THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
KẺ CHÍN LẠNG, NGƯỜI MỘT CÂN
02-08-2020

chua.jpgXin giới thiệu hai bài thơ xướng họa và lời bình

Bài xướng:                                           TAM ĐẢO

                             (Nguyên tác Đàm Văn Nghị)

 

Ơ kìa Tam Đảo diệu kỳ thay                

Mong ước nhiều năm đã gặp đây

Đồi núi trập trùng sương cõng gió

Suối khe e ấp nắng hôn cây

Nhấp nhô cao thấp nhà chen dãy

Uốn lượn gần xa phố quyện mây

Thưởng nguyệt cùng em trên thác Bạc

Dùng dằng tình gửi mãi nơi đây.      

 

 

Bài họa:                                       TAM ĐẢO

(Họa nguyên vận – Tác giả Nhuệ Phong)

 

Tam Đảo ơ kìa kỳ diệu thay

Từ lâu ao ước tới nơi đây

Trập trùng đồi núi sương mờ phủ

E ấp suối khe nắng dãi cây

Cao thấp nhấp nhô nhà thoáng gió

Xa gần thấp thoáng phố chen mây

Ly trà thưởng nguyệt trên cung Quảng

Thả tứ, neo vần thật đắm say.

 

 

KẺ CHÍN LẠNG, NGƯỜI MỘT CÂN

                                                                                    Nguyễn Công Thịnh

                                                                            Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội

 

          Hầu hết các thi huynh, thi hữu đã sáng tác và khảo nghiệm thơ Luật Đường đều hứng thú cách chơi xướng – họa. Có thể nói là một cách chơi tao nhã, uyên bác, tri âm tri kỷ và càng thú vị khi bài họa ngang bằng hoặc hay hơn bài xướng về ý, tứ, sự đồng cảm hoặc ít nhất có một vài từ nổi trội, độc đáo hơn.

          Ở đây nhà thơ Nhuệ Phong đã thể hiện được điều đó, làm thỏa mãn đông đảo bạn đọc gần xa. Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu ở Tam Đảo có gì đặc biệt để cả hai tác giả cùng thốt lên lời cảm thán “Kỳ diệu – kỳ diệu thay!”.

          Tam Đảo là danh lam miền sơn cước thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đây, thời đế quốc Pháp xâm lược nước ta hay triều đại phong kiến cai trị, từ người Pháp đến vua Bảo Đại đều chọn nơi đây làm nơi xây dựng nhà nghỉ mát. Đến sau này Thiền Viện Trúc Lâm cũng chọn nơi này xây dựng Thiền Viện càng đắc tâm, đắc đạo.

          Hai câu mở bài của bài họa:

                   “Tam Đảo ơ kìa kỳ diệu thay

                   Từ lâu ao ước tới nơi đây”

          Thể hiện sự đồng cảm, chờ mong cùng rung cảm trước cảnh đẹp mà lâu nay cùng đợi chờ. Có lẽ vì vậy mà tác giả Nhuệ Phong đã chọn cách họa nguyên vận chứ không chọn cách họa “loạn vận” hay “nương vận” mượn vần như một số người từng làm để diễn đạt một nội dung khác.

          Theo cách trực phá, mở cửa ra nhìn thấy dãy thanh sơn hiện lên trước mắt, thỏa lòng ao ước bấy lâu nay được thăm nơi núi non hùng vĩ, muôn vàn muông thú hót ca, nơi có khí hậu ôn hòa, nơi có:

                   “Trập trùng đồi núi sương mờ phủ

                   E ấp suối khe nắng dãi cây”

          Qua hai câu trạng, chúng ta đã thấy sự cách biệt của bài họa. Nếu cho vế một của bài xướng và bài họa bằng nhau vì chỉ đảo từ thì chất thơ đã khác ở vế hai của bài họa. Rõ ràng “sương cõng gió” đã hay nhưng không bằng “sương mờ phủ”, vì sương có gió, sương tan nhanh. Còn sương mờ phủ thì còn đọng lại dài hơn và dày hơn thành màn sương và lớp sương. Tương tự “nắng hôn cây” là nắng nhẹ không bằng “nắng dãi cây” là nắng nhiều, nắng khắp và có thể mới làm tan dần màn sương phủ để lộ ra đồi thông đứng thẳng đang reo như cố nhân nhà thơ Nguyễn Công Trứ đã viết:          

                   “Lưng trời vách đá cheo leo

                   Ai không sợ rét thì trèo với thông”

          Đến hai câu luận, chúng ta càng thấy thú vị hơn:

                   “Cao thấp, nhấp nhô nhà thoáng gió

                   Xa gần thấp thoáng phố chen mây”

          Cũng bằng cách so sánh như trên, chúng ta thấy vế một của bài xướng và bài họa bằng nhau (bằng cách đảo từ), thì vế hai của bài họa có sự hơn hẳn về ý. Chúng ta thấy dãy nhà ven sườn núi nhấp nhô song rất mát mẻ vì “thoáng gió” tạo thành đường phố chạy dài tận phương trời xa thẳm, phố cao bởi có mây vờn chứ không chen chúc, càng tô điểm cho Tam Đảo thêm phần lộng lẫy hơn.

          Tới hai câu kết với cảnh đấy người đây:

                   “Ly trà thưởng nguyệt trên cung Quảng

                   Thả tứ neo vần thật đắm say”

          Chẳng những tác giả không làm mất đi sự đồng cảm của tác giả bài xướng là cùng “thưởng nguyệt”, mà còn cho ta thấy tâm thế của tác giả ở vị trí và mức độ khác nhau. Một bên là “cùng ngắm với em” và dùng dằng đi chẳng dứt, còn một bên là tác giả ngồi bên ấm trà ngắm ả Hằng Nga trên cung trăng để làm thơ: “Thả tứ, neo vần thật đắm say”, bằng lời hay, ý đẹp, gợi nhớ đến cụ Tản Đà đã phác họa bức tranh sơn thủy về Tam Đảo nơi đây:

                   “Ngàn năm giao ước kết đôi

                   Non non nước nước khôn nguôi lời thề”

          Có thể nói chỉ năm mươi sáu chữ nhưng mỗi chữ có một chức năng riêng. Cả hai tác giả đã in đậm Tam Đảo thành bức họa phong sương đượm vẻ thiên nhiên kỳ thú. Đặc biệt bài họa đã đem lại cho bạn yêu thơ một cảm nhận đầy hứng thú về xướng họa thơ Luật Đường. Tuy nhiên, cả hai bài xướng, họa đều có điểm chưa hoàn hảo. Về bài xướng, có lỗi điệp vần “đây”, còn bài họa có lẽ vì tránh lỗi điệp vần đành chịu lỗi lệch vần ở câu cuối. Lỗi cố ý này có thể thông cảm được. Quả là hai tác giả “kẻ chín lạng, người một cân”.

                                                                          N.C.T

Tác giả BBT