Cứ đến hẹn lại lên, mỗi
năm CLB thơ Đường Hà Nội của chúng ta lại cho ra mắt một tập thơ với những chủ
đề rất phong phú. Tập thơ thứ 6 của CLB phản ánh tương đối đầy đủ các sự kiện
quan trọng của năm 2014.
Là thơ Đường Hà Nội, nên chủ đề đầu tiên cần
bàn là thành phố vì hòa bình, ngàn năm văn hiến, nhất là năm nay chúng ta kỉ niệm
lần thứ 60 ngày giải phóng thủ đô. Xin nêu ra đây một số bài thơ ca ngợi truyền
thống hào hùng, danh lam thắng cảnh, nét thanh lịch đầy trí tuệ của người Tràng
An, như "Thăng Long thành" của Phí Đình Trụ (p. 37), "Thăng Long
nhân kiệt" của Dương Xuân Tấn (p.421), "Thăm Văn miếu" của Nguyễn
Chí Công (p.44), "Thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm" của Nguyễn Đình Sơn
(p.610), "Thoáng gợn Tây hồ" của Hà Đình Chung (p.38)...
Đặc biệt, nhiều nhà
thơ đã viết về Xứ Đoài với núi Tản, chùa Thầy, Tây Phương, Suối Ngà... Dưới ngòi
bút của thi sĩ, trăng sao, cây cỏ cũng có hồn:
"Bát ngát rừng cây cơn gió hát
Mênh mang ngọn sóng mảnh trăng cười"
(Bài "Cảnh đẹp Xứ
Đoài" của Xuân Hồng, p.5).
Đương nhiên, Hà Nội là trái tim của Tổ quốc
thân yêu, nên không thể thiếu những bài ca ngợi quê hương đất nước, truyền thống
quật cường, thưởng thức cảnh đẹp khắp mọi miền đất nước, từ Cao Bằng, Điện Biên,
Tam Đảo, đến Huế, Đà Lạt, Đèo Ngang, Phú Quốc, v.v.
Đứng trước phong cảnh thơ mộng, tâm hồn
thi sĩ ngây ngất, hòa quyện mình vào vạn vật thiên nhiên, gửi nỗi lòng mình
theo sóng gió, như bài "Du xuân" của Đặng Phụ (p. 36), hay bài
"Sang thu" của Xinh Xinh (p.516):
"Sông thương con nước triều dâng vợi
Biển nhớ thân tàu lặng sóng khơi".
Nhiều thi huynh, thi hữu đã viết những vần
thơ cháy bỏng nói lên lòng yêu nước và tình cảm đối với hải đảo, đối với các
chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời quê hương. Cô hàng xóm coi người ra đảo xa
là ra tiền tuyến:
"Được tin lính đảo sắp lên đường
Cô gái bên nhà thoáng vấn vương". ("Vấn vương" của Trương Mai, p.17).
Đúng là tình cảm của người hậu phương đối
với tiền tuyến:
"Em nối tin yêu vào biển nhớ
Cùng anh giữ mãi chủ quyền ta"
("Gửi xuân đến
Trường Sa" của Đỗ Thị Hòa, p. 10).
Một chủ đề lớn của tập thơ là tiếc thương
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gắn liền công lao của Đại tướng với chiến tích của dân
tộc ta đã đánh thắng những tên đế quốc xâm lược to, đặc biệt là trận Điện Biên
Phủ, mà năm 2014 kỉ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử này. Xin nêu ra một vài bài
làm ví dụ: "Đại tướng trong lòng dân" của Kiều Bích Liên (p.92),
"Suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp" của Lê Văn Mai (p.151), "Tiếc
thương" của Nguyễn Văn Cạnh (p.469), "Chiến thắng Điện Biên Phủ"
của Chương Phú (p.419), "60 năm chiến thắng Điên Biên" của Trịnh Thu
Loan (p.246)...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những
học trò xuất sắc nhất của Bác Hồ. Đại tướng đã từng nói, nếu không có Chủ tịch
Hồ Chí Minh thì không có Võ Nguyên Giáp. Trong "Thơ Đường Hà Nội VI"
có nhiều bài ca ngợi Hồ Chủ tịch, học tập đạo đức Hồ Chí Minh, như "Bác Hồ"
của Nguyễn Văn Tâm (p.612), "Sáng mãi tên Người Hồ Chí Minh" của Lê
Thị Hảo Yến (p.465), "Đêm Nguyên Tiêu nhớ Bác" cuả Thạch Văn Long
(p.126)...
