Hội thảo ' Thơ Đường luật Việt Nam trong dòng văn thơ yêu nước và cách mạng nửa đầu thế kỷ XX thành công tốt đẹp
Tổng kết Hội thảo
khoa học
THƠ ĐƯỜNG LUẬT VIỆT NAM
TRONG DÒNG
VĂN HỌC YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG
NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
(Do Hội Thơ Đường luật Việt Nam thuộc Trung
tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc cùng Viện Văn hoá và Phát
triển thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức)
Tính từ năm 2014, đây là Hội thảo khoa
học lần thứ 3 do Hội thơ Đường luật Việt Nam thuộc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn
và Phát huy văn hoá dân tộc chủ trì tổ chức, sau Hội thảo “ Bác Hồ với Thơ Đường luật Việt Nam” tổ
chức tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh và Hội thảo “ Tú Xương với Thơ Đường luật” tổ chức tại Nam Định, quê hương của
nhà thơ. Lần này, chủ đề của Hội thảo được mở rộng hơn, đề cập đến Thơ Đường luật
của cả một giai đoạn lịch sử văn học dài nửa thế kỷ, hơn thế, nửa thế kỷ đầy biến
động, không phải riêng một con người mà của cả một dân tộc, nói rộng hơn là cả
thế giới.
I.Đánh giá chung về các đề tài Hội thảo
Nội
dung đề tài có thể được đề cập hiển nhiên nhưng rất phong phú, đa dạng. Chủ đề
Hội thảo có “mở rộng” nhưng không phải
không có giới hạn vì 3 cụm từ “Thơ Đường luật Việt Nam”, “trong dòng yêu nước và cách mạng” và “nửa đầu thế kỷ XX”
đã minh định.Tất nhiên, cũng như mọi sự vật khác, ở lĩnh vực văn học cũng có hiện
tượng trung gian, quá độ. Nếu nói “một số bài thơ Đường luật của Chủ tịch Hồ
Chí Minh viết sau 1945 thời kháng chiến chống Pháp có thể coi là vĩ thanh của thơ Đường luật trong Ngục trung nhật ký” (Nguyễn Đình Chú),
thì ta cũng có thể coi những bài thơ Đường luật thấm đẫm tinh thần yêu nước thiết
tha và tinh thần phê phán mãnh liệt cuối thế kỷ XIX là khúc tiền tấu của dòng thơ Đường luật yêu nước và cách mạng đầu thế
kỷ XX. Ở đây, chưa đề cập đến hiện tượng có không ít nhà thơ đã sống qua 2 thế
kỷ, nói cụ thể hơn là qua đời vào đầu thế kỷ XX, như Phan Văn Trị, Trần Tế
Xương, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Học Lạc, Từ Diễn Đồng, Nguyễn Hàm…Xác định nội
dung “cách mạng” thì không phức tạp, nhưng xác định ranh giới giữa “yêu nước”
và “cách mạng” lại không đơn giản, đặc biệt là xác định biểu hiện của lòng yêu
nước qua văn bản, qua nội dung, ý nghĩa của tác phẩm, đôi khi không hề dễ
dàng như đối với trường hợp của Tản Đà,
Trần Tuấn Khải, Sương Nguyệt Anh, với cả nữ sĩ Ngân Giang - nhà thơ nữ làm thơ
Đường luật vào loại nhiều nhất của Việt Nam, người đã có bức tranh thêu một bài
thơ Đường luật tặng Hồ Chủ tịch… Về thể tài Thơ Đường luật cũng vậy, với hầu hết
thơ của các “nhà nho – chiến sĩ” (khái
niệm GS, Nguyễn Đình Chú đề nghị sử dụng bên cạnh khái niệm chỉ 3 loại hình nhà
nho xưa là “nhà nho nhập thế”, “nhà nho ẩn dật” và “nhà nho tài tử”), thì gần
