hội viên Hội thơ Đường Việt Nam. Những người con gái, con trai của cụ: Trần Thị Loan, Trần Thị Kim Phương, Trần Thị Kim Oanh,  Trần Trọng Kim, Trần Trọng Tài đều là những tác giả thơ Đường cự phách. Cháu ngoại của cụ là Lê Khánh Trình, 40 tuổi nhưng đã làm thơ Đường từ mấy năm nay.

          Ông Hoàng Văn Chung, Chủ tịch Chi hội thơ Đường tỉnh Lâm Đồng  kể cho tôi nghe câu chuyện về "thần đồng" thơ Đường Nguyễn Công Hiếu, làm thơ từ lúc 8 tuổi. Ban đầu cháu được các ông, các bà trong CLB thơ Đường hướng dẫn về gieo vần, niêm luật, chỉ mấy tháng sau, cháu đã có thơ Đường đăng trên báo Lâm Đồng. Đến nay, cháu Hiếu đã có hàng chục bài thơ Đường, bài nào cũng được người yêu thơ đánh giá tốt. Chi hội thơ Đường Đà Nẵng có 60 người thì đã có 9 hội viên trẻ. Các tác giả: Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Thị Sơn, Nguyễn Thị Bích Hiên... đều dưới 40 tuổi. Cây bút đang nổi của Chi hội là Phạm Thị Khánh Trang mới 30 tuổi. Sức sống của thơ Đường nhìn vào sự kết nối đã thấy ấm lòng. Chính sự phát hiện, bồi dưỡng kịp thời của các Chi hội thơ Đường trong cả nước đã tạo nên sức sống mới cho thơ Đường Việt Nam bay cao, bay xa.

    Chia tay Đà Nẵng, các tác giả hẹn gặp lại trong ngày hội thơ Đường năm sau trên quê hương Bác Hồ kính yêu. Xe đã chuyển bánh mà trong tôi vẫn vang lên bài thơ của tác giả Thanh Thanh: "Bạn về Đà Nẵng với mình không/ Xướng họa thơ Đường trước biển Đông/ Thành phố mệnh danh là đáng sống/ Một niềm kiêu hãnh của non sông".

 

                                                                     Theo Người cao tuổi

  

Tác giả BBT