THÔNG BÁO

CHUC MUNG NAM MOI.jpg Chào mừng Năm mới 2024- Giáp Thìn 
Năm  2023  đã khép lại với bao thay đổi. Đất nước  ta cũng như toàn thế giới. và bản thân mỗi hội viên chúng ta cũng không ngoại lê. Một năm chúng ta đã chứng kiến với bao đổi thay đên chóng mặt. Theo thời gian mọi điều vất vả , cả những đau thương mất mát cũng  lùi dần về quá khứ
Tháng 9 năm nay kỷ niệm 200 năm, ngày mất của Thi hào Nguyễn Du
14-09-2020
HO Xuan Huong.1.jpgXin giới thiệu Bài viết " Nước mắt Kiều " để chúng ta cùng suy ngẫm

“ NƯỚC MẮT KIỀU ”

TRUYỆN KIỀU QUA THƠ ĐƯỜNG LUẬT.

 

                                                                                              

              Thời phong kiến, một số quan niệm khắt khe đã cho rằng: Truyện Kiều là loại truyện đàn bà, con gái không nên đọc. Tuy nhiên, bên cạnh vẫn có nhiều người nhận ra được chân giá trị đích thực của truyện Kiều.

      Khi còn dưới cái tên Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều Truyện chỉ là một tác phẩm vô danh lẫn lộn trong hàng trăm tác phẩm không tên tuổi khác ở Trung Quốc. Chính Tố Như tiên sinh đã nhặt ra từ đám lẫn lộn ấy và Kiều dưới tay đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành một kiệt tác không những của Việt Nam, mà còn vang danh trên thế giới.   

       Người ta đọc Kiều, dịch Kiều, bói Kiều, tập Kiều, lẫy Kiều, ru con bằng Kiều… Kiều từ lâu đã như một tài sản văn hóa chung của mọi người.

Nhiều bài thơ Đường luật vịnh Kiều, hay cảm tác Truyện Kiều ra đời, nhiều cuốn sách tập trung được rất nhiều bài thơ của nhiều tác giả với nội dung về Kiều như một bộ sưu tập, song chưa có ai sử dụng thơ Đường luật để viết lại tòan bộ truyện Kiều một cách xuyên suốt với cả trăm bài thơ bằng một thể duy nhất : liên châu bách thủ.

         Tôi muốn nói đến thi phẩm “ Nước mắt Kiều ” của nhà thơ Hương Thu. Với một trăm bài thơ Đường luật, Hương Thu đã thể hiện được tinh thần sáng tạo có một không ai khi xâu chuổi lại gần như tòan bộ diễn biến cốt truyện, mô tả nhân vật, tâm lý, tư tưởng của tác phẩm Kim Vân Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Điều đáng nói ở đây: tác giả không phải chỉ làm người kể truyện bình thường. Hương Thu đã đọc truyện Kiều bằng cả trái tim của một người làm thơ, hóa thân vào từng số phận, khóc cười, đau khổ, giận dữ … cùng với nhân vật để rồi cuối cùng thi phẩm “ Nước mắt Kiều ” được ra đời gói trọn tâm tư, tình cảm của tác giả đối với Kiều. 

         Chỉ riêng số lượng bài đã là một kỳ công. Sự kỳ công còn cao hơn gấp bội khi chỉ trong một đêm Hương Thu đã hòan thành nốt 13 bài Đường luật liên châu đan xen vào 87 bài trước đó cho tròn con số một trăm bài. Theo đánh giá của riêng tôi và nhiều người làm thơ Đường luật, đây là một công việc hết sức khó. Viết 87 bài trước đã khó, nhưng khi đan xen vào 13 bài sau theo thể liên châu quả thực là một kỳ công. Vì ngòai việc làm sao cho nối liền được mạch truyện, tác giả còn phải nối liền mạch thơ. Không một ai có thể tìm được những vết nối trong một trăm bài thơ Đường luật liên châu của “ Nước mắt Kiều ”.

Năm ngàn sáu trăm viên ngọc của “ Nước mắt Kiều ” đã được nhà thơ Hương Thu hình thành bằng tất cả trái tim dành cho tác phẩm Kiều của cụ Nguyễn Du.

Với thuyết tài mệnh tương đố, Nguyễn Du đã ngầm báo trước số phận của Kiều khi vào hội Đạp Thanh, nỗi đồng cảm của Kiều với Đạm Tiên :

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Phủ phàng chi bấy hóa công

Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha.

     Diễn tả tâm trạng Kiều khi đứng trước mộ Đạm Tiên, Hương Thu viết:

Phù sinh một kiếp hồn hiu quạnh

Dâu bể nửa đời mộng dỡ dang

Chút phận thuyền quyên sao lắm nỗi

Âm dương đồng cảm thảo nên trang.

    Kiều đồng cảm với thân phận Đạm Tiên đã “ vạch da cây vịnh bốn câu ba vần ” ( thơ Nguyễn Du ). Hương Thu đồng cảm với cả hai người con gái: một với Đạm Tiên, và một với Thúy Kiều đã hạ bút:

Chút phận thuyền quyên sao lắm nỗi!