như không cần đặt vấn đề này ra. Hầu hết các báo cáo thống nhất khẳng định, tất
cả đều tuân thủ nghiêm ngặt niêm luật thơ Đường. Nhưng với Ngục trung nhật ký thì không đơn giản thế. Trong Hội thảo trước, một
số báo cáo đã đặt ra vấn đề này vì bên cạnh những bài viết theo đúng niêm luật,
lại có những bài, theo yêu cầu biểu đạt nội dung, Bác Hồ đã phá cách khá nhiều
và khá mạnh dạn, tới mức có thể xem đó là thơ cổ thể hay nửa cổ nửa luật. Trong
Hội thảo này, còn có một vấn đề đặt ra nữa về thể tài là mối quan hệ giữa Thơ mới
và Thơ Đường luật. Báo cáo của tác giả Dương Xuân Tấn đã nêu lên một vài bài
thơ Đường luật (mà phần lớn là Tuyệt cú) đầu tay rất hay của Tố Hữu song phần lớn
chỉ là những khổ 4 câu nằm trong một bài thơ dài, lại không phải là thất ngôn
bát cú nên anh gọi là ‘Thất ngôn tứ tuyệt tràng thiên”. Gọi như vậy không phải
là không có cơ sở song chưa thật ổn vì đã là “tứ tuyệt” sao lại gọi là “tràng
thiên” ? Phải chăng có thể gọi là Tuyệt
cú liên hoàn? Dẫu vậy, thực tế này cũng đặt ra một vấn đề có tính chất lý
luận rất đáng suy ngẫm: Trong phong trào Thơ mới, có những bài thơ dài và rất
hay gồm toàn những khổ 4 câu và tất cả đều viết đúng theo công thức của Thơ Đường
luật như một số bài thơ đầu tay của Tố Hữu, nhiều bài thơ của Huy Cận, Xuân Diệu,
của Ngân Giang, Tản Đà... Có người thống kê, trong tất cả các bài Thơ mới đưa
vào SGK Ngữ văn CCGD, ở những bài có cấu trúc như vậy, xét theo công thức thơ
Đường luật, chỉ có một câu thơ “thất niêm” trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử! Đây là một vấn đề phải giải quyết
trước khi thống kê số lượng thơ Đường luật hiện đại ( nếu muốn thống kê cả thơ
tuyệt cú Đường luật), ít nhất cũng là để làm minh chứng cho ảnh hưởng về một mặt
nào đấy về thể thơ của Thơ Đường luật đối với Thơ Mới.
Nếu xét một cách chặt chẽ theo 3 tiêu chí
đã nêu trên, không ít báo cáo (kể cả báo cáo chưa in vào kỷ yếu), đã có những
điểm “việt vị” vì đề cập quá nhiều tới thơ cuối thế kỷ XIX, dẫn ra cả những bài
khó chứng minh là thể hiện tinh thần yêu nước và cách mạng hoặc không ít thơ lục
bát. Có chỗ ban tuyển chọn mạnh dạn lược bớt, nhưng cũng có lúc đành giữ nguyên
vì đôi lúc thấy đó là những tư liệu quý cần cung cấp cho hội viên để sau này
làm ngữ liệu khi cần thiết. Dĩ nhiên, cũng với những ngữ liệu nói trên, nếu lược
bớt, rồi tìm tòi suy nghĩ thêm, nhất là gắn với hoàn cảnh thời đại, với “văn cảnh
sáng tác”, với tâm lý tiếp nhận của độc giả thì vẫn có thể chỉ ra niềm yêu nước
thương nòi sâu kín, ít ra cũng có thể dùng để làm nối bật mép viền cho 3 đường
giới hạn nói trên của Hội thảo.
II.Những nội dung lớn được đề cập
Ban tổ chức đã nhận được 57 báo cáo. Mặc
dầu không in được tất cả vào kỷ yếu, nhưng Hội vẫn lưu giữ tất cả một cách trân
trọng và xem đó là hồ sơ quý giá. Dưới đây, xin điểm một số nét lớn thể hiện
qua các báo cáo đã được in vào kỷ yếu.
