Bài thơ “Trưng Nữ Vương” của nữ sĩ Ngân Giang.
Bài viết Nguyễn Linh
Trong
những khoảng thời gian nhẩn nha “lùi vào quá khứ”, tìm hiểu tư liệu về văn hóa
- văn học giai đoạn đầu thế kỷ XX, tôi đã được biết đến một con người - cuộc
đời - chân dung văn học độc đáo - nữ sĩ Ngân Giang, người được mệnh danh là “nữ
hoàng Đường thi Việt Nam”. Chỉ với một bài thơ “Trưng Nữ Vương” trong “gia tài”
đồ sộ hơn 4 nghìn thi phẩm, nữ sĩ Ngân Giang đã khẳng định tài năng, vị thế;
gieo vào lòng nhiều thế hệ độc giả bao nỗi niềm yêu mến, cảm phục.EmailPrintTwitter Facebook
“Thù hận đôi lần chau khóe hạnh
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi
Ngang dọc non sông đường kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
Bốn phương gió bão dồn chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai
Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi
Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non hồng quét sạch bụi trần ai
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời..
.
Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi”.
Nữ
sĩ Ngân Giang (1916-2002) tên thật là Đỗ Thị Quế, sinh ra trong một gia đình
Nho học. Kế thừa và phát huy truyền thống gia đình cùng với tư chất thông minh,
ham học hỏi, ngay từ khi tuổi còn nhỏ, bà đã có bài thơ đầu tiên tên “Vịnh
Kiều” đăng trên báo với bút danh Nguyệt Quyên. Thi phẩm “Trưng Nữ Vương” được
nữ sĩ Ngân Giang sáng tác năm 1939 khi mới 23 tuổi. Một thiếu nữ tuổi ngoài đôi
mươi, trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động, va đập văn hóa Đông - Tây diễn
ra mạnh mẽ, đã từng bước khẳng định mình, ghi dấu ấn đậm nét trên thi đàn Việt.
“Trưng Nữ Vương” là dấu gạch nối giữa hiện đại
và truyền thống, là sự tri âm sâu sắc của hậu thế dành cho bậc nữ vương, là một
cách cảm – cách nghĩ khác biệt về một nhân vật lịch sử đã quá lẫy lừng, mạch
nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều tác phẩm văn học – nghệ thuật. Từ đó để càng
sáng rõ hơn cái tài tình, cái tinh tế, riêng nhất của nữ sĩ Ngân Giang. Có một
giai thoại đặc biệt mà đến nay vẫn được lưu truyền xoay quanh bài thơ này, đó
là sự ra đi đột ngột của thi sĩ Đông Hồ. Tương truyền rằng, nhà thơ Đông Hồ khi
giảng Trưng Nữ Vương cho sinh viên tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, vì quá xúc
động trước áng thơ hay mà đột quỵ, sau đó ít lâu thì qua đời.
Bài thơ “Trưng Nữ Vương” bắt đầu bằng một cơn
gió bụi, đoạn trường: “Thù hận đôi lần chau khóe hạnh/ Một trời loáng thoáng
bóng sao rơi/ Dồn sương vó ngựa xa non thẳm/ Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi/
Ngang dọc non sông đường kiếm mã/ Huy hoàng cung điện nếp cân đai/ Bốn phương
gió bão dồn chân ngựa/ Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai”...
Lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân
tộc ghi đậm dấu ấn cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40 - 43 sau công
nguyên). Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em, con gái của Lạc tướng Mê Linh.
Trưng Trắc là người phụ nữ đảm đang, dũng cảm, mưu trí. Chồng bà là Thi Sách,
con trai Lạc tướng Chu Diên. Thời điểm đó, nhà Đông Hán áp đặt chính sách cai
trị gắt gao, hà khắc đối với dân ta; các Lạc tướng người Việt liên kết với nhau
để chống lại. Mâu thuẫn đỉnh điểm khi Thái thú Tô Định giết chết Thi Sách. Hành
vi bạo ngược của Thái thú Tô Định càng làm cho Hai Bà Trưng thêm quyết tâm tiến
hành cuộc khởi nghĩa nhằm lật đổ chính quyền đô hộ, rửa nợ nước, trả thù nhà,
dựng lại cơ nghiệp xưa của các vua Hùng.
Mùa xuân năm 40, sau khi hoàn tất công việc
chuẩn bị, Hai Bà Trưng đã quyết định chọn cửa sông Hát làm nơi hội binh, tổ
chức Hội thề, phất cờ khởi nghĩa. Với khí thế tấn công trào dâng như vũ bão,
Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân đã đánh thắng nhiều trận, khiến quân thù kinh hồn
bạt vía. Hai Bà Trưng quyết định kéo đại quân xuôi theo dòng sông Đuống tiến
đánh thẳng vào sào huyệt của chính quyền đô hộ tại tòa thành Luy Lâu, đại bản
doanh của Thái thú Tô Định, trung tâm đầu não của chính quyền đô hộ Đông Hán ở
Giao Chỉ.
