THÔNG BÁO

Canh_dao_chuc635918145714052467.jpg Năm 2025

Năm  2024  đã khép lại với bao .biến động. Đất nước  ta cũng như   bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát của nhân loại cũng  lùi dần về quá khứ


ĐỐI NGẪU – MỘT VẺ ĐẸP ĐẶC TRƯNG, MỘT BIỆN PHÁP TU TỪ ĐẶC SẮC CỦA THỂ THƠ ĐƯỜNG LUẬT
21-01-2017
hoa quynh. F.jpgXin trân trọng giới thiệu bài viết của Tác giả Nguyễn Văn Thụ
   Tôi được biết, người sáng tác thơ luật Đường khi bắt gặp một cảnh huống thơ,  bao nhiêu ý tứ cứ trào ra, vội phô diễn nó lên giấy mực. Chưa xong. Người sáng tác thơ còn phải cô đúc, dồn nén, sao cho số câu, số chữ phải đúng theo luật; số chữ trong bài có thanh trắc phải xấp xỉ số thanh bằng. Nếu ta gọi chữ có thanh bằng là số (+), chữ có thanh trắc là số (-), thì luật âm dương này thăng giáng bù trừ sát sao đến từng liên thơ, đến cả bài thơ. Đó chính là điều hé mở khái niệm về sự cân bằng, có ý nghĩa triết học cổ phương Đông nằm trong hình thức thơ Đường luật.
          Ý nghĩa triết học nêu trên còn thể hiện rõ ở phép đối ngẫu.
          Trong một liên thơ (hai câu) được gọi là có đối, thì câu trên như tung, câu dưới như hứng, nó nương vào nhau làm cho ý thơ thêm mạch lạc.
          Vậy hèn chi, người ngàn xưa đã chả đưa đối ngẫu vào thể thơ này như một điều bắt buộc.
          Từ đầu thế kỷ trước, đối mặt với sự thắng thế của phong trào thơ mới, Vũ Hoàng Chương, một nhà thơ thành danh, không nỡ bỏ hẳn thơ Luật Đường, ông đã sáng tác nhiều bài thơ không đối, chỉ giữ lại có các luật còn lại . Vũ Hoàng Chương xem những bài thơ đó chỉ là một thực nghiệm. Sau này, song song với việc sáng tác theo thể thơ mới, ông còn sáng tác nhiều bài thơ luật nghiêm chỉnh  (như bài đa thủ “Giấc mơ tái tạo”).
          Chúng ta nay một khi đã  gửi hồn cho thể thơ luật,  thì đừng có bao giờ bực bội giữa khi đang có hồn thơ lai láng, lại bị nghẽn bởi hai cặp đối ở hai câu thực, luận mà nóng vội cho rằng: làm gì mà phải đối chác chặt chẽ như vậy.
 
          Đối ngẫu trong thơ luật, nói tổng quát là có 2 phép: Phép “chỉnh đối” và phép “nghệ thuật đối”. (chữ nghệ thuật do tôi tự đặt)
 
          Dưới đây chúng tôi xin được trao đổi về 2 phép đối này đối với thơ thất ngôn bát cú. Các ví dụ được nêu ra để phân tích, chúng tôi lấy từ một số bài thơ đã in trong “Thơ Đường quê lụa” tập 5, NXB Văn hóa Dân tộc, 2008.
 
         + Phép chỉnh đối.
 
          Nguyễn Thu Hà, người trẻ tuổi nhất của CLB Thơ Đường Hà Nội, trong bài “Duyên quê”, cặp thực, đối như sau:
 
  Anh nắm bàn tay thon ấm áp
 Em cười đôi mắt sáng long lanh
.
Thật là chỉnh, thật là chính danh: anh với em, bàn tay với đôi mắt (Danh từ đối với Danh từ), Thon với sáng (Tính từ đối với nhau), ấm áp với long lanh (Trạng từ láy đối nhau). Hai câu thơ tình đằm thắm đến thế mà lại không thấy lả lơi. Thu Hà đã huy động phép đối rất nghiêm để đạt hiệu quả.
 
Hạnh Anh (Đỗ Biện), trong bài “Đêm thu” câu 5,6 đối như sau:
 
  Hoa cúc bâng khuâng ly rượu  ngát
 Hoa nhài thao thức chút hương phôi
.
Cặp đối chính danh này rất nghiêm về thể thức, nhưng lại rất hào hoa.
 
Cụ Tạ Đăng Viêm, ngoại 80, có bài “Tự thọ” rất hóm hỉnh, cụ có cặp luận:
 
 Kính mắt gà đeo tròng chấp chới
 Gậy càng cua chống bước lon ton.
 
