THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
NHỮNG CẢM NHẬN VỀ TÁC PHẨM THƠ ĐƯỜNG PHỦ QUỐC TẬP BA
29-03-2013
IMG_5549.F.jpg  Chi hội Phủ Quốc có sức sáng tác rất mạnh. và việc in ấn ở Chi hội cũng là một kỷ lục hiếm thấy . Đọc lập sự hoạt động mới được 2 năm mà Chi hội đã cho ra mắt tới 3 tập thơ . Tập nào cũng dày dặn và phong phú . Xin giới thiệu Bài cảm nhận của Ngọc Hồi về tập thơ thứ Ba này của Phủ Quốc

Quốc Oai là một huyện thuộc phía tây ngoại thành Hà Nội. Làng quê ở đây êm ả, trù phú với cánh đồng trải bát ngát, mùa về sóng lúa vàng ươm. Dòng sông Tích Giang lượn lờ uốn khúc, làn nước trong xanh không chỉ làm trù phú màu mỡ cho phong thổ Quốc Oai mà còn tưới mát hồn quê Phủ Quốc. Người Quốc Oai thẫm đẫm tình người , giầu tâm hồn trí tuệ . Nên từ xa xưa Quốc Oai đã là miền đất danh thơm - địa linh nhân kiệt :

                 Sáng mãi địa danh Phủ Quốc Oai

                 Từ xưa đất kiệt thuộc phương Đoài

                 Thi nhân học vấn tài không hiếm

                 Quan chức văn bằng chẳng kém ai

                  ……………………………………

                 Văn chương hậu thế nay theo bước

                 Sáng mãi danh thỏm Phủ Quốc Oai (Phủ Quốc Oai- Bá Thuý- trg 180)

Thi ca xứ Đoài sớm nổi danh khắp chốn , những cây bút xứ Đoài đã để lại cho nền thơ ca Việt nam biết bao áng thơ hay , những làn điệu hát Chèo hát Dô hát Xoan nổi tiếng v.v . Người xứ Đoài ngày nay phải trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc rồi những khó khăn đời sống thường nhật mà vẫn cho ra đời những áng thơ hay, những thi phẩm đầy tình quê hương đất nước con người . Đặc biệt dòng thơ Đường luật được mệnh danh dòng thơ “Bác Học”, xưa kia các triều đại vua vẫn dùng trong thi cử tìm ra các cử nhân, các bảng nhãn, các trạng nguyên là “nguyên khí quốc gia”. Khó đến như vậy mà các CLB thơ Đường luật xứ Đoài vẫn rất phát triển . Ai trong chúng ta đã đến chiếu thơ Quốc Oai xứ Đoài không thể không cảm phục, nể trọng chiếu thơ này:

            Về với thơ Đường Phủ Quốc Oai

            Lừng danh vọng tiếng xứ thôn Đoài

            ……………………………………..

            Biết bao thế hệ lưu nghiên bút

            Kính trọng thơ Đường Phủ Quốc Oai . (Phủ Quốc Oai- Tô Lãm- trg141)

Câu lạc bộ thơ Đường Phủ Quốc hầu hết các thi sĩ đã từng trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, là các cán bộ về hưu, những lão nông, những nhà giáo v.v. và cả những doanh nhân làm kinh tế giỏi làm thơ cũng giỏi : ví như nhà thơ Đại Lượng anh là một cựu chiến binh rồi làm giám đốc doanh nghiệp chè nổi tiếng , anh viết :

Bạch nhật thanh tâm thưởng thức trà

Hương chè khuyến rũ toả lan xa

…………………………………

Khai trương giám đốc chào hàng quý

Chính hãng Long Sơn độc bản gia ./. ( Trà Long Sơn –trg 7)

  Thơ Đường Phủ Quốc Tập 3 là tác phẩm thơ đường Luật phong phú nội dung , giầu tính nhân văn câu từ dung dị chân thật , chuẩn mực thi pháp Đường luật . Bao gồm 500 bài thơ với 55 tác giả có lão thi trên 80 tuổi trẻ nhất cùng là trên dưới 50 tuổi .Thật đáng quý tập thơ só 5 thi nữ với những vần thơ chau chuốt đầy nữ tính .Tập thơ in đẹp công phu với 307 trang và ngay trang bìa đã thấy mái đền thờ Lưỡng Quốc  Trạng Nguyên - Nguyễn Trực  soi bóng mặt hồ lung linh  thơ mộng :      Giờ đây trở lại chốn quê Đoài

                  Sơn thuỷ hữu tình tiếng chẳng sai

                  Bia đá ngàn năm hơn bạc nén

                  Anh hùng hào kiệt kém chi ai  ( Quê Tôi- Đăng Hải – trg 92)

Cũng thật khéo léo mỗi năm Thơ Đường Phủ Quốc lại cho ra một thi phẩm sau mỗi độ xuân về cho nên ngay đầu tác phẩm các thi nhân đã mời đọc giả thưởng xuân, thưởng trà rồi mới thưởng thơ - thật là lịch lãm – cái lịch lãm của người thơ :                        Xuân sang xuân trải khắp nơi xuân

                         Xuân đến xuân ca khúc lộc xuân

                         Xuân gái xuân trai say đắm tết

                         Xuân già xuân trẻ nhớ mong xuân

                         Xuân thêu xuân gấm non bừng tết

                         Xuân dệt xuân hoa nước dậy xuân

                         Xuân nụ xuân chồi xuân nở tết

                         Xuân trời xuân đất nở mùa xuân   ( Xuân – Phi Bằng – trg 10)

Xuyên suốt tập thơ là tình yêu quê hương đất nước con người , với ngòi bút sắc bén đa cảm chữ tình các thi sĩ đã khắc hoạ cuộc sống làng quê thật sinh động gần gũi cuộc sống đời thường . Nét đầu tiên là nỗi vất vả ngưòi nông dân trên đồng ruộng một nắng hai sương .Bá Chính, anh thật trách ông trời làm nắng mà chẳng gọi mưa :                                 Hè sang không đón rủ mưa về