1.Đề tài báo cáo rất đa dạng: có 9 báo cáo
mang tính chất khái quát, đề cập đến tình hình chung của Thơ Đường luật trong
dòng thơ yêu nước và cách mạng của Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX như báo cáo của
các tác giả Hoài Yên, Trần Bửu Lâm, Nguyễn Đình Chú, Lê Đình Sơn, Lê Trọng Hồng,
Trần Châu Hoàn, Trần Hạnh Nguyên, Nguyễn Quang Chính, Đức Thọ ; cũng có 9 báo
cáo chuyên về một tác giả như về Hồ Chí Minh (Bùi Ngọc Hồng),về Huỳnh Thúc
Kháng (Phạm Thị Xuân Châu), về Tố Hữu (Dương Xuân Tấn), về Phan Bội Châu (Lê Hồng
Việt Tuấn), về Trần Huy Liệu (Nguyễn Hữu Sơn), về Nguyễn Thượng Hiền (Trần Thị
Băng Thanh), về Tản Đà (Võ Quang Huy), về Ngân Giang (Lê Thị Bích Hồng), về
Nguyễn Quang Diêu (Lê Ngọc Thạc); có báo cáo đề cập đến riêng về thơ Đường luật
của các chiến sĩ cộng sản như báo cáo của Võ Giáp, Hoàng Trọng Hiếu, về thơ Đường
luật của các tác giả dân tộc Tày ở Cao Bằng của Triệu Thị Kiều Dung; có báo cáo
chỉ bàn sâu vào một tác phẩm như về Nhắn
bạn của Hoàng Văn Thụ (Nguyễn Thị Thiện), về Xuất dương lưu biệt của Phan Bội Châu (Nguyễn Thị Bích Hải, Bùi Chí
Thành).
Trong Hội thảo này, chỉ có một báo cáo về
thơ Hồ Chủ tịch vì chúng ta vừa tổ chức Hội thảo chuyên đề về Thơ Đường luật của
Người và Kỷ yếu Hội thảo đó đã được in thành sách. Hai tác phẩm được phân tích
và bình luận nhiều nhất là Đập đá ở Côn
Lôn của Phan Châu Trinh và Xuất dương
lưu biệt của Phan Bội Châu. Qua Hội thảo, chúng ta còn được tiếp xúc với một
số bài thơ Đường luật thể hiện lòng yêu nước sâu lắng được lồng trong văn bản
Tuồng của các chí sĩ Đào Tấn, Tống Phước Phổ do báo cáo Đề dẫn Hội thảo của GS.
Hoàng Chương cung cấp. Sự việc này gợi ý cho chúng ta một hướng mới trong việc
sưu tầm, nghiên cứu và đánh giá thơ Đường luật.
2.Các báo cáo của Hội thảo đã bước đầu
giải quyết được một số yêu cầu cơ bản do mỗi
đề tài đặt ra và qua đó đặt ra khá nhiều vấn đề có ý nghĩa chung.
