THÔNG BÁO

Canh_dao_chuc635918145714052467.jpg Năm 2025

Năm  2024  đã khép lại với bao .biến động. Đất nước  ta cũng như   bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát của nhân loại cũng  lùi dần về quá khứ


Quốc Oai thi tập . Một sự trưởng thành vượt bậc
16-08-2013
Bia Phu quoc chinh.F.jpg Chiếu thơ Quốc Oai năm 2011 mơi có 8 hội viên, tới nay có gần 40 , Vừa qua Chiếu thơ lại cho ra mắt Quốc Oai thi tập ( quyển 1) . Xin giới thiệu bài viết về thi phẩm trên.

CÂU LẠC BỘ THƠ ĐƯỜNG HÀ NỘI

   Chiếu thơ Đường Quốc Oai

 

LỜI GIỚI THIỆU CUỐN

“QUỐC OAI THI TẬP”

 

       

       Lâu đài thơ Đường Việt Nam được khởi phát từ thời nhà Lý, đến nay đã có nghìn năm tuổi. Thơ Đường xưa chỉ những ai đỗ đạt ra làm quan mới dám chơi. Nhưng thời nay, thơ Đường được xem như loài chim quý hiếm và khôn ngoan, tìm nơi đất lành mà đậu. Vùng đất cổ Chương Đức – Phủ Quốc (Quốc Oai, Hà Nội ngày nay) là một vùng quê như thế!

       Thật tự hào và hãnh diện cho hội viên Chiếu thơ Đường Quốc Oai, thuộc Câu lạc bộ thơ Đường Hà Nội. 35 thi huynh tuổi đời khác nhau, hoàn cảnh sống và trình độ, nghề nghiệp khác nhau, nhưng đều có kiến thức học vấn lại có chung một sở trường là yêu thích, sáng tác thơ Đường luật. Đại đa số hội viên trong Chiếu thơ Đường Quốc Oai đều có mặt ở một số Câu lạc bộ thơ Đường từ địa phương đến Trung ương, đã từng giao lưu với bạn bè khắp mọi nơi trong nước. Có nhiều hội viên có thơ in riêng, in chung trong các tuyển tập, được giới thiệu trên báo chí và Đài phát thanh. Có hội viên đã bình hàng chục bài thơ Đường được đăng tải trên báo ngành và báo Văn nghệ một số tỉnh thành trong nước. Hội viên Nguyễn Bá Chính tham gia họa thơ ca ngợi anh hùng nghệ sĩ Vũ Khiêu được tuyển chọn trong số 3000 bài ở các tỉnh thành, được chọn in trong Tuyển tập 97 mùa xuân của 97 tác giả trong cả nước.

       Hai mươi năm trở lại đây, thơ Đường đương đại Việt Nam bùng lên như một ngọn đuốc, phong trào sáng tác thơ Đường từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc như mạch nguồn nước vô tận đổ vào dòng sông “Thi ca Việt Nam” đương đại. Đây là hiện tượng hiếm thấy trong bước lịch sử văn học nước nhà. Chiếu thơ Đường Quốc Oai được khởi phát ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đó.

         Sau thời gian hoạt động trong Câu lạc bộ thơ Đường Hà Nội, bằng sự đam mê học hỏi giúp đỡ lẫn nhau, với sự nỗ lực của từng hội viên say mê sáng tác, thi phẩm  Quốc Oai Thi Tập” đầu tiên ra đời, trong niềm vui chung của bằng hữu Quốc Oai – Chương Mỹ, Hà Nội. Nội dung thi phẩm trong tập này gồm trên dưới 300 bài thơ Đường luật của 35 thi huynh, dày 220 trang, được in bìa cứng rất đẹp, khổ 13 x 19cm do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin (thuộc Bộ Văn hóa thông tin - thể thao và du lịch cấp phép xuất bản). Đây là thành công của sự chung tay góp sức của toàn thể anh chị em trong Chiếu thơ Đường Quốc Oai – Chương Mỹ. Chúng ta rất tự hào và phấn khởi đón chào tạp đầu tiên “Quốc Oai Thi Tập” ra đời.