Luy Lâu là một tòa thành kiên cố, được bố
phòng cẩn trọng với lực lượng quân đội tinh nhuệ và đông đảo hơn tất cả các căn
cứ trọng yếu khác. Quân khởi nghĩa nhanh chóng bao vây bốn mặt và tràn vào
chiếm thành. Thái thú Tô Định hoảng sợ bỏ cả ấn tín, thay đổi trang phục, râu
tóc, vô cùng hoảng hốt tháo chạy về nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà
Trưng đã thu phục được 65 huyện thành, nghĩa là toàn bộ phạm vi lãnh thổ của
nước Âu Lạc. Mùa hè năm Canh Tý (năm 40), Bà Trưng Trắc xưng vương, lấy hiệu là
Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh.
Một lần nữa lần theo những dấu mốc lịch sử để
thấm thía hơn tinh thần, giá trị nhân văn sâu sắc cùng cái tài hoa của nữ sĩ
Ngân Giang khi khắc họa trọn vẹn cuộc đời, sự nghiệp của Trưng Nữ Vương. Người
đàn bà gánh vác trên vai “nợ nước, thù nhà”, trên sa trường chẳng điều gì có
thể làm bà nao núng. Ngước nhìn “bóng sao rơi”, bà nén chặt nỗi đau trong lòng,
gạt đi nước mắt, dũng mãnh và mưu trí điều binh khiển tướng đánh tan quân giặc.
Hai khổ thơ đầu được viết theo bút pháp ước lệ, hùng tráng, đậm đà phong vị thơ
Đường. Những hình ảnh “dồn sương vó ngựa”, “gạt gió”, “ngang dọc non sông”,
“huy hoàng cung điện” gợi lên dáng vẻ oai phong, lẫm liệt chẳng thua kém bất kỳ
bậc nam nhân khí phách nào. Để rồi khép lại là hình ảnh tráng lệ: “Tám nẻo mưa
ngàn táp đóa mai”. Trong cái hùng có cái bi, trong cái trác tuyệt lại vương
chút gì xa xót, ngậm ngùi...
Bước chuyển ấy không khiến cho mạch thơ chùng
xuống mà như càng đẩy cảm xúc lên cao trào khi đi đến tận cùng thi phẩm. Bởi
hình ảnh vị nữ tướng quật cường, oai phong, mãnh liệt trên sa trường mà có lẽ
ít ai thấu tỏ một điều: Sau tất cả, Trưng Nữ Vương vẫn là một người phụ nữ, vẫn
khao khát tình yêu thương và những êm ấm đời thường. Nhưng số phận nghiệt ngã,
trọng trách lớn lao, bà ôm nỗi đau của một người góa phụ, một nữ vương lẻ bóng
giữa bão táp mưa sa: “Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ/ Ngai vàng đâu tính chuyện
tương lai/ Hồn người chín suối cười an ủi/ Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi”. Lời
thơ như lời tự sự; tiếng thơ như tiếng lòng Trưng Nữ Vương. Trong màn đêm cô
quạnh, tịch mịch, người trút ưu sầu với thinh không. Nước mắt người góa phụ
cũng theo những thổn thức ấy mà lắng đọng, ngậm ngùi cho đến khi tàn canh.
Tinh tế, sâu sắc trong cách khắc họa, bộc lộ
tâm lý chủ thể vẫn là điều phải nhắc lại trong sự ngưỡng mộ, cảm phục dành cho
tác giả. Nhiều người cho rằng: Nếu không phải là một nữ sĩ thì không thể có
được tiếng thơ tri âm, đồng cảm sâu sắc với Trưng Nữ Vương như vậy. Điều đó
đúng nhưng chưa đủ. Chỉ có thể là Ngân Giang - “nữ hoàng Đường thi Việt Nam”,
với sự tài hoa, nhạy cảm của mình, mới đủ sức viết nên một Trưng Nữ Vương lay
động lòng người đến thế: “Ải bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh
đầu voi/ Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi”.
"Kiếp trước tôi là võ tướng, vì giết nhầm
một văn nhân nên kiếp này phải làm thi sĩ để trả nghiệp” - nữ sĩ Ngân Giang
từng bộc bạch về “nghiệp viết” của đời mình. Quả thực, người đàn bà ấy đã viết
bằng tất cả sinh mệnh, tài năng, tâm huyết. Ngay cả những khi cuộc sống nghiệt
ngã với bà nhất, chỉ còn duy nhất một manh áo ấm cũng phải đem bán để “chạy ăn”
từng bữa cho các con, bà vẫn kiên cường, mạnh mẽ sống với niềm đam mê. “Trưng
Nữ Vương” là một trong hàng nghìn tác phẩm bà để lại cho hậu thế. Nhưng chỉ với
một “Trưng Nữ Vương” cũng đủ để nữ sĩ Ngân Giang tỏa sáng trên thi đàn Việt,
bền bỉ sức sống trong lòng nhiều thế hệ độc giả. Sức mạnh và sức bền của thơ
nói riêng, văn học nghệ thuật nói chung là như vậy!
N. Linh