Cao Bá Quát (1808 – 1855) tự Chu Thần, hiệu Mẫn Hiên, Cúc Dương, quê làng Phú Thọ, huyện Gia Lâm, tỉnh Kinh Bắc (nay Gia Lâm thuộc Hà Nội).
Ngay từ nhỏ, Cao Bá Quát đã sớm tỏ ra một thanh niên vừa có đức hạnh, vừa có tài năng. Thơ văn ông được truyền đi rộng rãi với giọng văn hùng hồn, ý tứ mạnh mẽ, thể hiện ý chí của người tài hoa. Lưu truyền rằng Cao Bá Quát thường nói: "Trong thiên hạ có bốn bồ chữ, mình tôi chiếm hết hai bồ…”.
Năm 23 tuổi ông đỗ nhì cử nhân, nhưng Lễ bộ lại xếp ông xuống cuối bảng (truyền rằng do các quan chấm thi ghét ông kiêu ngạo nên đánh hỏng). Lạc quan và tin tưởng, ông tiếp tục vào Kinh đô đều đặng để thi nhưng không đỗ.
Về sau Cao Bá Quát gia nhập Mạc Vân thi xã. Trong thời gian này, ông đã xướng họa nhiều bài hay nổi tiếng, đến đỗi vua Tự Đức phải khen ngợi văn tài của ông, còn người đương thời gọi là Thánh Quát.
Sau, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, thấy một số bài thi hay nhưng phạm húy. Ông cùng người bạn lấy muội đèn chữa giúp. Việc bị phát giác, đáng lẽ ông bị xử chém, nhưng sau được xét lại chỉ bị cách chức, bị tù ba năm và điều đi nơi khác. Trong thời gian làm quan, ông nhiều lần bị trách phạt, giáng chức, thậm chí chịu tù ngục do tính tình thẳng thắn cương trực.
Bằng khả năng văn chương trời phú và ý chí ngay thẳng, ông đã dám nói lên những nỗi cơ cực của nhân dân, thông cảm với sự bất bình của đại chúng, khiến triều đình càng thêm căm ghét và ra sức trấn áp. Năm 1854, ông cùng các bằng hữu dựng cờ khởi nghĩa Mỹ Lương song cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị thất bại, Cao Bá Quát cũng hy sinh.
Mặc dù thơ văn Cao Bá Quát sau đó bị cấm lưu hành, song nhiều tác phẩm vẫn được lưu truyền đến nay như Cao Chu Thần thi tập, Mẫu hiên thi loại, v.v … . Tất cả đều là những tác phẩm đi vào lòng người với khát vọng và hoài bão lớn lao.