Nhân dân và lịch sử đã tôn vinh Bác Hồ
là người cha, Đại tướng là anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm nay chúng
ta kỉ niệm 70 năm thành lập đội quân anh hùng đó. Trong số các vị ngồi đây, nhiều
người là cựu chiến binh, là bộ đội Cụ Hồ, nên đề tài này đã được các nhà thơ
khai thác, như "Một thuở Trường Sơn" của Nguyễn Xuân Đồng (p.26),
"Nhớ đồng đội" của Quang Sáng (p.21)...
Nhiều thi huynh, thi
hữu đã chọn chủ đề hướng về cội nguồn, về Đất Tổ, tri ân các anh hùng dân tộc đã
có công dựng nước và giữ nước, như "Hùng Sơn linh địa" của Hồ Văn Thiện
(P.37), "Truyền thống" của Phương Nga (p.94)...
Sắp tới, sang năm
2015 cả nước ta sẽ long trọng kỉ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn
Du, danh nhân văn hóa thế giới (1765-2015). Trong "Thơ Đường Hà Nội -
VI" đã có những bài vịnh Kiều, khoán thủ câu Kiều, như "Kiếp hồng
nhan", "Nỗi đoạn trường" của Nguyễn Bá Chính, tiếc thương cho thân
phận nàng Kiều:
"Cho duyên lỡ dở thêm chua xót
Để phận long đong mãi tủi sầu" (p. 472).
Đa số hội viên Câu lạc bộ thơ Đường
Hà Nội là người cao tuổi, ngoài những bài viết về tuổi già sống vui, khỏe, có ích,
vẫn có nhiều vần thơ tươi trẻ, tràn trề yêu đời, thể hiện tính nhân văn sâu sắc.
Các cụ cũng "Vấn vương" (Trần Quỳnh Khương, p.412), cũng "Tương
tư" (Nguyễn Văn Gối, p. 482); tình yêu vẫn cháy bỏng, vẫn ga lăng, lãng mạn,
mơ mộng, hào hoa, biết cách bày tỏ nỗi lòng rất kín đáo, tế nhị. Hãy đọc
"Gửi người tình Kinh Bắc" của Nguyễn Văn Thụ (p.162). Mối tình duyên
trong truyền thuyết cũng được nhắc đến với "Mưa ngâu" của Hà Vọng
(p.163) và "Ngân hà" của Trần Thế Hào (p.18).
Tình yêu luôn gắn liền với gia đình,
tế bào của xã hội, gắn liền với người phụ nữ. Đã có những bài ca ngợi người mẹ,
người vợ, người chị, người em, như bài "Tình mẹ" của Nguyễn Đình Nụ
(p. 41). Với tư tưởng trọng nam khinh nữ còn khá phổ biến trong xã hội, Lý Lan
Phương đã viết những câu thơ rất đời thường nhưng lại dí dỏm trong bài "Nhà
có hai con gái" (p.254):
"Chấy rận hai cô con gái rượu
Rể thi nhau nịnh đến là vui".
Tóm lại, toàn bộ tập "Thơ
Đường Hà Nội-VI" toát lên tính nhân văn sâu sắc, từ lòng yêu nước nồng nàn,
quyết tâm bảo vệ biển trời quê hương, ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, kính
yêu lãnh tụ, các anh hùng dân tộc, tình yêu thiên nhiên, tình yêu lứa đôi, yêu
đời, đến những câu chuyện rất đời thường, như "Hút thuốc lào" của
Nguyễn Duy Cách (p.266), "Tâm sự cái răng đau" của Lê Tuyển (p.220).