Bằng hai câu đối chặt chẽ, như vẽ nên, như trông thấy một cụ đại thọ nhanh nhảu hồn nhiên trước mắt ta.
 
+ Chúng ta tìm hiểu về các phép đối đối nghệ thuật.
 
          Để cho một chùm thơ, một tập thơ không bị đơn điệu về hình thức đối ngẫu, người xưa đã đưa ra nhiều phép đối ngẫu linh hoạt hơn.
 
          Phép lưu thủy đối: Ví dụ:
 
Còn chăng lời hẹn bên trang sách,
                     Hay đã tàn theo ánh lửa đèn.
 
     Theo quy tắc chiếu chữ thì hai câu này là bất đối. Nhưng lại xét: Hai câu thơ có cấu trúc ngữ pháp giống nhau; mạch ý câu trên trôi chảy như nước, được tràn sang câu dưới làm lọn nghĩa cho câu trên. Đó là phép Lưu thủy đối.
     Tất cả các liên thơ mà câu trên bắt đầu bằng mấy chữ tương tự như: còn chăng…, đã sinh…, bỗng dưng…, ứng với đầu câu dưới là các chữ tương tự như: hay đã…, phải có…, để mà…, v.v. thì liên thơ đó đã theo phép đối nói trên.
 
     Phép tá tự đối:
  
                  Nghèo sạch thanh danh nên gắng giữ
  Giầu sang, khó tính chớ nên chơi.
 
     Câu trên, “thanh danh” là danh từ, câu dưới “khó tính” là tính từ, xét thế thì quả là bất đối. Nhưng nếu theo tiếng (không theo nghĩa thật), thì chữ “khó”, chữ “thanh” lại là tính từ; Chữ “danh” và chữ “tính” lại là danh từ. Xét theo cách này thì chúng lại đối chặt chẽ với nhau. Phép đối này người ta lợi dụng sự đồng âm dị nghĩa để Tá tự đối(như: hai mái trống tung đành chịu dột/ tám giờ chuông điểm phải nằm co – của Tú xương
 
     Phép số tự đối gắn với Tá tự đối: Ví dụ
 
 Học bảy nghề còn lo thất nghiệp
Làm ba vụ vẫn đói tư mùa.
 
       Ở câu trên, ta có “bảy nghề” chiếu xuống câu dưới để đối với “ba vụ”. Ở câu dưới có “tư mùa” chiếu lên để đối với “thât nghiệp”; âm “thất” được hiểu theo 2 nghĩa, nghĩa chinh là “mất” và nghĩa trại ra là “bảy” .Phép đối này được xem như là phép số tự đối có kèm theo lối chơi chữ (có thể liên hệ đến: Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc- của bà Huyện Thanh Quan)
 
            Thêm một ví dụ, cặp luận trong bài Khúc Giang của Đỗ Phủ:
 
                        Tửu trái tầm thường thiên hạ hữu
                        Nhân sinh thất thập cổ lai hy.
     (Nợ rượu tầm thường thiên hạ nhiều /  Đời người bảy mưoi xưa nay hiếm)
 
            Câu trên, “tửu trái”, chiếu xuống “nhân sinh”, 2 danh từ đối nhau thật là cân chỉnh. Còn ‘thiên hạ hữu” chiếu xuống “cổ lai hy” 2 ngữ này đối nhau cũng rất cân. Nhưng “tầm thường” là tinh từ chiếu xuống “thất thập” là danh từ chỉ số lượng, thì lại không đối chăng ? Chả lẻ cụ Đỗ Phủ làm thơ luật lại bị thất đối ! Tôi có hỏi một vị, thì được trả lời :”Đó chinh là lối bất đối chi đối” Cho đến một ngày, nhân tra tự điển Han Việt để tìm nghĩa một chữ gì đó, thì bất ngờ tôi bắt gặp chữ “tầm thường”. Từ điển giải thích  “tầm thường” là đồng âm dị nghĩa với đơn vị đo chiều dài đời nhà Đường: “tầm” là 8 thước, “thường” là 2 thước, như trượng, ngũ ở Việt Nam .
Từ đó tôi đã ngộ ra, nếu tá tự, mượn cái âm dị nghĩa,  thì “8 thước” và “2 thước” (tầm thường) đem đối với “bảy, mười” (thất thập) thì hay quá rồi còn gì!  Nếu không bình tĩnh, ta sẽ chê cụ Đỗ Phủ thì thật ngại quá.   
 
