THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Tuyển tập Hương Chiều của Chiếu thơ Mỹ Đức - Ứng Hòa
11-11-2012
IMG_5002.F.jpg  Sáng nay  11/11/2012 tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Huyện Ứng  Hòa Chiếu thơ Đương Hương Chiều ra mắt Tuyển tập thơ Hương Chiều , Xin được giới thiệu cùng bạn đọc

Đôi nét cảm nhận về Tuyển tập Hương chiều

 

         Ngược dòng thời gian  trở về 10 năm trước Câu lạc bộ thơ Đường Hương chiều đã hội tụ được những nhân tố văn hóa đặc trưng của miền quê  sông nước có Khu Cháy anh hùng và Hương Sơn – Nam thiên đệ nhất động. Dòng sông Đáy hiền hòa đắp bồi nên một vùng  quê trù phú phía Đông Nam tỉnh Hà Tây cũ, của Thủ đô Hà Nội hôm nay, và đã thắp lên ngọn lửa văn  thơ truyền thống của hai huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, có thơ Làng Chùa nổi tiếng. Được sự quan tâm của chính quyền và Cơ quan văn hóa , Hương chiều đồng hành cùng 14 tập thơ , và hôm nay lại trình làng Hương Chiều Tuyển tập.

     Là khách thơ ai lại chẳng bị ngẩn ngơ trước một  công trình thơ xúc tích và thi vị như tuyển tập Hương chiều. Trên  250 trang, với sự tuyển chọn góp bài của gần 60 tác giả do Nhà xuất bản Thời đại ấn hành. In ấn, trình bày công phu, hình thức đẹp như một nàng thiếu nữ tuổi dậy thì.

       Thơ Đường vốn chất là thể thơ thâm thúy. Nếu là Thất ngôn bát cú , thì đó là 56 hạt ngọc long lanh. Nếu là tứ tuyệt thì đây là 28 viên kim châu quý giá. Vậy mà tuyển tập Hương Chiều  đã đăng tải gần 350  bài thơ. Tứ tuyệt có , Thất ngôn bát cú có , liên hoàn tứ tuyệt , liên hoàn bát cú  cũng có quả là tập thơ chứa một dung lượng đáng nể. 

          Nổi bật và xuyên suốt  tập thơ là tình yêu quê hương đất nước.  Vào những buổi chiều hoàng hôn đang xuống mà ngắm nhìn Khu Cháy thì trong ta thấy rạo rực tâm can. Ký ức về một mảnh đất anh hùng từ thời chống Pháp và lại càng rực sáng trong thời kỳ đánh Mỹ:  Chống càn phá bốt, xâm lăng sợ /Khu Cháy anh hùng  - bản tráng ca.” thơ Xuân Bái. Ngay cả những vần thơ của hội viên quá cố Lê Đình Chất cũng làm ta ngỡ ngàng về cảnh đẹp quê hương  : “ Chim chiều hạ cánh chim về tổ/ Cá tối tung mình cá đớp trăng / Sóng rỡn mặt ao đùa gió nhẹ / Cò nương cửa tổ ngó trời xanh.”

  Tác giả Thái Hòa cũng có nhiều vần thơ ca ngợi quê hương và đưa ra một khẳng định , như một chân lý về sự anh hùng , quả cảm của quê hương: “ Dũng cảm diệt thù quân Pháp sợ /Kiên trung chiến đấu Mỹ  kinh hoàng /Anh hùng bất khuất lừng danh tiếng /Rạng rỡ quê hương – đẹp sử vàng!”

      Quê hương đẹp như vậy làm sao mà chẳng rung động những trái tim thơ như chúng ta , để rồi trong thư viện thơ cá nhân của mình ai chẳng có ít nhất dăm bảy bài thơ yêu quê hương đất nước.

    Vùng đất Hương Sơn , một kỳ quan du lịch của quê ta, cũng đã vào thơ Duy Hùng “ Trời lồng đáy nước  cảnh chiều sang /Nghiêng nón thuyền mơ khỏa sóng vàng /Chở củi non tiên tiều đủng đỉnh /Buông tơ bến Đục  gió hòa chan.”. Tình yêu quê hương, đất nước luôn lung linh trong tâm hồn người cầm bút, có lúc hiện về như một kỷ niệm linh thiêng: “Bồ Tát chùa Tiên tâm thiện mãn /Như Lai động Phật đức cao dầy /Đào nguyên sương phủ thung mơ, sắng / Đế vượng trường sinh ngan ngát saythơ Mai Xuân Chức..

