THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Lấy thơ danh nhân lập thành câu đối - một ngón chơi văn chương
11-08-2012
IMG_4750.jpg.1.jpg     Trong quán thơ của CLB thơ Đường Hà Nội  tại Liên hoan thơ các Câu lạc bộ thuộc Trung tâm Văn hóa các Tỉnh thành phố toàn quốc tại Quy Nhơn có đôi câu đối (Trong ảnh có màu đỏ) đây là một kiểu chơi Lấy thơ chữ Hán đối với thơ tiếng Việt. Xin được giới thiệu lời bàn về cách chơi đối đó

Ngón chơi này người xưa đã dùng. Đầu thế kỷ 19, tổng trấn Nguyễn Văn Thành, vâng lệnh vua Gia Long, lập đàn tế trận vong tướng sĩ.

Nguyễn Văn Thành có mời các danh sĩ nghĩ cho một câu đối trưng ở đàn tế.

Các vị danh sĩ bàn luận nửa ngày không ai đưa ra được một ý. Giữa lúc đó, thầy Khóa Liễu, là một tên lính hầu, gãi đầu, xoa tay bẩm:

-          Dạ thưa, trong khi các cụ còn bận tìm câu hay, chữ lạ, con xin đưa ra hai câu thơ cổ, để các cụ xét thử có được không ạ?

Trong lúc bí, các cụ giục luôn:

-          Hai câu nào, đọc đi!

-          Vâng, câu một lấy ở trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu. Câu hai lấy ở trong bài Lương Châu Từ của Vương Hàn. Câu một là: Nhật mộ hương quan hà xứ thị (trời chiều quê cũ nào đâu thấy). Câu hai: Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi (xưa nay chinh chiến mấy ai về).

Thầy Khóa Liễu đọc xong, có cụ đã vỗ đùi:

-          Hay quá rồi còn gì. Câu một là cám cảnh vong hồn, câu hai là an ủi vong hồn. Nhập mộ hương quan là thực từ, cổ lai chinh chiến cũng là thực từ, chúng đã đối nhau. Hà xứ (nơi nào) và kỷ nhân (mấy ai) đối nhau rất chỉnh. Thị (thấy) và Hồi (về) là hai động từ, đối nhau chỉnh quá. Tuyệt, tuyệt quá, thích hợp với nội dung của đàn tế.

Thầy Khóa Liễu bỗng nhiên được trọng vọng.

Còn chuyện ngày nay.

Đầu tháng 8 năm 2012, bộ văn hóa thể thao du lịch tổ chức một cuộc liên hoan thi thơ CLB toàn quốc tại Quy Nhơn. CLB thơ đường trung tâm văn hóa thành phố Hà Nội được triệu tập.

Nội dung hoạt động của CLB thơ đường đến Quy Nhơn (cũng như các CLB bạn) có hai phần: một là chương trình trình diễn thơ trên sân khấu. Hai là chương trình trưng bày ấn phẩm và đồ họa về thơ đường tại quán thơ của mình.

Ở nội dung thứ hai, ban chủ nhiệm CLB đưa ra một câu đối khổ lớn. Chủ đề của câu đối là tổ quốc Việt Nam, là công lao hãn mã của cha ông đối với tổ quốc, là tình cảm của công dân đối với tổ quốc, nhất là trong bối cảnh ngày nay.

            Anh em trong ban chủ nhiệm nảy ra ý định, lấy một câu trong bài “Chinh Đèo Cát Hãn hoàn, quá Long Thủy đê”, của vua Lê Thái Tổ, như sau.

Kỳ khu hiểm lộ bất từ nan.

Lão ngã do tồn thiết thạch can

Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ

Tráng tâm di tật vạn trùng san

Biên phòng vị hảo trù phương lược

Xã tắc ửng tu kế cửu an

Hư đạo ngụy tham tam bách khúc

Như kim chi tác thuận lưu khang.