2a. Đã phác thảo được một bức tranh sinh động
cũng như vận mệnh thăng trầm trong nửa thế kỉ đầy biến động của Thơ Đường
luật, một thể thơ, mặc dầu có nguồn gốc ngoại lai, vì đã được dân tộc Việt Nam
tiếp biến và Việt hoá một cách sáng tạo trên hơn một nghìn năm nên thực sự đã
trở thành tài sản quý báu của dân tộc. Các báo cáo đã chỉ ra, trên đại thể,
giai đoạn nửa thế kỷ này có thể chia ra thành 2 chặng đường: từ đầu thế kỷ đến
trước sau những năm 30 và từ trước sau những năm 30 đến giữa thế kỷ. Trong chặng
đường thứ nhất, số lượng tác phẩm viết theo thể Đường luật nhiều hơn, tác giả
xuất thân nhà nho - những nhà nho chí sĩ
hoặc những nhà nho đã tiếp thu được tư tưởng khoa học và dân chủ của các nước
phương Tây và tinh thần tự cường, cải cách của Nhật Bản - chiếm địa vị chủ yếu
trên thi đàn; trong chặng đường thứ hai, chủ yếu là từ 1930 đến 1945, thời kỳ nền
văn học dân tộc có sự phát triển gia tốc, giữa rất nhiều trào lưu văn học mới,
dễ hiểu là số người làm thơ Đường luật ít hơn nhưng xuất thân lại đa dạng hơn,
không khí sáng tác thơ Đường luật tuy giảm sút song không bao giờ đứt đoạn
và trong mạch phát triển ấy, vẫn nổi lên những nhà thơ yêu
nước với nhiều xu hướng, giọng điệu, viết được nhiều bài thơ Đường luật hay như
Ngân Giang, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Huỳnh Thúc Kháng… và đặc biệt là những tác phẩm thấm đượm tinh
thần cách mạng, tinh thần đấu tranh bất khuất trong những tình huống cực kỳ hiểm
nghèo của các chiến sĩ cộng sản mà đỉnh cao là những bài thơ Đường luật trong Nhật ký trong tù của Nguyễn Ái Quốc - Hồ
Chí Minh.
2b.Các
báo cáo đã chỉ ra những biểu hiện cụ thể của sự tiếp biến đầy sáng tạo trên các
mặt nội dung cũng như nghệ thuật, thi pháp của thể thơ cổ điển ấy trong hoàn cảnh lịch sử đặc thù của lịch sử Việt
Nam đầu thế kỷ thứ XX và phân tích cơ sở xã hội, những tiền đề đặt nền móng tạo
nên sự tiếp biến sáng tạo đó. Đó là truyền thống ưu tú, lâu đời của thơ Đường
luật Việt Nam xuất hiện ngay từ những bài thơ đầu tiên như Quốc tộ của thiền sư Pháp Thuận, Nam Quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt, những tác phẩm có
thể coi như những bản Tuyên ngôn Hoà bình và Tuyên ngôn Độc lập; đó là bệ phóng
của những bài thơ Đường luật tuyệt tác chứa đầy hào khí dân tộc của các chí sĩ
yêu nước cuối thế kỷ XIX- những năm đầu thế kỷ XX như Nguyễn Đình Chiểu, Phan
Văn Trị, Phan Đình Phùng, Nguyễn Quang Bích, Tống Duy Tân, Nguyễn Hữu Huân, Bùi
Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông, Trần Cao Vân…Ngay từ cuối thế kỷ XIX và những năm đầu
của thế kỷ XX, rất nhiều chí sĩ đã bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo và đã viết
nên những vần thơ cực kỳ hào sảng, thể hiện tinh thần bất khuất và niềm tin lạc quan ở tương lai đất nước.
Các
báo cáo đã chỉ rõ, bên cạnh việc tiếp thu truyền thống thơ ca yêu nước, thơ Đường
luật chịu ảnh hưởng trực tiếp, sâu xa của phong trào đấu tranh giành độc lập
anh dũng của dân tộc qua từng chặng đường
với những xu hướng khác nhau, từ phong trào Cần Vương, Đông Kinh nghĩa thục,
Đông Du, Duy Tân đến Xô Viết Nghệ Tĩnh, với bao nhiêu cuộc vận động, biểu tình,
khởi nghĩa lớn nhỏ.
2c.Dựa trên truyền thống văn học tốt đẹp,
được phong trào cổ vũ là những điều kiện rất quan trọng, song vai trò của chủ
thể sáng tạo – cá nhân nhà thơ vẫn là yếu tố quyết định. Các báo cáo đã chỉ rõ,
phần lớn các nhà thơ viết thơ Đường luật là những thành phần tinh hoa của xã hội.
