THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
HÀN MẶC TỬ Nhà thơ của khát vọng
26-05-2013
Đòng que.jpg XIn giới thiệu thơ Hàn Mặc Tử

Giờ đây mộ Tử hướng về sóng biển Qui Nhơn, tại Đồi Thi Nhân, nhà thơ đã yên nghỉ bên Ghềnh Ráng phụng trì Thơ dâng Chúa! Dâng Đời rải những hương hoa thanh ngát và những cung bậc cảm xúc mà ông trải qua trao lại cho những ai có chút tấm lòng cảm ngộ…

      Sinh ra trong một gia đình theo đạo Công giáo, nhà thơ Hàn Mc Tử tên thật là Phanxicô Assisi Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 tại Lệ Mỹ (thuộc giáo xứ Tam Tòa), tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc (nay là Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình. Cha là ông Vinh Sơn Phaolô Nguyễn Văn Toản và mẹ là bà Maria Nguyễn Thị Duy.

      Tổ tiên Hàn Mặc Tử gốc họ Phạm ở Thanh Hóa. Ông cố là Phạm Chương vì liên quan đến quốc sự, gia đình bị truy nã, nên người con trai là Phạm Bồi phải di chuyển vào Thừa Thiên Huế đổi họ Nguyễn theo mẫu tánh. Sinh ra ông Nguyễn Văn Toản lấy vợ là Nguyễn Thị Duy (con cụ Nguyễn Long, ngự y có danh thời vua Tự Đức), sinh hạ được 08 người con: Nguyễn Bá Nhân (tức nhà thơ Mộng Châu) cũng là người dìu dắt Hàn Mặc Tử trên con đường thơ văn; Nguyễn Thị Như Lễ; Nguyễn Thị Như Nghĩa; Nguyễn Trọng Trí (tức nhà thơ Hàn Mặc Tử); Nguyễn Bá Tín (người dời mộ Hàn Mặc Tử từ Qui Hòa về Ghềnh Ráng vào ngày 13-02-1959); Nguyễn Bá Hiếu; Nguyễn Văn Hiền và Nguyễn Văn Thảo.

Tạm giản lược niên biểu của nhà thơ Hàn Mặc Tử như sau:

Từ 1924-1926: học tiểu học ở Quảng Ngãi.

Tháng 7-1926: ông Nguyễn Văn Toản qua đời, Nguyễn Trọng Trí theo mẹ vào Qui Nhơn sống với anh trai Nguyễn Bá Nhân, xướng họa Đường thi kí tên Minh Duệ Thị.

Từ 1928-1930: bắt đầu theo học trung học Pellerin ở Huế. Đến kì thi tháng 6, được cấp bằng Pháp Việt sơ học.

1931: làm thơ Đường đăng báo kí tên Phong Trần.

1932: làm viên chức Sở Đạc điền ở Qui Nhơn, yêu Hoàng Cúc.

1933: Phanxicô Assisi Nguyễn Trọng Trí lãnh bí tích Thêm Sức tại Nhà Thờ Qui Nhơn với tên thánh Phanxicô Xaviê.

1934: Trí vào Sài Gòn làm báo và đổi bút danh thành Lệ Thanh rồi Hàn Mạc Tử (một số bài kí tên Hàn Mặc Tử).

1935-1936: Hàn Mặc Tử gặp gỡ Mộng Cầm.

1936: in tập Gái quê, nhà thơ bỏ tiền túi in tại nhà in Tân Dân, Hà Nội, in xong vào tháng 10-1936 (đây là tập thơ duy nhất được in lúc nhà thơ còn sống); chữa bệnh tại Qui Nhơn.

1937: biết mình mắc bệnh phong, cắt đứt thư từ và xa lánh bạn bè.

1938: hoàn thành tập “Thơ Điên” – “Đau thương”, gồm 3 phần: Hương thơm (tặng Quách Tấn), Mật đắng (tặng Chế Lan Viên), Máu cuồng và hồn điên (tặng Trọng Miên và Bích Khê).

1939: viết Xuân như ý, Thượng thanh khí; quen biết Thương Thương, viết Cẩm châu duyên, Duyên kỳ ngộ (kịch thơ), Quần tiên hội (kịch thơ).

