THÔNG BÁO

Canh_dao_chuc635918145714052467.jpg Năm 2025

Năm  2024  đã khép lại với bao .biến động. Đất nước  ta cũng như   bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát của nhân loại cũng  lùi dần về quá khứ


ĐÔI DIỀU CẢM NHẬN VỀ THƠ ĐƯỜNG HÀ NỘI TẬP 4
18-01-2013
IMG_524 . F.jpg Vừa qua CLB thơ Đường Hà Nội đã tổ chức Tổng kết công tác năm 2012 và ra mắt tập Thơ Đường Hà Nội - 4 . Xin trân trong giới thiệu .

          ĐÔI DIỀU CẢM NHẬN  VỀ THƠ ĐƯỜNG HÀ NỘI TẬP 4        

    Hòa trong niềm vui chung của nhân dân thủ đô Hà Nội đã đón nhận những thành công to lớn về mọi mặt trong sự phát triển kinh tế và ổn định đời sống chính trị. Năm 2012 CLB thơ Đường Hà Nội đã trưởng thành thêm về nhiều mặt từ phong trào đến nâng cao chất lượng sáng tác mà kết quả cụ thể là sự ra mắt Thơ Đường Hà Nội tập 4 hôm nay. Tập thơ do nhà Xuất bản Văn Học cấp phép với gần 500 bài thơ thể luật Đường của 235 tác giả.

   Để các bạn được tận hưởng sự ngọt ngào, sâu lắng, ấm áp, thắm nồng tình nghĩa đầy chất nhân văn của tập thơ chúng ta cùng nhau điểm qua những điểm hay,và chưa hay; điểm mạnh, điểm yếu của tập thơ này.

 

    Đi ngược dòng thời gian về với quá khứ oai hùng vẻ vang của dân tộc ta, nhiều tác giả đã ghi lại những hình ảnh và công lao của các anh hùng đã mở nước và giữ nước với những chiến công chói lọi còn vang vọng đến ngàn thu. Ông Nguyễn Duy Hùng đã tái hiện khí thế oai phong lẫm liệt của Bà Trưng (Trưng nữ vương):

                               

                           Trống trận ba quân thu bốn cõi

                           Chí hưng nghiệp bá mở trời nam

 

     Chỉ với hai câu thơ đầy cảm khái ấy người đọc đã thấy được sự tung hoành ngang dọc của một nữ tướng trên mình voi đã vung gươm xuất trận dẫn ba quân đánh tan giặc Hán ngông cuồng tàn bạo và lập nên nhà nước tự chủ. Hào hứng với mạch chủ đề này ông viết tiếp về Bà Triệu :

 

                           Chí bình sóng giữ trừ hung ác

                           Sức chém kình ngư diệt bạo tàn.

 

   Hậu thế muôn đời mãi mãi tự hào về các bậc nữ nhân đã làm rạng rỡ non sông Đất Việt.

   Với lời thơ hào sảng  thi hữu Ngô Văn Tâm ca ngợi chiến thắng lẫy lừng trên sông Bạch Đằng của quân dân ta dưới sự chỉ huy tài tình của Ngô Quyền :

                         Đại thắng Bạch Đằng tan giặc Hán

                         Uy danh lừng lẫy tỏa muôn phương.(Ngô Vương)

                                                         

    Qua lời thơ ta như thấy lại cảnh sông nước Bạch Đằng cuồn cuộn chảy xô nát hàng ngàn chiến thuyền của giặc Hán vùi sâu chúng xuống dòng nước xanh thẳm .

   Với Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn thì :

                           Đất nước hồn thiêng sinh tuấn kiệt

                           Trời Nam vượng khí xuất hiền nhân

                                                                 (Đức Thánh Trần)

 

     Trong mỗi chúng ta ai ai cũng thấy rằng để có một giang sơn thống nhất, và người dân được sống cuộc đời ấm no hạnh phúc trong nền tự do độc lập như ngày nay thì người có công đầu chính là Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu trong cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc.

   Nhân chào mừng ngày sinh nhật của Đảng, ông Nguyễn Văn Hoàn  đã cho ta thấy sự sáng suốt tài tình của Đảng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm:

 

                       Tổ quốc lâm nguy lo bảo vệ

                       Nhân dân gặp nạn giữ an ninh

                       Hai kỳ kháng chiến rèn tay súng

                       Một thuở hòa bình luyện chí minh.

 

    Còn tác giả Nguyễn thị Thu Loan  thể hiện lòng biết ơn đối với Bác bằng tình cảm kính trọng :

                       Công đức của Người như biển cả

                       Tình thương Bác để rộng bao la.

 

   Ông Văn Sỹ Nguyện thì thiết thực bằng hành động:

                       Nhớ lời di chúc càng làm tốt

                       Để Bác yên lòng ở cõi xa.

