ĐỌC TẬP XI THƠ ĐƯỜNG HÀ NỘI THẤY THÊM YÊU THIÊN NHIÊN, YÊU NON SÔNG ĐẤT NƯỚC VÀ YÊU ĐỜI HƠN
CLB Thơ Đường Hà Nội trên chặng đường
dài hơn một thập kỷ vừa qua, mỗi năm xuất bản một tập thơ. Hôm nay trong buổi năm
cũ gần qua, năm mới sắp đến, CLB chúng ta lại vui vẻ đón nhận tập thơ mới “Thơ
Đường Hà Nội” tập XI.
Năm nay số lượng Tác giả chỉ còn 201. Tuy số tác giả
có giảm so với những Tập thơ trước , nhưng một điều vui mừng là mỗi tác giả đều
đã chọn đủ 3 thi phẩm để in, Với con số trên 600 bài thơ trong đó có cả những thi phẩm chọn lọc, đã được giao lưu
trình diễn ngày 24/8/2019 tại khu du lịch sinh thái Cánh Buồm Xanh. Chúng ta
phát triển số lượng để tạo phong trào mạnh, thế nhưng vẫn coi trọng tiêu chí
nâng cao chất lượng thi phẩm, với phương châm “Quý hồ tinh, bất quý hồ
đa”.
Ngược lại với số lượng tác giả và tác
phẩm, chất lượng của các tập thơ ngày càng được nâng cao. Trong tập XI Thơ
Đường Hà Nội, không còn đăng tải những bài thơ lỗi luật thất niêm, lỗi chính
tả. Không còn những bài viết chủ đề không chính thống, có ngôn từ thô thiển
phản cảm. Các tác phẩm viết theo thể Đường luật Thất ngôn bát cú, Ngũ ngôn bát
cú, Thất ngôn tứ tuyệt. Nhiều tác giả đã sử dụng những ngón chơi độc đáo tao
nhã với đúng nghĩa của một thể thơ “bác học”, như Thủ vĩ ngâm, Bát vĩ, Yết hậu,
Nhất thủ thanh, Ngũ độ thanh, Mỹ lục thanh, Độc tự xuyên tâm, Thuận nghịch độc,
Dĩ đề vi thủ, Tung hoành trục khoán... Các tác giả tỏ ra say thơ, kỳ công
nghiên cứu sáng tạo trong ham thích cách chơi riêng của mình. Đặc biệt có thi
bá Nguyễn Đức Thụ cả ba thi phẩm Chiết
vận (trốn vần) 4 vần 3 cặp đối in trang 175; 176, bác Nguyễn Minh Thương viết
ba bài Thuận nghịch độc ở trang 291; 292. .vv
Nhìn chung, các tác giả đã tập trung
viết về những mảng đề tài lớn. Chúng ta thấy những bài viết ca ngợi Đảng quang
vinh, lãnh tụ kính yêu, anh hùng liệt sĩ, cảnh đẹp non sông đất nước, những
việc tốt người tốt trong công cuộc xây dựng đô thị mới nông thôn mới cùng với
suy ngẫm về thế sự về nhân tình thế thái. Mảng chủ đề nổi bật trong tập thơ này
là thể hiện cảm hứng với vẻ đẹp thiên nhiên trên quê hương đất nước. Đề tài này
thật là phong phú cũng bởi các tác giả đã có điều kiện tham gia nhiều cuộc giao
lưu, tham quan du lịch để lại những ấn tượng, những cảm hứng sâu sắc. Các tác
giả đã thể hiện tình cảm với quê hương đất nước mình, tạo nên một bức tranh
muôn màu ngàn vẻ. Tại Sapa ta chinh phục
đỉnh “Phan Xi păng” - mái nhà Đông Nam Á,
trang 10 của anh Trần Xuân Ất. Chị Bùi Thị Thu đã “Say với Sa Pa” mà trèo không
mệt trang 210:
...Hàm Rồng,Thác Bạc, lòng Dao đỏ
Mệt bở hơi tai vẫn thích trèo.
Đến với “Vịnh Hạ Long” trang 11 của chị
Đỗ Thị Chuyền. Anh Trần Đình Thiện đến “Thắng cảnh Cao Bằng” với “Hồ Ba Bể” ở
trang 213; 214:
...Mãn nguyện nàng thơ đò lướt trải
Mê hồn nghệ sĩ mảng chèo bơi...
