THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Thăng Long thành hoài cổ của Vua Thành Thái
12-08-2020
Vua Thanh Thai.jpg Vua Thành Thái.Xin được giới thiệu

Đến với bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” của vua Thành Thái

 

    Năm 1997, người ta đã tìm thấy trong thư tịch cũ của một dòng họ tại Huế bài thơ có tựa đề là "Thăng Long thành hoài cổ", tương truyền là của Vua Thành Thái (viết vào thời kỳ từ 1889 đến 1907). Bài thơ mang dáng dấp của "mật chỉ cầu hiền" kín đáo, xứng đáng được xem là một trong những bài thơ hay nhất của ông vua triều Nguyễn dám từ bỏ ngai vàng để dấn thân cùng dân tộc.

"Thăng Long thành hoài cổ"
(thủ bút của cụ Lê Văn Du, thủ tế từ đường Lê tộc).

     Theo Giáo sư Hoàng Châu Ký, có khả năng đây là một bản chép tay của một người thân cận với Vua. Sau khi nhà vua bị bắt, đi đày, bài thơ được giấu đi, lâu ngày thất lạc cho đến ngày nay mới được phát hiện. Việc giải thích này có lẽ cần phải có thời gian để tìm hiểu, khẳng định. Ở đây chúng ta chỉ nói về nội dung của bài thơ. Theo chúng tôi, đây có lẽ là một trong những bài thơ hay về kinh thành Thăng Long nghìn năm văn vật.

    Tuy cùng mang chung một cái tựa, nhưng "Thăng Long thành hoài cổ" của Bà Huyện Thanh Quan có nét buồn man mác đầy nữ tính, trong khi của vua Thành Thái lại có nỗi đau quằn quại của một bậc trượng phu trước cảnh nước mất nhà tan. Ông đã mượn cái cảnh hoang phế của thành Thăng Long để ký thác tâm sự u uẩn của mình trước cảnh lầm than của dân tộc, sự nhu nhược của triều Nguyễn dưới ách thống trị của thực dân Pháp.

     Nhìn lại bối cảnh Việt Nam trước, trong và sau khi ông làm vua, chúng ta thấy thật là bi đát. Ở Bắc kỳ, các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật, Tạ Hiện, Đốc Tít, Đề Kiều, Cai Kinh, Đốc Ngữ, Hoàng Hoa Thám... bị tan vỡ. Ở Trung kỳ thì các phong trào Văn Thân, Cần Vương bị đàn áp dữ dội. Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền, Phạm Đức Nhuận... bị chém. Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Tôn Thất Đạm, Phan Đình Phùng... người thì tự sát, kẻ bị đi đày. Vua Hàm Nghi bị bắt, phong trào Cần Vương thực sự tan rã.

    Ở triều đình, tất cả đều phải lệ thuộc vào người Pháp. Vua chỉ là bù nhìn, quan lại trở thành tay sai đắc lực của ngoại bang. Tất cả những điều đó đã tác động mạnh đến cuộc đời Thành Thái, thôi thúc ông dấn mình vào công cuộc duy tân, phục quốc. Tuy việc lớn không thành, ông bị Pháp bắt giam và đưa đi an trí ở Cap Saint Jacques (1907), rồi sau đó là Réunion (1916) nhưng ông đã để lại một tấm gương sáng ngời về ý chí quật cường của một người Việt Nam yêu nước.

    Bài "Thăng Long thành hoài cổ" đã thể hiện tấm lòng đau xót của nhà vua trước cảnh hoang phế của Thăng Long lúc ấy, đồng thời cũng là một tâm sự đầy những niềm riêng trước nỗi đau chung của dân tộc trong đêm dài nô lệ.

 

Thăng Long thành hoài cổ 

 

Kỷ độ tang thương kỷ độ kinh
Nhất phiên hồi thủ nhất phiên tình
Ngưu hồ dĩ biến tam triều cuộc
Hổ động không dư bách chiến thành.

Nùng lĩnh phù vân kim cổ sắc
Nhị Hà lưu thủy khấp ca thanh
Cầm hồ đoạt sáo nhân hà tại
Thuỳ vị giang sơn tẩy bất bình

                               Thành Thái

Dịch nghĩa:

 

Qua bao nhiêu biến đổi, nghĩ lại thấy kinh hoàng
Mỗi lần ngoảnh đầu lại cảm thấy động lòng
Ngưu hồ đã thay đổi qua ba triều đại
Động Hổ chỉ còn trơ lại mấy bức thành
Mây bay lơ thơ trên núi Nùng mang sắc kim cổ
Sông Hồng nước chảy như tiếng khóc ca
Người cầm hồ, đoạt sáo năm xưa đâu rồi?
Bây giờ ai vì giang sơn mà rửa nỗi bất bình?

                                     Giáo sư  Hoàng Châu Ký

Dịch thơ:

 

    Hoài cổ Thành Thăng Long

 

Mấy độ tang thương nghĩ những kinh
Quay đầu mỗi bận mỗi thương tình
Kim Ngưu hồ trải ba triều đại
Động Hổ còn đây bách chiến thành
Mây nổi núi Nùng màu cũ mới
Nước trôi sông Nhị tiếng buồn tênh
Cầm hồ đoạt sáo người đâu tá?
Ai rửa giang sơn nỗi bất bình?

                       Nhà thơ Trinh Đường (phỏng dịch)

Bài thơ đã khái quát được những biến động, đổi thay đến đau lòng của thành Thăng Long, đồng thời cũng là hình ảnh thu nhỏ của đất nước, sau thời hung thịnh của các vương triều Lý, Trần, Lê, nhắc lại truyền thống hào hùng, oanh liệt của cha ông qua hình ảnh "cầm hồ, đoạt sáo" ở cửa Hàm Tử, bến Chương Dương, khơi gợi lòng yêu nước, ý chí quật cường của tầng lớp sĩ phu.

Được viết ra trong tâm trạng đau buồn của một ông vua mất nước, bị giám sát chặt chẽ, bài thơ mang dáng dấp của một "mật chỉ cầu hiền", một "Chiếu Cần vương" thâm trầm, kín đáo. Giá trị nghệ thuật và tư tưởng của bài thơ nhờ đó đã được nâng lên cao hơn, xứng đáng được xem là một trong những bài thơ hay nhất của Vua Thành Thái, một trong số rất ít những ông vua triều Nguyễn dám từ bỏ ngai vàng để dấn thân cùng dân tộc.

                                                                            Theo mạng VN.net

 


Tác giả BBT