Họ là những người có tầm văn hoá cao, phổ kiến thức rộng, tư tưởng cấp tiến,
tình cảm mãnh liệt. Họ cũng là những người hiểu sâu sắc ý nghĩa của văn thơ, biết
rõ văn thơ không chỉ có chức năng “ngôn chí”, “trữ tình” mà còn có tác dụng
chia sẻ cảm thông, cổ vũ tập hợp, đấu tranh phê phán. Tư tưởng tình cảm yêu nước
và cách mạng của họ không chỉ thể hiện một cách hào hùng quyết liệt ở những
giây phút gay cấn nhất trong cuộc đấu tranh sinh tử song cũng bộc lộ một cách tự
nhiên mà nhạy bén, tinh tế trong mọi quan hệ đời thường (với bố mẹ, anh em, vợ
con, người yêu), trước thắng cảnh của đất nước quê hương, trước gương sáng của
danh nhân trong sử sách…,thậm chí trước những sự việc tưởng như không thể gợi
nên cảm xúc gì:
“…Tháng Một đứng trên đầu tháng Chạp,
Ngày Nam nằm
dưới đít ngày Tây.
Chỉ trên bức
giấy mà như thế,
Chi lọ
giang sơn mới nỗi này!”
(Tạ ơn người tặng lịch. Phan Bội Châu)
Quả
đúng như văn hào Lỗ Tấn nói: “Từ mạch đất tuôn ra đều là nước; Từ huyết quản chảy
ra đều là máu”.
Có một điểm cần lưu ý: những phong trào đấu
tranh của nhân dân ta từ đầu thế kỷ đến khoảng 1925, tuy rất anh dũng nhưng rốt
cuộc đều đi đến bế tắc hoặc thất bại, cho nên không ít bài thơ Đường luật biểu
hiện tâm trạng thường đẫm màu sắc u uất,
thậm chí buồn đau. Việc đối chiếu số lượng, nội dung cũng như giọng điệu thơ Đường
luật của hai tác giả tiêu biểu ở chặng đường thứ nhất (Phan Bội Châu, Phan Châu
Trinh) trước và sau khi thất bại hoặc bị tù đày là rất có ý nghĩa. GS. Nguyễn
Đình Chú cho rằng hiện tượng này xác nhận một quy luật mà người xưa đã nêu: “bất
bình tắc minh”, và một quan niệm: “Thi dĩ bi vi mỹ”. Có thể nêu lên tâm trạng
đau buồn đó ở 2 câu kết của bài thơ Cảm
tác của Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu) trước ngày bị đưa ra pháp trường
xử bắn ở sân bay Bạch Mai:
Tòng kim hoá tác đề quyên khứ,
Đái huyết Nam hồi điếu cố viên
(Từ nay hoá làm con chim quốc, Ngậm máu đi về
khóc quê cũ).
Chúng
tôi cho rằng nói vậy không phải là không có lý nhưng hình như chưa thật đầy đủ
đối với chính 2 nhà thơ đã nêu, vì cái “bi” ở họ luôn bao hàm cái “tráng”; kể cả trong những vần thơ “ bộc
lộ tâm trạng bi thương, u hoài, có những lúc tỏ ra vô vọng” của Nguyễn Thượng
Hiền trong những ngày cuối đời vào chùa đi tu nơi xa xứ, người ta vẫn thấy “cái
chí giết giặc cứu nước ban sơ của ông vẫn không thay đổi.” (Trần Thị Băng
Thanh). Dĩ nhiên, nêu lên điều đó cũng rất
có ý nghĩa nếu ta đem đối chiếu những bài thơ này với những bài thơ Đường luật
của những người chiến sĩ cộng sản sống trong cảnh tù đày hay những giây phút sắp
đi ra pháp trường như bài Nhắn bạn của
Hoàng Văn Thụ. Như đã nói trên, ngay từ thế kỷ trước, các nhà thơ chí sĩ đã thể
hiện tinh thần bất khuất trong cảnh tù đày; những chiến sĩ cộng sản đã tiếp
thu, nâng cao tinh thần ấy, hơn thế, còn biến nó thành tổ chức hành động cụ thể
của cả tập thể tù nhân. Báo cáo của Võ Giáp đã cung cấp một tư liệu thú vị: Ở
ngục Kon Tum, ngay khi địch vừa xây xong nhà tù, các chiến sĩ cộng sản đã thành
lập “Ngục thất Tao Đàn” (Hội thơ trong tù). Khi địch sát hại 8 tù nhân, Tao Đàn
đã tổ chức cuộc thi thơ về sự kiện này. Kết quả, giải Nhất thuộc về Trịnh Quang
Xuân, người Can Lộc – Hà Tĩnh, giải Nhì thuộc về Hồ Tùng Mậu, người Quỳnh Lưu -
Nghệ An.
