THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
MỘT VÀI CẢM NHẬN VỀ CUỐN SÁCH“ÔNG TRẠNG DÂN PHONG”
18-10-2013
image001.jpg  Bìa tập sách

         Kỷ niệm 59 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội và tròn 400 năm ngày hóa cụ Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan.  CLB thơ làng Bùng - quê hương của Cụ Trạng Bùng đã  tập hợp in ấn  cuốn sách “Ông Trạng Dân Phong” được Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin (thuộc Bộ văn hoá thể thao và du lịch) cấp phép xuất bản,

       “Ông Trạng dân phong” là một ấn phẩm văn thơ có giá trị với nhiều tư liệu quí trong các bài viết, trong những trang thơ vịnh, hoạ, dịch thơ và rất nhiều bài thơ viết về cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, mà Câu lạc bộ Thơ – Chi hội người cao tuổi làng Bùng, xã Phùng Xá, đã dày công soạn thảo và biên tập một cách kỹ lưỡng, với sự tham gia của đông đảo các tác giả, không những ở trong làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, mà cả những người có tên tuổi trên văn đàn cả nước.

         Tôi không dám bình luận và nhận xét toàn bộ nội dung các tác phẩm trong cuốn sách này, mà chỉ xin được phép phát biểu đôi dòng cảm nhận của mình khi được đọc hết gần 200 trang trong ấn phẩm “Ông Trạng dân phong” của Câu lạc bộ thơ – Chi hội người cao tuổi làng Bùng.

         Có thể nói,“Ông Trạng dân phong” là một cuốn thơ văn sẽ “trường tồn mãi mãi với thời gian, để các thế hệ con cháu làng Bùng tự hào về chính ông cha của mình” như lời nói đầu cuốn sách đã viết. Cụ Trạng Phùng Khắc Khoan là một nhà văn, một học giả uyên bác, luôn luôn đau đáu về thời cuộc, chiêm nghiệm, nắm vững thế thời để làm quân sư cho nhiều thế lực mà mục đích cuối cùng của cụ, là làm sao đỡ hy sinh đổ máu, đưa đất nước đến bình trị.

         Ngoài lời nói đầu của Ban biên tập và hai trang được trích từ “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà bác học Phan Huy Chú nói về cụ Trạng Phùng Khắc Khoan. Những tác phẩm trong cuốn sách với sự góp mặt của 50 tác giả, tập hợp 12 bài viết và 190 bài thơ đủ các thể loại, trong đó có giới thiệu nhiều bài thơ chữ Hán tinh tuý và thâm thuý của cụ Trạng, nhất là những tác phẩm văn chương của cụ qua hai lần đi sứ phương Bắc… và hàng chục bài thơ vịnh, thơ hoạ, dịch thơ, câu đối của những người có tên tuổi: là giáo sư sử học, là những nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, cán bộ công chức đã nghỉ hưu và của đông đảo hội viên trong Câu lạc bộ thơ ca Thạch Thất và hội viên CLB thơ - Chi hội người cao tuổi làng Bùng, được in trong tập sách quí này.

          Nội dung trong tác phẩm “Ông Trạng Dân Phong” được sắp xếp thành từng phần: Văn chuyên luận, văn tế, thơ chữ Hán, phiên âm, dịch thơ, thơ vịnh và những giai thoại, câu đối… Tất cả đều nói lên công lao to lớn cuộc đời của cụ Trạng, trong đó có những bài thơ âm Hán, thơ hoạ, thơ vịnh hay, ca ngợi cụ Trạng là một nhà thơ đức độ, tài hoa cả chữ Hán và chữ Nôm; cụ thông hiểu cả lý số chiêm tinh, và là một nhà tư tưởng đặc sắc, một nhà thực nghiệm tinh tường mà ở nhiều cuộc hội thảo trước đây đã từng đề cập tới. Để lại cho các thế hệ con cháu của làng Bùng hôm nay và mai sau, hiểu thấu đáo ngọn nguồn về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của cụ Trạng – một người con quý tử của làng Bùng mà qua 400 năm đến nay, dân làng vẫn gọi cụ là cụ Trạng. Trong cuốn sách này, mảng về những truyền thuyết và giai thoại của cụ nêu còn rất ít – mà trong thực tiễn cụ là người thứ hai sau Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đã làm xanh tươi nền văn hoá Việt Nam thế kỷ 16, với bao truyền thuyết giai thoại của cụ, được ghi chép trên văn bản thành văn: Văn bản thành văn chữ Hán, và văn bản thành văn chữ Nôm thời nay, đều để lại những dấu ấn khó phai mờ trong trí nhớ của các thế hệ con cháu làng Bùng, mà trong đó “Lâm Tuyền Vãn” – tác phẩm Nôm của cụ và các tác phẩm khác của cụ… làm cơ sở cho thời hoàng kim văn học ở thế kỷ 18 sau này…