20-9-1940: vào nhà thương Qui Hoà, mang số hiệu bệnh nhân 1134. Qua đời vì bệnh kiết lị (Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong nhưng lại mất vì suy kiệt), tại Qui Hòa, lúc 05 giờ 45 phút, ngày 11-11-1940 (nhưng cũng có tài liệu nói ông mất lặng lẽ vì suy kiệt lúc 11 giờ, ngày 11 tháng 11 năm 1940).

Hàn Mặc Tử có duyên với 4 chữ Bình: sinh tại Quảng Bình, làm báo Tân Bình, có người yêu ở Bình Thuận và mất tại Bình Định. Hàn Mặc Tử mang vóc mình ốm yếu, tính tình hiền từ, giản dị, hiếu học và thích giao du bè bạn trong lĩnh vực văn thơ. Ông là một nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra Trường Thơ Loạn. Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên, được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.

 

 

***

Những bài đầu tiên Hàn Mặc Tử đã họa cùng anh Mộng Châu, chẳng hạn bài “Vội vàng chi lắm”. Nhà thơ làm bài này lúc 15 tuổi, kí tên là Minh Duệ Thị. Kì công với thơ, không ngừng sáng tạo, Hàn Mặc Tử có bài thơ đọc 6 cách, ví như “Cửa sổ đêm khuya”. Một hồn thơ ăm ắp Đường thi và chí tráng của hồn tân. Tập thơ Đường luật mang tên "Lệ Thanh thi tập" có 3 bài Thức khuya (còn có tên Đêm không ngủ), Chùa hoang, Gái chùa được nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu họa vận lại. Năm 1936 tập thơ Gái quê xuất bản là một chuyển hướng sang Thơ Mới (Năm 1932 bài “Tình già” của Phan Khôi mở màn cho phong trào Thơ Mới). Cụ Phan quý trọng và khen ngợi tài hoa Hàn. Cứ thế dòng thơ Hàn tuôn chảy mang nhiều hoài bão và tình tự làng quê, tình mộng. Trong bài “Đời phiêu lãng” (có ghi đề từ: gởi một gái quê làng tôi), thi sĩ thốt lên:

Đi đi… đi mãi nơi vô định,

Tìm cái phi thường cái ước mơ.

Và cái ước mơ ấy đã xui chàng thi sĩ trẻ tài hoa đi khắp nơi để rồi vô Sài Gòn làm báo, làm thơ. Ông tâm niệm rằng “Mỗi hồn thơ đều dính não cân ta” (Rướm máu). Theo Hàn Mặc Tử thì “Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo” “Tôi làm thơ nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng”. Nhưng bệnh nan y đã làm cho ông có nhiều ngã rẽ trong thơ. Một hồn thơ từ dung dị sang kì dị, sáng ngời, tượng trưng siêu thực. Ai mà nghĩ được nhà thơ của “Gái quê” sau này lại có những “Thượng thanh khí”, “Cẩm châu duyên” đầy ý vị siêu thoát đặt tên cho những tập sau. Chính vậy mà làm nên tính đa dạng phức tạp, độc đáo, hấp dẫn riêng của thơ Hàn Mặc Tử.

Hồn quê vẫn không mất trong thơ ông, cả những tập thơ Thơ điên – Đau thương và sau này nữa thì giọng quê vẫn không đổi. Nó được biến thành những khúc nhịp khác, đầy màu sắc, ánh sáng phụng trì cho nỗi đam mê bất tận.

Một tình cảm chỉ dám thầm mơ, trộm nhớ chưa thể vượt qua hàng rào của lòng, thi sĩ đã nhắn nhủ qua tình thơ với Hoàng Cúc bằng những câu thơ đẹp, e ấp:

Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường,

Không dám sờ tay sợ lấm hương.

                          (Hồn cúc)

Tình cảm đầu đời ấy thanh thoát, thoáng nhẹ qua nhưng cũng đủ cho Hàn phải trăn trở:

Dì nguyệt trớ trêu lòng dạ thiễm,

Trăm năm nỡ để thiệt thòi hoa.

