THÔNG BÁO

Canh_dao_chuc635918145714052467.jpg Năm 2025

Năm  2024  đã khép lại với bao .biến động. Đất nước  ta cũng như   bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát của nhân loại cũng  lùi dần về quá khứ


" Thơ Đường Hà Nội ' V , Một thi phẩm trọn nghĩa vẹn tình
23-12-2013
IMG_6454.f.jpg                         Ngày mai 24 tháng 12 năm 2013 tại Hội trường Trung tâm VH TP Hà Nội , CLB thơ đường Hà Nội  ra mắt Thi phẩm " Thơ Đường Hà Nội" V. Đây là một thi phẩm trọn nghĩa vẹn tình trong hoạt động năm 2013 của CLB thơ Đường Hà Nội . Xin giới thiệu tập thơ cùng bài cảm nhận của Đặng Phụ . Nguyên Giảng viên Đại học lâm nghiệp Hà Nội

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ

                                      “THƠ ĐƯỜNG HÀ NÔI V”

                                                                                                  Đặng Phụ

                                                                          Nguyên G/V Đại học Lâm nghiệp Hà Nội

 

Hôm Nay chúng ta rất vui mừng phấn khởi đón nhận Tập thơ Đường thứ 5, đứa con tinh thần, trí tuệ của toàn thể các hội viên câu lạc bộ thơ Đường Hà Nội, ra mắt bạn đọc. “Thơ Đường Hà Nội V”, một niềm tự hào và một thành công rực rỡ của toàn thể các hội viên của câu lạc bộ thơ Đường Hà Nội năm 2013. Tập thơ Đường Hà Nội V lần này không những mang nhiều mầu sắc, phong phú về đề tài và chủng loại mà còn đánh dấu bước trưởng thành của các chiếu thơ Đường Hà Nội vốn có truyền thồng lâu đời và tinh hoa của nền văn học nước nhà. Thắp sáng Đường thi là tiếng nói của cõi lòng, là nhịp đập của trái tim theo dòng thời đại, trong tập thơ này các tác giả đã đề cập đến những điều tâm huyết, những sự kiện trọng đại của đất nước và phần lớn không thể thiếu được là những cảm xúc, tình cảm của tâm hồn con người với quê hương tươi đẹp, phong cảnh hữu tình và tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa con người với con người, giữa con người với quê hương, phát huy truyền thống lâu đời sẵn có của mọi miền quê hương đất nước.

Lần này tập thơ Đường Hà Nội đã ra đời trong bối cảnh thủ đô ta đã bước qua  1000 năm lịch sử đã trải qua với bao biến cố thăng trầm qua các cuộc chiến tranh để giành lấy hòa bình độc lập và giờ đây đang cùng đất nước xây dựng và phát triển thủ đô giàu đẹp có nghìn năm văn hiến, đặc biệt là phong trào toàn dân học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, do đó dung lượng thơ phong phú, hàm lượng thơ đa dạng như một rừng hoa muôn mầu muôn sắc góp phần tô đẹp cho thủ đô và làm giầu cho kho tàng văn thơ của đất nước. Với 15 chiếu thơ Đường Hà nội đến từ 265 tác giả qua 828 bài thơ, tập thơ dày 560 trang, đã thể hiện sự hùng mạnh của thơ Đường Hà nội. Dưới đây xin giới thiệu một đôi nét về những cảm nhận tập thơ theo các chủ đề  đã nêu dưới đây:

I. Đề tài về Hà Nội nghìn năm hào khí Thăng Long

Thủ đô Hà Nội đã bước qua ngưỡng 1000 năm từ khi Lý Thái Tổ đọc Chiếu rời đô định đô tại Thăng Long ngàn năm văn hiến, khí thiêng sông núi đã hội tụ tại nơi đây và trở thành thủ đô Đại Việt của nước ta với thế rồng cuốn hổ ngồi tiêu biểu cho hào khí của non sông đất nước, đã lập nên những chiến công vô cùng hiển hách ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông đời Trần, đánh tan 60 vạn quân xâm lược nhà Thanh thời Tây Sơn, lập nên một Điện Biên Phủ trên không thời đại Hồ Chí Minh và giờ đây là miền đất thánh thái bình, ngàn năm văn vật. Đây cũng là một trong những mảnh đất phát triển thơ ca phong phú và đặc sắc nhất của cả nước. Khởi đầu tác giả Lê Đức Mỹ chiếu thơ Hà Đông trong bài Thăng Long – Hà nội có câu: “Ngàn năm thánh địa đất Thăng Long/Lẫm liệt hùng thiêng giống Lạc Hồng/Văn Miếu Ba Đình ngời lịch sử/Bạch Đằng – Như Nguyệt rạng non sông”. Các cuộc chiến thắng quân xâm lược thể hiện rõ nét. Minh Tài chiếu thơ Từ Liêm trong bài Hà Nội anh hùng có câu: “…Mông – Hán xâm lăng không lối thoát/Mãn – Minh thất bại phải đầu hàng/Bộ binh Pháp đến đều thua chạy/Không lực Mỹ vào cũng cháy tan”.