         Trong những bài viết của các ông: Nguyễn Doãn Thuận – Nguyên chủ tịch UBND huyện Thạch Thất; của ông Phùng Văn Khai – Nguyên trưởng ban tuyên giáo tỉnh Uỷ Hà Tây; của giáo sư sử học Bùi Duy Tân; của trung tướng Phùng Khắc Đăng – Phó Chủ tịch Trung ương Hội CCB Việt Nam và bài chuyên luận “Phùng Khắc Khoan – cuộc đời thơ văn” của ông Nguyễn Đức Thọ - cán bộ hưu trí – Chủ nhiệm CLB thơ Đường Hà Nội v.. v… đều khẳng định cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là một danh nhân tiêu biểu của nước Việt Nam nói chung và của làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất nói riêng. Cụ là một trong những học trò giỏi của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, có học vấn uyên bác, đỗ Tiến sĩ ở niên hiệu Quang Hưng thứ 3 - năm Canh Thìn - 1580 thời Lê Thế Tông. Cụ là người có nhiều công lao trong việc đánh nhà Mạc và xây dựng vương triều Lê Trung Hưng. Cụ làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư và để lại nhiều tác phẩm thơ chữ Hán, tập hợp trong cuốn “Phùng công thi tập”, một tập thơ quốc âm (chữ Nôm) là “Ngư phủ nhập Đào nguyên truyện”, hay còn gọi là “đào nguyên hành

         Quân sư cho nhà Lê -Trịnh, cụ Phùng Khắc Khoan đã được dịp đem sở học, tỏ rõ tài kinh bang tế thế, văn chương mưu lược để phục vụ dân tộc và triều đại. Tất cả tựu trung không ngoài việc giúp đời an nguy, trị loạn, xây dựng kỷ cương, phục hồi đạo nghĩa. Trong đó, mối hận lớn nhất là đối ngoại của đất nước thời ấy đã được cụ Trạng hoàn thành rất xuất sắc, bù đắp vào những gì đã mất, làm cho nước ta càng nổi tiếng ở Triều Tiên, Nhật Bản và nhiều nước ở Đông Nam Á, như nhiều bài tham luận trong các hội thảo về cụ Trạng trước đây đã nói tới.

         Năm 1597, cụ đi sứ nhà Minh, nổi tiếng về tài uyên bác, khiến vua tôi nhà Minh phải trọng thị. Trong thời gian đi sứ, cụ làm một lúc 30 bài thơ chúc thọ vua Minh, được vua nhà Minh cho khắc in thành tập để phổ biến, khiến tên tuổi của cụ trở nên lừng lẫy. Cũng trong thời gian đi sứ, cụ có dịp giao thiệp với nhiều sứ thần nước ngoài. Chắc nhiều quí vị đến dự buổi lễ hôm nay còn nhớ trong bài cụ làm thơ đáp Triều Tiên quốc sứ Lý Toái Quang, có câu “Nghĩa an hà địa bất an cư/ Lễ tiếp thành gia lạc hữu dư”, (nghĩa là: Nếu lấy điều nghĩa làm nơi yên ổn thì chỗ nào cũng  ở yên. Giao thiệp với nhau có lễ độ và thành thật thì vui thích có thừa). Có lẽ cụ là người đầu tiên có mối liên hệ hữu nghị, giới thiệu đất nước ta với Triều Tiên từ đầu thế kỷ 17. Nhà bác học Phan Huy Chú đã coi cụ là con người “dọc ngang”, “chói lọi”. Và Cao Bá Quát thì cho rằng cụ Phùng Khắc Khoan là “tài cao trùm khắp cõi, chí kinh luận dồi dào”…

        Phần giới thiệu những bài thơ chữ Hán trong cuốn sách này, có trích trong tập “Ngôn chí Thi tập” của cụ Trạng với phần dịch nghĩa của giáo sư Bùi Duy Tân, giúp cho mỗi chúng ta và bạn đọc càng hiểu sâu sắc thơ của cụ Trạng, không phải chỉ nói đến cái chí của riêng mình, mà còn nói về đất nước, về cuộc đời, về con người thời đại cụ. Và cái chí hành đạo của cụ bao giờ cũng thôi thúc mãnh liệt: “Bình sinh chính trực hựu trung thành/ Tráng sĩ cao huyền nhật nguyệt minh” (bài “Bệnh trung thư hoài”, được giáo sư Bùi Duy Tân dịch nghĩa: (Ta bình sinh vốn chính trực lại trung thành/ Tráng sĩ cao minh như mặt trăng, mặt trời) toả sáng.