Hướng
về phía Nam, Đà Lạt là một điểm đến hấp dẫn hơn cả Sapa. Ở trang 36 anh Nguyễn
Đình Khảo có bài “Thành phố tình yêu”. Chị Đỗ Thị Minh Nhẫn và chị Trúc Linh
(Nguyễn Thị Kim Liên) đến với “Đà Lạt mộng mơ” trang 38 và trang 122. Anh Đinh
Văn Quý cũng đã ngợi ca “Thung lũng Tình yêu” trang 44. “Tình Đà Lạt” của anh
Nguyễn Quý Tuệ trang 255. Những cảnh sông hồ, biển đảo đan xen với cảnh chùa
chiền làng quê yên tĩnh, cảnh phố xá nhộn nhịp tưng bừng. Chúng ta “dù có đi
bốn phương trời”, nhưng “lòng vẫn nhớ về Hà Nội” – thủ đô trái tim yêu dấu.
Những hình ảnh “Hồ Hoàn Kiếm” anh Trần Đình Thiện viết trang 214, bài “Chiều Hồ
Gươm” trang 352 của Nguyễn Lê Tuấn, “Vãng
cảnh Tây Hồ” trang 316 của Đông Sinh Nhật.
Bên
cạnh phong cách thơ, tôi thấy thích và đồng cảm với phong cách “Sống chậm”. Tuy
chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0, nhưng với tuổi tác đã cao rồi
chắc chỉ còn thế mạnh là kinh nghiệm sống, chứ đâu còn mạnh mẽ và tốc độ nữa để
mà sống nhanh. Cũng vì lẽ thường tình “sông có khúc, người có lúc”. Ở đầu nguồn
đoạn dốc, lòng sông hẹp dòng chảy xiết tạo thành xoáy thành sóng bạc để vượt
qua thác qua ghềnh, còn đến đoạn cuối nguồn lòng sông rộng mở thì dòng chảy êm
đềm xuôi về với biển lớn mênh mông. Bài của anh Ngọc Căn CLB Gia Lâm trang 74 cùng
anh Nguyễn Quang Chính CLB Chương Mỹ viết trang 89:
Sống chậm cho lòng được thảnh thơi
Quên
đi mọi nỗi khổ trên đời...
Điền
viên dạo gót xem hoa nở
Xuân
muộn hòa thơ rộn đất trời.
Tôi đã đọc tập thơ lần thứ ba, nhưng
chắc chắn chưa nghiền ngẫm kỹ để hiểu hết những lời hay ý đẹp, cũng có thể chưa
hiểu đúng ý tứ của tác giả. Ban biên tập thành thực xin lỗi vì chưa làm tốt hơn
để tập thơ thật khoa học, xứng đáng với cái danh thể thơ “bác học”. kính mong
nhận được sự yêu quý, có sự chung sức sẻ chia lan tỏa và có ý kiến xây dựng để
những tập thơ sau có chất lượng tốt hơn.
Có thể nói đến hôm nay chúng ta tạm thời
hài lòng với những việc làm tạo ra thành quả trên tay. Xin chúc mừng hai trăm
nhà thơ tài ba của CLB đã góp sức làm nên tập XI này. Kính chúc tất cả quý vị
đã yêu thích, quan tâm và gắn bó với thơ Đường Luật mạnh khỏe có nhiều cảm hứng
thi ca hơn nữa. Kính mong các bác các anh chị hãy tiếp tục hồi ức lại tất cả
những kỷ niệm đẹp đẽ của một thời thanh xuân mạnh mẽ mà ghi lại cho đời sau
được thấy ông cha đã sống, học tập, lao động và chiến đấu hăng say vui vẻ hào
hùng thế nào. Chúng ta hãy làm cái dấu gạch nối rõ nét cho quá khứ với hiện tại
và tương lai. Chúng ta cứ vui vẻ mà ngâm ngợi những áng văn hay những vần thơ
đẹp, những lời ca bay bổng. kính chúc quý vị đại biểu khách quý cùng toàn thể
quý thi huynh, thi bá sang năm mới có sức khỏe, nhiều niềm vui mới và hạnh
phúc.
( Bài viết đã được trình bày Tại Hội nghị ra mắt tập thơ Tại Hội trường
Trung tâm Văn hóa Thành Phố Hà Nội sáng Ngày 20/12/2019)
Mai Hoàng khải
P.Chủ nhiệm CLB