THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Giới thiệu về tập thơ ngoài thơ Đường của Hội Viên
16-07-2018
DD Trong.jpgGiới thiệu về tập thơ ngoài thơ Đường của Hội Viên - qua bài viết của Nhà thơ Xuân Lộc:

                                          VÀI CẢM NHẬN

    VỀ TẬP THƠ “BẾN XƯA” CỦA NHÀ THƠ DƯƠNG ĐOÀN TRỌNG

   Tôi quen và thân với Dương Đoàn Trọng (DĐT) do cùng sinh hoạt trong CLB thơ Đường Hà Nôi – một CLB “khủng” với 435 hội viên, gồm 16 CLB cơ sở, trải dài qua các quận, huyện của Hà Nội (cũ) và các huyện của tỉnh Hà Tây. Dương Đoàn Trọng đã được khẳng định là một “cây” Đường thi có hạng. Đọc “Bến xưa”, độc giả lại thêm một khẳng định mới: Đương Đoàn Trọng là nhà thơ Lục bát và thơ tự do có tài!

1.Một tình yêu thương đằm thắm nồng nàn chất chứa đầy ắp các trang thơ của “Bến xưa”. Đó là tình yêu thương cha mẹ, vợ con; lòng cảm thông sâu sắc với người dân quê mộc mạc lam lũ; là tình yêu với cái làng quê nghèo bên sông Đáy; là tình cảm thân thương pha chất hài hước đối với người đồng đội “không chân thật” ( anh ấy đi bằng chân giả!),… “ Tình yêu làng xóm, yêu miền quê đã trở thành tình yêu quê hương tổ quốc”.

   Cũng như bao người khác, tình cảm sâu đậm nhất của tác giả trước hết dành cho người mẹ.Trước đây, nhà thơ Đồng Đức Bốn cũng đã giục dã sớm về với mẹ: “Trở về với mẹ ta thôi/ Kẻo mai chết, lại mồ côi dưới mồ”.Tình yêu thương của tác giả DĐT đối với mẹ ngân lên suốt cả cuộc đời: “Nắng nào phơi mẹ khô dần/Suốt đời héo cả sang phần ruột con” (Mẹ). Thương mẹ cả đời cực nhọc: “Một đời gánh nặng liêu xiêu/Vít còng lưng mẹ bao nhiêu tủi hờn/Cỏ ôm mồ mẹ xanh rờn/Dải khăn xô héo thắt con với buồn” (Nhớ mẹ). Cứ mỗi lần sinh nhật tác giả lại bùi ngùi nhớ mẹ nhiều hơn: “Hôm nay sinh nhật con bùi ngùi nhớ mẹ/Bạn bè người thơ người hoa tặng con vui là thế/Mẹ… mẹ ơi con thương nhớ mẹ nhiều” (Viết nhân sinh nhật). Lòng tác giả chất chứa u buồn khi tiên lượng được ngày mẹ sắp đi xa: “Mẹ cười con ướt lệ nhòa/Biết rằng mẹ sắp đi xa con rồi (Nhá cơm mớm mẹ chồng).

  Tình yêu thương vợ con của tác giả thật sâu sắc! Sau hơn 10 năm đi bộ đội, tài sản anh mang về cho vợ con là “một chiếc ba lô, một tâm hồn chiến sỹ” (thơ Giang Nam) và một tấm thân gầy còn mang nhiều mảnh đạn.Vậy mà người vợ trẻ, vì bạo bệnh, đã bỏ anh và các con để về với Tổ Tiên! Ngày xưa, nhà thơ Hữu Loan khóc vợ bằng bài thơ để đời: “Màu tím hoa sim”. DĐT không khóc nổi khi lòng quá tái tê, anh đã viết nên những câu thơ làm thổn thức con tim độc giả: “Đổi sức mình nuôi mẹ với thương con/Cũng giặt giũ xâu kim khâu vá/Lành áo con yêu, rách lòng minh tơi tả/Gió bấc về lạnh cóng những vầng trăng”(Có một thời tôi làm phụ nữ).Tôi dám cam đoan rằng sẽ có những cô gái, những người phụ nữ đem lòng yêu thương tác giả sau khi đọc những câu thơ này – dù chưa hề gặp anh!

   Tình thương con của người cha DĐT khó mà diễn tả hết bằng lời. Anh đã đau đớn xiết bao khi đi nhận những đồng tiền do con gửi về nhờ việc làm mướn ở xứ người: “Đồng tiền mặn chát mồ hôi/Lại còn thấm cả những lời thị phi/Tuổi xuân con gói mang đi/Ngân hàng bố đến nhận về nỗi đau” (Thương con).

   Người chị được để ở một góc trang trọng trong tâm hồn nhà thơ: “Chị như sợi chỉ vô hình/Vá khâu áo rách cho lành đời em” (Chị-Em), và “Chị tôi như chiếc đàn bầu/Một dây ngân đủ nông sâu nỗi buồn” (Chị tôi).