Rất đời thường và cũng rất thâm thúy.
Thơ Đường là sâu sắc,
nhiều khi thâm thúy, mượn cảnh để nói về đời, lên án những thói hư tật xấu, tiêu
cực trong xã hội, ca ngợi đức tính trung thực, bảo vệ thuần phong mỹ tục, phẩm
chất trong sáng, cao đẹp của người Hà Nội, của người Việt Nam. Ta hãy xem một vài
ví dụ: "Vịnh cây thông" của Lý Trần Thuần (p.630), Vịnh bút, Vịnh mèo,
Vịnh muỗi của Phạm Xuân Lăng (p.189), "Thay ngôi" của Trần Văn Tráng
(p.160), "Vua đi cày" của Nguyễn
Vũ Trọng (p.217) và nhiều bài khác.
Trong tập VI cũng có nhiều bài
thơ họa: Tự họa, họa thơ của nhau, họa thơ các thi hào nổi tiếng, như Nguyễn
Khuyến, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan...
Chúng ta thấy có nhiều kiểu chơi
thơ trong cuốn sách này, như độc vận, thủ vĩ ngâm, khoán thủ, khoán tâm, trường
cú..., những thú chơi đầy trí tuệ, có thể nói là bác học, như thuận nghịch độc,
đặc biệt thơ ngũ độ thanh chỉ có thể áp dụng trong tiếng Việt, vì tiếng Việt có
6 thanh, còn tiếng Trung chỉ có 4 thanh. Nhưng, để sáng tác một bài thơ ngũ độ
thanh hay thuận nghịch độc cần phải tư duy chu đáo, không thể dễ dãi, không vì ép
luật chơi mà bỏ qua nội dung và nghệ thuật. Có như vậy mới dám nói đến "trí
tuệ" hay "bác học", tránh cho bài thơ thiếu tính logic, lủng củng,
có những câu thơ tối nghĩa hoặc vô nghĩa.
Trong tập thơ có khá nhiều
bài tứ tuyệt nhị thủ, có cả đa thủ. Điều cần bàn, có khi phải tranh luận để cho
thơ của chúng ta được hoàn chỉnh hơn:
- Nếu tứ tuyệt đa thủ
không liên hoàn có được coi là thơ luật Đường không? Các chuyên gia cho rằng,
thơ tứ tuyệt đa thủ không liên hoàn thì dù có đúng niêm luật, cũng không phải là
thơ luật Đường, mà là thơ mới, bắt đầu thịnh hành từ thời tiền chiến cho đến
nay, với những nhà sáng tác thơ mới tiêu biểu như Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Nguyễn
Bính, Hàn Mặc Tử và cả Tố Hữu, v.v.
Đương nhiên, một cuốn sách gần
650 trang với hàng trăm tác giả khác nhau, không thể không có những khiếm khuyết,
cần rút kinh nghiệm. Nhiều bài thơ còn chung chung, hình thức, chưa sâu sắc, tính
nghệ thuật chưa cao. Điều dễ nhận thấy là, nhiều cặp thực và luận chưa đối
nhau, hoặc đối nhau không hoàn chỉnh, chỉ đối được nửa câu, có cặp không đối ý,
phổ biến nhất là không đối từ, có bài không đối cả ý và từ.
Chúng ta tin tưởng rằng, những
năm sau, Câu lạc bộ sẽ cho ra mắt các tập thơ hay hơn, chất lượng hơn, tính nhân
văn sâu sắc hơn, tính nghệ thuật cao hơn, xứng đáng là Câu lạc bộ thơ Đường của
thủ đô ngàn năm văn hiến.
Xin chân thành cám ơn!
Đinh Nho Hồng . PCN
CLB