Làm thơ để bày tỏ nỗi niềm, giao lưu tình cảm với bè bạn xa gần, để “tập thể dục” cho bộ não, tăng thêm độ bền của cơ thể, nâng cao năng khiếu thẩm mỹ…,trở thành nhu cầu của nhiều người.Trong các thể thơ hiện đang phổ biến ở nước ta, người cao tuổi, và một số ít lớp trẻ thích làm thơ Đường luật- thất ngôn bát cú nhất.
Nhưng thơ Đường luật thất ngôn bát cú có cái khó riêng mà các thể thơ khác không có. Đó là một thể thơ khó làm hay, dễ rơi vào “chưa sạch nước cản”, thường mắc bệnh này đến bệnh khác. Đó là một thể thơ ít lời, hàm súc. Toàn bộ bài thơ chỉ vẻn vẹn có 56 âm tiết (tiếng). Mỗi âm tiết trong bài thơ giống như một người lính trong một đoàn quân, nghĩa là chúng phải “ngó mặt nhau”, cùng nhau chuyển tải ý tứ của bài thơ, được chọn lọc công phu, kỹ lưỡng , không có tiếng nào thừa, lặp, nếu thấy không thật cần thiết. Người làm thơ phải biết bố trí ngôn từ để khi hạ âm tiết cuối cùng, thì cũng là lúc ý tưởng bài thơ trọn vẹn. Trong quá trình hình thành bài thơ khi đã có đủ TÌNH, TỨ, TỪ, NHẠC (Theo Lê Quý Đôn trong “Vân đài loại ngữ”) rồi, thì cái khó nhất nằm ở đâu?
Theo chúng tôi, cái khó nhất không nằm ở NIÊM, LUẬT,VẦN, mà nằm ở ĐỐI. ĐỐI rơi vào các câu 3, 4, 5, 6. Bốn câu này, ngoài việc tuân theo niêm, luật, vần như các câu 1, 2 ,7, 8 mà còn phải ĐỐI nhau. Bốn câu đó, chia làm hai cặp THỰCvà LUẬN. Mỗi cặp tạo thành một đôi câu đối thơ hoàn chỉnh. Bài thơ hay, dở phần nhiều nằm ở hai cặp đối này. Nó là cái “xương sống”cuả bài thơ. Cặp đối hay thì bài thơ hay. Cặp đối thực , luận mà dở thì bài thơ mất hết ý vị của thơ Đường,và trở nên nhạt nhẽo, đễ dãi, biến thơ “cổ” thành thơ “chân”. Vậy, thế nào là ĐỐI? ĐỐI là từng tiếng, từng tiếng của câu trên phải “nhìn vào” từng tiếng, từng tiếng của câu dưới. Nó gồm các tiêu chí sau: đối tiếng, đối ý, đối thanh, đối từ loại.
Trước hết, nói về đối tiếng. Câu trên, câu dưới, số tiếng (âm tiết) phải bằng nhau. Nếu có chen lục ngôn thì cũng phải cân xứng. Không thể câu trên 6 tiếng, câu dưới 7 tiếng.
Sau đó là đối ý. Ý của câu trên đối với ý của câu dưới. Có hai cách đối ý : đối bổ sung và đối tương phản. Đối bổ sung thì câu sau bổ sung, nói rõ thêm ý cho câu trước. Ví dụ: “Ao sâu nước cả khôn chài cá /Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà”(Bạn đến chơi nhà-Nguyễn Khuyến ).Hai câu trên đều nói tới sự thiếu thốn vật chất khi tiếp đãi bạn. Dân gian nói :“Bạn đến chơi nhà”không gà thì vịt . Đằng này nhìn tới cái gì cũng không có !
Đối tương phản là ý của câu trên, câu dưới trái ngược nhau, hoặc “làm hại” nhau.Ví dụ: “Ba vuông phấp phới cờ bay dọc/ Một bức tung hoành váy xoắn ngang”(Cờ tam tài-Nguyễn Khuyến ).Nhà thơ đã đem “cờ” đối với “váy”, làm mất tính nghiêm trang của cái cờ !Làm cho cái cờ “may ra” chỉ bằng chiếc váy !