        Để giúp bạn đọc và hội viên có chung đồng cảm và hiểu toàn diện tác phảm đầu tay này, thay mặt anh chị em trong Chiếu thơ Đường Quốc Oai, tôi xin nêu lên một vài cảm nhận bước đầu về thi phẩm này. Đây cũng chỉ là cảm xúc của riêng mình trong sự giới hạn của sự vô hạn, bởi lẽ thơ Đường có đặc thù riêng “kén chọn người đọc, người nghe”. So với các thể loại văn chương khác, nó phụ thuộc vào góc độ cảm hứng, tiếp nhận tác phảm của từng tác giả, độc giả khác nhau. Những lời bộc bạch của riêng tôi ở đây không mang ý nghĩa bình luận, hay phê bình đánh giá tác phẩm và không thiên về một mặt nào đó của từng bài thơ, từng tác giả trong thi phẩm này. “Quốc Oai Thi Tập” là thi phẩm của nhiều tác giả nên đề tài khá phong phú, bút thơ thể hiện ở mỗi người một vẻ khác nhau, tạo nên bản hòa tấu trầm bổng, ngân xa. Tôi xin được điểm lại những trang thơ của các tác giả có cùng thi đề, cùng nguồn cảm hứng, để chúng ta cùng thưởng thức, chia sẻ những giai điệu ngọt ngào, phản ánh tam hồn thơ của các thi hữu.

        Trước tiên, xin trân trọng giới thiệu mảng thi đề ca ngợi Bác Hồ kính yêu, Đảng ta vĩ đại và truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc ta trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước vẻ vang. Đây là thành công của một số tác giả lão luyện, gắn bó máu xương trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống quân xâm lược, đem lại nền độc lập tự do cho Tổ Quốc. Tấm lòng tri ân với Đảng và Bác Hồ kính yêu hầu như tác giả nào cũng có, người thì gói gọn bằng thơ, người thì lồng ghép trong những đề tài khác nhưng không kém phần trân trọng, sâu lắng, trong số đó, ta dừng lại ở bài thơ “Thăm chùa nhớ Bác” của tác giả Nguyễn Đình Luận:

Như vẫn còn đây bóng Bác Hồ

Trong chùa Một Mái đẹp như mơ

Thâu canh ngồi viết đường truy giặc

Suốt sáng tìm phương lối diệt thù

Thiên định chở che nơi động đá

Trời ban tỏa sáng chốn trăng thu

Tình Người ấm mãi vùng quê cảnh

Dấu vết không phai dép Bác Hồ.

         Là chiến sĩ, nhà thơ ca ngợi Bác bằng bút pháp thơ gián tiếp, cảnh chùa Một Mái trên đỉnh núi Thầy hiện lên bóng Bác lộng gió thời đại, khắc sâu hình ảnh Bác Hồ về làm việc thâu đêm suốt sáng, biết bao gian nan vất vả để hoạch định kế sách đánh quân xâm lược. Bài thơ sống động bởi cách sắp xếp ngôn từ, hình tượng gắn với tác phong giản dị, thanh cao của Người, khiến ý thơ đẹp, có sức truyền cảm thấm sâu người đọc lòng nhớ ơn Bác Hồ.

         Thi huynh Nguyễn Hữu Vịnh cũng ca ngợi Bác Hồ bằng bài thơ “Vui Xuân nhớ Bác”. Hai câu thực, luận rất chỉnh và sáng giá:

Đất nước lâm nguy xoay thế cuộc

Đồng bào nô lệ đổi thay đời

Thanh cao đức độ hồn trong suốt

Giản dị vị tha tỏa sáng ngời.

         Để khẳng định niềm tin yêu tuyệt đối với Đảng, Bác Hồ “Đảng dân thương nhớ kính yêu Người”, tác giả Nguyễn Quang Cự lại gửi tấm lòng mình vào bài thơ “Bác Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, ca ngợi Bác và quyết học tập, noi theo gương Bác suốt đời. Hai câu kết của bài thơ thẻ hiện tâm nguyện suốt đời của tác giả:

Đẹp nhân cách sống ngàn năm sáng

Nhất đạo đức tâm mãi thắm ngời.

         Với thi huynh Phạm Gia Giáo, anh cất cao lời ca vang vọng núi sông trong bài thơ “Mừng Đại hội Đảng”:

 

Tưng bừng mở hội toàn dân tộc

Phấn khởi vui mừng khắp núi sông

Ý Đảng nâng cao tầm đổi mới

Lòng dân hướng tới át thành công.

         Lời thơ thật giản dị, chân thành, gieo vào lòng người đọc nguồn cảm hứng hạnh phúc, quyết tâm tin vào Đảng, đi theo Đảng hướng tới tương lai tốt đẹp “Cuộc sống ngày mai sẽ thắm hồng”.

        Với tác giả Cấn Xuân Trường lại khắc sâu trái tim mình vào bài thơ “Đất nước vào xuân” để ca ngợi tri ân Đảng một cách toàn diện, sâu sắc:

Xuân về đất nước đẹp muôn hoa

Đem lại niềm vui tới mọi nhà

Ánh sáng soi đường lên tiến tới

Bóng đêm đen tối mọi người xa.

