THÔNG BÁO

Canh_dao_chuc635918145714052467.jpg Năm 2025

Năm  2024  đã khép lại với bao .biến động. Đất nước  ta cũng như   bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát của nhân loại cũng  lùi dần về quá khứ


Đến với Hai bài thơ của Cụ Đỗ Phủ và của cụ Nguyễn Khuyến
03-05-2013
Lâu hạc.jpg  Xin giới thiệu bài viết của Ông Nguyễn Văn Thu - Cựu Chủ nhiệm CLB thơ Đường Hà Nội - PCT Hội thơ Đường luật VN

Đến với Hai bài thơ của Cụ Đỗ Phủ và của cụ Nguyễn Khuyến

 

Đó là bài “Bạn đến chơi nhà” của cụ Nguyễn Khuyến, thế kỷ thứ XIX và bài “Khách đến chơi nhà” (Khách chí) của cụ Đỗ Phủ, thế kỷ thứ VIII, Trung Quốc, đời Đường.

Cả hai nhà thơ đều viết theo thể luật Đường. Nguyễn Khuyến thì dĩ nhiên là dùng tiếng việt. Đỗ Phủ thì cố nhiên là dùng chữ Hán. Có một điều là cả hai đều thật phóng khoáng, không gò bó về bố cục theo luật thơ.

Thông thường thơ luật Đường được bố cục theo bốn phần:

- Phần khai đề,                                  câu 1, câu 2.

- Phần thực cảnh, thực tình,             câu 3, câu 4.

- Phần cảm luận tình cảnh,   câu 5, câu 6

- Phần thúc kết,                                  câu 7, câu 8.

Nhưng trong bài “Bạn đến chơi nhà”, cụ Nguyễn Khuyến chỉ dùng có ba phần để diễn tả tâm ý của mình khi có bạn đến chơi.

Phần 1 của bài thơ chính là câu 1:

Đã bấy lâu nay bác đến nhà                            (1)

Theo tôi, ngay câu 1, câu mở đề này đã chứa cả cảnh huống của cuộc gặp gỡ; đó là “Đã bấy lâu nay”, đã lâu lắm rồi bác mới đến, tôi mong lắm. Vậy hôm nay ta phải ngồi với nhau, phải cụng chén cùng nhau.

Phần 2 của bài thơ bắt đầu từ câu 2 đến câu 7, tác giả nêu đủ 6 tình huống ngặt nghèo trong việc lo tiếp bạn.

Vâng, tiền thì có đấy, nhưng chợ lại ở xa, mà trẻ thì lại đi vắng, biết sai ai.

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa                           (2)

Vậy thì phải tính đến rau nhà, gà vườn, cá ao vậy. Nhưng khổ một nỗi:

Ao sâu, nước cả khôn chài cá                        (3)

Vườn rộng, rào thưa khó đuổi gà                  (4)

Cải chửa ra cây, cà mới nụ                             (5)

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa            (6)

Mà ngay đến cả miếng trầu là đầu câu chuyện cũng xuông nốt nữa kia:

Đầu trò tiếp khách, trầu không có                  (7)

Thật ngượng quá!  Đã lâu bác mới tới, mà không có cái gì để đãi đằng nhau

Phần 3 của bài thơ chính là câu 8: Sau khi nêu đủ 6 cảnh huống trớ trêu, muốn đãi bạn mà không thể đãi được, thế thì ông bạn có lẽ thất vọng chăng. Nhưng tác giả đã kết luận: không đâu, vẫn có một khoản để đãi nhau đấy; khoản đó chính là cái tâm của ta, cái tình của hai chúng ta.

Bác đến chơi đây, ta với ta                               (8)

Nguyễn Khuyến viết bài này trong một tâm thế thoải mái, quý bạn, bông đùa cùng bạn. Cả bài thơ Đường luật này là một sự thoát ý của câu ca dao xưa:

Đang khi lửa tắt cơm sôi

Lợn kêu con khóc, chồng đòi tòm tem

Những tình huống ngặt nghèo của chị vợ trong ca dao và những tình huống ngặt nghèo của cụ Tam Nguyên khi cần tiếp bạn thật là hóm hỉnh.

Và tôi dự đoán, vợ nhà thơ của chúng ta sẽ hóa giải tất cả những tình huống khó khăn, chứ quyết không để cho chồng lâm vào thế bí, vì cụ Nguyễn Bà tài đảm, trọng chồng, trọng bạn chồng; cứ xem câu đối khóc vợ của cụ Nguyễn chúng ta khắc rõ:

- Nhà chỉn cũng nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân đăm đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc.

- Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất va vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa đụng tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm

 

*

 

Còn đến bài thơ “Khách đến chơi nhà” của cụ Đỗ Phủ.

Nguyên tác bài thơ do ông Nguyễn Như Diệm phiên âm (in trong Một trăm bài thơ Đường nói đến rượu nXB Văn học, 2012)

Khách chí:

Xá nam, xá bắc, giai xuân thủy

Đãn kiến quần âu nhật nhật lai

Hoa kính bất tằng duyên khách tảo

Bồng môn kim thủy vị quân khai

Bàn xan thị viễn vô kiêm vị

Tôn tửu gia bần chỉ cựu phôi

Khẳng dữ lân ông tương đối ẩm

Cách ly hô thủ tận dư bôi.