Tiếp theo là đối thanh. Tiếng ta có 6 thanh, được chia làm 2 nhóm. Nhóm BẰNG gồm có thanh không (ngang) và thanh huyền. Nhóm TRẮC gồm thanh sắc, thanh hỏi, thanh ngã và thanh nặng. Vì thế, các tiếng thứ 2 thứ 4, thứ 6 phải đối nhau. Nghĩa là tiếng thứ 2, 4, 6 của câu trên được bố trí là bằng, trắc, bằng, thì các tiếng thứ 2, 4, 6 của câu dưới phải là trắc, bằng, trắc. Hoặc ngược lại.nếu các tiếng 2, 4, 6,của câu trên được bố trí là trắc, bằng, trắc, thì các tiếng 2,4,6 của câu dưới phải là bằng , trắc, bằng. Nếu không sẽ sai luật. Còn các tiếng 1, 3, 5 thì sao? Trước đây được gọi là “bất luận”, nghĩa là bằng hay trắc đều được. Nhưng nghĩ cho cùng thì tiếng thứ 1, 3 còn có thể được, chứ tiếng thứ 5 mà “bất luận” thì câu thơ dễ rơi vào khổ độc (khó đọc).Cho nên, nếu tiếng thứ 7 thuộc nhóm trắc, thì tiếng thứ 5 thuộc nhóm bằng, hoặc ngược lại, để hai tiếng ấy luôn luôn đối nhau qua tiếng thứ 6. Khi nào thấy vì đối mà hại đến ý của câu thơ thì mới dùng “bất luận”; nghĩa là trắc hay bằng đều được.Ví dụ:“Bác đến chơi đây ta với ta”(Nguyễn Khuyến) “Một mảnh trời riêng ta với ta” ( Bà huyện Thanh Quan). Cuối cùng là đối từ loại. Đối từ loại gồm: Từ Hán đối với từ Hán, từ Nôm đối với từ Nôm, danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, tính từ đối với tính từ , số từ đối với số từ, thán từ đối với thán từ, kết từ đối với kết từ … Ngày nay, động từ và tính từ được gọi chung là vị từ; Ví dụ : “ Khăn là bác nọ to tày rế /Váy lĩnh cô kia quét sạch hè”.( Tú Xương ). Từ “to” là tính từ ở câu trên đối với từ “ quét’ là động từ ở câu dưới. Cho nên, động từ có thể dối được với tính từ .Vì không nắm được tiêu chí này nên nhiều bài thơ đã đối “bát nháo”, đem danh từ đối với động từ ,tính từ đối với số từ, từ ghép đối với từ láy, thực từ đối với hư từ , từ ghép đẳng lập đối với từ ghép chính phụ vv và vv… làm giảm giá trị của bài thơ. Thành ra, bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú chỉ còn là sự lắp ghép cho đủ con số 56! Làm thơ Đường luật dễ như thế, thì tám mươi triệu dân trong cả nước đều thành tám mươi triệu nhà thơ! Vinh dự và tự hào biết bao! Biến thơ Đường thành thơ… “đường mơ”, thơ “ cổ” thành thơ “chân”! Buồn biết bao nhiêu!Trong các “tiêu chí” về ĐỐI, thì đối từ loại là đễ “phạm quy” nhất.Thử cất công đọc một số bài thơ được đăng tải trên báo chí, hoặc được in ra ở đó, đây, chúng ta thấy nhiều cặp được đối “bát nháo”. Xin nêu một số ví dụ: “Đổi mới thời nay chèo lái vững /Tư duy hiện đại sáng gương soi”. Hoặc “Ti vi tối đến xem thời cuộc /Thanh thản bên nhau những tháng ngày”.Trong hai ví dụ trên, đối về từ loại đã bị phạm quy. “Tư duy” là từ Hán Việt, đối không chuẩn với “Đổi mới” là từ thuần Việt, “chèo lái” đối với “sáng gương’ cũng chưa ổn. Ở cặp thứ hai thì đối quá tùy tiện. Người viết khiếp quá, không dám bàn !
Tiện đây xin nói thêm về “đối thoát sáo”. Thế nào là đối thoát sáo? Đó là cách đối đồng âm nhưng khác nghĩa, để biến từ loại này thành từ loại khác. Xin nêu vài dẫn chứng: “Hai mái trống tung đành chịu dột / Tám giờ chuông đánh phải nằm co”. (Hà-nam tức sự). Ở đây, nhà thơ Tú Xương đã lấy tiếng “trống” nghĩa là trống trải, trùng âm với tiếng “trống” là cái trống để đối cho chỉnh với tiếng “chuông” ở câu dưới.
Bắt chước người xưa, trong bài thơ “VUI”, tôi đã viết hai câu: “Tuổi hạc gần xa thường nghĩ tới, /Răng long mềm rắn phải bàn lui.”.Ở trường hợp này, tiếng “long” có nghĩa là lung lay, lại trùng âm từ “long” có nghĩa là con Rồng nên đối được “Tuổi hạc”. Người đời thường nói “tuổi hạc răng long”, nghĩa là người tuổi cao thì răng không được vững.
Trong bài “Rạp hát” (Họa bài “Trong mưa nhớ em” của Hoài Liên) tôi họa : “Vua cao lắm gã còn chim gái, /Quan lớn nhiều tay có máu mê ”. Vì đây là thơ họa, nên không sửa thành “máu dê” được. Cũng may “mê” lại trùng âm với mê là con mê (bê), nên đã thoát hiểm.
Trên đây là môt vài suy nghĩ của một người đã từng làm thơ, trong đó có thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Có kinh qua trẻ con mới thành người lớn. Thậm chí, người lớn có khi không chú ý thì dễ trở thành trẻ con; nghĩa là thỉnh thoảng còn rớt lại một vài câu thơ ngớ ngẩn, sai niêm, luật, đối ,.. Mỗi lần bị sai sót thì mình tự xấu hổ với mình. Thế mới biết làm thơ khổ sở biết chừng naò! Nghĩ ra đươc một từ, một tứ mất khá nhiều trí lực. Nhưng cũng có khi “Một chữ đào ra vui cả tháng/ đôi dòng hiện đến sướng tròn năm” (Văn Chi). Muốn có thơ hay thì phải tự nâng mình lên, đồng thời luôn luôn trao đổi ý kiến với bè bạn xa gần Nếu. tự thỏa mãn với mình thì dễ bị tụt hậu. Đừng vì hai tiếng “quần chúng” mà biến đại chúng thành “quần chúng”, vì quần chúng không phải ai cũng biết làm thơ. Tôn trọng độc giả tức là tôn trọng mình. Cũng đừng vì muốn “BẤT HỦ” mà thành “TỐC HỦ” như nhà văn Lỗ Tấn đã từng nói, để căn dặn các lớp hậu sinh. Nếu mình tự dễ dãi với mình tức là “y đã khinh y !” (Chữ dùng của nhà văn Nam-Cao ).
Thái Doãn Chất,
Xóm I xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Điện thoại 0383 867 632.- 0125 452 2736.