THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
TÌM HIỂU CÂU THƠ “NHÂN SINH THẤT THẬP CỔ LAI HY”
21-07-2016
Sen.non.jpgXin giới bài viết của Bùi Chí Thành

                TÌM HIỂU CÂU THƠ “NHÂN SINH THẤT THẬP CỔ LAI HY”

    CỦA ĐỖ PHỦ TRONG DI CHÚC CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 

                            BÙI CHÍ THÀNH

                                       Nguyên G/v Đại học, CV Phòng VH Hồng Lĩnh

                                                                                                                   

      Trong di chúc để lại, Bác Hồ có trích một câu thơ của Đỗ Phủ: “Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường có câu rằng "Nhân sinh thất thập cổ lai hy", nghĩa là "Người thọ 70, xưa nay hiếm". Để nói với toàn dân khi Bác ra đi theo các cụ Các Mác, Lê Nin thì chớ có bất ngờ, đau thương quá! Câu “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” thực chất là một lời than của Đỗ Phủ về tuổi đời khó đạt tới, nên phải tranh thủ vui đi chớ có trái với đời. Bác Hồ thừa nhận cái quy luật nghiệt ngã của tuổi tác mà “Thi Thánh” đã phát hiện. Mình “Đã là lớp người xưa nay hiếm”, và còn khẳng định đã vượt qua được giới hạn ấy nhưng “Tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt”. Bác Hồ chỉ mượn cách nói của Đỗ Phủ, còn chiều hướng của tư duy thì khác hẳn, rất tích cực, hóm hỉnh. Đó là phong cách Bác. Đó cũng là lời động viên và muôn vàn tình thương yêu Bác để lại cho toàn dân tộc trước lúc Người đi xa.

     Câu thơ “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” được nhiều người thuộc, nhưng cũng rất ít người biết được xuất xứ câu thơ này từ đâu mà có, ở trong bài thơ nào của Đỗ Phủ.

     Qua đây tôi cũng xin giới thiệu vài nét về Đỗ Phủ , nguyên tác bài thơ và bản dịch để mọi người cùng hiểu:

      Đỗ Phủ (712-770) tự Tử Mỹ, tự lấy hiệu là “ông già Thiếu Lăng”, người đời sau thường gọi là Đỗ Thiếu Lăng, người ở huyện Củng, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. là Nhà thơ hiện thực vĩ đại thời thịnh Đường. ông đã để lại cho hậu thế hơn 1.400 bài thơ, trong đó khoảng 1.000 bài viết theo thể Đường luật. Ông cùng với Lý Bạch đã góp phần làm nên một giai đoạn phát triển thơ ca rực rỡ thời Đường của Trung Quốc. Người đời tôn Lý Bạch là “Thi tiên”, Đỗ Phủ là “Thi thánh”. Cuộc đời nhà thơ nghèo khổ, gặp cảnh loạn lạc, trường trải nhiều, gần gũi với nhân dân cho nên tính nhân dân, tính hiện thực trong thơ ông rất cao. phải chăng vì cuộc sống bần hàn như vậy càng khiến cho thơ của Đỗ Phủ càng thêm thâm thúy và kiệt xuất chăng? Về nội dung tư tưởng thơ ca Đỗ Phủ gồm ba mặt chủ yếu:

     -   Thể hiện lòng thương vô hạn, lòng yêu mến nồng nàn đối với nhân dân. Nhà thơ không những chứng kiến mà còn cùng sống cảnh loạn lạc, cơ hàn với nhân dân. Thơ ca của ông vì vậy về mặt này hơn hẳn người trước về chiều sâu cũng như bề rộng.

     -   Trong thơ ca của ông đã thể hiện một lòng yêu nước nồng nàn. Ông luôn quan tâm đến vận mệnh của đất nước, mọi nỗi vui buồn lo lắng của ông đều gắn với vận mệnh của đất nước.

      -    Trong thơ ca của ông còn thể hiện lòng căm ghét của ông đối với bọn thống trị phong kiến hại dân, hại nước.