Như vậy, sự tồn tại của một dòng thơ Đường
luật yêu nước và cách mạng trong nửa đầu thế kỷ XX là một hiện tượng tất yếu, hợp
quy luật. Nhiều tác giả thơ Đường luật
trong giai đoạn này không chỉ có thể coi là những thi sĩ có tài mà còn đáng được
tôn vinh là danh nhân. Thể loại thơ mà họ sử dụng có lúc đã bị kỳ thị, song nó
vẫn vượt qua mọi khảo nghiệm của thời gian, biến đổi thích ứng với hoàn cảnh mới
và những tác phẩm viết theo thể thơ ấy, về bất cứ mọi đề tài, trước hết là về
chủ đề yêu nước và cách mạng, vẫn có vị trí xứng đáng trong quá trình phát triển
của văn học Việt Nam cận, hiện đại
2d.“Thơ Đường luật có nguồn gốc ngoại sinh
nên trong suốt lịch sử tồn tại, bằng những phương thức khác nhau, các nhà thơ
luôn tìm cách đưa yếu tố Việt vào trong cấu trúc thể loại để phù hợp với tâm tư
tình cảm của con người Việt Nam”
(Võ Quang Huy).
Bình thường đã phải làm thế, thời đại biến
động mạnh mẽ kéo theo sự thay đổi nhanh chóng của tư tưởng, tình cảm và cả quan
niệm thẩm mỹ thì nghệ thuật thơ tất yếu càng phải thay đổi theo. Báo cáo của Lê
Đình Sơn, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Thị Bích Hải… đã phân tích khá thấu đáo những
đổi thay trên bình diện nghệ thuật đã làm cho thơ Đường luật, kể cả những vần
thơ đầu thế kỷ dần thể hiện phong cách
hiện đại như gạt bỏ bớt tượng trưng ước lệ, khắc phục lối biểu hiện “phi ngã”,
bộc lộ sắc nét vai trò chủ thể, sử dụng ngôn từ giản dị, mang tính quần
chúng…Tuy nhiên, nhìn chung, còn ít báo cáo đi sâu khám phá những thay đổi về
thi pháp của thơ Đường luật giai đoạn này. Qua phân tích Xuất
dương lưu biệt, Nguyễn Thị Bích Hải đã chứng minh “sự gặp gỡ tụ hội cổ kim” trên một số phương diện - ngay từ cách đặt
tên đề thơ - từ góc nhìn thi pháp thơ Đường luật, mặc dầu về cách luật, bài thơ
“hoàn toàn chuẩn xác, phù hợp với yêu cầu nghiêm ngặt của một bài luật thi”.
Báo cáo dành nhiều công sức nhất cho sự phân tích nghệ thuật ở Hội thảo này là Đặc điểm giọng điệu thơ quốc âm Đường luật
của nhà chí sĩ cách mạng Huỳnh Thúc Kháng của Phạm Thị Xuân Châu. Theo tác
giả, giọng điệu chủ đạo của cụ Huỳnh là
giọng điệu thanh nghị và chị đã có rất
nhiệu cố gắng để chứng minh, phân tích giọng điệu ấy trên mọi phương diện của lập
luận, ngôn từ, thi pháp.