                                                Mây tỏ trời trong nắng dại ghê

                                                Gió chẳng thoảng làn cây héo cả

                                                Sương không chút đọng cỏ khô se

                                                Ruộng đồng nứt nẻ cò thưa bóng

                                                Sông suối cạn nhe cá nép khe

                                                Cóc nghiến răng kêu mong đỏ mắt

                                                Mà sao thượng đế vẫn chưa …tè. (Mong Mưa -24)

Minh Hiếu anh khéo léo nhắc lại cái thời ngày xưa mặc áo vá nhờ bàn tay người yêu lính :            Cô du kích nhỏ ghé tai anh

                           Tấm áo em nay rách lại lành

                           Miếng vá bờ vai màu tím thặm 

                           Đường kim túi áo nét tơ thanh.  ( Chuyện Ngày xưa- trg 77)

Nỗi lòng muốn thoát nghèo vươn lên nhanh chóng của làng quê cũng được Bá Bìa “Tự Sự” hồn nhiên chân thật như người nông dân vừa cầy xong thửa ruộng :          Nhớ lại ngày xưa chuyện muốn giầu

                                    Tưởng rằng chốc lát bốc lên mau

                                    Nào Ngờ vất vả mà không có

  Bởi thế bây giờ vẫn thấy đau .( trg 14)

Cái nghèo cái khó của người nông dân tưởng như không bao giờ khắc phục được . Nhưng ước mơ làm giầu trên đồng ruộng đã được Văn Huân thể hiện trong thơ như một lời khẳng định khi tất cả “Cùng Hướng Tương lai” :

                          Ba tháng một mùa ngô trĩu bắp

                          Mỗi năm hai vụ lúa sai bông

                          …………………………….

                         Hội nhập mở ra cơ hội mới

Đường lên hạnh phúc rộng mênh mông . ( trg 106)

    Có được hội nhập và con đường mở cửa là nhờ sự lãnh đạo sáng tạo đường lối chính sách của đảng & chính phủ . Nhà thơ Sông Thu ( Thu Hà) với bút pháp nhạy bén đã khái quát được ý đảng lòng dân :

Đoàn kết dựng xây nền chính đảng

Đấu tranh giải phóng kiếp dân cày

Con đường cách mạng còn gian khó

Chí hướng canh tân tiếp đổi thay …    ( Đảng Ta – trg 115)

Chính nhờ chủ chương đổi mới đô thị hoá nông thôn của đảng mà làng đã lên phố  Nhà thơ Trịnh Thế Hào khi về lại Chàng Sơn anh đã thốt lên “ Y hệt phố phường vẫn gọi làng” và : Lề đường tấp nập người mua bán

                                          Lối xóm đông vui khách chọn hàng .    ( tr87 )

Thơ Đường Phủ Quốc đã phản ánh được cuộc sống thay da đổi thịt của làng quê , còn đâu cảnh thiếu ăn thiếu mặc thanh vắng đìu hiu thời xưa nữa .Niềm  vui quê hương đổi mới như mạch nước mát luồn lách ngấm sâu trong lòng mỗi người để tâm hồn cũng muốn như cánh diều lộng gió bay lên . Nữ sĩ Kim Dung với giọng thơ phấn chấn, chị như trẻ lại trong “ Biển Đợi” – “đồng Cảm” - “Xuân” - “Vệt Nắng chiều”  phải chăng là tâm hồn vang ngân của phụ nữ thời hiên đại mặc dù chị đã ở độ tuổi 60 :    Vệt nắng chiều hôm lịm xuống dần

         Không gian chìm lắng tiếng chuông ngân

 Bồng bềnh mây trắng vờn hương núi

Trầm bổng tiếng tiêu quyện gió ngàn

              Nào ai đã biết tình hoa nắng

                   Để mãi cho đời đượm sắc xuân .    ( trg 47)

Quê hương Phủ Quốc không chỉ sơn thuỷ hữu tình núi ấp ôm mây ,sông dài lờ lững , đồng ruộng phì nhiêu mà con người Phủ Quốc còn được thừa hưởng tâm linh trời đất , đó là nơi đình- đền -chùa cổ quần tụ với núi non, hang động :

 

Vãn cảnh non Sài túi sách đeo

Đường đi khúc khuỷu lối cong queo

Muốn lên chùa thượng cần mau bước

Thích đến chợ trời phải cố leo

Lối xuống hang sâu đừng sợ hãi

Đường lên động sáng chớ hò reo

Đã đi nhớ đến hang Cắc Cớ

Mỏi gối chồn chân vẫn thích trèo

                        (Cảnh Non Sài - Thịnh Phụng – 166)

Chính vì vậy người Phủ Quốc sống hiền hoà , chân chất  nên hồn thơ Phủ Quốc  dung dị mà thanh tao, sự tao nhã trong thơ Phủ Quốc chính là truyền thống đất học đất nho do cha ông để lại :

Quê hương Phủ quốc đất hùng oai

Hổ phục rồng chầu thế vượng lai

……………………………….