            (Đầu đề có nghĩa là: đi đánh Đèo Cát Hãn về, đi theo đê Long Thủy. Thân bài có nghĩa là: đường gồ ghề hiểm trở, chẳng ngại khó khăn / Ta tuy già, nhưng gan còn vững như sắt đá / Nghĩa khí quét sạch nghìn lớp mây mù / Lo việc biên phòng cần có phương lược sẵn sàng / Giữ nền xã tắc nên tính kế lâu dài / Lời truyền ba trăm ngọn thác quanh co, rất nguy hiểm đã thành lời hư không / Ngày nay chỉ coi như nước thuận dòng chảy xuôi)

            Bài thơ đã thể hiện trí hùng lược của vua Lê, quyết tâm xây dựng một quốc gia toàn vẹn lãnh thổ.

            Chúng tôi sẽ lấy câu thứ ba của bài thơ làm vế xuất đối.

            Và lấy một câu trong bài thơ “Ai đi về Bắc” của nhà thơ, nhà quân sự cách mạng Huỳnh Văn Nghệ để làm một vế ứng đối. Bài thơ đó như sau.

Có ai về Bắc ta đi với,

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

            Đây rồi, chúng tôi lấy câu thứ tư làm một vế ứng đối.

            Câu một có đại ý “nghĩa khí của người dân Việt Nam đã, đang và sẽ quét phăng được mây mù chướng khí uy hiếp toàn vẹn lãnh thổ của ta.

            Câu hai có đại ý “toàn bộ công dân dưới trời Nam, trên khắp các hòn đảo lớn nhỏ ở biển đông, luôn thương nhớ, thiết tha hướng về trái tim của tổ quốc: Thăng Long – Hà Nội”

            Hai ý thơ trên đã tung hứng với nhau, liền một ý, như một bài văn chỉnh thể.

            Còn về từ loại có đối nhau không?

-          Nghĩa khíTrời Nam là hai danh từ, chúng đối nhau.

-          Tảo không (quét sạch) và thương nhớ là hai động từ, chúng cũng đối nhau.

-          Thiên chướng vụ (nghìn chướng khí) và đất Thăng Long, là hai danh ngữ, chúng lại càng đối nhau.

Vậy hai thơ trích lẩy từ hai bài thơ của hai danh nhân, bất giác chúng lại lập thành một câu đối chỉnh thể.

            Trong anh em chúng tôi có người nêu ra: ở đây một câu là quốc âm, một câu là Hán Việt, liệu có đối với nhau được không.

            Nhưng lại có một ý kiến biện luận: ngày xưa tư tưởng nho sĩ hay tự miệt thị quốc âm mà lại đề cao chữ Hán (nôm na là cha mách qué). Nhưng cụ Nguyễn Khuyến, cụ đã ngang nhiên dùng quốc âm để đối với chữ Hán. Dưới đây là câu đối tết của cụ đem tặng gia đình, vợ, chồng người quét chợ.

            Câu một, câu chữ Hán: Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa tích tằng xưng tị ốc.

            Câu hai, câu quốc ngữ: Giàu ở làng, sang ở nước, nhờ trời nay đã vểnh râu tôm.

            Đối nhau chan chát, thật là hay.

            Nhưng ý nghĩa sâu xa của cụ Nguyễn ở đây là: văn tự bản địa không kém gì văn tự ngoại lai, bản sắc dân tộc luôn luôn sáng chói.

            Vậy cái điều Nôm – Hán đối nhau, người xưa dùng được, thì ngày nay có gì mà ta e ngại.

            Vậy:

Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ

            Đối với:

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

            Câu đối nêu trên thật là tinh tế, vừa có tính nghệ thuật, vừa có tính tư tưởng, vừa biết khơi gợi di sản của cha ông, vừa khơi gợi được tinh thần yêu tổ quốc.

 

                                                                                          Nguyễn Văn Thụ

                                                                              Chủ nhiệm CLB thơ Đường Hà Nội

Tác giả NVT . Hà Nội