 Cái tình yêu quê hương,  đất nước trong thơ của gần 60 tác giả  trong tập thơ, không chỉ bó hẹp trong quê hương Ứng Hòa , Mỹ Đức mà nó còn được nhân rộng ra khắp giang sơn gấm vóc Việt Nam.: “ Em đón ta về Huế mộng mơ /Sông Hương núi Ngự cảnh nên thơ” thơ Hà Vọng . Hay thơ Lê Duật lại đưa ta về với miền núi Sa Pa “ Đường lên thị trấn huyện SaPa/ Ngoắt ngoéo đường tơ dệt lụa là /Thấp thoáng nhà sàn treo dốc núi /Nhấp nhô ruộng lúa ẩn thung xadù đường quê hương có điệp trùng ngoắt ngoéo nhưng vẫn đẹp vẫn xinh như đường tơ dệt lụa là của Vạn Phúc, Hà Đông.

    Từ tình yêu quê hương đất nước nhiều tác giả đã nâng lên một cung bậc cao hơn, trong muôn vàn âm thanh trong sáng đó là ca ngợi các anh hùng dân tộc . Dòng thơ của Nguyễn Hữu Tăng đã trở về với 200 năm trước đất Ứng Hòa lập ấp để nhắc tới công lao của các bậc tiền nhân và từ đấy Hữu Tăng đã thốt lên : “Khi hồn thơ thức dậy / Cho ngọn bút tràn đầy /Hạnh phúc là dâng hiến / Tình đời say ngất ngây”. Vẫn với những dòng thơ mộc mạc nhưng sâu lắng, đầy sự kính trọng nhiều tác giả đã viết về Tản viên Sơn ,           về Bà Trưng, bà Triệu  về Phùng Hưng, Ngô Quyền, về Trần Hưng Đạo về Nguyễn Trãi  ...và đặc biệt khi đặt bút ca ngợi Bác Hồ kính yêu thì ý thơ đều dào dạt, mênh mông như tấm lòng cao cả sáng trong của Bác : “ Sáng mãi ngàn thu ngọn đuốc hồng /Bác ơi! Tài đức tỏa mênh mông” thơ của Hội viên quá cố Thanh Châu . Hay : “ Giản dị, ung dung kể xiết bao /Áo nâu, túi vải dáng thanh tao.... Nhân tâm nhân loại đều ca ngợi / Đôi dép Bác Hồ đẹp biết bao.” Thơ của Phạm Đình Khánh cũng là một hội viên đã qua đời.

      Còn ngòi bút của Linh Lâm khi viết về Bác lại hào sảng, thiết tha : Ngát tỏa hương đài ánh thái dương /Người là Cha chỉ lối đưa đường / Cuộc đời giản dị , tình cao thượng  / Sự nghiệp quang vinh, chí quật cường”. Một bài thơ đã được trình diễn tại Liên hoan thơ toàn quốc tháng 8 vừa qua đã để lại trong lòng khán giả cũng như Ban giám khảo một sự đánh giá đầy khích lệ . Đó là bài thơ:Bác Hồ của Nguyễn Văn Thụ : Dép lốp ngày đêm mòn đá núi /Aó nâu nắng gió thấu nhân tình.../ Bôn ba bốn biển vì dân tộc /Đất nước muôn đời mãi sáng danh.”