Thủ đô Hà Nội trong hòa bình, Thăng Long sáng ngời văn hiến, Hoàng Việt Trung chiếu thơ Thanh Trì trong bài Vẫn Thăng Long Hà Nội có câu: “Dáng hổ vươn tầm hơi lạ lẫm/Dáng rồng mở thế chốn xa xăm” hay Nguyễn Văn Hiến chiếu thơ Thanh Trì trong bài Thủ đô văn hiến có câu: “Nhân kiệt khai cơ hưng sự nghiệp/Địa linh phát phúc rạng non sông/Ngàn năm sáng chói nền văn hiến/Muôn thuở vẻ vang giống Lạc  Hồng”. Hữu Đông chiếu thơ Hoài Đức trong bài Hào khí Thăng Long có câu: “Văn Miếu rạng ngời danh tiến sĩ/Ba Đình vang vọng tiếng non sông/ Nhân tài hội tụ nguồn sinh lực/Thắng địa mở mang dải Phượng Hồng”. Chinh Chiến chiếu thơ Ba Đình trong bài Hà Nội thủ đô có câu: “Hùng cường tổ quốc nhiều nhân kiệt/Phú quý nhân dân lắm đại hiền” Đó là nguyên khí quốc gia đương thịnh. Ngày nay Hà Nội đã mở mang to đẹp hơn từ núi Tản, Ba Vì đến tận động Hương Tích tạo cho thủ đô ta một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp sơn thủy hữu tình.Trần Đức Chính chiếu thơ Từ Liêm trong bài Hà Nội mới có câu: “Hương Tích vây quanh như thế hổ/Nhĩ Hà uốn lượn tựa mình rồng”.Trọng Khoát chiếu thơ Từ Liêm trong bài Hoa Đăng Hà Nội có câu: “Lung linh lăng Bác hồng muôn thủa/Rực rỡ Khuê Văn sáng vạn đời”. Quả là ánh sáng kinh đô nơi có Bác yên nghỉ và Khuê Văn Các tượng trưng cho trí tuệ Việt Nam đang tỏa sáng lung linh. Hoàng Trần Mạnh Cường chiếu thơ Từ Sơn trong bài Hướng về Hà Nội có câu: “Hà Nội xuân về tỏa bóng dương/Nhớ công ơn đức Bác đưa đường/Nhân dân no ấm đời vui sướng/Cả nước giàu sang phú thịnh cường”. Nhớ về Hà Nội người dân đều nghĩ đến ẩm thực truyền thống thủ đô vừa cao quý lại dân dã, như Xuân Hồng chiếu thơ Từ Liêm trong bài Ẩm thực Hà Nội có câu: “Ẩm thực thủ đô rất đậm đà/Món ăn dân dã mấy đời vua/Riêu cua ăn sáng bên rìa phố/Bún ốc điểm tâm cạnh góc nhà.” Thật là một nét đặc trưng của người Hà Nội và đây nữa chúng ta lại thấy cảnh đẹp Hà Nội. Nguyễn Phú Chí chiếu thơ Quốc Oai trong bài Hà Nội vào đêm có câu: “Hà nội vào đêm đẹp tuyệt vời/Từng đoàn xe chạy khắp muôn nơi/Hàng nghìn lối rẽ về trăm ngả/Muôn vạn đường đi đến khắp nơi”. Hà Nội quả là một thủ đô có một không hai mang nhiều dấu ấn lịch sử, nhiều danh thắng và con người Hà Nội thanh lịch Tràng An, đặc biệt là văn hóa ẩm thực và truyền thống dân tộc đã ăn sâu vào thi ca và để lại cho du khách bốn phương nhiều ấn tượng khó quên.