       Lời thơ bộc bạch tâm huyết của người lính Cụ Hồ khi đã được về nghỉ hưu, nhưng vẫn canh cánh ước mơ, tin yêu Đảng sâu lắng vô bờ. Thơ viết về người lính không nhiều, nhưng cũng đủ để khắc họa chân dung “Anh bộ đội Cụ Hồ” – những chiến sĩ cách mạng kien cường, suốt đời hy sinh vì dân vì nước. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và nay súng vẫn chắc trong tay bảo vệ nơi biên cương biển đảo Tổ quốc thân yêu.

       Các anh là những người con “Trung với nước, hiếu với dân”, trung thành với lý tưởng cao đẹp của Đảng và Bác Hồ. Chúng ta hãy thưởng thức những dòng thơ đầy tâm huyết, hào hùng của thi huynh Nguyễn Quốc Dũng trong bài “Một thời oanh liệt”:

Cái thời oanh liệt đạn bom rơi

Hiến tuổi thanh xuân giữ đất trời

Tô thắm sắc cờ đầy khí huyết

Chiến công vang vọng khắp muôn nơi.

       Hay như bài của nhà thơ Tống Tấn Khiên, đã khẳng định và ca ngợi về một thời oanh liệt, tình đồng chí sống gắn bó bên nhau trong lửa đạn, trở về đời thường lại sắt son trong Chiếu thơ Đường, trong bài “Đầu súng trăng treo” nhà thơ đã viết:

Chiến đấu tôi anh sát cạnh nhau

Khuôn vàng thước ngọc biết từ lâu

Trái tim người lính nay khoe sắc

Thi hữu chung vui thưởng thức màu.

       Hoài niệm về đời lính, tác giả Nguyễn Đình Luận, trong bài “Lính nghèo”, hai cặp câu thực, luận rất đắt:

Ra đi không tính phần tư lợi

Đánh giặc đo sao phận ít nhiều.

         Hồi tưởng về quá khứ đấu tranh cách mạng, một thời gian nkhổ đã trải qua, nữ sĩ Dương Diệu Thu trong bài thơ “Hồi tưởng” đã ghi lại cảm xúc thiết tha nồng cháy, hai cặp câu đối rất chỉnh về nhịp, thanh, từ gây ấn tượng khó quên cho người đọc:

 

Phá bốt năm xưa huynh vượt cản

Công đồn ngày ấy muội băng qua

Hậu phương khói lửa sương pha tóc

Tiền tuyến đạn bom nắng nhuộm da.

        Ca ngợi quân dân Thủ đô Hà Nội 12 ngày đêm ngoan cường chiến đấu, đánh tan trận tập kích chiến lược bằng B52 của không quân Mỹ với những hình ảnh vô cùng sinh động và hào hùng, thi huynh Nguyễn Như Thế bày tỏ:

Rồng lửa vút lên thù nứt xác

Không quân xuất kích giặc tan thây.

Tác giả Vũ Văn Quỹ lại khắc họa ở khía cạnh lịch sử, ở vẻ đẹp truyền thống trong bài “Thủ đô văn hiến”:

Thành cổ lúc xưa ngời trang sử

Thủ đô thanh lịch rạng văn minh.

        Về đề tài ca ngợi non sông đất nước và những đổi thay về cuộc sống hơn một phần tư thế kỷ, đưa đến hạnh phúc cho toàn dân. Các thi huynh, thi hữu trong Chiếu thơ Đường của chúng ta vốn là người yêu quê hương đất nước, yêu thiên nhiên say đắm. Sống gần với vẻ đẹp của núi non, sông hồ, làng quê, với cỏ cây nhiệt đới. Sống vị tha, có lòng bao dung, yêu ca dao và những khúc hát ru, những lời ca dân gian sâu nặng tình người, độ lượng với cảnh vật cuộc sống, thương yêu, đầy tính nhân văn. Đây là nội dung bao trùm tác phẩm, có nhiều bài hay về ý tứ, chắt lọc ngôn từ, có nhạc, có hồn. Một số tác giả sáng tác ca ngợi ân đức của tổ tiên, nòi giống của các vĩ nhân anh hùng dựng nước từ xa xưa. Tác giả Trần Tiệp có hai bài thơ “Khí phách Trưng Vương” và “Triệu Thị Trinh” ca ngợi khí phách hiên ngang xả thân chống giặc thù của Hai Bà Trưng và bà Triệu Ẩu:

Dấy binh rửa hận xây non nước

Tụ nghĩa phục thù quét ngoại lai

Sông Hát lời thề quân khí thế

Luy Lâu lửa cháy giặc kinh oai

và :

Bành voi tỏ chí: Bình Ngô Quốc

Sánh bậc tu mi: Triệu Thị Trinh.