Nhân kiệt địa linh miền Phủ Quốc

Ngàn năm truyền thống đất hùng oai .  ( Truyền Thống - Hồng Sơn Hải- 123)

Nho nhã cũng là phong cách sống của người Quốc Oai, tính cách ôn tồn điềm đạm cởi mở của mỗi người Phủ Quốc đã được Khả Tĩnh  khắc hoạ trong thơ :

                  Vui vẻ mời trà lòng cởi mở

                  Ôn tồn gợi ý dạ phân minh

                  Đôi bài trao gửi tình chưa tỏ

Mấy phút ân cần ý đã tinh . (Đến Với Đường Thi – trg 237)

Công dung ngôn hạnh của người phụ nữ cũng là cách sống đạo nho, ta lại bắt gặp “Nàng Dâu Hiếu Thảo” của anh Danh Tuyên :

Khóc chồng ngã xuống bao đau đớn

               Gạt lệ đứng lên nén nỗi sầu                 ( trg 231)

“Dấu xưa” của Đại Đức Thích Trường Xuân là đỉnh cao tâm hồn , nghệ thuật của một bài thơ Đường Luật mà nhà lí luận phê bình Duy cách đã gửi đến chúng ta cũng là vẻ đẹp trang nghiêm nho nhã của cuốn thơ Đường Phủ Quốc :

            Giọt nước Xuân Hương lưu vạn thuở

            Hồn thơ Bá Quát đượm hương bay

            Thượng Hiền, Nguyễn Hiếu tình đằm thắm

            Quang Dũng, Sài Sơn nghĩa ngất ngây.    ( trg 308)

Thật thú vị , đọc thơ Phủ quốc ta thấy cái êm đềm , cái trao gửi trong thơ :

Đợi khách văn nhân trao nỗi nhớ

Tìm người tri kỷ để không quên

Danh hương tứ quý nâng tầm bút

Học vấn tam khoa thắm mực nghiên  ( Nối Nhịp Cầu Thơ  - Vấn An- trg 53 )

Hay :         Lúc trẻ mải mê lo sự nghiệp

                  Về già thư thái học làm thơ

                  Dùng từ niêm luật lời êm dịu

Lựa ý trắc bằng hợp nhạc thơ      ( Xuân - Vấn An - trg 52)

 

“Ngàn năm văn hiến đất hùng oai” . Quả vậy cũng như bao trai tráng trong cả nước , với chiếc gậy trường Sơn đi cứu nước thanh niên Quốc Oai cũng rầm rập hành quân ra trận mà lòng phơi phới dậy tương lai và cũng có mặt trên khắp các chiến trường ác liệt nhất , thơ Đường Phủ Quốc cũng đã phác họa :

Đoàn tàu không số vượt trùng khơi

Đem cả niềm tin giữ đất trời

…………………………….

Chi viện chiến trường xuyên biển rộng

Con đường huyền thoại rạng muôn đời .(Đoàn Tàu Không Số-Như Thế -trg193)

Sự ra đi âu cũng là để trọn tình đất nước, “Trọn Tình Phủ Quốc” Đình Luận viết:

Gió vẫn thổi về mạn Quốc Oai

Ra đi đằng đẵng tháng năm dài

Câu thơ nay gửi nơi chờ đón

Khúc nhạc hôm nao giục bước trai

Chiến tuyến xa xôi lòng vẫn đợi

Quê nhà ước hẹn dạ không sai

Hàn huyên hội ngộ lòng thanh thản

Trọn nghĩa vẹn tình với Quốc Oai .     (trg 146)

Chiến tranh là hy sinh, là mất mát : Bịn rịn bên nhau chẳng muốn xa

                                                         Làm trai nghĩa vụ của sơn hà

                                                          …………………………….

                                                         Nhận tin sét đánh không tin nổi

                                                         Lặng ngắm dòng trôi lệ ứa nhòa

Đó là nỗi mất “Ly Biệt” của tình yêu trong chiến tranh mà nhà thơ Danh Tuyên đã nói hộ chúng ta . Nhưng có nỗi đau nào ? sự mất mát nào? đau đớn hơn khi mà chiến tranh tàn khốc đã cướp đi cả chồng lẫn con . Danh Tuyên cũng chỉ với hai câu thơ anh đã khắc họa được nỗi đau xé lòng của người phụ nữ sau chiến tranh :                     Đây mộ của chồng kia mộ con

                                        Hai tay vốc đất đắp cho tròn

Và thật kiêu hãnh :                         

                         Đau thương đã giục lòng kiêu hãnh

                         Dẫu mất chồng con Tổ Quốc còn !

Chúng ta thật xúc động trước dòng thơ Phủ Quốc, thật cao đẹp – thi sĩ đã dựng những vọng phu trong thơ !? …

Truyền thống giữ nước và dựng nước trải qua nghìn năm của dân tộc chưa bao giờ nhạt phai, nó vẫn hừng hực trong ý chí mỗi người dân việt. Nó cũng ăn sâu bám rễ trong trai làng Phủ Quốc, ngày hôm nay ý chí ấy đã được ghi nhận lại trong thơ Đường Phủ Quốc .

Đánh giặc rồi ta lại xây dựng quê hương giầu đẹp .Hiền Ninh “Tự sự”                                  

                                   Rừng sâu bát ngát vàng đen gọi

                                   Núi thẳm trập trùng mây trắng vương

                                   …………………………………………..

                                   Chăm lo bới đất gieo mầm hạt

                                   Để những mùa hoa nở dọc đường . (trg 153 )

Chị Tường Thư cũng có những “Cuối Thu” vất vả để rồi gặt những mùa vui:

                             Quanh năm vất vả em cầy cấy

                              Suốt tháng nhọc nhằn anh nạo khơi

                              Đến vụ hai ta cùng gặt hái

Bông dài hạt mẩy bõ công người  ( trg 205)

Hay : Ngoài bãi bốn mùa ngô sóng sánh

         Trong đồng hai vụ lúa rung rinh

         Làng quê đoàn kết vui hòa thuận

         Thôn xóm cùng nhau hưởng thái bình .  ( Văn Thanh – trg 210)

Tình yêu đôi lứa cũng là mảng da diết mặn nồng trong áng thơ đường Phủ Quốc , đặc biệt tình yêu đôi lứa trong chiến tranh :

Chiến đấu gian nan ngoài trận tuyến

Công đồn ác liệt có em yêu

Chiến tranh kết thúc nên đôi lứa

Hạnh phúc trăm năm thắm thiết nhiều . (Chiếc Khăn Phiêu- Minh Giám - 41)

Hôn nhân hạnh phúc gia đình là kết quả của tình yêu chân thành đôi lứa :

               Em gọi ngoài khơi mang gió mát

               Anh chờ bên bãi ngắm trăng xinh

               Ngày xưa đã nặng lời thề ước

               Song hỷ giờ đây đón chúng mình ( Thu Tình – Duy Vòng – trg 267)

Xuân Thạc anh lại có tứ thơ tình mà trăm sông cũng lội ngàn đèo cũng qua :

Trăng hạ đêm khuya dát bến sông

Cúc vàng hé nụ đợi khoe bông

Đò xưa ngón khách ai đang đợi

Bến cũ chờ người bạn ngóng trông    ( Cảnh Bến Sông – trg 187)

Hay cho dù có “Tình Lỡ” thì cũng “trọn chữ tôn thờ”

                   Yêu nhau từ thuở vẫn còn thơ

                    Hứa hẹn trăm năm luống đợi chờ ….