2e.
Một đóng góp nữa củả Hội thảo cần ghi nhận là đã cung cấp được nhiều tư liệu
còn ít người biết như Thơ Đường luật của Nguyễn Quang Diêu, một lãnh tụ trọng yếu
của phong trào Đông Du ở miền Nam, Thơ Đường luật viết bằng nhiều ngôn ngữ (
Hán, Nôm, Nôm Tày, Quốc ngữ) của các chí sĩ ở Cao Bằng…
Có thể nói Hội thảo của chúng ta đã đạt được
một cách khá tốt đẹp yêu cầu mà Hội đã đặt ra. Đó là nhờ sự đóng góp nhiệt tình
của các chi hội và trực tiếp là sự nỗ lực của các Hội viên đã cố gắng hoàn
thành việc viết báo cáo trong một thời gian ngắn trong những điều kiện rất khó
khăn, trước hết là về mặt tư liệu.
III.
Triển vọng về sự phát triển của chủ đề Hội
thảo
Nhiều báo cáo cho rằng chủ đề mà hội nghị
lựa chọn là rất thú vị và còn dư địa phát triển. Trước đây, NCS Trần Thị Lệ
Thanh làm luận văn TIến sĩ với đề tài gần như trùng với chủ đề của Hội nghị
này. Số lượng thơ Đường luật mà chị phát hiện và thống kê đã làm cho mọi người
kinh ngạc. Hiện nay, chỉ căn cứ vào các nguồn tư liệu mà các báo cáo phát hiện,
ta đã thấy một số lượng có thể nhiều gấp bội và tính chất của các nguồn cũng đa
dạng hơn. Với nghiên cứu khoa học, tác phẩm là “sự kiện”, mà sự kiện là “cánh
chim”, có thể nói là vấn đề tiên quyết. Tuy nhiên, thu thập tư liệu một cách đầy
đủ, chuẩn xác không hề là việc giản đơn. Chỉ đối chiếu số lượng tác phẩm thơ Đường
luật của một vài tác giả mà nhiều báo cáo cùng đề cập, ta thấy có sai số rất lớn,
đặc biệt là với nữ sĩ Ngân Giang.
Tiếp theo Hội nghị này, chúng ta có thể tiếp
tục liên tục tổ chức những cuộc Hội thảo theo cùng một phương hướng chủ đề như Thơ Đường luật Lý Trần, Thơ Đường
luật của Hồ Xuân Hương,…thậm chí
Thơ Đường luật và Thơ Thiền ở Việt Nam.
Chúng ta cũng có thể tổ chức Hội thảo theo hướng so sánh để thấy thơ Đường luật không phải là một thứ gông cùm bóp
chết mọi sáng tạo, là một thứ khuôn đúc ra những sản phẩm như nhau mà những tài
năng nghệ thuật vẫn có thể ngự trị nó, sử dụng nó để phô diễn cá tính của mình,
như Thơ Đường luật của Nguyễn Trãi và
Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thơ Đường luật của Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan, Thơ
Đường luật của Tú Xương và Nguyễn Khuyến, Thơ Đường luật của Trần tuấn Khải và
Tản Đà… Đến một độ nào đó, chúng ta có thể tổ chức Hội thảo với một chủ đề
rộng lớn hơn, chẳng hạn, Thơ Đường luật
Việt Nam:
tiếp biến và sáng tạo. Đó là kỳ vọng
của mỗi chúng ta, có lẽ cũng là một trong những hướng phấn đấu chủ yếu của Hôi
thơ Đường luật Việt Nam.
IV.Cuối
cùng, chúng ta cũng cần rút ra một số kinh nghiệm về mặt xác định đề tài, về việc
viết báo cáo cũng như trình bày báo cáo để những Hội thảo sau đạt kết quả tốt
hơn.
1.Như đã nói trên, chúng ta cần bám sát chủ
đề của Hội thảo hơn để tránh tới mức tối đa tình trạng “việt vị”.