II. Đề tài về Bác Hồ một nguồn cảm hứng vô tận

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ lần thứ 123 năm, cả nước đã phát động mọi tầng lớp nhân dân từ thanh thiếu niên đến các cụ già tham gia phong trào học tập và làm theo gương Bác Hồ, người cha già của dân tộc, rất nhiều bài thơ đã phản ánh kịp thời và kính cẩn dâng lên Bác những đóa hoa tươi thắm của tấm lòng mình. Mở đầu tập thơ thi hữu Nguyễn Thiệu chiếu thơ Đông Anh có bài Tìm dấu chân Người có câu: Suối Lê – Lòng Bác trong hồn nước/Núi Mác  - Tình dân đỏ sắc cờ/ Dép lốp dẫn đường lên vũ trụ/ Sánh vai cường quốc thật không ngờ”. Trần Văn Tráng chiếu thơ Ứng Hòa trong bài Ca ngợi Hồ Chủ Tịch có câu: Phấn đấu cho dân luôn hạnh phúc/Hy sinh để nước mãi hòa bình”. Nguyễn Thị Bồng chiếu thơ Từ Liêm trong bài Nhớ ơn Bác Hồ có câu: “Mưu lược tài tình tâm nhiệt huyết/Chỉ huy khôn khéo chí kiên cường/Hy sinh tất cả vì nhân loại/Đạo đức gương Người tỏa bốn phương”. Linh Xuân chiếu thơ Vĩnh Phúc trong bài Chiếc gậy Trường Sơn có câu: “Chiếc gậy Bác Hồ dẫn chúng ta/Vượt núi băng rừng đi đánh giặc…” Nguyễn Đức Duệ chiếu thơ Đan Phượng trong bài Âm vang lời Bác có câu: “Ánh nắng Ba Đình tỏa núi sông/Mùa thu cách mạng sắc cờ hồng/Tuyên ngôn độc lập lời non nước/Truyền thống anh hùng thế tiến công”. Đó là những lời ngợi ca đầy tâm huyết lắng đọng trong mọi tâm hồn Việt để tạo thành sức mạnh, tình đoàn kết gắn bó keo sơn, vượt qua mọi khó khăn gian khổ đến thắng lợi hoàn toàn. Nguyễn Bá Bẩy chiếu thơ Gia Lâm trong bài Thủ đô đại ngàn có Bác có câu: “Nà Lừa ấp ủ giành non nước/Bàn đá lời thề lập núi sông” hay Trần Đăng Hải chiếu thơ Chương Mỹ trong bài Về thăm lăng Bác có câu: “Thương dân hết dạ trao tâm huyết/Vì nước quên thân giữ cõi bờ…/Bác ơi! Tình Bác như trời biển”, hay Đỗ Hùng Khôi chiếu thơ Thanh Trì trong bài Toàn dân mãi gọi Bác là cha có câu:“Trèo núi băng rừng trong bão táp/Lội sông giữa biển vượt phong ba”. Nguyễn Văn Cường chiếu thơ Hoài Đức trong bài Bác Hồ có câu:“Trí lớn xây nên Đường kách mệnh/Gan bền xóa bỏ xích xiềng gông”. Trong lao tù Bác vẫn chiến đấu bằng bút bằng thơ để cứu nước. Nguyễn Thị Cừ chiếu thơ Thạch Thất có câu: “Thơ Bác tựa là chuỗi ngọc châu/Như vầng trăng sáng, tỏa muôn mầu”. hay Nguyễn Phú Hiền chiếu thơ Long Biên trong bài Đạo đức sáng ngời có câu:“Ngục tối anh hùng bừng dũng khí/đời thường nghĩa cả nặng ân tình”. Tư tưởng Bác Hồ quả là mang tầm thời đại, cao cả và vô cùng quý báu, là đuốc tuệ, là ngọc Phật  mãi mãi lung linh sáng ngời. Đề tài thơ về Bác Hồ luôn là niềm hứng khởi nguồn sang tác vô tận trong mỗi chúng ta.