    Thật giản dị mà thanh cao, Thật mộc mạc mà sâu sắc. Nguyễn Thế Hào với bài thơ “ Mùa thu nhớ Bác cũng da diết trong lòng về công lao to lớn của Người mà vẫn thanh cao, trong vắt như trời thu : Vàng thu hoa cúc hương thoang thoảng./  Đỏ cánh hoa hồng sắc đắm say /Man mác lòng thu thương nhớ Bác./ Thu về man mác gió thu bay.” Quả là không sao kể xiết những dòng thơ viết về Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

 

      Xuôi dòng mạch thơ ca ngợi trong tập cũng tỏa sáng một số bài thơ viết về những người thầy giáo : “Đò ngang êm nhẹ lướt sông xuân /Chở nặng thương yêu tháng lại tuần /Nước mát tưới mầm tươi quả đức /Đất lành vun gốc thắm hoa nhân”thơ Thành Khiệt. Cái công đức lớn lao của những người thầy giáo, nghiệp giáo là tạo nên những hoa nhân cho đời . Chính vì vậy những vần thơ cảm nhận nghĩa thầy trò cũng hết sức cao cả, để rồi lại có những lớp người theo bước chân các thầy cô giáo : “ Cho dù đã tuổi cổ lai hi / Ơn nghĩa thầy ơi nhớ cực kỳ / Bến cũ đò xưa trong ký ức / Nghiệp thầy em lại bước theo điThơ Tạ Trọng Uyển.

    Một sự chẳng hề quên là nhắc tới công lao của những chiến sỹ thời chống Pháp, những chàng trai diệt Mỹ, những cô gái Thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn cứu nước. Chiếc gậy Trường Sơn lịch sử, từ những chàng trai Hòa Xá quê mình . Bài  thơ chị Xế của Nghiêm Hạt tiêu biểu cho sự quật cường của dân tộc trong thời chống Pháp. : Một mình một hướng, che đồng đội ./ Thân liễu mình ngà tựa thép tôi.”

            Xuân đến Trường Sa thơ Nguyễn Cự Dụng ông đã gửi gấm một niềm chia sẻ và cảm thông với những người lính biển thời bình ,trong khi mùa xuân đang về trên đất nước  : “ Nhâm thìn xuân đến giữa Trường Sa /Anh lính hải quân hẳn nhớ nhà. /Vẫn đón xuân về trên đất đảo ./Vẫn mừng tết mới chốn quê xa” . Hay bài Thương của Đào Thiện Dân  đã gửi cả niềm thương cảm tới các chiến sỹ TNXP thời chống Mỹ : “ Bom nổ, cửa hang bịt mất rồi./ Làm sao cứu được các em tôi!./ Tám cô gái nhỏ công binh ấy./ Một trận bom vùi lấp cả thôi… Và còn biết bao vần thơ ca ngợi những anh hùng, ca ngợi sự hy sinh của các thế hệ cha anh đã đánh đổi thân mình cho độc lập tự do của đất nước.

        Một mảng lớn chủ đề trong tập thơ nếu không nhắc tới thì quả là vô cảm , đó là những bài thơ tình , thơ về tình yêu đôi lứa, thơ về tình vợ chồng . Thơ của nhà giáo Vũ Thị Việt Bằng là một mảng thơ thấm đẫm tình yêu. Baì thơ Nghe đàn của chị với hai câu kết : “Nghe nồng môi ấm người trong mộng  /Nghe cháy hồn em tự lúc nào” quả chị đã buông lửng một câu hỏi da diết đến ngàn đời của những trái tim yêu... Thơ Đỗ Thị Hòa cũng rất nhiều tâm sự về tình yêu. Bài thơ Chị tôi được giải xuất sắc trong trình diễn thơ toàn quốc tại Quy Nhơn đã khắc sâu vào trái tim người nghe, người đọc một niềm khao khát đến cháy lòng, nhưng cũng để lại một sự cảm phục cao quý về  lớp lớp trai thanh nữ tú đã hy sinh cho nền độc lập, tự do dân tộc , tình yêu ấy thật cao quý nhường bao : “  Ước mong làm vợ nôn nao ruột ./Thèm khát ru con  héo hắt môi”. Tác giả  Nguyễn Hữu Độ và Thi lão Gia Tuế với bài Kỷ niệm một dòng sông, là một bài thơ tình : “ Một thời yêu ấy đã bao năm./Vẫn gói trong tôi nỗi nhớ thầm…/Nhớ nụ cười tươi cô lái trẻ,./ Nhớ lời hẹn ước bạn đồng tâm” .Nhưng người con gái – ngừơi nữ du kích laí đò trên bến sông làng Chùa. trong bài thơ đã hy sinh trong trận đánh, và đã mang đi cả một mối tình  thơ mộng tuyệt vời, một thời đã vờn trong mây nước, cùng tìm giải Ngân Hà dưới đáy sông. Để lời thơ của Nguyễn Hữu Độ phải nuối tiếc” Sóng gợn lao xao làn nước biếc./ Thức về kỷ niệm một thời yêu.”. Tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng, trong tập thơ còn dàn trải ở nhiều câu thơ của các tác giả .Ví như . “In sâu hứa hẹn tình chung thủy./ Khắc mãi lời khuyên bạn má hồng” thơ Mai Xuân Hội . Hay : “  Dù cho sướng khổ luôn kề cặp./ Mãi mãi bên nhau đủ thiếp chàng.” Thơ Phùng Thị Lễ .“ Dù xa vẫn giữ lòng son sắt./ Gói trọn hình anh trong trái tim” thơ Mai Tuyết Nghĩa.: “ Sướng khổ vui buồn đều sẻ nửa./ Tình chồng nghĩa vợ mãi bền lâu” thơ Nguyễn Danh Quang.