Trong tập sách nêu trên, có 3 người dịch thơ. Bài thơ này, cụ Đỗ Phủ viết đúng theo thể luật thời Thịnh Đường. Khi dịch, ông Trần Văn Long dịch ra tám câu lục bát, ông Lê Sơn dịch ra 14 câu lục bát, ông Trần Đình Hiển dịch ra 8 câu thất ngôn tự do theo lối cổ phong (không theo luật) như sau:

Lũ xuân vây bọc trước sau nhà

Chỉ mỗi hải âu tới thăm ta

Đường hoa vắng khách nên không quét

Cổng rào bác đến mới mở ra

Chợ xa nhà túng cơm đạm bạc

Chén rượu đưa mời cũng rượu xưa

Đối ẩm có một ông hàng xóm

Nếu bác vui lòng, ta gọi qua

Cả 3 phương án dịch, thấy đều sát nghĩa và hay. Nhưng tôi thiết nghĩ, dịch một bài thơ luật Đường thì nên chăng, ngoài ý thơ, ngôn ngữ thơ, ta nên cố dịch theo đúng luật của nguyên tác. Tôi xin mạnh dạn dịch bài thơ trên theo như nguyên tắc vừa trình bày:

Lũ xuân vây ngập trắng quanh nhà

Chỉ thấy bầy âu đến với ta

Ngõ vắng chưa từng hoa phải quét

Cổng rào này dịp bác vui qua

Chợ xa, đạm bạc, bầy lên ngượng

Rượu cũ, thanh bần, chửa lọc ra

Có lão láng giềng thường đối ẩm

Bác ưng, tôi gọi, cạn dăm ba...

Bài thơ này, cụ Đỗ Phủ rõ ràng đã phá cách về mặt bố cục, không có khai, thực, luận, kết mà chỉ có 2 phần:

Phần thượng giải với 4 câu đầu, nêu rõ, gặp năm lũ xuân, nhà tác giả bị cô lập giữa vùng nước, đường ngõ ngập đầy hoa rụng, không muốn quét, vì có ai đến với nhau đâu ngoài mấy con chim âu lui tới. Bỗng hôm nay, mừng quá, lại có bác đến, cái cổng rào may mắn mới được mở ra.

Hoa kính bất tằng duyên khách tảo       (3)

Bồng môn kim thủy vị quân khai            (4)

(Ngõ vắng chưa từng hoa phải quét / Cửa rào này dịp bác vui qua)

Với hai câu 3, 4 này, ta đã thấy hết nỗi buồn lũ lụt của nhà thơ và sự mừng rỡ của nhà thơ khi có khách đến thăm.

Trong phần hạ giải, câu 5, câu 6: giữa lúc đang mừng có khách, thì nhà thơ lại băn khoăn vì nỗi:

Bàn xan thị viễn vô kiêm vị          (5)

Tôn tửu gia bần chỉ cựu phôi      (6)

(Chợ xa, đạm bạc, bầy lên ngượng / Rượu cũ, thanh bần, chửa lọc ra)

Đọc phần hạ giải, ta đã hình dung ra cụ Đỗ Phủ đang xoa tay nói mấy lời với ông bạn thứ lỗi cho bữa cơm xoàng xĩnh này. Nhưng bỗng nhiên, nhà thơ quên phắt đi trên bàn, thức ăn thì đã thiểu, bình rượu thì có lưng, mà đã có 1 chủ, 1 khách rồi, nay lại nhớ ra là mình còn có một ông bạn láng giềng nữa:

Khẳng dữ lân ông tương đối ẩm (7)

Cách ly hô thủ tận dư bôi             (8)

(Có lão láng giềng thường đối ẩm / Bác ưng, tôi gọi, cạn dăm ba...)

Thế cũng phải thôi. Đến với nhau trong những ngày lũ lụt như thế này, đâu phải chỉ vì ăn, vì uống; đến với nhau chính là vì tình, vì nghĩa đấy thôi; thêm đồ nhắm chắc gì bằng thêm một ông bạn, thêm một tấm lòng. Chí lý biết bao.

Đọc bài “Bạn đến chơi nhà” ta thấy tâm thế thoải mái, hồn hậu của cụ Nguyễn Khuyến, vốn coi quan trường là nơi gai góc, cần thoát bỏ mà nay cụ vừa được thoát bỏ.

Đọc bài “Khách đến chơi nhà” của Đỗ Phủ, ta thấy rõ nhà thơ có tâm trạng hiu hắt, cô đơn. Có lẽ đúng thôi, vì nhà thơ luôn có chí tiến thân, phò vua, bình trị. Nhưng hại thay, thời thế luôn cản trở ông, bỏ rơi ông.

Hai bài thơ, hai tác giả, hai tâm trạng, hai thời thế, hai thời đại cách xa nhau lại viết cùng một đề tài, đã làm cho người đọc nhiều đời phải suy ngẫm.

 

Nguyễn Văn Thụ- Hà Nội

 

Tác giả BBT giới thiệu