THÔNG BÁO

Canh_dao_chuc635918145714052467.jpg Năm 2025

Năm  2024  đã khép lại với bao .biến động. Đất nước  ta cũng như   bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát của nhân loại cũng  lùi dần về quá khứ


TẬP THƠ "HOÀI NIỆM” CỦA HOÀNG MƯỜI MỘT BẢN TÌNH CA VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU
02-09-2014
S.Hoang Muoi .F.jpg  Xin trân trọng giới thiệu

Tập thơ “Hoài Niệm”  của Hoàng Mười với gần hai trăm bài thơ được ông chọn lọc trong số những bài ông làm từ năm 2010 tới nay. Ông là một thành viên tích cực của Chi hội thơ Tây Hà .   

"Cha ông, cụ Hoàng Tạo, một nhà nho. Sinh thời làm khá nhiều thơ, cả thơ quốc ngữ và thơ chữ Hán. Một thời gian dài Cụ là cộng tác viên cho Nhà xuất bản Văn học, đã cùng các nhà thơ : Nam Trân, Khương Hữu Dụng, Vũ Tuấn Sán… dịch và xuất bản nhiều cuốn thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du, Cao Bá Quát…, cùng các cuốn thơ Đường của các tác giả nổi tiếng thời đó như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị…

Mẹ ông, như nhiều phụ nữ nông thôn thời đó, không được đi học, nhưng thích thơ và thuộc khá nhiều thơ. Cụ thuộc các truyện thơ Phạm Tải Ngọc Hoa, Cung oán ngâm khúc, những bài thơ của Nguyễn Bính và đặc biệt là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Cụ cũng làm thơ. Thơ cụ đơn giản mà sâu sắc, chân tình."

   Cái vốn thanh cao của bậc sinh thành đã ngấm vào thơ ông, và chảy vào thi phẩm " Hoài niệm" . Ông coi trong thơ luật Đường, mặc dù trong thi phẩm cũng xen kẽ đôi bài thể loại khác.

 " Đọc “Hoài Niệm“ cảm thấy như được chu du trong cõi lòng ông. Ta có thể thấy trong đó tình yêu thương tha thiết với gia đình, bè bạn; tình yêu quê hương đất nước thông qua những chuyến du lịch; niềm thương cảm sâu sắc với những hoàn cảnh éo le, sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam mà ông đã từng gặp hoặc quen biết…. Nói gọn lại, ông nhờ cảm xúc để làm thơ và nhờ thơ để nói lên cảm xúc của mình.

Mảng nội dung lớn nhất trong “Hoài Niệm” là tình yêu thương con người. Trước hết là đối với cha, mẹ, người đã dạy dỗ ông nên người và truyền cho ông tình yêu với thơ văn để có thể viết nên tập thơ này. Tình cảm ấy thể hiện trong các bài “Mẹ tôi”, “Đọc thơ cha”.

Với con cháu, ông đã viết những vần thơ chân tình của một người cha, người ông. Khi con trai cưới vợ ông có bài: “Mừng con trai cưới vợ”, khi  cháu nội ra đời ông viết : ”Vui gì hơn thế”…

Đối với người vợ, người bạn đời, ông dành tính cảm đặc biệt bằng những vần thơ cảm động trong các bài “Hoài Niệm “,“ Nói với em”, “Ông trông bà”...

Ông cảm phục trước tình cảnh những người phụ nữ Việt Nam chịu  nhiều hy sinh trong: “Chuyện một người phụ nữ Việt Nam”, “ Chuyện một thanh niên xung phong”. Ông xúc động trước hình tượng “Hòn Vọng phu”; cảm thông về tình yêu hóa đá của “Hòn Trống Mái”, tiếc thương, thông cảm với “Xúy Vân”, chia sẻ sự cuồng nhiệt đến hết mình của “Thị Màu”…

Trong tình yêu quê đất nước ông đặc biệt gắn bó với Hà Nội và có nhiều bài thơ về Hà Nội, nơi ông gắn bó cả cuộc đời, như các bài: “Ký ức tiếng leng keng”, “Một ngày trên phố”, “ Hoài Niệm”… Ông còn thể hiện tình yêu với mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên, làng Cót ngày xưa mà nay đã thành phường, thành phố (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) bằng những vần thơ chứa đầy hoài niệm và luyến tiếc trong bài “Hương lúa đồng quê”.

Ông xót xa trước cảnh “Bão lụt miền Trung”, ông dành tình cảm sâu nặng tới “Biển đảo và Tổ quốc” cảm thông với những người vợ, người yêu có chồng, có bạn trai đang canh giữ biển trời nơi hải đảo như các bài “ Khắc khoải”, “Cơn mưa chiều Hà Nội “…

Tình yêu quê hương đất nước còn được thể hiện trong các bài thơ được hình thành sau các chuyến đi xa. Trong chuyến du lịch xuyên Việt gần tháng trời, tới đâu làm thơ đó. Kết thúc chuyến đi ông đã có trên chục bài trong “Chùm thơ Hành trình xuyên Việt” đầy xúc động. Ông còn có các bài khá hay khi “Lên miền Tây nhớ về “Tây Tiến” ” hoặc có những suy tư, triết lý khi “Thăm thành Nhà Hồ”. Cũng với phong cách đó, trong chuyến du lịch Châu Âu ông có các bài nội dung khá sâu như : “Từ Lucerne nhớ về Hà nội”; ”Thăm tháp nghiêng Pisa”; ”Kinh thành Roma”; ”Thăm đấu trường Cô-lô-diêm”…

..." Với mảng thơ tâm tình, tự sự của ông. Có thể nói ông đã gửi vào thơ mọi nỗi suy tư, triết lý về lẽ sống của mình. Trên đời có nhiều cái để mà vui, những đối với ông, một trong những thú vui thanh tao là làm thơ :

Cõi đời còn lại có bao nhiêu

Ngoảnh lại, ô hay, đã xế chiều

Trà rượu lăng nhăng không khoái nữa

Đành tìm thơ phú để mà yêu (Tìm yêu)

Theo ông, thơ làm tâm hồn con người trong sáng hơn, thánh thiện hơn và ông theo đuổi thơ như theo đuổi một cái gì thiêng liêng mà ông gọi là “Thi Đạo”, cái đạo của người làm thơ.