        Mảng thơ tự sự, tâm tình cũng chiếm một tỷ lệ khá trong tập  tuyển.Tác giả nói về mình, tâm tình về bạn bè, đồng đội và nhất là các bạn thơ văn, để cùng nhau chia sẻ nỗi lòng về nhân tình thế thái, về những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống hàng ngày : “Về hưu nào đã thảnh thơi đâu./ Vương kiếp con tằm nặng nghĩa dâu.../ Món nợ nhân gian còn vấn vít./ Bao giờ trả hết nghỉ ngơi sau! thơ Đặng Thị Điểm. Hay : Ngọn bút không chuyên tỏ mấy vần./ Viết lên ý Đảng với lòng dân./Giữ  gìn bản sắc gương trung hiếu./Bảo vệ cội nguồn sáng đức tâm” thơ Lâm Giang .Thi lão Kiều Ngọc Úc thì: “Tự thấy hương đời còn tỏa ngát./ Cho ta đẹp mãi tuổi hoàng hôn”. Bài thơ Áo Việt Nam hay Lẽ sống , thể Khoán thủ “ Mua vui cũng được một vài trống canh” của Thu Diếp để:” Trống chèo ca hát mê làn điệu ./ Canh vắng ngâm Kiều lệ ứa rơi” đó là những tâm sự thật của mỗi tác giả trong những niềm ưu tư trầm lắng của nỗi  lòng. Hoàng Hào lại có điều tâm sự khi nói tới chốn cũ người xưa, về bè bạn,về quê ngoại: “Trường xưa đổi mới nay xinh xắn./ Chợ cũ chuyển mình đã mở mang./Quê ngoại đã lâu không đến được/Nhà ai nay cũng sống đàng hoàng. Lý Thế Băng lại có đôi lời nhắc tới bụi, gió, lụt, cỏ và nhắc  nhở những người đừng đem tiền thật đổi thành tiền giả để đốt đi : “Chỉ linh với những người mê tín./ Tự đốt tiền mình, tội nghiệp sao”.