III. Đề tài về các vị anh hùng, danh nhân đất nước

Có nhiều bài thơ ca ngợi những bậc tiền bối có công lớn đã khai sinh ra nước Việt Nam, đã làm rạng danh cho quê hương đất nước, trước tiên ta phải kể đến đất tổ vua Hùng, Người khai sinh ra nước Văn Lang tổ tiên của người Việt ngày nay. Mở đầu tác giả Nguyễn Ngọc Cơ chiếu thơ Cầu Giấy trong bài Triều Hùng có câu: “Triều Hùng vương quốc gọi Văn Lang/ Mười tám đời vua rạng sử vàng… Tưởng niệm tôn thờ lòng cẩn kính/Rồng tiên nòi giống thật huy hoàng”, hay cùng tác giả trong bài Giỗ Tổ Hùng vương có câu: “Kính mẫu dốc lòng xây đất nước/Ơn cha quyết trí dựng non sông/Sơn hà xã tắc muôn xuân thịnh/Dân Việt ngàn năm giống Lạc Hồng”. Tác giả khảng định dân Việt Nam thuộc dòng dõi Lạc Hồng. Lê Quang Trạch chiếu thơ Đông Anh trong bài Minh quân Lý Công Uẩn có câu: “Mười tám năm tròn xây nghiệp Đế/Nước cường dân thịnh sáng tương lai” hay cùng tác giả  trong bài Thái úy Lý Thường Kiệt có câu “Nam quốc sơn hà vững đế cư/Đất đai ranh giới tự thiên thư/Kẻ thù phương Bắc sang xâm lược/Dân Việt cõi Nam quyết diệt trừ”. Nguyễn Văn Tỉnh chiếu thơ Cầu Giấy trong bài Thờ cúng tổ tiên có câu: “Người xưa khai quốc – Văn Lang nước/Con cháu mở mang tới biển Đông”. Nguyễn Bao chiếu thơ Thanh Oai trong bài Thời Lê Thánh Tông có câu: “Tao đàn xướng họa ngời văn hiến/Quốc thái dân an rạng Lạc Hồng”. Nguyễn Bá Lệ chiếu thơ Hoài Đức trong bài Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo có câu: “Oai phong lẫm liệt khi xung trận/Đức độ tài cao lúc việc đời”. Ngô Duy Dương chiếu thơ Phủ Quốc trong bài Trần Nhân Tông có câu: “Lúc biến cầm quyền trừ ngoại tặc/Khi bình hóa Phật cứu muôn dân”. Vũ Văn Qũy chiếu thơ Chương Mỹ trong bài Phật hoàng có câu: “Quyền cao coi rẻ - trao danh phận/Chức trọng xem thường giữ nghĩa duyên”. Nguyễn Văn Sĩ Nguyện chiếu thơ Đan Phượng trong bài Vua Trần Nhân Tông có câu: “Đánh bại Nguyên Mông yên đất tổ/Dựng xây Đại Việt đẹp trời xuân”. Nguyễn Đình Sơn chiếu thơ Hoài Đức trong bài Chu Văn An có câu: “Nhà giáo muôn đời danh sáng chói/Cửa quan một thuở tiếng trung thần/Nguyên khí quốc gia dòng Lạc Việt/Sống cùng non nước giữa lòng dân”. Cấn Thị Đối chiếu thơ Thạch Thất trong bài Sao sáng làng Bùng có câu: “Đối đáp tài ba trí lược cao/lừng danh nổi tiếng vị anh hào/Lời vàng sắc bén như trường kiếm/Ý ngọc thép đanh tựa đoản đao…” Nguyễn Chí Công chiếu thơ Thanh Oai trong bài Đại thi hào Nguyễn Du có câu: “Trang giấy vạch trần quân ác bá/Lời thơ vạch mặt kẻ sát nhân”. Nguyễn Sĩ Nguyện chiếu thơ Đan Phượng trong bài Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp chúc mừng Đại tướng tròn 100 tuổi có câu: “Chúc mừng Đại tướng vượt trăm xuân/Cống hiến hy sinh chẳng ngại ngần/Trọn nghĩa vì dân không tính toán/Vẹn tình với nước – dám quên thân” hay Phạm Minh Khôi chiếu thơ Long Biên trong bài Võ Đại tướng về trời có câu: “Võ công thiên hạ đều tôn kính/Văn đức nhân dân thấy ngậm ngùi…/Công danh muôn thuở lưu trần thế/Cùng với Bác Hồ mãi rạng ngời”. Và Cấn Xuân Trường chiếu thơ Quốc Oai trong bài Thi sĩ Tản Đà có cấu:“Trọn tình chung thủy thề non nước/Vẹn nghĩa trung thành với núi sông/Đất mẹ xứ Đoài ru giấc ngủ/Hỏi… đời thi sĩ đáng yêu không?. Qua đây chúng ta thấy một điều là suốt chiều dài lịch sử bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước anh hùng hào kiệt lúc nào cũng xuất hiện mỗi khi tổ quốc lâm nguy, đã hợp lực để đánh tan mọi kẻ thù xâm lược và bảo vệ và xây dựng đất nước yên bình.