       Cuộc đời đói rét, bệnh tật, cuộc sống phiêu bạt dày vò mãi nhà thơ. Cuối cùng, mùa đông năm 770, nằm trên một chiếc thuyền con trên bến sông Tương ở Lỗi Dương,  nhà thơ lìa bỏ cuộc đời ở tuổi 59 và không bao giờ ca hát nữa, nhưng đã để lại cho đời sau những áng thơ bất hủ. Bởi ông đã “Đọc sách vở muôn quyển” nên mới “Hạ bút như có thần”! Nguyên Chấn một thi sĩ lừng danh lúc bấy giờ, đã viết một bài minh đề trên mộ Đỗ Phủ nói rằng:“Từ khi có thi nhân đến giờ, không có ai vĩ đại bằng Tử Mỹ”.

        Câu thơ “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” của ông trong bài thơ “Khúc giang nhị thủ - Kỳ nhị” làm vào mùa xuân năm Càn Nguyên nguyên niên (758) Lúc Đỗ Phủ tuổi 46 đang đương nhiệm chức Tả thập di (Một chức quan biên chép thêm những chổ còn thiếu trong sách vở). Bài thơ nguyên tác như sau:

 

       Phiên âm:          KHÚC GIANG NHỊ THỦ - KỲ NHỊ

                                   ĐỖ PHỦ

Triều hồi nhật nhật điển xuân y,

Mỗi nhật giang đầu tận tuý quy.

Tửu trai tầm thường hành xứ hữu,

Nhân sinh thất thập cổ lai hy.

Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện,

Điểm thuỷ thanh đình khoản khoản phi.

Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển,

Tạm thời tương thưởng mạc tương vi.

         

      

 

          Dịch nghĩa:                      SÔNG KHÚC (BÀI 2)

ĐỖ PHỦ

Ngày ngày bãi triều về đem cầm  áo xuân,

Mỗi ngày trên sông lại uống rượu say đến hết ngày.

Nợ rượu bình thường nơi nào cũng có,

Người đời thọ bảy mươi tuổi xưa nay hiếm.

Bươm bướm luồn hoa thấp thoáng hiện,

Chuồn chuồn chấm nước dập dờn bay.

Nhắn với mọi người thời gian cảnh vật đều thay đổi,

Hãy tạm vui đi chớ có trái với đời.

                            Bùi chí Thành

    Sau đây, tôi xin giới thiệu bản dịch thơ của Tản Đà và bản dịch mới của tôi để chúng ta cùng tham khảo:

           BẾN SÔNG II

Khởi bệ vua ra, cố áo hoài

Bến sông say khướt tối lần mai

Nợ tiền mua rượu đâu không thế?

Sống bảy mươi năm đã mấy người?

Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn

Chuồn chuồn giỡn nước lững lờ chơi

Nhắn cho quang cảnh thường thay đổi

Tạm chút chơi xuân kẻo nữa hoài.

                        (Tản Đà – Dịch)

 

         

     

      BẾN SÔNG  (BÀI 2)

Cầm áo xuân sau việc nước rồi,

Đầu sông say mãi hết ngày thôi.

Đời người bảy chục từ xưa hiếm,

Nợ rượu chuyện thường có khắp nơi,

Bướm mãi hương hoa quanh quẩn lượn,

Chuồn dờn bóng nước lững lờ trôi.

Nhắn ai cảnh vật đều hay đổi,

Hãy tạm vui đi chớ trái đời.

              (Bùi Chí Thành – Dịch)

     Tìm hiểu, nguyên tác toàn văn bài thơ để ta có cái nhìn biện chứng về tác giả, tác phẩm, trong bối cảnh Lịch sử lúc bấy giờ. Biết được cuộc đời sự nghiệp của nhà thơ Đỗ Phủ sẽ giúp ta hiểu sâu sắc hơn Di chúc của Bác Hồ! Bác Hồ đọc nhiều cổ thi Trung Quốc. Bác trích câu thơ của Đỗ Phủ với nhận định: “Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường”. Điều này chứng tỏ Bác rất quý trọng, đồng cảm với nhân cách, tài năng và ý tưởng cao đẹp của Đỗ Phủ. Sự “có mặt” của Đỗ Phủ cùng với Các Mác, Lênin trong Di chúc thể hiện tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây đã thấm sâu trong lời căn dặn cuối cùng của Bác trước lúc đi xa!

 

              BÙI CHÍ THÀNH – CLB THƠ ĐƯỜNG ĐỨC THỌ

                             TỔ  5 – TT ĐỨC THỌ - HÀ TĨNH

             ĐT:0915689219, Email: thanhvhhl@gmail.com

 

 


* Bài đã được : VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

   VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM sử dụng 2014 .

 

 

Tác giả BBT