         Phan Lạc Thịnh lại đưa ta đến Bạch Đằng giang ngắm nhìn cây thần quếch để ta nhớ lại thời oanh liệt quân và dân Đại Việt ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông:

Nay đến nơi đây thấy ngỡ ngàng

Ngắm nhìn cây quếch Bạch Đằng giang

Bạch Đằng thuở trước vùi thây giặc

Bên miếu Vua Bà quếch vẻ vang.

        Tác giả Cấn Xuân Trường khắc họa chân dung tài chí thao lược của anh hùng Trần Hưng Đạo trong bài thơ “Hưng Đạo Đại Vương”:

Ba lần xuất trận ba lần thắng

Vạn Kiếp Nguyên Mông khiếp tướng Trần.

       Cách chọn lọc từ hay và trúng (bậc vĩ nhân, đức tài thao lược), tác giả Hoàng Minh Hiến đưa ta về vùng Đất Tổ Hùng Vương, ngắm cây Vạn tuế với niềm náo nức trong lòng, đã thốt lên dòng thơ sâu đậm, tri ân Tổ tiên thời tiền sử các Vua Hùng dựng nước:

Tổ tiên thuở trước xây nền móng

Con cháu thời nay dựng ốc vân (cây vạn tuế ở Đền Hùng)

        Viết về danh nhân đất nước, một số tác giả đã khái quát vẻ đẹp nhân cách, tài kinh bang tế thế và nỗi trăn trở trước thời cuộc của các bậc vĩ nhân. Tác giả Lê Minh Huy trong bài “Nhớ Tản Đà” đã viết:

Thơ ca sắc nhọn như non Tản

Văn truyện âm vang tựa thác Đà.

        Gói gọn trong hai câu thơ Đường, tác giả đã miêu tả chân dung tài ba của nhà thơ thật đáng quý biết bao.

       Viết về Trần Tế Xương, thi huynh Trịnh Thế Hào đã khắc họa lại cuộc đời lận đận của ông trong bài “Cụ Tú Xương” như thế này:

Lều chõng tủi mình thi những hỏng

Non sông thương vợ nặng oằn vai

Vườn hoang mấy thước đâu còn nữa

Gia quyến bảy mồm chẳng ngớt nhai.

        Thi huynh Hồng Đức nhớ về thi nhân anh hùng Nguyễn Trãi, đã viết:

Lời Hịch Bình Ngô khơi bức xúc

Tuyên Ngôn Nguyễn Trãi trút căm hờn

Nỗi đời đen bạc đâu công lý?

Thảm án Lệ Chi máu lệ tuôn

         Làm bạn đọc nhớ tới công lao giữ nước cùng Lê Lợi chống giặc Minh và cũng xót xa cho nỗi oan khiên của ông do bọn nịnh thần gây ra thảm án Lệ Chi Viên.

        Về chủ đề ca ngợi vẻ đẹp đất nước, cảnh đẹp của quê hương Xứ Đoài yêu dấu đem lại thành công cho nhiều tác giả. Đại đa số thi huynh dùng thi pháp tả cảnh ngụ tình, hình ảnh sinh động, thơ có nhạc điệu, nhiều cặp câu hay mang tính thẩm mỹ, chất thơ dung dị, sâu lắng, như: “Tình người và đất” của Phạm Gia Giáo; “Quê hương Hoàng Giáp” và “Bản sắc quê hương” của Triệu Huấn; “Tích Giang thơ” và “Mến yêu Tích Giang” của Hoàng Minh Hiến; “Nhớ biên cương” của Cấn Đăng Hải; “Chùa Một Mái” và “Hoa Phát tự” của Lê Minh Huy; “Đón xuân vui Tết” của Tống Tấn Khiên; “Thành phố non cao” của Nguyễn Đại Lượng; “Quê hương” của Dương Diệu Thu; “Tắm” của Cấn Xuân Trường; “Mùa về” của Tường Thư; “Tình chân thật” của Phạm Văn Thanh; “Sơn vân núi” của Phan Lạc Thịnh; “Xuân đến chùa Long” của Nguyễn Quang Sáng; “Quê lụa Xứ Đoài” của Vũ Văn Quỹ; “Hẹn em” của Hữu Vịnh v.. v..