IV. Đề tài về người lính và biển đảo biên cương Tổ quốc

Những bài thơ nói về người lính luôn thể hiện rõ lòng chiến đấu hăng say và lòng hy sinh quả cảm quyết chiến đấu hy sinh để bảo vệ tổ quốc thân yêu. Mở đầu Trần Văn Hải chiếu thơ Chương Mỹ trong bài Tô thắm non sông có câu: “Anh hùng dân tộc Việt Nam ơi/Đánh giặc kiên trung rạng trí trai”. Hoàng Hiệp chiếu thơ Chương Mỹ trong bài Lính đảo biên thùy có câu: “Ơn người chiến sĩ ở nơi xa/ Canh giữ biển trời tổ quốc ta/Anh dũng kiên cường ngoài hải đảo/Hiên ngang bất khuất chốn sơn hà”. Nguyễn Ngọc Cơ chiếu thơ Cầu Giấy trong bài Hải quân anh hùng có câu: “Sớm sớm tuần tra luồng biển rộng/Chiều chiều trấn ải sóng ngoài khơi/Một ly lãnh thổ không buông lỏng/Một phút bình yên chẳng thể lơi”. Trịnh Thị Thu Loan chiếu thơ Hà Đông trong bài Tiễn người ra trận có câu: “Nhớ buổi tòng quân tiết cuối đông/Chia tay đôi má ửng thêm hồng/Người đi mang nặng tình non nước/Kẻ ở đong đầy nghĩa núi sông”. Nguyễn Cư Dụng chiếu thơ Ứng Hòa trong bài Xuân đến Trường Sa có câu: Hơi sương ấm áp êm đài gác/Sóng biển dạt dào đẹp sắc hoa/Tay súng sẵng sàng vì tổ quốc/Giữ yên trời biển nước non nhà”. Chương Phú chiếu thơ Hàn Thuyên trong bài Tuổi trẻ với tổ quốc có câu: “Non nước nghìn năm dội chiến công/Đường đời nối tiếp lớp cha ông/Nay thề giữ trọn trời Nam Việt/Mãi nguyện gìn yên đất Lạc Hồng”. Hà Đình Chung chiếu thơ Hàn Thuyên trong bài Trọn nghĩa nước non thắm tình đồng đội có câu: “Trọn đời dâng hiến tuổi thanh xuân/Nghĩa nặng giang sơn gắng góp phần/Nước gọi theo cha đi đánh giặc…”. Quang Lạng chiếu thơ Từ Liêm trong bài Hãy cảnh giác có câu: “Chiếm cứ Hoàng Sa chuyện nhỡn tiền/“Lưỡi bò” lấp liếm chuyện quàng xiên/Ẩn tàng hiểm họa  sâu xa đó/Thách thức con rồng với cháu tiên”.  Trần Văn Cường chiếu thơ Cầu Giấy trong bài Trường Sa Hoàng Sa có câu: “Lũy thép trời Đông ngăn bão tố/Thành đồng đất Việt chắn phong ba”. Cao nhất Liêm chiếu thơ Từ Liêm trong bài Giữ lấy biển Đông có câu: “Quốc sự nhà thơ có biết không/Ngoài khơi bành trướng diễn trò ngông/Lưỡi bò chin đoạn mưu xâm lược/Quân đội toàn dân giữ biển Đông”. Nguyễn Thị Mai chiếu thơ Từ Liêm trong bài Mắt Trường Sa có câu: “Sóng cồn cầm súng anh đứng gác… Trường Sa con mắt Việt yêu đời”. Nguyễn Đắc Nhàn chiếu thơ Từ Liêm trong bài Giữ Trường Sa có câu: “Nam nhi hùng dũng canh non nước/Tráng sĩ oai phong giữ đảo nhà”.  Hồng Đức chiếu thơ Quốc Oai trong bài Mùa xuân Trường Sa có câu: “Vững vàng tay súng canh trời đất”. Lê Quang Cự chiếu thơ Chương Mỹ trong bài Nhớ đảo xa có câu: “Anh rèn tay súng canh trời biển/Em vững tay cày giữ núi sông”.   Nguyễn Cao Cung chiếu thơ Hà Đông trong bài Chiến sĩ Trường Sa có câu: “Đứng vững tuyến đầu trừ hiểm họa/Kiên cường bậc nhất vượt phong ba”. Đàm Văn Quả chiếu thơ Hà Đông trong bài Thơ và chiến sĩ có câu: “Đọc chữ can trường, anh xốc tới/Ngâm vần sấm sét, giặc tơi bời”. Phan Hồng Thái chiếu thơ Từ Liêm trong bài Quần đảo tiền tiêu có câu: “Đảo nổi ngọc ngà đất tổ tông… Thủy triều nghiệp trướng ngăn xâm lược/Lãnh hải tiền tiêu đặng chiến công”. Đồng Sinh Nhật chiếu thơ Đan Phượng trong bài Dáng đứng đảo xa có câu: “Trường Sa rạng rỡ nơi đầu sóng/Kiêu hãnh Hoàng Sa chốn biển khơi/Máu đã tô hồng từng thước đất”. Nói về các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để bảo vệ đất nước,Vũ Bá Thước chiếu thơ Long Biên trong bài Ơn Liệt sĩ có câu: “Tiếng bom đạn đã không còn nữa/Mà các anh đi chẳng thấy về/Khe suối sông sâu yên giấc ngủ/Trường Sơn mây trắng rủ màn che”. Hay Nguyễn Văn Khoa chiếu thơ Thanh Oai trong bài Noi gương các liệt sĩ có câu: “Bao năm ở lại chiến trường xưa/Thắng lợi huy hoàng Pháp – Mỹ thua/Liệt sĩ vinh quang bền chiến đấu/Thương binh dũng cảm quyết thi đua”. Đó là những hình ảnh không bao giờ phai mờ trong tâm khảm những người lính cụ Hồ đã suốt đời trung kiên chiến đầu hy sinh để bảo vệ tổ quốc cho đất  nước độc lập và nhân dân sống trong hòa bình hạnh phúc..