                    Ước hẹn ngày xưa nay đã mất

Cùng em sống trọn chữ tôn thờ    ( Xuân Thạc – trg 188)

Nhà thơ nữ Thu Hà lại có cái luyến tiếc mối tình đầu đầy men say, mà có nói bao lời cũng không đủ cho cuộc chia tay :

                              Chiều buồn lưu luyến cuộc chia tay

                              Giọt lệ vương trên gò má gầy

                              Mật ngọt đầu môi chưa đủ ngọt

                              Gừng cay chóp lưỡi vẫn còn cay

                              Men nồng thoải mái trong cơn mộng

                              Hương thắm mơ màng giữa cỏ cây

                              Vẫn thế chất chồng bao kỷ niệm

                      Để rồi tạm biệt mối tình say.       ( Chiều Buồn – trg112)

Có biết bao mối tình say đắm , có duyên mà không có phận để rồi mãi nhớ về nhau day dứt . Trùng Phùng chẳng ngỡ ngàng khi gặp lại người xưa nhưng trong

lòng anh thì bao thổn thức :

                 Bên bờ sông Tích bến đò ngang

                 Bắt gặp người xưa chẳng ngỡ ngàng

                 ………………………………….

                Chẳng nhớ thì sao lòng thổn thức

Nay hồng tỏ lối mận qua sang     ( Gặp Người Xưa – trg 157)

Thơ Phủ Quốc hay bất kì CLB thơ nào cũng vậy các thi sĩ đều ở tuổi không còn trẻ nhưng tâm hồn vẫn là của một thời trẻ trung : yêu – hồi tưởng tình yêu – nuối tiếc một thời đã yêu – day dứt với yêu càng say đắm mặn nồng bao nhiêu thì càng sót sa cho tuổi trẻ yêu thương, bồng bột chưa đủ để bắt nắm lấy tình yêu bấy nhiêu … cho nên thơ tình ở tuổi nào cũng chan chứa , mối tình nào cũng đẹp đầy chất nhân văn . Minh Thư chị lại có tâm sự đau đáu của một “chiếc thuyền côi vượt biển đời” chị “dầu dãi” trong “nắng lửa” để dâng hết lòng mình cho con , phải chăng đó cũng là cách thể hiện tình yêu chân thành tự đáy lòng giành cho người chồng đã mất – tình yêu chân chính  trọn vẹn của đời người phụ nữ giành cho những đứa con:

                       Mẹ nuôi con lớn mong từng bước

                       Cha mất dạ đau những ngóng trông

                       Cuộc sống đổi thay lòng mẹ chịu

Chỉ mong con cháu thắm hương nồng(lòng Mẹ - 191)

Tình yêu gia đình trong thơ Phủ Quốc không phải chỉ phụ nữ đau đáu vì chồng con mà đàn ông cũng thực sự là đôi vai che trở cho gia đình vợ con Thơ Anh Thi là sự trăn trở vượt khó vươn lên thoát nghèo . Anh có đến hai bài thơ “Cố Gắng” trg 301& 303 và rồi anh “Quyết Tâm” trg 302 :

                                    Ta phải ra đi một chuyến này

                                     Để mà quyết đoán cuộc đời thay

                                     Cảnh nhà vợ yếu con còn nhỏ

Luẩn quẩn loanh quanh mãi sẽ gay

Đọc thơ Phủ Quốc ta không thấy những bài hoa mỹ, viển vông những mơ mộng hão huyền và những lãng mạn không thực mà ta thấy thơ phản ảnh thưc tế cuộc sống rất đời thường , những ước vọng rất sát thực cho một gia đình đông con

nhiều cháu sống hạnh phúc trọn vẹn, làng xóm yên vui cuộc đời yên ả . Chị Tường Thư tâm sự qua bài : Phúc Thái Lai trg 205 :

                                      Gia đình phấn khởi thêm nam tử

Dòng tộc hân hoan đón một người

                                      Góp sức chung tay lo cuộc sống

                                      Vun trồng cây đức chớ buông lơi

Thơ là đời là sát thực nhất cho cuộc sống quanh mình ,vì vậy thơ còn phản ánh cái thú - cái vui , thói quen chân thực của mỗi con người  , ta bắt gặp thú say trà độc đáo với say thơ của người Phủ Quốc :

Ban mai trà đạo đã bao ngày

Tâm sự buồn vui mấy bữa nay

Vị đắng  thơm ngon càng níu chặt

Độ bùi đằm thắm lại nồng say

………………………………

Thơ phú văn chương càng hợp ý

Nỗi niềm gắn bó có từ đây       ( Trà Đạo – văn Quỳnh – trg 297)

Anh cũng say tình : Anh gửi cho em một nụ hôn

                                Nhớ nhau say đắm dạ bồn chồn

                                ………………………………..

                               Chờ nàng thôn nữ chiều nay gặp

                               Để dắt nhau về dựng xóm thôn.   ( HẹnVề-Văn Quỳnh-298)

Ở đây ta không thấy rượu như thói quen của những tiền nhân “Bầu rượu , túi thơ”. Phải chăng các thi sĩ Quốc Oai không cần rượu vẫn lai láng tình thơ .