     Để đăng tải được một khối nội dung, chủ đề đồ sộ như vậy phaỉ nói rằng nghệ thuật đã chải chuốt để tô vẽ nên một bức tranh thơ rộng lớn. Phép dùng từ có những bài thơ độc đáo :” Sóng vỗ cong bờ tình chẳng bạc./Tằm vo tròn kén nghĩa thêm xanh” không những đối chuẩn mà từ “ cong bờ”đã đẩy câu thơ nên tầm triết lý, thơ Nguyễn Khánh Hiền. Trong bốn câu tứ tuyệt của Tác giả quá cố Nguyễn Phúc In “Trăng và thơ : Ly rượu trăng lồng tươi nét ngọc./ Tình thơ rạo rực ấm sân chơi./ Cỏ cây hoa lá dường thao thức./ Chắp cánh thơ bay ngọt nghĩa đời” đó là những vần thơ có hồn, có cảnh. Làm thơ luật Đường nhiều tác giả cho rằng hai cặp thực, luận sử dụng phép đối là rất  khó, nhưng Minh Khôi đưa vào rất nhẹ nhàng mà lại hết sức đối “ Phượng vĩ kề vai khi sớm nắng./Sen hồ áp má lúc chiều mưa” Hai câu thơ đối được cả về thanh về ngữ. Nguyễn Huy Lâm cũng rất tự nhiên khi dùng phép đối: “ Luật Đường đối ngẫu êm cung nhạc./ Bát cú gieo vần ngọt khúc ca.”Không khiên cưỡng, và rất tự nhiên, tình ý cứ như được xếp sẵn để đưa vào cặp đối, làm cho bài thơ hoàn chỉnh và hoa lệ . Tác giả Anh Lê đã ly biệt chúng ta, trong bài thơ Dâng hương có cặp đối: “Xứ Nghệ rừng xanh xanh biếc ngọc./ Làng Sen bông trắng trắng trong gương” cũng có một sức nặng khiến ta không thể không liên tưởng tới tâm hồn thanh cao, của nhà thơ Hồ Chí Minh bất tử.

        Để bài thơ chất hơn có tác giả còn dùng đối luôn cả hai câu kết như trong bài Cảnh vườn nhà của Nguyễn Danh Lưu. “ Hoa thơm trước dậu vương tình cũ./ Quả ngọt bên thềm đón bạn xa. Mỗi bài thơ, mỗi tác giả đều có những phong cách riêng để thể hiện chủ đề thơ của mình.

Thơ Lê Xuân Mai thì chải chuốt, mơ mộng , thơ Nguyễn Sỹ Kha thì chân chất, mộc mạc .

              Vũ Tiềm nhà bình luận về thơ, cho rằng một bài  thơ hay phải diễn tả được nhiều chiều, phải có những xúc cảm khác thường, suy nghĩ khác thường, cách noí khác thường. Phải có đủ 7 chiều không gian thơ. Nếu soi lại thi trong tập thơ nhiều bài cũng toát nên được ý đó. “Hòa vào trong sóng nước đầy vơi ./ Hạt chát nhỏ nhoi góp với đời.”Hạt muối của Nguyễn Hoàng Mai. “Anh hùng bất khuất” tươi mày liễu ./“Trung hậu đảm đang” thắm má đào.   Phụ nữ Việt Nam thơ Nghiêm Thị Muôn . Cũng như Vũ Tiềm có nói  bài thơ phải có cấu tứ: Có tứ mà không có tình khó đọc, Có tình mà không có tứ khó đứng. Từ đó mà xem xét thì trong tập tuyển của chúng ta phần nhiều đạt cả hai . Hai câu kết trong bài Hương Sơn của Lê Đức Mỹ : “ Nhuộm tím tà dương người khuất bóng./ Thung mơ thổn thức, lá thu rơi.”bài thơ được cả tình và tứ. Hay thơ của nhà giáo ưu tú Kiều Nhâm: “ Mồ mả gọn gàng yên ấm chỗ./ Sách đèn mê mải vững bền chân.” Tác  giả đã khéo mượn hai điều kiện để nói lên cái cần và đủ của một con người . Trương Công Ninh một hội viên cũng mới vừa từ biệt chúng ta  đã viết “Trăng xe đôi lứa hoa cùng nụ ./Trăng điểm một thời gió với mây”.Ông đã dùng hình ảnh hoa và nụ , gió và mây để nói hộ tình yêu đôi lứa . Diễn đạt cũng là một trong yêu cầu quan trọng của các thể thơ. Khi ta sáng tác chúng ta đã miêu tả, kể sự việc, khái niệm đã dùng hình ảnh, hình tượng , biểu tượng để diễn đạt đã chú trọng phương pháp bắc cầu .Ta dùng A nói B , và dùng B để nói C. Đó là “ Sợi thơ tình không nói hết lời thương/ Anh pha mực  cho vừa màu áo tím. Từ đó suy ra : Anh rất yêu em. Cung cách đó trong tập tuyển của chúng ta cũng có rất nhiều tác giả làm được vậy . “ Cong cành trái mọng giữa vườn em./ Khách tới hay qua ứa nước thèm”Bài thơ  Chanh của Nguyễn Khắc Thái . Thơ Nguyễn Văn Sinh dùng cái cổng làng để nói làng khoa bảng : “Đã mấy trăm năm cùng lịch sử./ Quê hương khoa bảng đẹp huy hoàng.”Hay sẻ chia sự mất mát hy với người CSTNXP  Nguyễn Hà Sơn đã viết : “Sót chiếc lá vàng xơ héo hắt./ Thân cò ngơ ngác phận không đôi.”. Còn nhiều , nhiều nữa những vần thơ trong tuyển tập còn nhiều cách thức để nói hộ lòng mình . Nguyễn Thị Hồng Thắm với Hội Làng, Đinh Văn Thịnh với Hương Sơn chiều xuân, đều có những cách thể hiện đa chiều trong tình và ý. Những chùm thơ tứ tuyệt, thất ngôn và ngũ ngôn cũng có sức chuyển tải không kém.  : “ Ai đem nỗi nhớ gieo nơi ấy. /Để khiến bên này nặng vấn vương” Hay :“  Rượu đời trưng cất say năm tháng./Nỗi nhớ men tình  sưởi ấm môi” Bốn câu thơ trong hai khổ tứ tuyệt “ Tình thơ và Vu vơ ,Thơ Vũ Thị Thanh. Thơ Hồng Thế cũng vậy : “ Đã chót đa vương cứ mãi chờ./Ơi mùng tơ nhện… hỡi dây tơ!/Người giăng người mắc, người xao xuyến./Để dễ chao nghiêng… cả bến bờ.” Rõ ràng là chỉ bốn câu thôi cũng có một sức chuyển tải kỳ lạ với những ý tứ của tác giả.Thơ Hoàng Tiến, thâm trầm với đầy sự liên tưởng, thơ Trần Văn Tráng thì mượn A nói B và có những nét dí dỏm: Qủa tung em đón, vui lòng chửa?./Váy vén anh nhìn, sướng mắt chưa!./Xã hội tranh nhiều khôn kể xiết./“Hứng dừa” ngắm mãi vẫn say sưa.