V. Về đề tài tình yêu quê hương đất nước và con người

Nước Việt Nam ta nổi tiếng có rừng vàng biển bạc, thiên nhiên tươi đẹp bốn mùa xanh tốt vì thế mà biết bao áng thơ hay nói về tình yêu thiên nhiên đất nước con người  như Thủ đô có núi có đồi có sông uốn lượn có người chân quê, có đồng lúa chín vàng hoe, đàn cò trắng lượn lũy tre đầu làng. Mở đầu Cấn Văn Thăng chiếu thơ Thạch Thất trong bài Núi Tản Sông Đà có câu: “Cao vút trập trùng mây trải rộng/Quanh co uốn lượn nước lan xa/Nhìn lên non Tản sương mờ ảo/Ngắm xuống Đà giang khói nhập nhòa”.Một cảnh thiên nhiên kỳ thú của thủ đô ta. Nhất Tâm chiếu thơ Thạch Thất trong bài Đêm hè cảm tác có câu: “Gõ nhịp trong đêm cuốc gọi hè/Trăng vàng giăng lụa kín bờ tre/Ngoài đồng lúa chin vui lòng mẹ/Trong ngõ phượng hồng đẹp dáng quê”. Một bức tranh thôn quê đêm hè tuyệt diệu. Nguyễn Thị Phúc chiếu thơ Ứng Hòa trong bài Dòng sông quê em có câu: “Quê em sông Đáy chảy vào thơ/Cảnh sắc thiên nhiên đẹp sững sờ/Tre rủ cò đùa vui bến bãi/Sóng vờn nước vuốt mát vườn mơ”, phải là một người có tâm huyết lắm với quê hương mới cho ra được áng thơ hay như vậy.  Vũ Khắc Nhượng chiếu thơ Từ Liêm trong bài Chiều hồ Tây có câu: “Gió thoảng lao xao mặt nước hồ/Liễu buông làn tóc xõa như mơ/Mây giăng Lãng Bạc trời xanh ngọc/Cỏ biếc Dâm Đàm đất mịn tơ”. Quang Sáng chiếu thơ Phủ Quốc trong bài Đêm trăng tát nước có câu: “Đêm sáng lênh khênh tát nước đồng/Dòng mương phẳng lặng ánh trăng trong/Em khua dòng chảy Hằng đâu mất/Tôi múc nguồn trôi cuội vẫn trông”. Thu Diếp chiếu thơ Từ Liêm trong bài Nhớ về hội chùa Hương có câu: “Suối Yến trong xanh chảy lững lờ/Thuyền chèo tấp nập cảnh nguyên sơ/Tươi non ruộng lúa cò chao liệng/Rực đỏ mộc miên sáo hót chờ”. Trịnh Thị Thu Loan chiếu thơ Hà Đông trong bài Chia tay mùa hạ có câu: “Hè chín ngất ngây tạm biệt trường/Chia tay lưu luyến gợi niềm thương/Phượng hồng cháy đỏ bên lề phố/Tiếng cuốc râm ran khắp nẻo đường”. Lều Huy Xuyên chiếu thơ Đan Phượng trong bài Ngỡ ngàng trước sóng có câu: “Ai đem ngọn sóng vỗ đôi bờ/Để khách vô tình đứng ngẩn ngơ/Sờ sững tay ôm trời phẳng lặng/Thẫn thờ chân bước cát nghiêng xô”. Cao Văn Hoạch chiếu thơ Bỉm Sơn trong bài Nhớ quê có câu: “Lòng mẹ bao la trời ấm áp/Dáng cha lồng lộng những ân tình/Cây đa bến nước đường thôn xóm/Nghĩa đọng ân sâu vọng mái đình”. Cao Hoàng Điệp chiếu thơ Chương Mỹ trong bài Cảnh quê nắng hạ có câu: “Cánh diều chao đảo khoảng trời xanh/Réo rắt bổng trầm tiếng sáo thanh/Vằng vặc ánh trăng hồ gợn sóng/Mượt mà bóng liễu lá buông mành”. Hữu Đông chiếu thơ Hoài Đức trong bài Quê hương tôi có câu: “Miền quê yên ả mấy thân thương/Làng cổ tiềm năng đất thịnh cường/Hai cuộc trường trinh dày chiến tích/Một thời khoa bảng ngát trời hương”. Nguyễn Đức Chính chiếu thơ Hoài Đức trong bài Cố đô Huế có câu: “Ngắm tà áo tím thật thân thương/Huế đẹp mộng mơ cảnh diễm hường…/Lăng tẩm đền đài tô cảnh sắc/Cố đô hoa lệ mãi tơ vương”. Nguyễn Đình Sơn chiếu thơ Hoài Đức trong bài Duyên quê có câu: “Sáo diều vi vút giữa tầng không/Én liệng đồng quê giỡn nắng hồng…/Trầu thắm, cau xanh còn quyến gió/Con đò níu bến ngóng qua sông”.  