        Nhưng có một điều người Quốc Oai sống ở phía tây là miền đất phật với nhiều quần thể chùa cổ linh thiêng, phong cảnh hữu tình hang động lừng danh :      Linh sơn tự tháp, cửa thiền môn

Di sản lưu danh , mãi mãi tồn

Đắc đạo tu tâm Từ Đạo Hạnh

An thiền tu hóa địa Sài Sơn     ( Tâm Linh Chùa Thầy – Bá Thúy – 180)

Vì vậy nếp sống văn hóa của người Quốc Oai là nếp sống văn hóa tâm linh , điềm đạm , hiền lương luôn theo một phong tục tập quán làng xã ,gia phong trong ấm ngoài êm . Nên nét nổi bật thơ Phủ Quốc cũng mang đậm tình cảm làng quê , giáo dục cháu con giữ đạo nhà , phép họ :

Giữ gìn tâm đức yên nề nếp

Coi trọng nghĩa nhân vững kỷ cương

Con cháu thành danh do giáo huấn

Mẹ cha đắc đạo giữ cương thường     ( Diễm Phúc Mẹ Cha – Văn Quỹ - 304)

“Nghĩ Về Đời Người” nhà thơ Văn Huân viết :

Dựng xây đất nước luôn chung sức

Tô điểm quê hương gắng góp phần

                                     Gìn giữ hiếu trung tròn đạo lý

          Dưỡng tu đạo đức vẹn tâm nhân  (trg 104)

Hay : Trẻ trung hiến sức đền ân nước

          Lão giả làm thơ giữ đạo nhà  (Tình Nghĩa Văn Chương- 101)

Mọi con người đều “Ước” ( Văn Sơn – trg 283) :

Tình nghĩa vợ chồng thêm thắm thiết

                                    Hiếu hòa cha mẹ bớt lo toan

                                   Chị em đồng cảm dòng tâm sự

                                   Trên dưới thuận lòng biết tính toan

Trong bài “Mừng Thọ” ( trg 260) Hữu Thung viết :

Xuân này mừng thọ người cao tuổi

Tết đến chúc nhau nghĩa mặn mà

Đất nước hào hoa trang đổi mới

Non sông gấm vóc đổi thay da .

    Quả là con người có mặn nồng thì đất nước mới chan hòa và thay da đổi thịt

Giáo dục con cháu thờ cúng tổ tiên cũng là trách nhiêm của mỗi thế hệ , Văn Huấn khuyên dăn con cháu : Con cháu nhớ ngày về bái tổ

                                               Cha ông nhắc buổi lễ tiên linh

                                               Đền ơn đáp nghĩa xây cơ nghiệp

                                               Dòng tộc muôn đời mãi hiển vinh

Anh Đặng Sửu với tâm tình người cha , anh khuyên con mình :

Ngàn dặm con đi chớ vội kiêu

Gian nan nếm trải có chi nhiều

Nam nhi hăng hái mài tâm sáng

Quân tử ung dung luyện trí siêu   

                     Và :   Đạo người rèn đức không ngơi nghỉ

                               Mỗi bước con đi lộng sáo diều.     (trg 294 )

Đọc đến đây ta không khỏi không suy ngẫm về người Phủ Quốc – một xứ Đoài : Làm sao có những áng thơ hay ? có nhiều danh nhân linh kiệt ? đất võ đất quan đất của những nhà nho sĩ ? Tình người tình đất đã làm cho người xứ Đoài nên danh và cái tên Phủ - Quốc – Oai  không phải không có căn cứ. Phaỉ chăng đó là Văn –Võ – Song toàn ; Phúc - Đức – trí nhân ?

  

   Thơ Đường Phủ Quốc đằm thắm mặn mà , ngôn từ dung dị, chân thật, hầu hết đã khắc họa được tâm tư tình cảm của các thi nhân trong đời sống thường nhật . Đọc những vần thơ này ta cũng bắt gặp những tứ thơ bay bổng  thoáng đãng, sôi động , dí dỏm vẫn có chút táo bạo, tinh nghịch mà vẫn đối ý, đối từ không sai niêm luật . Đó là những cây bút trẻ đọc thơ họ ta thấy thật thoải mái và không khỏi bấm bụng mà cười :

Ơ … này cô gái bán vừng đa 

Sao cất trong mình chẳng để ra

Gói kín che màn thêm ẩm ướt

Mở ra phơi nắng bánh khô mà…

Than hồng quạt lụa thơm hương lạ

Lửa đỏ tay ngà sắc đượm pha

Đợi khách đường xa chi vất vả

Hay nàng đem cả bán cho ta .   ( Cô Bán Bánh Đa – Lạc Thịnh- trg 221)

Quả là anh ta thật tham, cái tham của người đa tình mới đáo để .

Lê văn Quỳnh không kém phần tếu táo khi anh mô tả vợ chồng anh làm sắn dây ( không biết mỗi năm làm bao tạ , mà như thế thì nhừ cả rồi còn gì nữa ?...)

                       Một cặp uyên ương lọc sắn dây

                       Khua khua bóp bóp thật đều tay

                      Chồng sờ nắn bóp nước như gạo

                      Vợ nặn dãn xoa bột tựa mây

                      Anh bảo ngâm lâu trong lợ lợ

                      Em rằng lọc kỹ trắng phây phây

                      Chỉ cần chịu khó vài ba tháng

                    Để sướng cả năm túi chất đầy   (Vợ Chồng Làm Sắn Dây- trg 175)

Còn Trịnh Thế Hào không biết năm nay nhà thơ mấy chục xuân xanh mà thật táo tợn :        Bánh áp bà mời ông thử ngay

                     Thò vào hôi hổi ấm lòng tay

                     Mở ra trắng muốt lòi nhân mật

                     Gạ chịu bà ưng ông cắm ngay.   ( Bánh Áp Nóng – trg 89)

Thực là: Hồ Xuân Hương có sống dậy cũng phải thốt lên : Thơ các chú giống thơ chị lắm …

Tấn Khiên thơ anh trẻ trung sôi động rất chữ tình . Nhưng anh cũng không khỏi dọa người ta :         Nghe nói rằng em kén chọn chồng

                               Chán rồi cái cảnh sống phòng không

                               …………………………………….