          Mảng thơ viết về cảnh sắc bốn mùa có nhiều bài nổi trội, gây ấn tượng neo đậu trong lòng bạn đọc. Các thi huynh, thi hữu đã khéo thổi hồn vào câu chữ làm thơ cất cánh, âm điệu vang xa, ví như các bài: “Chiều cuối thu”, “Tắm trăng” của Phú Chí; “Trăng thu dạ khúc” và “Đón xuân” của Nguyễn Bá Chính; “Chiều thu” và “Chơi cờ” của Ngô Huy Dương; “Tình xuân” và “Mừng xuân” của Phạm Gia Giáo; “Thu cảm” và “Mùa xuân mới” của Nguyễn Văn Huân; “Thu thơ” và “Tân xuân hoan hỷ” của Lê Kháng; “Vui xuân đón Tết” và “Thu” của Tống Tấn Khiên; “Chút tình xuân” và “Xuân say” của Nguyễn Đình Luận; chùm thơ Xuân, Hạ, Thu, Đông của Nguyễn Như Thế; “Trăng thu”, “Cung đàn mùa hạ” và “Mộng tình thu” của Diệu Thu. Ta hãy lắng nghe âm điệu ngọt ngào, mộng mơ, sóng hát, cây reo:

Sóng Gợn vỗ về đò chiếc bóng

Trăng vờn an ủi liễu đơn côi

Dế hòa bản nhạc sầu nhân thế

Quyên tấu khúc chương não sự đời (của Phạm Bá Chính)

Sông rộng thênh thang đàn cá lượn

Ruộng sâu bát ngát bóng trăng soi (của Dương Diệu Thu)

Sương buông vườn cúc làn hương ngát

Gió thoảng phòng loan giấc điệp nồng (của Phan Lạc Thịnh)

        Quyển một Quốc Oai Thi Tập mặc dầu là của thi huynh cao tuổi, song đề tài về tình yêu vẫn được đề cập tới bằng những mối tình hoài niệm lẫn thực tại vô vàn sinh động, nó còn là liều thuốc dưỡng sinh, niềm hạnh phúc vô bờ. Đó là tình yêu trong sáng, đích thực, là nỗi khát vọng đầy tính nhân văn. Thi huynh Ngô Huy Dương gửi tình vào “Miếng trầu quan họ” như thế này:

Dịu dàng mặt nước lời thơ vọng

Rộn rã sân đình tiếng hát cao

         Hoàng Minh Hiến thì lại gửi niềm yêu vào “Hoa cỏ may”:

Lưu luyến hoa duyên  mang kiếp đợi

Nhớ nhung đọng thăm nghĩa đời nay.

        Niềm yêu đến cháy lòng, thi huynh Tống Tấn Khiên lại gửi vào đêm trường “Thao thức” bằng những vần thơ:

Tình xưa liệu có tươi lòng gái

Duyên cũ còn đây đẹp dạ trai.

         Phạm Văn Thanh viết về tình nghĩa vợ chồng thì ngăn nắp, cụ thể hơn:

Phải nhớ điểm tô xuân trở lại

Đừng quên lời dặn lúc đi xa.

         Phan Lạc Thịnh gửi hơi ấm tình yêu vào khúc hát chàng Trương Chi:

Nồng nàn âm sáo say lòng Mị

Ấm áp nhan hồng đẹp dạ Trương.

        Và thật xúc động khi đọc bài “Thương vợ” của tác giả Nguyễn Thịnh Phụng, lời thơ sao mà nồng nàn, giản dị đầy tình yêu thương và cảm thông với nỗi vất vả của người vợ hiền đến thế:

Chiều tà lọ mọ mua đồng cá

Sáng sớm tảo tần bán chợ xa.

        Thi sĩ Nguyễn Bá Chính đã thổi hồn và nhạc điệu vào câu từ nói lên nỗi lòng với người mình yêu một cách dung dị và đầy chất lãng mạn trong bài thơ “Tặng em”:

Anh tặng em yêu buổi sáng nay

Có hoa sen nở ngát hương bay

Có tình yêu đọng em gìn giữ

Và cả vần thơ trong đắm say.

        hay hai câu kết trong bài “Nhớ” của tác giả:

Nhớ người năm ấy tình yêu ấy

Nhớ kỷ niệm xưa dạ ngất ngây

         Đề tài miêu tả hiện thực xã hội, triết lý nhân sinh cuộc sống còn nhiều trăn trở, bề bộn bởi lối sống tha hóa lắm thói hư tật xấu, mà qua thơ của các tác giả muốn gửi lời huyên răn, cảnh báo với những ai đang lầm đường lạc lối. Ý thơ  thật khéo léo, không thô nhám, không đường phố, giúp người đọc tự suy ngẫm để vươn lên sống tốt đẹp hơn, không lường gạt, bon chen, đố kỵ, ích kỷ hẹp hòi cá nhân. Nguyễn Phú Chí đã cảnh báo những thói hư bằng ý thơ thật sâu sắc:

Mẹ cha hám bạc như không biết

Xã hội ham tiền lại bỏ ngơ

        Nguyễn Bá Chính trong bài “Giáo huấn” đã tâm sự  như khuyên bảo mọi người:

Kính thầy yêu bạn, câu đời dạy

Đói sạch, rách thơm, chữ đạo gia.