Như Huế chiếu thơ Thạch Thất trong bài Cảnh đẹp hồ núi Cốc có câu: “Buông lái thuyền trôi thăm đảo Cốc/Lênh đênh tàu lướt ngắm dòng Công/Mây chiều lơ lửng xiên ngang núi/Nguyệt xế chênh vênh dát bạc sông”. Lê Đức Thu chiếu thơ Thạch Thất trong bài Xóm núi có câu: “Suối nước cá bơi dòng lạnh lẽo/Rừng cây chim hót lối âm u/Ô xòe gái Thái đi duyên dáng/Khèn điệu trai H’Mông bước gật gù”. Vũ Thị Độ chiếu thơ Phúc Thọ trong bài Xuân quê có câu: “Khóm chuối đâm chồi xanh lá mới/Cây hồng nảy lộc thắm hoa tươi/Bầy ong tíu tít bay tìm mật/Đàn cá tung tăng đuổi bắt mồi”. Nguyễn Văn Yên chiếu thơ Thạch Thất trong bài Múa xòe ở bản Thái có câu: “Lửa vẫn bập bùng sáng giữa sân/Vòng xòe đã dẻo nhịp đưa chân/Lùi xa trời đất như thêm rộng/Xúm lại trăng sao tưởng cũng gần”. Đỗ Xuân Hội chiếu thơ Thạch Thất trong bài Vào hè có câu: “Xáo động khu vườn tiếng nhạc ve/Râm ran nối nhịp kết nên hè/Mưa rào xối xả ao tràn nước/Bão tố quay cuồng cá vượt khe”. Phí Mạnh Bình chiếu thơ Thạch Thất trong bài Tình mẹ có câu: “Tình mẹ bao la tựa biển khơi/Thương yêu đùm bọc sánh mây trời…/Gắng công mài sắt thành kim tốt/Kiên nhẫn bền gan sẽ có tài”. Lê Duy Tân chiếu thơ Thạch Thất ( Một hội viên mới qua đời)trong bài Bài thơ từ sơn cước : “Hoa đất Mường em đón bạn bầu/Mùa xuân giục giã mến yêu nhau/ “Thượng đăng” công lượn đưa làn điệu/“Cò lả” sáo ru gửi dạo sau”. Phạm Thế Bên chiếu thơ Thạch Thất trong bài Nét đẹp quê hương : “Làng trên xe chạy lòng khoan khoái/Xóm dưới người đi dạ thảnh thơi/Ngói đỏ cao tầng vây xóm ngõ/Cây xanh tỏa bóng kín rừng đồi”. Nguyễn Hữu Hạnh chiếu thơ Thạch Thất trong bài Quê hương : “Đứng ngắm quê hương buổi xế tà/Lòng đầy lưu luyến đất quê cha…/Tiếng hát câu hò vang sớm tối/Lời thơ khúc nhạc vọng chiều xa”. Đức Thọ chiếu thơ Thạch Thất trong bài Cánh Phượng vẫn rơi : “Em đứng in hình đáy giếng khơi/Lung linh sóng gợn áng mây trời…/Trăm năm xao xuyến tình xưa ấy/Để tới bây giờ phượng vẫn rơi”. Đặng Phụ chiếu thơ Thạch Thất trong bài Thành phố Hà Giang : “Bên núi mỏ neo bên núi cấm/Trên dòng Lô đục cạnh đường Mây/Xưa heo hút bản chênh vênh đá/Nay nhộn nhịp thành bát ngát cây”. Nguyễn Phú Hiền chiếu thơ Long Biên trong bài Man mác tình quê : “Văng vẳng mơ nghe tiếng sáo diều/Bồi hồi xúc động biết bao nhiêu/Mía ngô đất bãi trong sương sớm/Khoai lúa đồng sau ngập nắng chiều”. Vũ Quốc Bảo chiếu thơ Long Biên trong bài Cảnh mùa hè : “Trống choai gọi sáng té tè te/Tia nắng thẳng soi hé hẻ hè/Cu cún giật mình ăng ắng ẳng/Nàng ve cất tiếng vẻ vè ve”. Thể tam vĩ thanh, âm thanh sống động, nghe vui mà lạ tai. Vũ Văn Thuật chiếu thơ Long Biên trong bài Chùa cóc: “Lưng đèo cóc cõng ngôi chùa cóc/Kinh kệ trầm hương tuần vọng sóc/Tăng khép màn trời lúc tối tăm/Tiểu lần tràng hạt khi mưa móc”, thể vần cuối trắc nghe thật lạ . Đỗ Thanh Hoa chiếu thơ Mỹ Đức trong bài Nối nhịp cầu thơ : “Nhịp cầu kết nối mối tơ duyên/Giao hảo tình thơ với bạn hiền/Xướng họa vần câu, trao nghĩa bút/Thơ tình đằm thắm, vẹn trinh nguyên”. Những áng thơ trên thể hiện biết bao tình cảm của các tác giả với quê hương thân thiết, với tình làng nghĩa xóm, bạn bè gần xa và mối tình đằm thắm giữa con người với nhau, mang đậm phong cách và sắc thái tâm hồn Việt.