       Phép cú trung đối: Ví dụ
 
                        Màn trời, chiếu  đất con người khổ
                        Nước vật, thuyền xơ cá biển nghèo
                                    
     Nếu câu trên, câu dưới cứ chiếu từng chữ lên nhau, thì hai câu này cũng bất đối. Nhưng xét nội bộ từng câu, thì lại thấy: màn trời đối với chiếu đất; nước vật đối với thuyền xơ; đuôi câu trên (con người khổ) đối rất chặt với đuôi câu dưới (cá biển nghèo). Lấy câu có nội đối để đối nhau thì lại rất cân bằng. Đây là cú trung đối.
 
     Tuy nhiên còn một số phép đối khác chúng ta ít vận dụng, xin được dẫn ra đây để cùng tham khảo
 
a)     Lấy của, đánh người, quân tệ nhỉ
Xương gà, da cóc, có đau không
                      (Nguyễn Khuyến)        
b)     Càng nóng bao nhiêu thời càng mát
    Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày
                                         (Hồ Xuân Hương)
c)     Công đức tu hành, sư có lọng
      Xu hào rủng rỉnh, mán ngồi xe.
(Tú Xương)
 
     Chúng ta để ý: Cụ Nguyễn Khuyến cũng như nữ sỹ Xuân Hương đã tổ chức từ ngữ ở từng câu, để câu nào cũng có tiểu đối, nhưng ta không xếp hai liên đối a,b nêu trên vào phép Cú trung đối, vì ngoài phần có tiểu đối, trong từng câu còn có phần bất đối. Do đó hai liên thơ a, b trên chúng ta quy vào phép Tựu cú đối.
     Trong câu (c) của Tú Xương, ông Tú đã đem cả hai cụm từ như hai thành ngữ để chọi nhau “công đức tu hanh” chọi với “xu hào rủng rỉnh”. Mặt khác đuôi của từng câu lại đối rất chặt với nhau “sư có lọng” đối với “mán ngồi xe”. Phân tích đặc điểm này để kết luận: đây cũng là phép Tựu cú đối như a và b. Cú trung đối và Tựu cú đối, có dạng thức ngữ pháp của câu văn na ná như nhau, nên còn có tên chung là Đương đối.
 
     Phép giao cổ đối:  Cụ Trần Tuấn Ngọc, trong bài “Tự nhủ”, (Bạn và thơ là xuân – NXBVHDT, Hà Nội 2004), có câu luận:
 
                         Chân bước vững, đường chiều khấp khểnh 
 Rừng cây rậm rạp, trúc vươn cao
.
Đây chính là phép giao cổ đối “chân bước vững” đối cân chéo xuống với “trúc vươn cao”,  “và  rừng cây rậm rạp” đối lệch chéo lên với đường chiều khấp khểnh.
 
Phép bất đối chi đối, (khoan đối): Trong buổi lễ tế “Trận vong tướng sỹ” thế kỷ 19, quan tổng trấn Nguyễn Văn Thành có sai trưng câu đối chữ Hán (nay dịch nghĩa) như sau:
 
       Bóng chiều đã ngả đâu quê cũ   (Nhật mộ hương quan hà xứ thị)
      Xưa nay chinh chiến mấy ai về   (Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi)
.
Câu trên lấy từ thơ Thôi Hiệu, bài Hoàng Hạc Lâu. Câu dưới lấy từ thơ Vương Hàn, bài Lương Châu Từ.
Cái hay của đôi câu đối này là: Ghép hai câu thơ khác nhau của hai tác giả ở thời gian khác nhau, mà câu đối vẫn hiệp chung một tình ý. Câu 1 có đại ý là cảm thán tình cảnh, câu hai có đại ý là an ủi vong linh. Thật là qúa hợp với nội dung Tế Trận Vong Tướng Sỹ. Đây là phép bất đối chi đối, lấy cái không đối để đối, không lệ thuộc vào mặt chữ mà chỉ chú trọng đến ý thơ. Ý phải đối nhau, cấu trúc ngữ pháp phải song song đồng dạng với nhau.
 
             Người xưa khuyên rằng, nếu một khi ta chưa thật thạo về các phép đối, thì chỉ nên sử dụng các phép chỉnh đối, lưu thủy đối, cú trung đối. Còn các phép đối khác, chúng ta hãy cứ làm quen trước đã.
 
          Vẫn phải thưa thêm về các phép đối thơ:
 
           1-  Đối với cặp thực và cặp luận, dù ở dạng thức nào, nói chung nhất, đều phải hội đủ 3 yêu cầu:
             - Đối ý. Ý câu trên và câu dưới, hoặc chống nhau, hoặc bổ xung ý nghĩa cho nhau.
            - Đối từ loại, danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, tính từ đối với tính từ. Phải nắm được các phép biến đổi từ loại ở các ngữ cảnh khác nhau. Tuy nhiên, cũng có phép đối không yêu cầu đối từ loại như theo phép chiếu chữ, mà ở đó lại có sự xoay chiều để đối chéo vào nhau.
 
