THÔNG BÁO

Canh_dao_chuc635918145714052467.jpg Năm 2025

Năm  2024  đã khép lại với bao .biến động. Đất nước  ta cũng như   bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát của nhân loại cũng  lùi dần về quá khứ


"THƠ ĐƯỜNG HÀ NỘI VII", 2015. MỘT NẤC THANG MỚI
24-12-2015
 ANH BIA .2F.jpg Ảnh bìa tập thơ

 

 

 

Cứ đến hẹn lại lên, mỗi năm CLB thơ Đường Hà Nội cho ra mắt một tập thơ với những chủ đề rất phong phú, bày tỏ tâm tư, tình cảm, chính kiến của các thành viên CLB.

Hôm nay, ngày ra mắt "Thơ Đường Hà Nội VII", tôi xin điểm qua đôi nét về tập thơ này.

Mở đầu cuốn sách là 75 bài thơ giao lưu trình diễn của 15 chiếu thơ dự thi do CLB thơ Đường Hà Nội tổ chức tại Chùa Thầy vào tháng 8-2015. Tiếp đến là những bài thơ tâm đắc, sốt dẻo nhất của hội viên tất cả các chiếu thơ trong CLB.

Cũng như các tập thơ trước đây, tập VII "Thơ Đường Hà Nội" phản ánh tương đối đầy đủ các sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt 2015 là năm kỉ niệm lần thứ 125 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản VN, 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 40 năm hoàn toàn giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhiều tác giả đã viết những vần thơ ca ngợi Bác, nguyện cố gắng học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, như "Nhớ lời Bác dạy" (của Hữu Minh Cương), "Bác Hồ" (của Văn Sĩ Nguyện), "Bác Hồ sống mãi" (Nguyễn Chí Công), "Về quê Bác" (Giang Hoàng Thung, Phạm Chính), với những câu thơ xuất phát tự đáy lòng:

"...Cháu con cả nước về bên Bác

Mắt lệ tuôn rơi quặn thắt lòng".

Sau Bác Hồ, không thể không nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, học trò xuất sắc của Người. Đại tướng đã đi xa, nhưng nhân dân, qua các nhà thơ, vẫn không nguôi nhớ đến vị tướng văn võ song toàn, nay đang yên nghỉ ở Vũng Chùa, Đảo Yến với các bài "Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp" (của Nguyễn Văn Khoa, Trần Văn Miện), "Tướng của lòng dân" (Nguyễn Thiều), "Vĩ nhân đất Việt" (Nguyễn Thị Thược), "Rạng rỡ công huân" (Đông Sinh Nhật)...

 Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng Cộng sản VN. Nhiều tác giả đã viết những bài thơ chào mừng ngày thành lập Đảng, như "Mừng Đảng 85 xuân" (của Cấn Xuân Hoàn), "Ơn Đảng" (Cao Văn Tân), "Bừng sao sáng" (Minh Khôi), "Ngọn đuốc Đảng soi" (Nguyễn Sĩ Thuấn)...

Được sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ thiên tài, nhân dân ta đã chớp thời cơ tiến hành cuộc Cách mạng tháng Tám, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều nhà thơ đã viết về đề tài này, như "Cách mạng thành công" (của Nguyễn Đình Thịnh), "Hà Nội mùa thu ấy" (Vũ Khắc Nhượng), "Ngôi sao tháng Tám" (Nguyễn Thị Hồng Thơm), "Rạng rỡ lời Người" (Nguyễn Hữu Hảo), v.v...

Thực dân Pháp không cam chịu để cho Việt Nam trở thành một nhà nước độc lập. Nhân dân ta phải tiến hành chín năm kháng chiến để đi đến một Điện Biên chấn động địa cầu, Miền Bắc được giải phóng, trở thành hậu phương lớn cho Miền Nam ruột thịt suốt hơn 20 năm "Lội suối băng ngàn theo chiến dịch, Sài Gòn xuân đến giữa ban mai". ("Hành quân giữa mùa xuân" của Mai Hoàng Khải).

Chủ đề này cũng xuất hiện trong nhiều bài khác, như "Mừng xuân đại thắng" (của Nguyễn Văn Chúc), "Tâm hồn người lính" (Nguyễn Hữu Xạ), "Nhớ bạn đồng ngũ" (Hồng Phúc), "Nhớ ơn liệt sĩ" (Nguyễn Kim Khoát)...