 

     Để giành lấy tự do độc lập cho tổ quốc, giữ gìn sự toàn vẹn non sông cho dân tộc, có biết bao anh hùng liệt sỹ đã hiến dâng cả tuổi xuân và hạnh phúc riêng tư của mình. Ghi nhận công lao ấy nhà thơ Cao văn Tân  đã chắt lọc ngôn từ để thể hiện :

 

                           Xương máu chôn vùi nơi trận tuyến

                           Thịt da vương lấp chốn rừng xanh .

                                                       (Tri Ân Liệt Sỹ)

    Thi hữu Vũ Bá Thược nói cụ thể hơn:

                           Mẹ già tượng đá thiên thu đợi

                           Vợ trẻ vọng phu mỏi mắt chờ

                           Tháng bảy toàn dân ơn tưởng nhớ

                           Thủy chung giữ trọn nén hương thờ.

                                                              (Ơn Liệt Sỹ)

     Ngày nay chúng ta đang sống trong hòa bình, nhưng đừng quên rằng kẻ thù vẫn luôn rình rập đe dọa nền độc lập của dân ta, xâm phạm đến biên cương hải đảo tổ quốc ta, vậy nên để nhắc mọi người phải cảnh giác và có ý thức bảo  vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Tác gỉa Nguyễn Văn Yên  trong bài Bên cột cờ Lũng Cú đã viết :

 

                         Địa đầu đất nước chính là đây

                         Đỉnh núi muôn màu trải ngất ngây

                         Là bạn cũng cần phân cõi giới

                         Chủ quyền quốc thổ đỏ cờ bay.

 

    Để nhắc lại truyền thống bao đời gìn giữ biển đảo quê hương, tác giả Cấn Văn Thăng khẳng định rằng :

 

                        Biển đảo Việt Nam đất Lạc Hồng

                        Bao đời gìn giữ vẹn non sông

                                                       (Biển Đảo Quê Hương)

 

    Đất nước quê hương luôn là một chủ đề mênh mông đầy sức cuốn hút. Quả vậy nếu ta có dịp đi suốt từ Bắc tới Nam thì ở đâu cũng gặp những danh lam thắng cảnh làm mê hồn bao tao nhân mặc khách. Đó là Sa Pa,Tam Đảo, Côn Sơn, Hạ Long, Chùa Hương, Tràng An, Sầm Sơn, Thành Nhà Hồ, Sầm Sơn, Huế …rất nhiều các danh thắng đã được các thi hữu minh họa trong tập thơ này, tôi chỉ dẫn ra đây đôi câu để thấy nước non ta nơi nào cũng thơ mộng như chốn thần tiên.

 

    Đến với Sa Pa thi hữu Trần Tuyết như mơ mộng hơn :

 

                          Cầu Mây lơ lửng chờ mong khách

                          Thác Bạc chông chênh đón đợi người

                                                                   (Sa Pa)

 

    Với ai đã từng đên đây thì nay họ như được gặp lại người quen cũ, còn với ai chưa có dịp đến Sa Pa hẳn sẽ dục lòng quyết đến  xứ sở hoa cài tuyết điểm này.

 

    Tràng An một trung tâm du lịch của đất Ninh Bình qua những câu thơ của Đinh Nho Hồng đã đem đến cho bạn đọc sự gần gũi hơn, say đắm hơn với miền non nước kỳ thú huyền ảo này :

 

                           Hàng thuyền rồng rắn trườn trong động

                           Dãy núi nhấp nhô lượn giữa mây

                                                            (Tràng An Du Cảnh)

 

   Thi hữu Bùi Quang Nghĩa  lại đưa ta đến với cảnh biển trời mây nước mênh mông dạt dào của Sầm Sơn ai đã đọc thơ rồi thì không thể không đến Sầm Sơn để kiểm chứng :

 

 

                         Trời xanh bảng lảng đàn chim gọi      

                         Mây thắm lửng lơ vạt nắng treo

                         Vùng vẫy thủy triều ôm nước biếc

                         Dạt dào sóng vỗ lướt tay chèo

                                                                  (Sầm Sơn)

    Sông Hương núi Ngự với vẻ đẹp trầm tư của xứ Huế mộng mơ được Lê Thị Trà My giới thiệu

                         Bến vắng thuyền xuôi bóng lững lờ    

                         Cung đàn nhịp phách gửi niềm mơ

                         Mây chiều giăng lụa chim tung cánh

                         Nắng sớm buông mùng nhện trải tơ

                                                           (Vãng Cảnh sông Hương)

    Thơ tình – một chủ đề mà hàng ngàn năm nay đã tiêu tốn bao bút mực tâm sức các nhà thơ, mà vẫn còn là một nguồn cảm hứng vô tận  không bao giờ cạn. Thơ tình có nhiều cung bậc, nhiều cảnh huống  nhiều tâm trạng nỗi lòng khác nhau và người cầm bút cũng có nhều cách thể hiện khác nhau.