                               Đây nguyên là kẻ mong trong mộng

                               Làm gã khơi tình mạch nước trong  ( Đây Nguyên -136)

Chúng ta hãy nghe Huy Quang “Lên Đồi Thưởng Ngoạn Đêm Trăng” để thấy súc trẻ của anh :         Đỉnh đồi chum chúm vạt đồi căng

                                   Nách lá buông rơi giọt sữa trăng

                                  ………………………………..

                                  Đè lướt bờ lau làn gió phẳng

                                  Rướn theo lối cỏ cả đồi căng  ( trg 170)

Thiên Phước lại mượn cái tình tứ của chị Hằng với chú Cuội để rồi anh gửi lời ân ái tới Chúc Sinh:  Hằng nhòm song cửa khêu thềm ái

                                 Cuội ngắm góc nhà gợi bến trinh

Để rồi : Yêu em anh gửi lời ân ái

             Thỏa nỗi tháng ngày gặp Chúc sinh  ( Gặp Chúc Sinh – trg 214)

Nói đến các cây bút trẻ không chỉ nói đến cái táo bạo trong thơ tình mà cần phải nói đến cây bút mạnh dạn phê phán thói hư tật xấu , tệ nạn xã hội , nhất là đối với lớp trẻ mới lớn : Hôn nhân gia đình nông nổi, rượu chè cờ bạc triền miên tối ngày như bài “Đâu Phải Tại Ly” trg 273 của Trần Sửu . Đặc biệt anh có bài “Kén Vợ”

                             Làm trai kén vợ muốn nơi trong

                             Chọn mãi sao nghe chửa hợp lòng

                             Mới lớn chửi thề tuôn tựa suối

                             Dậy thì tục tĩu chảy như sông

                            Nghèo còn trác táng vô cùng tận

                            Giầu vẫn chơi bời quá đỗi ngông

                             Dám hỏi cô mình còn vẹn chứ ?

Võng đào anh đón chẳng xin không .(trg 272)

Nhà thơ Lý Hào ngoài những bài viết về đồng đội , quê hương thật chân thành, với cách viết trào phúng anh  mô tả cảnh nhà thật nghèo nhưng tấm lòng thì rộng mở  qua bài “Tết Nhà Tôi” :

                   Chưa kiếm được tiền đã phải tiêu

                   Xuân này tết đến cũng hơi liều

                   Gạo thơm hỏi mượn vài ba đấu

                   Muối trắng tìm vay lửng bát siêu

                   Sẽ đủ vài mâm dâng cúng tết

                   Còn dư chút đỉnh khỏi lo thiu

                   Nhà tôi đón tết say lòng khách

                   Quý Tỵ chiều nghiêng sẽ khác nhiều  ( trg 270)

      Thơ Đường Phủ Quốc về nội dung là âm vang của tình yêu quê hương đất nước , gia đình thôn xóm , chứa chan lòng người .Phản ánh ý chí vươn lên của làng quê nghèo nhưng giầu chữ - giầu tình . thẫm đẫm tinh thần cách mạng sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc cho quê hương. . Với 500 bài thơ đã được chắt lọc, sàng sảy cho nên hầu hết chặt chẽ về niêm luật, chau chuốt về câu từ phong phú nội dung, thi tứ sâu sa . Đây là tinh hoa trí tuệ của Thơ Đường Phủ Quốc nói cách khác đây chính là mạch nguồn sáng tạo, nghệ thuật của hồn thơ Xứ Đoài :

 

Danh hương tứ quý nâng tầm bút

Học vấn tam khoa thắm mực nghiên      ( Nối Nhịp Cầu Thơ – Vấn An – trg 53)

Với cách sủ dụng từ ngữ mộc mạc, hình ảnh, đối ý đối từ chặt chẽ cụ Vấn An đã mô tả sinh động khi ( Xem Tranh Hái Dừa ) :

                                             Anh trèo chân bám giơ tay với

                                             Chị đón trái rơi vén váy chờ

Và thật hóm hỉnh : Nắng hạ rực hồng nhìn hấp dẫn

                               Gió nồm lồng lộng ngắm say sưa . (trg 54)

Bút pháp của các thi lão khác cũng thật tài hoa : thi tứ xúc tích dung cảm  , câu từ mượt mà :Rặng trúc đìu hiu sườn núi thấp

             Hàng thông lặng ngắt dưới trời cao

             Bâng khuâng tiếng sáo mây lùa nắng

            Man mát cung đàn nước giỡn sao   ( Thu Lẻ Bóng –Doãn Đăng – trg 67 )

Thật thú vị cám ơn bác Doãn Đăng đã cho ta một cảm xúc thu buồn , Cũng như vậy lão thi Huy Dương cũng cho ta thưởng thức bức tranh gợi cảm, đẹp như mơ đầy đủ hình ảnh, âm thanh , mầu sắc, ánh sáng ,đối ý đối từ chặt chẽ , gieo vần rất nuột :               Long lanh giọt nước sương mai đượm

                        Lúng liếng nụ hoa nắng sớm chào

                         Ríu rít chị Mi mừng khách đến

                         Líu lô anh Khiếu đón ai vào ( Nhớ Một thời – trg 55)

Một bài thơ Đường luật chặt chẽ thì cứ 2 câu mở và 2 câu kết, hay 2 câu thực với 2 câu luận  là một bài thơ . Ở tập thơ này ta đều chiêm nghiệm được điều đó

            Đèn lụi phải đâu đã hết dầu                                

            Tâm can giằng xé nỗi lòng đau

            Xuân đi xuân đến bao mùa nhỉ ?...