   Tình đồng đội ăm ắp trong thơ anh.Chiếc bi đông dùng chung nơi chiến hào Trường Sơn là kỷ niệm của những ngày chiến tranh khốc liệt: “Nước bi đông cạn lại đầy/Thương em chẳng cạn từ ngày xa nhau” (Chiếc bi đông).Trong chiến tranh, tình đồng đội trân quý biết dường nào: “Câu chuyện riêng tư gặp nhau chưa kịp nói/Viết dở bức thư ta đã mất nhau rồi!” (Nhớ đồng đội).

    Từ mấy nét chấm phá về cảnh của một phiên chợ, anh đã nghĩ đến nỗi vất vả lam lũ của người dân quê mình: “Chợ quê bán muối bán gừng/Bán mồ hôi đọng trên từng mớ rau” (Tặng người xa xứ).Câu thơ thể hiện một tình yêu quê hương mộc mạc, chân chất, trong khi nhà thơ  Đồng Đức Bồn lại thể hiện tình yêu quê hương qua những ký ức tuổi thơ: “Chăn trâu cắt cỏ trên đồng/Rạ rơm thì ít gió Đông thì nhiều/Mải mê đuổi một cánh diều/Củ khoai nướng cả buổi chiều thành than”. Chao ôi!Tình yêu quê hương yêu người thân của tác giả Dương Đoàn Trọng  nồng nàn đằm thắm biết dường nào!

2. Tài tu từ và phép dùng hình ảnh thơ chọn lọc của tác giả Dương Đoàn Trọng.

    Các hình ảnh thơ được tác giả chọn lọc rất tinh tế: “Bóng em rơi cạnh cầu ao/ Không ai vớt kịp chìm vào lòng tôi/ Bây giờ ao đã lấp rồi /Tương tư ngụp lặn trong tôi vẫn còn” (Bóng em). Sau “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên”(Thế Lữ), hai người lại ở hai bờ của con sông bên lở bên bồi: “Bên kia tình lỡ đã rồi/ Bên này thương nhớ cứ bồi đầy thêm” (Nợ đời), hay “Hai đầu thương nhớ chênh vênh/ Tôi xa quê để gập ghềnh tình em” (Gửi em). Anh gửi cho người tình cũ: “Mượn em một chuyến đò ngang/ Để anh chở cái lỡ làng qua sông” (Mượn em) hoặc gửi lời trách nhẹ nhàng với người yêu xưa “Ra sông tìm vớt câu thề/ Đã chìm từ thuở trăng kề vai em”(Vu vơ). Ngày xưa nhà thơ Lý Bạch nhảy xuống sông để vớt trăng, ngày nay tác giả Dương Đoàn Trọng đi vớt giấc mơ dưới đáy sông: “Giấc mơ chìm ở quãng sâu/Mà chưa vớt được lòng đau đáu buồn” (Một dòng sông).Anh nói thay nỗi nhớ chồng của người vợ trẻ “Chăn nào ấm được đêm đông/ Gầu nào múc nỗi nhớ chồng cho vơi” (Em).

   Khi nhà thơ Đồng Đức Bốn có những câu thơ rất đáng yêu “Câu thơ anh gửi riêng mình/ Mà cây trúc mọc sau đình tương tư” thì tác giả DĐT cũng đã viết những câu thơ duyên dáng :“Từ câu Quan Họ sân đình/ Ăn trầu say ngả nghiêng hình bóng em” (Trầu Quan Họ).

    Và đây là hình ảnh những ngày đi học dưới bom đạn bắn phá của giặc Mỹ “Trống trường lẫn tiếng bom rơi/ Làm cho nét chữ đời tôi ngoằn ngoèo”(Quê hương).Cái giếng Chùa được anh tả đầy thi vị bằng phép nhân hóa “Giếng Chùa như cái đấu tròn/ Đong bao thế hệ vẫn còn thấy vơi/ Yên bình đong những tiếng cười/ Loạn ly đong cả những lời thở than” (Giếng Chùa).

    Người xưa có câu “thi dĩ bi vi mỹ” nghĩa là thơ có buồn mới hay. DĐT đã dùng nắng – dẫu là nắng nhạt, để hong khô nỗi buồn của mình “Chiều nay nắng nhạt góc trời/ Vẫn vừa đủ để anh phơi nỗi buồn” (Bâng khuâng chiều).


    Vài cảm nhận ban đầu chưa thể nói hết cái hay cái đẹp của thơ Dương Đoàn Trọng, mong được độc giả khám phá thêm.

    Trân trọng cảm ơn nhà thơ đã cho độc giả được thưởng lãm một tập thơ có nội dung phong phú, sâu sắc và có thính nghệ thuật cao!

                                                                                   Xuân Lộc (10/7/2018)


Tác giả BBT