                           (Gái ở chùa)

Tình yêu, tình bạn, tình thơ của thi sĩ ấy thật mặn nồng cháy bỏng. Những tưởng “Nhớ Trường Xuyên” một bài thơ tình chứ không là bài thơ nhớ bạn (Trường Xuyên là bút hiệu của Quách Tấn), thế mà tình thơ – tình bạn ấy cứ chan chứa, da diết như trách hờn khi bạn mình có bạn khác nỡ quên mình. Đó chẳng qua là cái cớ để có cảm xúc ra thi phẩm, họ chỉ trách đùa nhau thôi mà! Như chúng ta đã từng biết trong văn chương Việt có một tình bạn thơ Huy Cận – Xuân Diệu hay xa hơn có thi thánh Đỗ Phủ - thi tiên Lí Bạch; có Bá Nha với Tử Kì tình bạn qua âm nhạc, ngôn ngữ của âm thanh vi diêu, của nghệ thuật đã níu những tâm hồn đồng điệu về với nhau. Ở đây Hàn Mặc Tử và Quách Tấn cũng không ngoại lệ, chẳng vậy mà Hàn đã giao toàn bộ “tài sản” văn chương của đời mình phó thác cho Quách tiên sinh đó ư!

Trường Xuyên ơi! Trường Xuyên ơi!

Viết chẳng nên câu nói nghẹn lời.

Mây nước bao la tình lẳng lặng,

Gió sương mờ mịt nhớ chơi vơi.

Tương tư mộng thấy năm canh mộng,

Luyến ái trời vương bốn phía trời.

Đây nhớ đây thương mình tệ quá.

Có ai khăng khít lại quên ai.

Cảnh thu xuất hiện đậm trong thơ văn cũ. Hình ảnh đó vẫn trở đi trở lại trong dòng Thơ Mới, nhưng cái tình cái tứ thì đã khác xa rồi. Nhà thơ “Buồn thu” nên “Nằm gắng đã không thành mộng được, / Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi”. Ừ, thì cứ ngồi dậy mà ngâm nga thơ phú cùng bằng hữu. Nằm mãi, chờ hoài thì mộng cũng chỉ là mộng, chỉ có bằng hành động mà thôi.

Những bài thơ đầu đã đầy khát sống. Bài thơ được lấy làm tựa cho cả tập thơ đầu tay của Hàn thi sĩ – Gái quê – chất chứa bao tình:

Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự,

Tôi đều nhận thấy trên môi em.

Làn môi mong mỏng tươi như máu,

Đã khiến môi tôi mấp máy thèm.

Và chàng trai đa tình ấy vẫn còn có quyền mơ tưởng và hi vọng bởi:

Nghe nói ba em chưa chịu nhận

Cau trầu của khách láng giềng bên.

Nhưng tài thơ, tình thơ của Hàn Mặc Tử không chỉ dừng lại đó, không chỉ có vậy, mà nó có rất nhiều cung bậc khác nhau để chuyển tải cảm xúc thăng hoa qua vô vàn ý tưởng của những lệ, những trăng, những đau thương vây khốn và khát vọng, mong cầu điều tốt đẹp của sự hằng sống kính tin tha thiết khi sau này người thơ ấy bắt đầu thất tình, nhuốm bệnh nan y. Một cõi sống khác, một tâm thế thơ khác đã nẩy lên những thăng hoa cảm xúc thơ Hàn chín mọng trong dòng văn học Việt Nam. Đương thời nhà thơ Chế Lan Viên đã can đảm và quả quyết nhận định về thơ Hàn Mặc Tử: "Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình" hoặc "Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kì này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử”.

Những câu thơ đã hay thì hay tột cùng, những ý tình đã tả thì nói sao khôn xiết. Thi nhân đã “Bẽn lẽn” cùng trăng, đắm đuối cùng ái tình thiên nhiên vọt trào sức sống:

Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu

Đợi gió đông về để lã lơi.

Hoa lá ngây tình không muốn động

Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi!

 

Trong khóm vi lau rào rạt mãi…

Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?

Ô kìa! Bóng nguyệt trần truồng tắm,

Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

 

Vô tình để gió hôn lên má,

Bẽn lẽn làm sao, lúc nửa đêm.