         Thật hiếm thấy trong buổi “loạn lạc, anh hùng tranh cướp nhau tán loạn”, một quan niệm sống lạc quan như vậy lại thấy ở cụ Phùng Khắc Khoan. Thơ văn của cụ khẳng định niềm tin vào sinh lực của dân tộc, và khả năng của con người có thể đổi loạn thành trị, cứu nguy thành an, dựng lại kỷ cương, chế độ đang suy đồi đổ nát. Định hướng của cuộc đời cụ đã thấy rõ “Xưa nay chí nam nhi cốt ở tứ phương”, “Đối với nước làm trung thần”, “Đối với nhà làm hiếu tử, tài trai làm được mới là anh hào”. Cụ Trạng từng coi “Đọc sách trước hết phải phân biệt được nghĩa và lợi”, chứ “mưu lợi mà làm giàu thì thật dễ”… Cụ đã giữ được tiết tháo và chí lớn trong suốt cuộc đời mình, bất chấp những khó khăn, trở ngại trên đường đời… Đặc biệt là trên 50 năm làm việc với triều Lê – Trịnh, cụ Trạng Phùng Khắc Khoan đã không hổ thẹn với chí nguyện của mình…

        Đương thời, một nhà bình luận đã cho rằng, sở dĩ cụ Trạng Phùng Khắc Khoan “có tài hào kiệt, đĩnh đạc vào bậc tướng văn, tướng võ… có đạo đức đầy đặn, nhân nghĩa, thấm nhuần đã đủ bổ ích cho chính trị giáo hoá, ích lợi cho dân sinh, thế mà tâm địa ông lại quang minh, khí độ, cụ lại quảng đại, lại đủ để xoay chuyển càn khôn, chống đỡ vũ trụ … là do từ trong công phu hàm dưỡng mà nên”, quả đúng là như thế - cụ là một con người đức độ khoan dung, liêm khiết, thanh bạch, được dân mến mộ, vua quan cùng thời ngợi ca kính nể. Làm quan đến Hộ bộ Thượng thư, tước Mai quận công mà cụ vẫn gần dân, vì dân nên được nhân dân phong cụ là trạng nguyên (và sau này gọi cụ là Trạng Bùng)!

        Ngoài những tập thơ chữ Hán, như: “Ngôn chí thí tập” ; “Nghị trai thi tập” ; “Mai lĩnh hoa tùng vịnh”… cụ còn giải nghĩa cả kinh dịch, diễn Nôm, soạn những sách dạy trẻ như : “Binh gia yếu chỉ” và cả những sách thuộc khoa chiêm tinh, lý số, như : “Phùng Thượng thư sấm ký” v.. v…

         Cụ Trạng Phùng Khắc Khoan còn được kể là vị tổ sư của một số nghề nông trang và thủ công. Các thế hệ con cháu làng Bùng hôm nay, cũng như những giai thoại còn ghi trong sử sách, vẫn cho rằng chính cụ đã đưa giống ngô Trung Quốc về nước. Cụ đã dạy dân làng dệt the, lượt, đóng cày bừa. Hướng dẫn việc dẫn thuỷ nhập điền, tưới tiêu cho những cánh đồng lúa trên quê hương. Cụ còn giành tâm trí và tài  lực ra để xây dựng nên “Nhật Tiên Kiều” và “Nguyệt Tiên Kiều” ở chùa Thầy – Sài Sơn – Quốc Oai, làm cho thắng cảnh khu di tích lịch sử chùa Thầy thêm mỹ lệ. Tại quê hương cụ hôm nay, vẫn còn “Hoàng Đạo thư đường”, là nơi để cụ giảng sách và đón tiếp văn nhân sĩ tử về nhập học khi xưa v.. v…

                    Chỉ còn có 9 ngày nữa là đến ngày giỗ cụ Trạng (24 tháng 9 Âm lịch). Hàng năm cứ đến ngày này là ngày giỗ cụ, nhưng trước ngày đó những năm trước đây, được biết các hội phường dệt, the lượt, phường cày bừa, hội đồng niên, đến nhà thờ và mộ cụ (đặt tại làng Bùng) để làm lễ dâng hương, tưởng nhớ đến công ơn cụ mang nghề về, coi cụ là tổ ở nghề làng. Con cháu trong nội tộc dòng họ, năm nào cũng làm giỗ cụ trước đó một ngày, để ngày hôm sau buổi sáng thì lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức ban ngành đoàn thể trong xã đến làm lễ dâng hương tưởng niệm cụ. Buổi chiều thì tổ chức cho dân tế lễ theo nghi thức cổ truyền dân tộc… Cùng với ấn phẩm “Hương sắc Tây Phương 7”, ấn phẩm “Ông Trạng dân phong” ra mắt hôm nay, thể hiện sự thành kính với danh nhân văn hoá cụ Trạng Phùng Khắc Khoan – tưởng nhớ đến một tài năng, một nhân cách Việt Nam cao quí, một danh nhân lớn đã cống hiến toàn âm, toàn sức cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam chúng ta!

          Trước khi ngừng lời. Xin kính chúc các quí vị dồi dào sức khoẻ, an vui, thành đạt và hạnh phúc. Chúc buổi lễ ra mắt thành công tốt đẹp! Xin trân trọng cảm ơn!

       Nguyễn Duy Cách

                                                                                      (Cộng tác viên báo chí trong nước)

                                                                                                            Điện thoại: 0948.245755

                                                                                       Email: nguyenduycach1950@gmail.com

 

 

        

 

 

Tác giả BBT