    Hai bạn thơ mới gặp nhau trong một buổi giao lưu, nhưng nghĩa bút tình thơ, cũng đã để lại một tình cảm mãi tươi nguyên. Thật nhẹ nhàng mà ý nhị, bạn Nguyễn Như Thế  bộc bạch trong bài Mãi tươi nguyên

                  

                    Một lần gặp gỡ đã nên quen

                    Một buổi giao lưu kết bạn hiền

                    Một tứ thơ tình vừa xướng họa

                    Một lời tri kỷ mãi tươi nguyên

 

    Còn gì đẹp hơn hình ảnh đôi trai gái vùng cao tự tình dưới ánh trăng thanh lại có tiếng sáo mèo bay bổng dập dìu .Thi nữ Nguyễn Thị Kim Dung như sống lại tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình :

 

                     Cùng nhau ta hẹn về bên suối

                     Dìu dặt đêm trăng tiếng sáo mèo

                                                 (Tiếng Sáo Mèo)

 

    Qua huyền thoại hoa ban, tác giả Giang Hoàng Thung khéo léo lồng huyền thoại vào cuộc sống người dân Tây Bắc trước và sau giải phóng Điện Biên để có hai câu thơ thật lãng mạng :

                     Chín bậc tình yêu em vẫn hát

                     Đã tràn trong trắng nắng hoa ban

                                                         (Huyền Thoại Hoa Ban)

 

    Ở tuổi xế chiều nhiều người vẫn gói thầm trong tim một tình yêu thuở đôi mươi với những kỷ niệm êm đềm không phai nhạt. Bạn Nguyễn Thanh Bình Giãi Tỏ lòng mình rằng :

 

                    Tóc dẫu thay màu nét vẫn xuân

                    Phai dần mắt biếc má bồ quân

                                               (Nhớ Tặng T…)

 

    Tình cảm vợ chồng sâu đậm được ông Trịnh Xuân Quang  nói thật lòng khi bà xã đi xa vắng. Ông nhớ bà, và chắc bà cũng nhớ ông lắm nên bà đã về bất ngờ không hẹn trước. Ông vui hẳn lên và viết:

 

                    Vắng bà mọi việc cứ thờ ơ

                    Sớm tối chiều trưa những ngóng chờ

                    Đang lúc nhớ bà buồn nẫu ruột

                    Bà về trước hẹn thật không ngờ

                                                  (Vắng Bà)

 

    Khi tình yêu và tình thơ hòa quyện với nhau thì cuộc đời càng đây thi vị ngọt ngào. Vào tuổi bảy tư ông Trần Đình Lý bày tỏ
                    Năm nay mình mới bảy mươi tư

                    Bảo trẻ, bảo duyên cứ ậm ừ

                    Đến với tình yêu quên độ tuổi

                    Rời xa tổ ấm nhớ nàng thơ

                                            (Tuổi Lão)

 

     Như đã thành nếp quen chùm thơ về xướng họa, thù tiếp, chúc tụng  vẫn được các nhà thơ thể hiện khá nhiều và vẫn đi theo một lối mòn, sự sáng tạo chưa nhiều, mong rằng các tập thơ sau cần có sự đổi mới để người đọc đỡ cảm thấy nhàm chán.

     Thơ Đường Hà Nội đến nay đã xuất bản được 4 tập. Thời gian tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ để các cây viết tự hoàn thiện mình trong phong cách thể hiện và tạo nên tính cách thơ riêng của chính mình. Tuy vậy trong lúc quá phóng khoáng hay khi hồn thơ đang bay bổng có thi hữu đã đi quá xa đến nỗi thất luật, thất niêm thành ra bài thơ không còn là bài  thơ đường luật hoàn chỉnh về thể loại. Lại có tác giả quá dễ dàng trong việc chọn ý, dùng từ cho nên tình thơ trở nên khô khan, ý thơ nghèo nàn. Mong rằng những thiếu sót ấy không còn gặp lại ở các tập thơ sau.

    Ban tuyển chọn Thơ Đường Hà Nội tập 4 tuy không là đội ngũ chuyên nghiệp nhưng đã cố gắng nhiều trong khâu tuyển chọn để hôm nay Thơ Đường Hà Nội tập 4 ra mắt trang trọng về hình thức, đọc được về nội dung. Tuy vậy cũng còn nhiều thiếu sót cần phải khắc phục.

     Vui với thơ chúng  ta hãy mở lòng cùng nhau, cùng giao lưu, đàm đạo  giúp đỡ nhau để các tập thơ sau có chất lượng tốt hơn.

     Mong  bạn đọc gần xa đón nhận Thơ Đường Hà Nội tập 4 với tình cảm của người yêu thơ.

    Có được Thơ Đường Hà Nội tập 4, có được ngày vui hôm nay. CLB Thơ Đường trân trọng cảm ơn ban lãnh đạo Trung tâm văn hóa thành phố Hà Nội đã động viên giúp đỡ tạo mọi điều kiện để thi phẩm Thơ Đường Hà Nội tập 4 ra mắt bạn đọc.

   

                                                     Hà Đông ngày 15 tháng 1năm 2013

                                                                          Nguyễn Hữu Độ        

 

 

 

 

 

Tác giả BBT giới thiệu