Em sợ lang quân em biết được,

Nghi ngờ tới cái tiết trinh em.

Trăng không còn là thiên nhiên. Trăng không còn là mộng. Trăng là người, là tri âm tri kỉ, là nàng thơ hiện hữu cùng nhà thơ tài hoa ấy đang đi trên suối mơ, rừng nhạc chạy mãi, băng mãi qua những đụn cát vàng nơi vùng duyên ải miền Trung thơ mộng ấy. Trăng và người tan chảy, hòa cuốn vào nhau để rồi băng kết lại thành Thơ.

Hay như:

Áo ta rách rưới trời không vá,

Mà bốn mùa trăng mặc vải trăng.

                         (Lang thang)

Người đi, một nửa hồn tôi mất,

Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.

Sao bông phượng nở trong màu huyết

Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?

                         (Những giọt lệ)

Khát vọng nhiều nhưng rồi người thơ cũng mãi “Ra đi với cái mộng chưa thành” (Đời phiêu lãng); còn tình yêu thì như trăng sao cứ xa thăm thẳm, đẹp không với tới “Nhưng mối tình ta toàn nhạt cả” để từ đó:

Cho nên tôi tưởng tối tân hôn

Chưa tới, còn xa để được buồn…

Để sống trong niềm thương nhớ đã,

Để còn mường tượng đến giai nhân.

                          (Tối tân hôn)

 “Mùa xuân chín” là bài thơ nằm trong tập Thơ điên ấy vậy mà dung dị, hồn quê, triết lí thuần khiết. Nó gợi lên cái xa vắng mà gần gũi, gần nhưng lại mãi là hư ảnh. Thi sĩ thấy trong mùa xuân tươi non mởn ấy nhưng đã, đang, sẽ chín dần tới ngưỡng trăm năm của đời người.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,

Bao cô thôn nữ hát trên đồi.

- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

Và dẫu có rong ruổi chốn nào thì chốn quê nhà vẫn là nơi an ủi, là nơi « sực nhớ » của khách lãng du:

Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín,

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:

- Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

Dòng sông trong tâm tưởng, dòng sông của lòng chưa bợn, dòng sông của dải đất miền Trung đầy gió cát, dòng sông trăng của những mơ và mộng, đau thương và rền rĩ. Có lẽ trở đi trở lại trong lòng thi nhân là những dấu hỏi với lòng, với cuộc đời, với những khát khao đẹp hướng tới: Sao anh không về chơi thôn Vỹ? Câu hỏi nhẹ hẫng mà trì níu một đời. Sông Hương, núi Ngự, những con đường đưa về ngõ nhỏ có hàng trúc, có vườn thơ mãi mong người năm cũ, để rồi tự vấn “Ai biết tình ai có đậm đà”.

Trăng, âm thanh từ suy tưởng và ánh sáng xuất hiện đậm đặc trong thơ Hàn. Đó là những: Tiếng vang, Nắng tươi, Ngủ với trăng, Say trăng, Rượt trăng, Trăng tự tử, Chơi trên trăng, Một miệng trăng,… Rồi sau này là hàng loạt trăng, hồn, máu của những tiếng kêu thống thiết, trì miết vào không gian bao la, thời gian vô tận của những động từ “khạc”, “trào”, “vọt”, “trút”, “hớp”, “đớp”, “khuấy”,… Chính phút thăng hoa của thơ, của sáng tạo nghệ thuật lại là những phút giây Hàn Mặc Tử vật vã giữa lằn ranh sống – chết. Những đêm trăng sáng, những luồng gió lạnh càng tăng thêm nỗi đau tê cứng vì bệnh phong của Nguyễn Trọng Trí – Hàn Mặc Tử. "Sẽ không thể giải thích được đầy đủ hiện tượng Hàn Mặc Tử nếu chỉ vận dụng thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn và ảnh hưởng của Kinh thánh. Chúng ta cần nghiên cứu thêm lí luận của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Trong những bài thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử, người ta không phân biệt được hư và thực, sắc và không, thế gian và xuất thế gian, cái hữu hình và cái vô hình, nội tâm và ngoại giới, chủ thể và khách thể, thế giới cảm xúc và phi cảm xúc. Mọi giác quan bị trộn lẫn, mọi lôgic bình thường trong tư duy và ngôn ngữ, trong ngữ pháp và thi pháp bị đảo lộn bất ngờ. Nhà thơ đã có những so sánh ví von, những đối chiếu kết hợp lạ kì, tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc." - Nhà phê bình văn học Phan Cự Đệ.

