Thơ Đường luật là thể thơ có luật qui định về vần , thanh , đối và cấu trúc trong một bài thơ , ra đời từ thời Nhà Đường (618 – 907 ) , Trung Quốc , du nhập sang Việt nam , đã tồn tại và phát triển hơn ngàn năm nay . Theo tiến trình lịch sử , thời đại nào thơ Đường luật cũng được trân trọng . Những bậc vĩ nhân như Lý Thường Kiệt , vua Tự Đức , Phan Bội Châu , Bác Hồ …đã để lại cho muôn đời sau những kiệt tác thơ Đường luật bất hủ . Những tác phẩm Đường thi của Nguyễn Khuyến , Trần Tế Xương , Bà Huyện Thanh Quan , Hồ Xuân Hương …là những tác phẩm để đời và thực tế là đã đi vào sách giáo khoa các nhà trường từ bậc học thấp đến cao … Bài : “ Nữ sĩ Ngân Giang giữa nền thơ Đường luật Việt nam của thế kỷ XX “ của tác giả Nguyễn Đình Chú , đã thống kê số tác giả và tác phẩm đồ sộ , chứng minh sức sống mạnh liệt bền lâu của thơ Đường luật trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt nam . Ở đây , người viết bài này xin không nhắc lại .
Ngày nay , thơ Đường luật càng được phổ cập rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân , đặc biệt ở lớp người cao tuổi . Ở trung ương , có Hội UNESCO Thơ Đường Việt nam với 78 chi nhánh ở các tỉnh , thành . Ở địa phương huyện , xã , phường , thôn rất nhiều nơi có hội , câu lạc bộ , tổ thơ Đường . Không có thể thơ nào có được nhiều tổ chức thơ như thể thơ Đường luật . Đặc biệt , thơ Đường luật có khả năng tạo thành phong trào , kết nối ý tưởng vào một chủ đề của đông đảo thành viên . Khi có một sự kiện chính trị xã hội lớn của một địa phương , một tổ chức , hay những sự kiện mừng thọ , mừng xuân , mừng tân gia …của một cá nhân , thì chỉ cần chủ xướng lên một bài , là chỉ sau một thời gian ngắn nhất định , sẽ có hàng chục hàng trăm bài họa gửi về hưởng ứng tỏ sự đồng cảm , chia sẻ nỗi niềm … Sau đó có thể chấm thi , phát thưởng , tập hợp bài in thành sách …Rõ ràng , ít có thể thơ có được khả năng này .
Ngoài những luật về vần , bằng trắc , đối , cấu trúc khai thừa luận kết , thơ Đường luật còn mở ra cho người viết thỏa sức sáng tạo bằng nhiều thủ pháp như thuận nghịch độc , khoán thủ thi , liên hoàn , vân vân …Thơ Đường luật không hề gò bó tài năng sáng tạo của người sáng tác .Chỉ tiếc rằng , nhiều người viết chưa sáng tạo được mà thôi . Bài thơ có sáng tạo nhưng trong khuôn khổ của luật của thể loại thơ đường luật thì mới gọi là bài thơ Đường luật : chứ không phải sáng tạo , hiện đại hóa thơ Đường luật là cặp thực ( câu 3-4 ) luận ( câu 5-6 ) không đối từ ( nghĩa của từ ,từ loại …) , đối ý cân xứng ; không giữ đúng luật bằng trắc , không giữ vần chính cho từ cuối câu 1,2 ,4,6,8 ; vân vân và vân vân . Làm thơ Đường luật là phải theo đúng luật . Bài thơ Đường luật chỉ hay khi có ý , tứ thơ hay và làm đúng luật .
Thơ Đường luật có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần , có giá trị to lớn về nội dung và nghệ thuật , có sự phổ cập rộng rãi , có khả năng kết nối tình cảm con người , có không gian sáng tạo là như thế !
Bảo tồn phát huy bản sắc nền văn hóa dân tộc là đường lối , chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng . Thơ Đường luật , cũng như hát Ca trù , cải lương , chèo , nói chung là các di sản văn hóa phi vật thể đều là bản sắc văn hóa dân tộc , rất cần được bảo tồn và phát huy , phát triển .
Bởi những lẽ trên , chúng ta dễ thấy và không thể chấp nhận được những lời lẽ sau đây của một bài viết đã đăng trên vài trang Web văn học gần đây như :
“ Thơ Đường luật …là thể thơ có trào lưu ra biển ở đất Việt ….là thể thơ gò bó …..là thể thơ đã bị xếp xó trong những năm 30 …non nửa thế kỷ trước thơ Đường luật bị xếp vào góc nhà …thơ đường luật không có tác phẩm có giá trị để đời …lớp người cao tuổi moi thơ đường luật ra để coi là cổ vật chỉ để các bô lão ngâm ngợi lúc trà dư tửu hậu …đã là thi sĩ thì phải coi trọng ý thơ tứ thơ hơn là từ ngữ , vân vân và vân vân …”.
Những lời chê thơ Đường luật và người yêu Thơ Đường luật trên đây là của một người viết có thể đại diện được cho một số người cũng thích làm thơ thất ngôn bát cú ( bài thơ 8 câu , mỗi câu 7 chữ ) , nhưng không giữ luật đối , bằng trắc , vần , cấu trúc khai thừa luận kết được ,mà họ vẫn muốn coi thơ của họ là thơ Đường luật . Thiết nghĩ : Ta có thể thơ câu trên 6 tiếng câu dưới 8 , thì gọi là Thơ lục bát .
Thể thơ 2 câu trên 7 tiếng , câu 6 , rồi câu 8 , thì gọi là Thơ song thất lục bát .
Nghĩa là đặt tên thể thơ căn cứ vào số tiếng trong câu và số câu . Vậy thì ,với bài thơ 8 câu , mỗi câu 7 tiếng ( mà không theo luật Thơ Đường ) là thể Thơ thất ngôn bát cú .Như thế là thấu tình đạt lý . Ai yêu thích thể thơ nào cứ làm thể thơ đó . Không cần chê bai , phỉ báng thơ Đường luật và người yêu thích làm thơ Đường luật .
Làm thơ đã khó , làm thơ hay cực kỳ khó ! Làm thơ Đường luật hay lại cực kỳ khó gấp nhiều lần ! Làm hàng trăm bài may ra được một vài câu hay , một vài bài hay . Tiêu chuẩn đánh giá một bài thơ Đừơng luật hay có nhiều , nhưng tựu trung bài thơ hay phải là bài thơ được nhiều người thích nhất và sống được trong lòng người mãi mãi với thời gian .
Fanlong - Nghệ An.