            Đợi nắng sương giăng bạc mái dầu  .(Khúc Ngoặt Đường Đời-trg 63)

Đó là hai câu mở và hai câu kết “Khúc ngoặt Đường Đời” của bác Dũng Bình. 

Trong nghệ thuật các ngón chơi thơ Đường : ngón họa thơ, Phủ Quốc cũng không kém phần nhạy bén , dí dỏm , sâu xa như bài của Trần Sửu, Văn Sơn, Xuân Thạc, Triệu Huấn, Hữu Nam V.v.

               Tìm kiếm bao năm chẳng được chồng

               Ngày vui bầu bạn tối nằm không

               ………………………………..

               Ngóng trông người đến trao duyên phận

               Tìm kiếm bao năm chẳng có chồng   ( Vẫn Không Chồng – trg 149)

Đó là bài họa thơ Đoàn Tiếu của Hữu Nam và cũng là cách chơi thuận nghịch độc trong thơ anh.

Có đến 99 ngón chơi thơ Đường , trong tập thơ này ta cũng thấy các thi sĩ đã sử dụng nghệ thuật của vài ngón chơi : Nhất thủ tam xuyên độc vận như bài (Xuân- trg 10) của Phi Bằng, bài (Tiền – trg 237) của Khả Tĩnh . Như Thế có bài (Mãi Tươi Nguyên – trg 195) là ngón chơi Nhất thủ thanh. Thể song điệp trong bài (Thuận Đời – trg 276) của Trần Sửu :

Dại dại khôn khôn giữa cuộc đời

                                       Tiền tiền bạc bạc nỗi đầy vơi

                                       Cơm cơm áo áo tình khô tiếng

Thiệt thiệt hơn hơn nghĩa cạn lời

                                  Thực thực hư hư cành liễu rụng

Duyên duyên phận phận cánh hồng rơi

                                  To to nhỏ nhỏ thôi đành vậy

                                  Được được thua thua bởi ý trời .

Ngón chơi thủ vận độc từ của Hồng Hà qua bài (Tình Thu- trg 245) và cách dùng các cặp từ láy ý tứ sâu sa tả tâm trạng như (Sương sa-trg 242) (Lẻ Bóng – trg246)                         Lâng lâng trộm nhớ người hôm ấy

                                      Lẳng lặng thầm mong bạn thiếu thời

                                      Leo loét đèn khuya bao trống trải

                                      Lắt lay gió muộn những đầy vơi .

Rồi ngón chơi tự trào của văn Đức :

             Che  cho kín gió, âu đành phải…

             Sửa để yên tâm, chẳng lẽ mà…

             Giá lúa tăng cao, chưa đến nỗi…

             Đơn hàng rớt xuống, lại thành ra …( Chỗ Tạm – trg 59)

Như vậy thơ Đường Phủ Quốc đã đề cập đến các ngón chơi thơ .Phải nói rằng các nhà thơ rất chịu khó tìm tòi và suy ngẫm .

  Ở đây ta thật có lỗi nếu không nói đến các bài thơ về nhân tình thế thái của các nhà thơ luôn trăn trở sự đời. ví như bài (Ngẫm Xem Tạo Hóa – trg 202 ) của cụ Hiền Vũ :      Bỏ bớt ba câu hô khẩu hiệu

                       Lấy thêm đôi chữ đẹp lời chân

                      Cũng may văn hiến đang chờ đón

                      Họa, phúc nhân tình thắm nghĩa nhân .

     Hay bài ( khoác Áo – trg 229) của Danh Tuyền :

                                                  Quyền cao đức thấp bao người gét

                                                   Chức trọng tài hèn lắm kẻ khinh

Đức Thạnh thì trăn trở : Thế sự vần xoay ai biết được

                                       Chân thành chí vững giữ thanh gia ( Đạo Già-250).

Xuân Trung cho đọc giả thấu hiểu các nhân vật truyện Kiều Nguyễn Du hơn qua các bài vịnh , đây cũng là cách chơi thơ độc đáo sự tìm hiểu lí thú của người thơ:

                               Quốc sắc thiên tài duyên hợp phố

                               Anh hùng thục nữ kiếp đa mang

                               Năm năm vùng vẫy thân ngang dọc

                    một phút sa cơ hoá nhẹ nhàng  ( Vịnh Từ Hải – trg 227)

Hay : Giả bộ cứu nhân qua cõi tục

          Vờ tay cứu độ tránh hôi tanh

           Phụ tình rõ mặt phường nhân giả

           Bạc nghĩa giơ tuồng gã sở Khanh . ( Vịnh Sở Khanh – trg 227)

 

Các nhà thơ Phủ Quốc đã mở ra nhiều khía cạnh cuộc sống để bạn đọc phải nghiền ngẫm nghĩ suy và những thú chơi thơ . Những bạn thơ chúng ta cũng nên học tập chăng ?

  

 

    Tóm lại “Thơ Đường Phủ Quốc ” là tập thơ thăng hoa về cảm xúc lóe sáng về trí tuệ , là tiếng lòng ,là cuộc đời , là buồn vui là trải nghiệm ,là chan chứa tình người , tình yêu quê hương đất nước của người Quốc Oai. Với ngôn từ giầu cảm xúc , chân phương dung dị lời ít ý nhiều , niêm luật chặt chẽ , phép đối chuẩn mực thơ Đường Phủ Quốc đảm bảo tính nghệ thuật vẻ đẹp chân - thiện - mỹ . Đặc biệt thơ mang hồn vía , hơi thở, bản sắc dân tộc , không bị pha trộn hán nôm lẫn lộn .Thơ Phủ Quốc đã mở ra cho đọc giả nhiều khía cạnh của cuộc sống và tạo ra những hứng thú cho đọc giả khi tiếp cận tập thơ