“Thi Đạo” hướng vào Chân, Thiện, Mỹ

Vần thơ có thép đẹp thêm ra. (Chúc tết hội thơ)

Nghĩ thế và làm thế, ông nguyện theo “Thi Đạo” để rèn luyện mình:

Tích đức cốt làm nhân nghĩa tụ

Tu thân gắng để nếp nhà vui

Đã cam chấp nhận theo “Thi Đạo”

Thì sống sao cho trọn lẽ đời. (Tự ngẫm)

Theo ông, thơ làm cuộc sống tươi trẻ lạc quan hơn:

Thoi đưa, sáu tám, tóc sương phơi

Vợ yếu, thân già, dạ vẫn vui

…………………………..

Hãy cứ vui đi, thơ với bạn

Cây đời mãi mãi vẫn xanh tươi.  (Hãy cứ vui đi)..."

            Tập thơ của Hoàng Mười được chia ra thành những chủ đề khác  nhau. Như: Tự sự, Gia đình và bè bạn, Người phụ nữ Việt Nam, Tình yêu Hà Nội, Cảnh đẹp thiên nhiên và đất nước, Lý luận xã hội, Danh nhân, văn thơ. Nổi bật là một số bài  cảm nhận, bài bình của các bạn thơ về tập thơ, về những bài thơ, về chủ đề, chính vì vậy đã tạo được sự hấp dẫn cho người đọc. Tập thơ dày dặn gần 250 trang , in ấn đẹp, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Nhiều đề taì, nhưng bút pháp của ông  cứng cáp , có thể nói là đủ khả năng thử sức với thơ luật Đường . Vì vậy khi đọc thơ của ông nó cứ cuốn hút, hấp dẫn không phân biệt được vì chủ đề, hay do nghệ thuật thơ. Hy vọng với khả năng đi nhiều, viết nhiều ông sẽ có những đóng góp cho phong trào thơ của Hà Nội và cả nước.

            Xin giới thiệu tập thơ cùng bạn đọc và một chùm  thơ trong tập .

 

       KHẮC KHOẢI

                                 Tặng những người vợ có chồng đi biển

 

Quê nhà khắc khoải mong tin nhạn

Rời bến tàu đi mấy tháng rồi !

Bám biển quăng chài nơi hải đảo

Canh chừng chống giặc chốn xa xôi

Trưa nồng, thấp thỏm khi giông bão

Đêm lạnh, âu lo lúc tối trời

Những muốn tàu về đầy ắp cá

Bao giờ hết giặc biển ta ơi !

                                   Trang 39

 

HÒN TRỒNG MÁI

Tạo hóa dựng lên giữa biển trời

Đôi hòn Trống Mái đứng chơi vơi

Trống trông ngạo nghễ khum khum cánh

Mái tỏ yêu thương nép nép người

Mê mải bên nhau nhìn sóng gợn

Say sưa chung bóng ngóng mây trôi

Phải chăng kiếp trước tình không đặng

Hóa đá bên nhau giữa cõi đời.

 

Hóa đá bên nhau giữa cõi đời

Mối tình chung thủy hận khôn nguôi

Thôi thì kiếp trước không chung bóng

Đành để đời sau chẳng cách rời

Vũ trụ trăm năm còn biến đổi

Đôi hòn ngàn thuở vẫn song đôi

Tình yêu hóa đá thành bất tử

Một tấm gương soi sáng đất trời.

                                        Trang 47

 

 CÁI THUỞ NGÀY XƯA

 

Cái thuở ngày xưa em nhớ không

Đêm thu vằng vặc ánh trăng ngân

Cùng nhau dạo bước trên đường vắng

Lá sấu rơi đầy vướng bước chân.

 

Buồm căng lướt nhẹ sóng hồ Tây

Trong nắng mùa thu gió lắt lay

Để mặc tiếng thầy trên bục giảng

Thả hồn theo những áng mây bay.

 

Tan trường trò tản tới muôn phương

Là úa rụng rơi khắp nẻo đường

Hoa sữa với tay nhành hái vội  

Em cầm để sách đậm mùi hương.

 

Nhà thờ Cửa Bắc dáng uy nghi

Em đứng bên anh chẳng nói gì

Thoang thoảng hoàng lan tràn góc phố

Dịu dàng như níu bước chân đi.

 

Ánh mắt em nhìn bao mến thương

Tim anh thổn thức suốt đêm trường

Bao nhiêu kỷ niệm thời xưa ấy

Mãi đến bây giờ vẫn vấn vương.

                                 Trang 54

 

NHÌN ẢNH CẦU GIẤY XƯA

 

Lặng nhìn Cầu Giấy tấm hình xưa

Cát bụi thời gian trải nắng mưa

Cây gạo lặng lờ soi sóng gợn

Chiếc cầu cổ kính ngóng thu đưa

Bâng khuâng mái rạ hồn kim cổ

Phảng phất đình thiêng bóng nguyệt mờ

Những muốn tìm sâu trong lớp bụi

Chút làn hương nhẹ của ngày xưa.
                                                 Trang 62

 

Tác giả BBT