Một đề tài lớn được đề cập đến là biển đảo quê hương trong "Trường Sa" (của Nguyễn Đức Chỉnh), "Tiếng gọi Biển Đông" (Đỗ Xuân Túy), "Đảo nhỏ kiên cường" (Trương Thị Thanh), "Tình người lính đảo" (Trịnh Thu Loan)...

Năm nay, chúng ta kỉ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới. Các nhà thơ của CLB chúng ta cũng không quên viết về thi nhân tài hoa này, như "Bái lạy cụ Nguyễn Du" của Trần Văn Cường; khoán thủ câu Kiều "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" của Nguyễn Thị Tự.

Ngoài Nguyễn Du, nhiều tác giả đã viết những bài ca ngợi các danh nhân văn hóa khác, các nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc, như "Thầy Chu Văn An" (của Lê Trung Hợp), "Huyền Trân công chúa" (Cấn Thị Đôi), "Nguyên phi Ỷ Lan" (Phan Kế Minh, Ngô Văn Tâm), "Bà Trưng" (Hoàng Quang Trọng), "Thăm đền Trưng nữ vương" (Nguyễn Đình Nụ), "Bắc bình vương" (Trần Văn Cường)...

Cùng với việc bám sát các sự kiện lớn của đất nước, ngợi ca những nhân vật kiệt xuất của dân tộc, nhiều tác giả đã bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình đối với quê hương đất nước: "Quê tôi" (của Nguyễn Văn An), "Hồn quê" (Thạch Văn Long), "Nhớ quê" (Lê Duy Trực), "Nghĩa quê hương" (Nhất Tâm). Bài "Lời ru" của Viết Lợi có những câu thơ mượt mà, tha thiết:

"... Chứa chan nghĩa mẹ vang non nước

Sâu lắng tình cha vọng đất trời

Thánh thót âm thanh hồn Tổ quốc

Ngọt ngào giai điệu tiếng à ơi".

Là thơ Đường Hà Nội, không thể thiếu những câu thơ ca ngợi thủ đô ngàn năm văn hiến trong "Đất kinh kỳ" (của Phạm Huy Thuận), "Thủ đô Hà Nội" (Nguyễn Văn Khoa), "Thủ đô giàu đẹp" (Nguyễn Văn Cường). Nhiều tác giả đã viết những bài ca ngợi cảnh đẹp Xứ Đoài: "Núi Tản sông Đà" (Nguyễn Đức Hương), "Nắng Sơn Tây" (Trần Hùng).

Tháng Tám vừa qua, CLB thơ Đường Hà Nội đã tổ chức giao lưu, trình diễn, thi thơ ở chùa Thầy. Nhân sự kiện này đã có hàng loạt bài viết về một địa danh nổi tiếng của Xứ Đoài: "Chùa Thầy" (Kiều Tiến Lương), "Non nước chùa Thầy" (Nguyễn Anh Tuấn), "Vịnh chùa Thầy" (Nguyễn Văn Cạnh). Khi đến "Chiêm ngưỡng chùa Thầy", "Thi nhân bút ngọc vờn thơ phú, Họa sĩ tay ngà vẽ khói mây"  như Nguyễn Quang Kinh đã mô tả.

Năm nay, Hội thơ Đường luật Việt Nam tổ chức Đại hội ở Bắc Ninh, nên không thiếu những bài viết về miền quê này, như "Nhớ về Kinh Bắc" (của Đặng Đình Hán), "Quan họ giao duyên" (Nguyễn Văn Tính), v. v...

Thơ luật Đường không thể tách khỏi thú xướng họa, ngâm vịnh: "Vịnh quả vú sữa" (của Đào Thiện Nhân), "Vịnh cây cau" (Cao Minh Hoa), "Vịnh cây thông" (Nguyễn Hiền Ninh), "Vịnh uống trà" (Nguyễn Kim Việt). Thơ Đường thường súc tích, sâu sắc, ý tại ngôn ngoại, nhiều khi thâm thúy. Có thể nhắc đến các bài "Hoa dại" (của Đỗ Văn Long và Kiều Bích Liên), "Lời cua" (Việt Băng). Phần lớn các tác giả thơ luật Đường là những người đã từng trải, muốn truyền đạt lại kinh nghiệm sống cho các thế hệ tiếp sau, như những bài "Cao niên", "Dạy con cháu" của Dương Đắc Đông.