Thơ Đỗ Xuân Túy thì mượt mà với bến sông quê: Xanh thẳm trời mây lồng gác núi ./Lòng ta nhớ mãi cảnh sông quê. Dư Xuân Vi thì lại coi thơ như một nhịp cầu bắc qua thời gian để có được những cuộc gặp gỡ diệu kỳ :”Xa trên bốn chục năm tìm gặp./Tình nghĩa ngày nào vẫn thắm tươi.” Mỗi tác giả đều có những con thuyền thơ của riêng mình để chuyên chở, biểu đạt những điều mình mong muốn. Xưa kia Hàn Mặc Tử đã có câu thơ cụ thể hóa , mà lại rất trìu tượng “ Thơm như tình ái của Ni cô. “ nếu đem so sánh với cách biểu đạt của chúng ta ngày nay thì... mà nhất là  cách biểu đạt trong tuyển tập thơ Hương Chiều nói một cách công bằng kể ra cũng có nhiều điều thú vị .

       Tuy nhiên tập thơ cũng còn có những điều còn phải tu chỉnh để những sáng tác sau của chúng ta hoàn chỉnh hơn. Hoặc là có những sự phá cách, phá trật tự câu chữ để  chúng ta có  những bài thơ Đường  mới hơn, hay hơn hoặc là tựa tựa như bài thơ “Vàng thu” : Lác đác hoàng lan ...lất phất thu / Hồ run mặt sóng... thoảng mây mù/ Người đi mỏi phố ... mùa chưa cúc/ Sắc áo vàng kia ... nở sớm ư ? .      

     Quả là “ Thơ là thuốc bổ ngâm không chán .. Rượu có muì hương cứ rót mời .

                  Tôi xin được ngừng lời với :

                   Đôi lời tâm sự chân thành / Quả chín thì hái , quả xanh thì đừng.                                       

                                                            Xin cảm ơn .

                                                                       Đ. T ( BBT )

 

 

 

 

 

  

 

 

 

 

 

    

 

 

 

 

  

 

 

Tác giả BBT giới thiệu