       Tác giả Nguyễn Duy Cách, lại luôn thể hiện tâm nguyện khi giao lưu kết bạn trong đời người. Trong bài “Chọn(thể độc thủ từ) đã viết:

Chọn nhiều bằng hữu, tâm luôn đợi

Chọn những bạn hiền, dạ vẫn trông

Chọn đệ thân thương, cùng một chí

Chọn huynh tri kỷ, ghét chơi ngông.

        Triệu Văn Huấn thì khuyên nhủ nhẹ nhàng:

Cố gắng tu thân nâng kiến thức

Luyện rèn phấn đấu chớ đua tranh.

        Tác giả Hoàng Minh Hiến triết lý về đồng tiền khá lỹ thú và sâu sắc:

Đồng tiền bất nghĩa lại phi nhân

Giết hại dân sinh…

        Còn Trịnh Thế Hào lại suy tư về cha mẹ, cháu con, rằng:

Lo toan, giáo dưỡng toàn tâm bố

Tu chí học hành gắng phận con.

        Tác giả Nguyễn Đại Lượng, Nguyễn Hữu Nam cũng lên tiếng khinh miệt, lên án lũ cờ bạc, nát rượu, càn quấy, nhố nhăng…

        Một số thi huynh, thi hữu cũng không ngần ngại nói về những khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống đời thường. Ví như các bài: Thi sĩ nghèo, Lính nghèo, Ngẫm, Nhất ngôn, Thân cò lặn lội, Thương cảnh nghèo, Dân cày (của các tác giả: Bá Chính, Đình Luận, Ngô Huy Dương, Hoàng Minh Hiến, Nguyễn Quốc Dũng, Nguyễn Thịnh Phụng) v.. v… nhưng để từ đó vững vàng trong phong ba bão táp, vượt lên số phận, say sưa yêu đời, yêu quê hương, cuộc sống, vui cùng cháu con, bè bạn, yêu thiên nhiên, vui thú chơi cây cảnh, cá cảnh, đi câu cá và say mê làm thơ. Đây cũng là nội dung thơ lãng mạn và thắm đượm tình người, có nhiều hình ảnh, tứ thơ thật đẹp và tài hoa. Đó là những chùm thơ miêu tả các thế cây cảnh của tác giả:  Hồng Đức với các bài: Bạt phong, Trực, Hoành, Ngũ phúc, Phu thê, Thác đổ… và Ngô Huy Dương trong các bài : Chơi cờ, Thú cảnh già; tác giả Trịnh Thế Hào với các bài: Mừng thượng thọ, Tặng thầy giáo; Cấn Đăng Hải với bài Hoa rừng; Vũ Văn Quỹ với bài Quốc liên hoa; Nguyễn Văn Huân với hai bài: Tàu vượt Hải Vân, Thú đi câu. Nổi bật trong bài Thú đi câu có hai cặp câu thơ mộng và lý thú:

Kiếm chỗ buông câu dòng rộng hẹp

Tìm nơi thả tính nước nông sâu.

        Với tác giả Lê Văn Kháng thì:

Thơ vui giấc mộng duyên tình bạn

Tửu lạc mừng nhau quyện sắc thù.

         Còn nữ thi hữu Tường Thư thì “Yêu hoa Thủy Tiên say đắm” trong bài “Niềm vui của cháu” rất kỳ thú. Đặc biệt thi huynh Nguyễn Thịnh Phụng lại chào đón xuân Quý Tỵ 2013 rất thơ và rất mãnh liệt, dùng ngôn từ tả cảnh vật với ngụ ý sâu xa:

Hổ chúa tiên phong phòng chước quỷ

Mai gầm gương mẫu chống mưu ma”, thật tuyệt vời (ý tại ngôn ngoại).

