Niềm hạnh phúc của những người được Nhà Thơ Trần Văn Cường tặng
cuốn: 166 NGÓN CHƠI THƠ Đường Luật; Cảm ơn Nhà Thơ Nguyễn
Học Từ đã có bài cảm nhận nói hộ cảm xúc của chúng tôi!
BÀI VIẾT CỦA TG NGUYỄN HỌC TỪ:
"Với tôi - một người đồng hành cùng thơ Đường chưa lâu (mới khoảng gần hai
năm nay), được cầm trên tay cuốn “166 ngón chơi thơ Đường luật” - Nxb.
Thanh Niên, của nghệ nhân Trần Văn Cường, quả là như "vớ được vàng”! Tôi
đã đọc ngấu nghiến từng bài; trong đó có bài đọc đi rồi lại đọc lại tới mấy lần
để hiểu đúng thuật ngữ “ngón chơi” khi nói tới thể thơ này, mặc dù khi còn nhỏ
tôi cũng được nghe bập bõm cha tôi (từng là một người dạy chữ Hán nôm thời
xưa) nói tới. Và, cái chính là để hiểu thực chất nội dung, nghệ thuật "chơi” mà
ông dày công thiết kế, sáng tạo, trình làng với những người chơi thơ Đường ở
nước ta.
“Mỏ vàng” này tôi nhận từ tay bác Cường khác với nhiều cuốn sách quý
khác tôi được tặng về tính chất. Đó thực sự là một cẩm nang vận dụng lý
thuyết uyên thâm vào thực hành thơ Đường. Dưới “bàn tay” khéo léo, tài
tình của một kỹ sư, một người thợ kỹ thuật có tư duy logic chặt chẽ,
khoa học, “kiến trúc sư” Văn Cường đã thiết kế ra không chỉ 166 ngón
chơi thơ Đường tài tình, độc đáo, thi vị, mà theo tôi, còn hơn con số đó,
nếu mỗi người thưởng thức thơ của ông “bắt được” cái hồn, cái tính mở
của mỗi chủ đề, bài thơ, ý thơ, cách cấu tạo nên mỗi bài thơ,...thì mới
thấy hết đây là một “mỏ vàng” thực sự!
“Mỏ vàng” này còn mang ý nghĩa nữa là mỗi bài thơ, “ngón thơ” trong
cuốn sách đều khai thác những chủ đề có ý nghĩa thiết thực với cuộc
sống, với nhân tình thế thái, bằng thái độ có trách nhiệm, mang tính xây
dựng, lạc quan, đôi khi pha chút hài hước, hóm hỉnh của một con người
hơn bảy chục tuổi đời, từng trải qua những cung bậc khác nhau của
cuộc sống.
Mới học được vài nét cơ bản của thơ Đường, chẳng dám vội leo cao.
Nhưng sách thuộc loại “không đem bán” hẳn là sách quý! Vì vậy, tôi cố
sức lặn lội trong “rừng sác” của vô số những hán tự, như: thủ vĩ, lặp tự,
láy, đồng âm, áp cú, thuận nghịch, tung hoành trục khoán,... Tôi lạ lẫm,
hoa mắt, phấn khích trước những "bài toán”, “ma trận” thơ, chắc chỉ có
“dân kỹ thuật” mới có.v.v và.v.v...
Nói chung là tôi vô cùng thích thú và chỉ biết cảm ơn Nhà thơ, TSKH
Trần Văn Cường đã ưu ái dành cho tôi cuốn sách quý này vào dịp đầu
Xuân Quý Mão!
Xin chân thành gửi cảm tạ Nhà thơ, TS. Trần Văn Cường với bài thơ sau:
“Chế tác” ra thơ giỏi thật tình
Văn Cường rõ xứng bậc tiên sinh!
Uyên thâm gọt giũa ngôn từ sáng,
Cần mẫn tạo lai cấu trúc tinh
Vận ngữ, cầm kỳ câu chứa nhạc,
Xướng ngôn, thi họa tứ mang hình...
Vườn Thơ còn rất nhiều miền trống*,
Đón đợi ông từng “ngón” trác minh!
(*) Mượn ý trong lời Đề dẫn cho cuốn sách của Nhà thơ, Nhà thư pháp
Đường thi Triệu Triệu, Hội viên Hội VNDG Việt Nam, UVTT CLB Di sản
thơ văn Truyền thống và Hán Nôm, Hội Di sản VH Việt Nam.