Nhà thơ yêu cuộc đời xiết bao, trìu mến mọi người biết dường nào, khát vọng tươi xanh được yêu, thương, nhớ với bao người mặc cho sự sống thân xác đang bị rút dần, ngắn dần đến một lúc phải “Trút linh hồn”. Mỗi lần đọc bài này lại ám tình đồng loại biết bao nhiêu. Càng cảm thương, trân trọng nhân cách và sự sáng tạo nghệ thuật của người thi sĩ tài hoa mệnh yểu ấy.

Máu đã khô rồi, thơ cũng khô,

Tình ta chết yểu tự bao giờ!

Từ nay trong gió, trong mây gió,

Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ.

 

Ta còn trìu mến biết bao người,

Vẻ đẹp xa hoa của một thời

Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng,

Ôi! Giờ hấp hối sắp chia phôi!

 

Ta trút linh hồn giữa lúc đây,

Gió sầu vô hạn nuối trong cây.

- Còn em sao chẳng hay gì cả?

Xin để tang anh đến vạn ngày.

Giờ đây mộ Tử hướng về sóng biển Qui Nhơn, tại Đồi Thi Nhân, nhà thơ đã yên nghỉ bên Ghềnh Ráng phụng trì Thơ dâng Chúa! Dâng Đời rải những hương hoa thanh ngát và những cung bậc cảm xúc mà ông trải qua trao lại cho những ai có chút tấm lòng cảm ngộ. Bởi, theo nhà phê bình văn học Hoài Thanh (đồng tác giả quyển phê bình Thi nhân Việt Nam) đã từng nói: “Một người đau khổ đến nhường ấy, lúc sống ta hờ hững bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn”.

Hàn Mặc Tử đã xuất phát con đường thơ từ Đường thi rất chuẩn để đến với những tìm tòi mới, lạ, chân thành, sáng lóa. Cái Đẹp luôn là đích đến mà thi sĩ ấy vươn tới! Bài thơ cuối cùng của Hàn Mặc Tử viết tặng các soeur trong những ngày cuối đời bệnh viện phong Qui Hòa, do sức khỏe bị suy kiệt, Tử chỉ viết một bài thơ văn xuôi, viết bằng tiếng Pháp có nhan đề: "La purté de âme" (Sự trong sạch của tâm hồn), cuối bài ghi Đêm thứ tư, 24/10/1940 Francois Trí. Bài thơ được viết trên giấy ca rô kẻ nhỏ với cây bút chì cùn dài non đốt ngón tay và tuyệt nhiên không một dấu tẩy xóa, không một lỗi chính tả nào. Sự cẩn trọng và khát vọng vươn tới cái Đẹp vĩnh hằng cho tới phút chót vẫn hiện hữu trong thi nhân ấy. Tạm kết bài viết này, xin mượn lời trích dẫn của nhà phê bình văn học Đặng Tiến (hiện đang ở Pháp): “Đóng góp lớn lao của Hàn Mạc Tử, phần cách tân của ông ấy là đã giải phóng thơ, giải phóng tiềm thức ra khỏi ngôn ngữ duy ý thức, do lí trí hoàn toàn kiểm soát. Sự nghiệp giải phóng vô thức đó bắt nguồn từ những đau thương của cơ thể và tâm hồn, vì bệnh tật, nghèo túng, chứ không phải học đòi những trường phái phương Tây. Thơ ông quý nhất ở sự chân thực, không phải là lối điểm trang ngôn từ vần vè để tô vẽ cuộc sống. Đây là điều lớn lao mà các nhà thơ ngày nay cần suy nghiệm”. 

                                                                                      HÀN THANH NHÂN

                                                                                                     Thành phố Hồ Chí Minh,

 

 

 

 

Tác giả BBT sưu tầm & giới thiệu