VI.  Một đôi lời về tập  thơ Hà Nội V

Khi đọc đến những bài cuối của tập thơ này, một niềm vui dâng trào trong tôi về những cảm xúc chứa chan trong thế giới thơ Đường mang đậm nét chân quê khiến tôi có những suy nghĩ về chiếu thơ Đường luật Hà Nội, nó không còn xa lạ như ta tưởng tận đâu đâu và cứ đâu phải chỉ có thi sĩ mới có cái nhìn về thơ mà tất cả chúng ta đều biết nhìn về thơ và thưởng thức thơ do chính chúng la sáng tác nên. Có những bài thơ đã gây xúc động mạnh đối với tâm hồn ở những khía cạnh khác nhau khiến chúng ta có cảm giác lâng lâng, bồi hồi xao xuyến, đó là những thành công của các tác giả và đó là một dấu ấn quan trọng trong trào lưu thơ Đường thủ đô trên bước đường phát triển hoàn thiện. Có một số tác giả đã nghiên cứu các thể luật Đường cho ra những bài thơ lạ như thuận nghịch độc, tam vĩ thanh, mưỡu, độc vận vv…Song thực tình cũng phải nói ra đây những tồn tại trong  một số bài thơ của tập thơ lớn này.

Trước hết là niêm luật và vần.  Đại đa số bài đã vượt qua được cái ngưỡng vần luật niêm đối. Song phần lớn vẫn còn tồn tại ở tứ thơ không rõ ràng, mạch thơ chưa thật liên kết, vần điệu và nhạc điệu thơ chưa thật hài hòa và ngân vang khiến cho người thưởng thức thơ thấy như ăn quả chưa chín hẳn, làm giảm đi cảm giác ngọt ngào, nhất là có một số bài thơ không theo đúng niêm luật vì thơ Đường là thể thơ yêu cầu nghiêm ngặt về niêm luật, vần điệu và đối hầu như chúng ta còn vướng mắc. Cụ thể là bài Thu 2013 có câu: “Lại một mùa thu đã đến nhanh/Lá chưa phai trời vẫn chưa xanh/Dập dồn bão tố kè núi lở…” Có 3 câu mà sai tới 2 vận hay bài Thơm màu hoa trái có câu: “Đan Phượng lưu luyến nhất nơi này…” sai một vận. Một số bài sai hẳn vần cuối như: bài Biển hát nửa trên vần a nửa dưới vần ui và ai và câu 4 câu 5 vần cuối đều là trắc nếu tách ra thành 2 bài tứ tuyệt thì được. Bài Sen hồ Tây câu đầu vần ây đi với  2 câu dưới vần ô. Nếu đổi một chút thì bài thơ tuyệt đúng, cụ thể là: “Hương sen ngây ngất cảnh Tây hồ/Lấp ló cánh hồng khẽ nhấp nhô/Ẩn hiện thảm xanh đùa giỡn gió/Thả hồn thơ mộng giữa thành đô”.

Một số bài chưa có độ sâu, phải thể hiện qua ý, chưa chú ý đến tứ thơ nên không có hình ảnh mà như lời nói không phải là thơ. Tứ thơ phải luôn được đề cao không nên viết một câu là ta đã gói trọn cả một vấn đề to lớn không cần biết phần sau muốn nói gì, tức là ta nên nêu từ những khía cạnh nhỏ để nổi bật những chủ đề lớn.

Một số bài thơ nặng về tả, lại quá thực nên chưa thể hiện được cái hồn của thơ, độc giả chưa thật bị cuốn hút khi đọc, thưởng thức hoặc dùng những mỹ từ không có thực khiến cho người đọc cảm thấy như vần thơ bị sáo, gò ép, chưa thấy hứng khởi.

Một số bài thơ thể hiện 2 vế đối chưa chuẩn kể cả thực và luận ví như đã viết danh từ riêng, địa danh, đại từ, động từ, tính từ, từ láy thì phía đối cũng phải như vậy, kể cả tiểu đối và ý đối vv…Tuyệt đối không được đối lệch nhau.

Đại đa số các bài thơ đều thể hiện được tấm lòng của tác giả, yêu thơ say thơ và hứng thú làm thơ có thể tiêu biểu cho chiếu thơ Đường luật của cả nước.

Trên đây là những lời cảm nhận chân thành về tập thơ Đường Hà Nội V, rất mong các tác giả cảm thông và góp ý cho bài cảm nhận này.

                                                                  Xin chân thành cảm ơn.

                                                                                             Đ.P

 

Tác giả BBT