       Tình cảm của các thi huynh, thi hữu thật rộng lớn “Sống chết có nhau”, khi anh Nguyễn Hữu Lộc ra đi về bên kia thế giới, rất nhiều tác giả đã làm thơ để tiễn biệt anh, chia sẻ nỗi mất mát, xót xa đến nghẹn lòng. Ta hãy lắng nghe một số chùm thơ của các tác giả viết về anh. Trong bài “Khóc Nguyễn Hữu Lộc” của Chủ nhiệm CLB thơ Đường Hà Nội Nguyễn Hữu Thụ:

Dăm năm vừa biết đang son việc

Bảy chục chưa sang vội lánh đời

Áo lính sờn vai chưa muốn cởi

Câu thơ gọi bạn chẳng hề lơi.

       Viết theo lối thơ Đường luật phá cách (câu mở tám tiếng), bài thơ cũng là lời thông cảm chung của cả hội khi vĩnh biệt Nguyễn Hữu Lộc – nguyên Chủ tịch Chi hội thơ Đường Phủ Quốc, về cõi vĩnh hằng, gây cảm xúc đến xé ruột gan.

       Cảm nhận về nghệ thuật sáng tác trong cuốn Thi phẩm này. Tôi nghĩ: Sáng tác thơ Đường luật quyết không phải là chơi hgép hình, ghép chữ mà nó bắt buộc người viết phải tinh tường về thể cách, theo quy luật bắt buộc 56 từ là 56 viên ngọc. Vần chỉnh hai cặp câu thực và hai câu luận đối nghiêm, mở đóng hợp lý, sắp đặt ý tứ hay, làm cho bài thơ có nhạc, có hồn bay bổng, mượt mà, nếu bất cập coi như là hỏng. Thành công lớn trong nghệ thuật sáng tác thơ Đường luật của Thi phẩm này gồm trên dưới 300 bài thơ viết đúng luật, niêm thơ Đường luật. Các bài thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, cách dùng từ sáng tạo và có chọn lọc các cặp câu đối hợp lý, vần điệu hay. Về cách thể hiện, một số tác giả đã dày công sáng tạo theo các thể thức như : Thủ vĩ ngâm, Độc thủ thi, Khoán thủ thi – xuyên tâm, nhị bản, Song điệp, Tam vĩ thanh, Yết hậu, Thuận nghịch độc, Đối điệp thanh, Nhị khúc liên châu, Quốc âm chiết tự, Đảo nghịch thủ vĩ, Độc vĩ đồng âm, Tiệt hạ, Liên hoàn, Lưỡng đầu xà nghịch thiệt v.. v… Chỉ xin dẫn ra đây một bài thành công làm rung động lòng bạn đọc khi viết về thể thức đặc biệt này của tác giả. Trong bài “Đón Xuân” (thể thuận nghịch độc) của tác giả Nguyễn Bá Chính viết:

Xuân sang nắng ửng rạng mây hồng

Gió lạnh tan dần xa cách đông

Lan sắc thắm hương thơm nụ hé

Liễu tơ xanh lá rủ cành buông

Ngâm thơ xướng nguyện cầu tài đức

Rượu tiệc vui mừng chúc thọ trường

Gần tới Tết vang rền pháo nổ

Ngân nga tiếng nhạc điệu quê hương.

        (và ta đọc ngược lại từ câu cuối của bài thơ này: “Hương quê điệu nhạc tiếng ngân nga…” lên tới câu đầu tiên “Hồng mây rạng ửng nắng sang Xuân” thì quả là một bài thơ thuận nghịch độc thật tuyệt vời).

         Bài “Ngỡ tưởng” của thi huynh Tống Tấn Khiên lại viết ở thể yếu hậu cũng rất hay và dí dỏm:

Gái lạ phấn son lúng liếng dòn

Thân hình da dẻ nõn nòn non

Thanh xuân ngỡ tưởng như là vẫn

Còn…!

         Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, chúng ta cũng cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót trong sáng tác, đâu đó trong Thi phẩm đầu tiên này vẫn còn ẩn chứa những hạt sạn (ví dụ như: mở là mùa xuân, khép lại là mùa đông), hoặc có bài từ dùng còn chưa đúng, chưa trúng, lạm dụng điển cố từ nước ngoài, chưa chau chuốt chọn lọc, còn thô nhám mà ta thường gọi là từ đường phế. Bài thơ có 5 vần lại lạc vận mất 2, chưa chú ý từ điệp có bài tới 7 chữ. Về đối hai cặp câu thực và luận có bài do sơ xuất dẫn đến hỏng ý tứ (đối đầu thì mất đuôi và ngược lại). Bài thơ Đường luật mà chỉ có vần, đúng luật niêm thì chỉ có xác mà không có hồn. Người viết đòi hỏi phải tìm tòi, sáng tạo, sắp xếp ý, tứ và ngôn từ sao cho mượt mà, có hình ảnh mới đạt yêu cầu.

       Chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi, giao lưu xướng họa thơ, cùng nhau nâng cao năng lực sáng tác  để có được những bài thơ hay đúng với tên gọi của nó. Thơ Đường là thể thơ bác học trang nhã, trí tuệ. Sáng tác thơ Đường để di dưỡng tinh thần, sống vui, sống khoẻ, sống có ích cho đời. Thơ Đường không những là di sản văn hóa của dân tộc ta mà còn của cả nhân loại.

       Thơ Đường được ví như người con gái đẹp, nhiều người tìm đến say mê sáng tạo vì thơ có vẻ đẹp mộng mơ, lãng mạn, lại dịu dàng những cũng thật mãnh liệt, có sức thuyết phục cao. Nó dung nạp được đa đề tài, sử dụng đa phương cách và ngôn ngữ Việt phong phú giàu sức tưởng tượng, biểu đạt tâm hồn. Thật đáng tự hào cho những ai cầm bút sáng tác.

       Chiếu thơ Đường Quốc Oai thuộc Câu lạc bộ thơ Đường Hà Nội, đã đóng góp sức mình để bảo tồn, phát huy thơ, truyền thống thơ. Tất cả những thi huynh, thi hữu trong Chiếu thơ Đường Quốc Oai đều là những con người đức độ, tài hoa, sống hết mình vì thơ với một mong muốn để lại những bài học sống, những kinh nghiệm hay đã từng trải cho các thế hệ con cháu mai sau, đồng thời góp phần điểm tô nền thơ ca Việt Nam đương đại, mong ước cùng nhau cất cánh, xây dựng nền văn hóa nước nhà ngày càng vững chắc, đậm đà bản sắc dân tộc.

         Thi phẩm “Quốc Oai Thi Tập” đầu tiên này là thành công của 35 gương mặt hội viên, từ đó là điểm tựa, điểm nhấn giúp chúng ta bay cao, bay xã trên con đường sáng tác văn hóa nghệ thuật, giữa dòng đời dâu bể, thăng trầm bề bộn cuộc sống, chúng ta vẫn vượt lên chính mình đến với bầu trời thơ Đường rộng khắp.

         Trên dưới 300 bài thơ Đường trong “Quốc Oai Thi Tập” đầu tiên này được in ấn và phát hành, là những bông hoa tươi thắm được chắt lọc từ trái tim thơ nhiệt huyết của các thi huynh, thi hữu trong Chiếu thơ Đường Quốc Oai chúng ta. Nỗi niềm riêng chung của tác giả đã kết thành thi phẩm thơ hoàn chỉnh về nội dung và nghệ thuật. Những bài viết trong Thi phẩm này đã làm nổi bật cái tâm, cái tình nghĩa nồng nàn sâu lắng của mỗi tác giả đối với đời. Bằng tài hoa khéo léo, tinh tường về cách thể, cách chọn lọc ý tứ, sắp đặt ngôn từ, sử dụng vần điệu lối đối cân xứng ở hai cặp câu thực, luận, cách vận dụng sáng tạo các loại thể thức thơ Đường luật, là Thi phẩm có sức sống, thơ có nhạc, có hồn, làm người đọc thích thú đồng cảm, để lại ấn tượng tốt đẹp.

        35 gương mặt nhà thơ cùng đồng điệu vì nghĩa lớn, cùng sống chung trong “ngôi nhà ấm nồng” của Câu lạc bộ thơ Đường Hà Nội. Chúng ta hứa hẹn những thi phẩm hay hơn, chất lượng cao hơn trong Thi phẩm tiếp theo của Chiếu thơ Đường Quốc Oai chúng ta.

       Xin được mượn lời thơ trong bài “Tình thơ Phủ Quốc – Chương Mỹ” của tác giả Phạm Gia Giáo để khép lại bài viết cảm nhận này:

Chiếu trải mươi hôm đã ngấm say

Thơ Đường Hà Nội nối vòng tay

Quốc Oai đắm thắm hương thơm ngát

Chương Mỹ mặn nồng vị ngất ngây.

        Xin kính chúc các vị khách quý, các nhà thơ có mặt trong buổi ra mắt và phát hành Thi phẩm hôm nay dồi dào sức khỏe, an vui, thành đạt và hạnh phúc.

       Xin trân trọng cảm ơn!

                                                                         Nguyễn Đăng - Duy Cách

 

 

 

 

 

Tác giả BBT giới thiệu