·        Thơ Đường Phủ Quốc đã cố gắng phong phú về thể loại  : Thơ xướng họa , thơ dịch , câu đối , các ngón chơi thơ Đường , thơ chữ hán của Văn Sơn (trg 281), thơ vịnh ( Xuân Trung có tới 6 bài thơ vịnh các nhân vật trong tuyện Kiều). Hồng Hà rất dí dỏm với bài : Vịnh Điếu Bát (trg 246) ,     Đầy đủ hơn so với các tập thơ khác có đến 2 bài bình thơ do nhà phê bình thơ Duy Cách đã từng có : “Tác Phẩm Thơ văn & Lời Bình” thể hiện. Đó là bài bình “Dấu Xưa”;“Vịnh Bìm Bìm” trang 309 &322 cho ta hiểu cặn kẽ hơn tình thơ Phủ Quốc , con người Phủ Quốc.

  * Để đánh giá một bài thơ hay, hay chưa hay là cả một vấn đề tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố . Trong đó có yếu tố về sự cảm nhận của mỗi người .“Thơ Đường Phủ Quốc - Tập 3” là một tác phẩm thơ viết phải nói là chắc tay cả về nội dung lẫn nghệ thuật như đã đánh giá ở trên ,song với một số bài thơ của một số ít tác giả, hay ngay với một số ít tác giả có những bài thơ hay cũng có chỗ dùng từ chưa chắt lọc, chưa rõ nghĩa ví như bài (Đồng Giao trg 171 )

                       Gió xuân man mát thổi trong cành

                       Làn nước trăng soi ngăn ngắt xanh

                       Mũm mĩm hoa cười muôn sắc nở

                       Ríu ran chim hót vạn lời thanh

Đây là bài tả cảnh đẹp, nhưng nếu tác giả thay từ “cảnh” thành từ “lành” , cặp từ “mũm mĩm” thành cặp từ “chúm chím” có lẽ sẽ hay hơn.

Hay bài (Tắm Bến Chơi Trăng –trg 182) : “Ra sông tắm bến buông toà ngọc 

                                                                 Lấp ló non vu sóng vỗ oà”

“toà ngọc” làm sao mà “ buông” cho được ? sao không dùng “khoe”; “non vu” thì không rõ nghĩa là gì? Trong thơ văn không nên dùng từ không rõ nghĩa hoặc để đọc giả hiếu sai nghĩa của từ đến hiểu sai ý thơ hoặc đọc lên không thấy nghĩa của bài thơ. Thì bài thơ đâu còn giá trị .

  * Trong thơ Đường luật, đối chuẩn được là rất khó ,nhiều người không giám làm thơ đường cũng vì phép đối ở cặp thực và luận này , ngay các tiền nhân thơ Đường cũng có câu tưởng là đã đối lại không đối lắm, trong thơ đường Phủ Quốc ta cũng nhặt được chỗ không đối: ví như “gang tấc” không đối với “nàng lê” trong bài (Mùa Dưa-trg 211) mặc dù ở đây tg muốn nói đến dưa Gang &dưa Lê . Hay như cặp từ “mấy ngụm” không đối với “giăng giăng”  (Lên Đồi Thưởng Ngoạn Đêm Trăng-trg 170). Hoặc có những chỗ mắc bệnh nứa bổ như: “trông ưa mắt” với “cũng dễ trông” (Đẹp Như Lụa-trg 232) .

 

 * Bài thơ đường có 56 từ là 56 viên ngọc lưu li ta phải cố gắng giữ đủ 56 viên ngọc này nghĩa là không nên dùng từ trùng lặp, trừ trường hợp đồng âm khác nghĩa nhưng cũng chỉ 2 từ là tối đa , Thơ đường Phủ Quốc cũng còn khá nhiều bài mắc điều này .

  *cũng còn điều lạ reo vần thất vận ,sạn chưa nhặt hết tuy nhiên là rất ít .

  *Với 99 ngón chơi thơ Đường thì thơ Đường Phủ Quốc đã vận dụng song còn quá ít mong rằng các thi sĩ sẽ sử dụng các ngón chơi thơ đường nhiều hơn để nắm bắt sâu hơn về thơ Đường .Ngay như hoạ thơ là sở thich thú vị trong thơ đường nhưng trong tập thơ này còn ít bài hoạ mà hoạ thơ nhau cũng là yêu quý nhau .

  *Và về nội dung thì mảng thơ tình còn rất rụt rè , chừng mực. Nhiều nhà thơ Đường đã viết thơ tình bằng thất ngôn bát cú rất mùi mẫn , rung động mượt mà uyển chuyển & thật sâu sắc . Mong rằng các thi sĩ trẻ của thơ Đường Phủ Quốc sẽ có nhiều cây bút viết thơ tình hay hơn trong tập 3 này . 

   Trong bài viết này tác giả cũng là người hiểu biết còn hạn chế  nhưng đã để thời gian đọc “Thơ đường Phủ Quốc” một cách nghiêm túc và nghiền ngẫm các bài thơ của từng tác giả để viết bài này theo cảm nhận chân thực của mình . Mong rằng muốn gửi đến các bạn thơ Phủ quốc một tấm lòng trân trọng, cảm phục . Chắc chắn nói chưa hết, chưa đủ , có thể có chỗ chưa đúng lắm .Kính mong các thi huynh thi hữu lượng thứ. Đặc biệt là các thi lão tác giả đã có những mạo muội dám điểm thơ của các thi lão mà cũng chưa nêu được gì xứng với tầm vóc thi phú của các vị . Kính mong “ Thơ Đường Phủ Quốc” tập tiếp theo sẽ toả sáng hơn để góp phần thắp sáng Đường thi trong cả nước .

 

 

                                                                      Hà Nội  tháng 3 năm 2013

                                                                  Nhà giáo  Hoàng thị Ngọc Hồi , Hà Nội

Tác giả