Tuy nhiều nhà thơ tuổi có cao, nhưng tâm hồn còn tươi trẻ, luôn "Quên tuổi già" (như Nguyễn văn Giang), tự thấy "Đã đâu già" (của Ngô Xuân Tập), vẫn "Đan mộng tuổi già" (Nguyễn Thị Phượng). Các cụ vẫn nghĩ đến "Tình yêu sét đánh" (Tưởng Văn Hòa), ưa ngắm nhìn các "Mỹ nữ" (Nguyễn Bá Vượng), những "Thiếu nữ chơi xuân" (Hồ Văn Thiện). Đến tuổi cổ lai hi rồi vẫn "Đắm say" (Nguyễn Ngọc Ánh), nhớ đến "Mối tình xưa" (Như Huề). Thơ Đường như đem lại tuổi xuân cho các cụ. Dù có viết ra hay không, thì ai cũng luôn nghĩ đến mùa xuân. Điều đó đã được thể hiện trong các bài: "Xuân" (của Trịnh Thế Sủng), "Sắc xuân" (Phạm Chính), "Cảm xuân" (Kim Ngọc Bảo), "Hội xuân" (Nguyễn Bá Bảy), v.v...

Về hình thức, nhiều tác giả đã áp dụng các kiểu chơi thơ khác nhau, như khoán thủ, khoán tâm, nhất thủ thanh, thủ vĩ liên hoàn, bát láy, bát điệp, bát vĩ đồng âm, độc vận, thuận nghịch độc, ngũ độ thanh, thơ gieo vần trắc...Có kiểu chơi thơ phá cách toàn bằng, như bài "Sông quê" của Nguyễn Chương Phú.

Kính thưa các vị đại biểu, các thi huynh, thi hữu!

Trên đây là những cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc "Thơ Đường Hà Nội VII".

Cảm nhận về một tập thơ, không thể không mong muốn cho những tập sau hay hơn, đáng được thưởng thức hơn.

Muốn có bài thơ đạt yêu cầu, được người khác ưa thưởng thức, cần đầu tư công sức, không thể dễ dãi với chính mình. Sáng tác thơ luật Đường càng không thể dễ dãi. Không nên cho rằng, cứ tập hợp đủ 8 câu 7 chữ có niêm có vần là xong. Chúng ta thấy trong tập thơ còn nhiều bài chất lượng chưa đạt yêu cầu, đặc biệt tính nghệ thuật chưa cao, hình thức, chung chung, đơn điệu, còn phạm những lỗi không đáng có. Khó mà tìm ra một bài thơ, một câu thơ thật hay, đáng để đời. Thậm chí, một số không ít nhà thơ dường như không để ý đến yếu tố đối ngẫu trong thơ luật Đường. Hy vọng những năm sau sẽ ra mắt các tập thơ chất lượng hơn.

Trên đây, tôi đã điểm qua cuốn "Thơ Đường Hà Nội VII" với mục đích gợi ý để tiện cho việc thưởng thức những đứa con tinh thần của hơn 300 tác giả sinh hoạt trong CLB của chúng ta.

Cho đến nay, CLB đã cho ra mắt bảy tập thơ luật Đường. Đó là thành quả của tình yêu thơ, lòng ham say, sự cố gắng của các thành viên trong CLB. Kết quả đó cũng không thể tách rời sự chỉ đạo và hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội. Chúng ta chân thành cám ơn sự giúp đỡ quý báu và rất hiệu quả đó.

Nhân dịp năm mới sắp đến, xin kính chúc lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Trung tâm, cùng toàn thể hội viên CLB chúng ta an khang, hạnh phúc, thơ càng ngày càng hay, mọi việc đều tốt đẹp! Nội dung tập thơ sẽ lần lượt được đăng tải trong mục Thơ Đường cập nhật  của trang Web . xin kính mời ban đọc đón xem .

                            Đinh Nho Hồng. PCN CLB

  

 

Tác giả BBT