   -Đối thanh, với thơ thất ngôn, các chữ 2,4, 6, 7; với thơ ngũ ngôn, các chữ 2, 4, 5 là có các thanh bằng trắc đối nhau.
 
   2- Đối với thơ trốn vận, câu 1 và câu 2 phải đối nhau, gọi là “song phong đối”. Song phong đối không đòi hỏi phải đối chỉnh như cách đối trong các cặp thực và luận của bài bát cú, mà chỉ cần đối ý.
       
   3- Đối với câu 1 và câu 2 của thơ “không trốn vận” thì hoàn toàn không bắt buộc phải đôi; nếu có đối là do người làm thơ tùy ý đặt ra mà thôi. Đối trong trường hợp này được gọi là “đối lệch”. Ví dụ, 2 câu mở đầu bài thơ “Cảnh chùa Hương” của Khánh Ly có đối lệch:
           
            Này phong, này nguyệt mẩn mê thay
            Kìa núi, kìa sông quấn quít say
 
Ta thấy phần tử nào trong câu cũng có đối (đối ý, đối thanh, đối từ loại)  nhưng riêng chữ thứ 7 thì chúng đều hạ thanh bằng, không đối thanh. Ta hãy coi đây là trường hợp đối lệch. Đối lệch không thể áp dụng ở các cặp thực, luận và các liên đối độc lập.
           
            4-Bên trên, chúng ta có nói đến đối từ loại, nhưng lại cần tinh tế kẻo lại máy móc như câu chuyện vui sau đây. Trong buổi học xưa, thầy đồ hắng giọng ra vế đối :”Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc” rồi hỏi học trò:
-“Thần” đối với gì ?
   Học trò đồng thanh đáp :“ với thánh ạ !”
  Thầy khen:
          -Được ! Thế “nông” đối với gì ?
  Học trò lại đồng thanh :”với sâu ạ !”
  Thầy nức nở khen:
- “Nông” đối với “sâu”, nghe được ! giỏi đấy  ! Thế còn “giáo” đối với gì? – với “mác” ạ! 
- “Dân” đối với gì? – với “quan” ạ!
- “Nghệ” đối với gì ? –với “gừng” ạ !   
-“Ngũ” đối với gì ? –với “tam” ạ!
-“Cốc” đối với gì? – với “cò” ạ!
Thấy học trò đối đáp nhanh, thầy phấn khởi lắm.
Thầy nhẩm lại “Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc” nghĩa là, vua thần nông dậy dân nghề trồng cây lương thực, mà nay đôi lại với: Thánh- sâu- mác- quan- gừng- tam- cò, thì nó  là cái gì ! Thầy đồ tưng hửng vì cách tách chữ ra để đối.
Để khắc phục lối tách chữ máy móc kiểu thầy đồ, ta cần học ôn lại ngữ pháp về phép biến đổi từ. Chẳng hạn:
 +Danh từ kèm với tinh từ đi sau, nó sẽ thành một danh từ kép, như mướp đắng,  phèn đen
+Danh từ  kèm với động từ đi sau, nó sẽ thành một  danh từ kép, như cơm ăn, áo mặc
+Cũng có khi động từ kèm với danh từ đí sau, nó sẽ thành một danh từ kép, như tập sự, học trò…Chú ý rằng, chỉ khi chúng là từ Hán Việt thì mới trúng vào qui tắc này.
+Các tinh từ kép được tạo ra bởi “tinh từ+danh từ” như dữ da, mau mồm.
+Các động từ kép được tạo ra bởi “động từ+danh từ” như biết ơn, đánh hơi, ăn cơm, uống nước
Chúng tôi không thể nêu ra đủ các cách biến đổi từ trong khuôn khổ bài viết nhỏ này. Mong độc giả hãy tìm hiểu tiếp từ sách giáo khoa, từ báo chí, thì có thể sẽ phong phú hơn.
 
Và khi đọc thơ, làm đối…chúng ta chú ý vận dụng qui tắc biến đổi từ, đẻ chúng ta dễ dàng cảm thụ và sáng tác.     
 
            Đối ngẫu  là điều kiện cần và đủ cho sự hoàn chỉnh một bài thơ luật, là vẻ đẹp đặc trưng,  là một biện pháp tu từ đặc sắc trong thi pháp thơ Đường. Đọc thơ  luật mà không có đối thì chẳng khác gì “Ăn bánh nướng trung thu mà không có nhân thập cẩm” thật là nhạt nhẽo và vô vị.
         Bài viết có thể còn nhiều thiếu sót. Rất mong bạn đọc chia sẻ thân tình.
 
                                                                         NGUYỄN VĂN THỤ
                                                                                  Hà Nội

Tác giả BBT