2. Hội Thơ Đường Việt Nam có 2 hoạt động chính là sáng
tác và nghiên cứu. Báo cáo tại Hội thảo cơ bản là những văn bản nghị luận nên
phải rất tôn trọng luận điểm, luận chứng và quá trình lập luận. Nếu luận chứng
không phù hợp, thiếu chuẩn xác, lập luận thiếu chặt chẽ, không phù hợp lô gic
thì luận điểm rút ra sẽ chông chênh, thiếu sức thuyết phục.
Chẳng hạn, các luận chứng về thơ Phan Văn
Trị (1830 - 1910) cần được kiểm tra trước khi sử dụng. Nếu đa số tác phẩm nêu
ra làm vào cuối thế kỉ 19, thì những luận điểm rút ra có thể có giá trị khoa học
nào đó nhưng vẫn không thật phù hợp với chủ đề và tên gọi của Hội thảo. Tản Đà
là một nhà thơ tài hoa, hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực, viết theo rất nhiều
thể loại và về rất nhiều đề tài. Viết một bài về thơ Tản Đà theo sát yêu cầu Hội
thảo không hề là chuyện giản đơn. Chúng tôi xin mạnh dạn nêu lên một đoạn trong
báo cáo của bạn L. Đ. S mà Ban tuyển chọn buộc phải lược bỏ để cùng rút kinh
nghiệm chung:
“Nhiều người đặt ra câu hỏi thơ Đường luật
Trung Quốc một thời hoàng kim là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại nay lại vắng
bóng. Nguyên nhân cơ bản của vấn đề này là sự chuyển đổi của ngôn ngữ văn tự
sau cách mạng Tân Hợi 1911. Đó là sự chuyển đổi từ văn ngôn sang văn bạch thoại.
Từ Hán ngữ cổ sang Hán ngữ hiện đại đã bị tinh lược một vài dấu thanh nên không
phù hợp với luật “nhị tứ lục phân minh” trong sáng tác thơ Đường luật. Vì thế
thơ Đường luật Trung Quốc ngày nay không được tiếp tục sáng tác.”
Chúng tôi xin miễn bình luận vì đọạn văn
trên bộc lộ quá nhiều sơ hở trong cả 3 khâu của quá trình lập luận. Điều cần nhấn
mạnh: so sánh là một thao tác rất quan trọng trong lập luận, nhưng cũng là con
dao 2 lưỡi. Tuyệt không nên vì cần đề
cao một hiện tượng A, ta đưa một hiện tượng
B nào đó ra so sánh một cách khiên cưỡng, thiếu khoa học.
Tên gọi của Hội luôn nhắc nhở các Hội
viên phải trình bày đúng một bài thơ Đường luật. Trong một bài thất ngôn bát cú,
“liên” (cặp câu) là đơn vị cơ bản. Một chuyên gia hàng đầu quốc tế về thơ Đường
luật đã nêu một nhận định dí dỏm đầy sức thuyết phục: “Trong một liên, mỗi câu
thơ soi thấy bóng mình trong câu thơ đối diện”. Nghĩa là, 2 câu số lẻ và chẵn
trong một liên thơ không được trình bày tách ra ở 2 trang, đặc biệt không được
trình bày chơ vơ riêng một câu ở một trang tách khỏi 7 câu còn lại. Tiếc rằng
nhiều báo cáo, kể cả bản kỷ yếu cũng mắc sai sót ấy. Hội ta là một sân chơi quần
chúng rộng rãi, Ban phụ trách lại không có ai được hưởng lương chuyên trách. Trong
hoạt động có một số khuyết điểm là chuyện bình thường, chỉ cần cẩn thận hơn một
chút là hoàn toàn có thể khắc phục.
Giáo sư Nguyễn Khắc
Phi
Mời các bạn đọc vào YouTube tìm " HỘI THẢO THƠ DUONG LUAT2017" để xem toàn bộ cuộc Hội thảo.