Âm dương đồng cảm thảo nên trang.

       Đó cũng là một dự báo trước cho số phận khắc nghiệt của Thúy Kiều. Thằng bán tơ gieo họa, Kiều phải bán mình chuộc tội cho cha, đành phụ tình Kim Trọng, bắt đầu cho một cuộc đời bèo dạt hoa trôi suốt mười lăm năm cay đắng, đọan trường.

Con tạo ghét ghen chi lắm thế?

Hồng nhan phận bạc kể từ đây!

       Như chiếc lá lạc loài giữa dòng đời trôi nổi, cuộc đời Kiều là cả một chuổi dài bất hạnh nối tiếp nhau, không thể nào tìm được lối ra.

Khi ở lầu Ngưng Bích, khờ dại nghe theo lời đường mật của gã Sở Khanh, thân gái dặm trường, cứ tưởng là sẽ vượt qua được số phận, có ngờ đâu con tạo trớ trêu, Kiều bị bắt lại, bị giam thân vào chốn lầu xanh. Mỗi bước chân lưu lạc của Kiều, mỗi tâm tư, nỗi niềm cay đắng của Kiều đều được nhà thơ  Hương Thu nhận diện. Không! Không chỉ là nhận diện thôi, nhà thơ Hương Thu dường như đã cùng với Kiều đồng hành qua mỗi dặm đời cay đắng xót xa. Những câu thơ đầy cảm xúc đến độ nhói lòng người đọc:

Tan cành rơi nhụy một đài hoa

Thẹn với đêm thâu bóng nguyệt tà

Bẻ khóa động đào tay tục tử

Nát hồn cung quế dáng tiên nga

Dao vàng toan quyết thân vùi dập

Phận bạc thôi đành lệ nhỏ sa

Giữa cuộc trần ai, ai có biết?

Nghẹn ngào rưng rức khóe thu ba!

       Nỗi đau chưa dừng lại ở đó, nhiều người, trong đó có tôi, đã không cầm được nước mắt khi đọc những dòng thơ như thế này:

Đời hoa mưa gió đã bao đêm

Khép mảnh hồn đau giữa lụa mềm

Sớm tiễn Trường Khanh ly rượu ấm

Tối mời Tống Ngọc khúc tình êm

Vò cho tan tác sầu bên gối

Dày đến tả tơi mộng dưới thềm

Tỉnh giấc ngậm ngùi thương chiếc bóng

Lạnh lùng trăng rọi dạ buồn thêm.

      Nỗi đau dường như đã lên đến đỉnh điểm của sự khổ đau! Đến nỗi nước mắt cũng không thể nào hóa giải bớt sự đau khổ đang vò xé trái tim người con gái bạc phước.

         Mỗi bước ngoặc của đời Kiều đều có chông gai đón đầu vỗ mặt. Gặp được Thúc Sinh – vốn là một trang tài tuấn, những tưởng “ Quân tử, thuyền quyên nay đã gặp. Bỏ sầu năm tháng lắm phong ba” nào hay đâu : “ đối mặt muốn chào duyên rẽ nửa. Cúi đầu cam chịu mộng chia đôi ”. Trước một Hoạn Thư

“ ăn ở nết na xem cũng thể. Buộc ràng miệng lưởi quả không ngoa”. Kiều như một cánh chim bé nhỏ lại lòai giữa một trận chiến không cân sức. Nước mắt Kiều không nhỏ xuống, mà nén chặt lại dưới ngòi bút của nhà thơ Hương Thu làm người đọc xót xa không cách gì chịu nổi trước sự oái oăm của số phận, khi Kiều đối mặt với Thúc Sinh, gần nhau trong gang tấc mà xa nhau nghìn trùng, vì bây giờ đã “ thay bậc đổi ngôi ”. Một bên là gia chủ quyền thế, một bên là hoa nô hèn mọn:

Xa xôi nào phải xa xôi lắm

Cách biệt sao đành cách biệt thôi!

Chén rượu tương phùng tay bỡ ngỡ

Đau này ai sớt để cho vơi?

       Như một cánh bèo trôi giữa dòng đời vô định, sóng dập, gió vùi. Cuộc hội ngộ với Từ Hải, một bước ngoặt khác trong đời Kiều, mở ra những ngày tươi đẹp. Mặc dù ngắn ngủi, nhưng cũng là những tháng ngày hạnh phúc.

Giá như cuộc đời đừng có những kẻ mưu mô như Hồ Tôn Hiến, giá như anh hùng đừng lụy bỡi thuyền quyên, giá như Kiều đừng nhẹ dạ cả tin thì những trang đọan trường đã khép lại ở đây, đâu đến nỗi:

Vì ai trâm gãy với bình rơi.

Ai óan năm cung nghẹn đắng lời

Tiếng nhặt , gió gào tim rĩ máu!

Tiếng thưa, sóng cuộn lệ tràn môi!

        Và sóng Tiền Đường những tưởng đã là nấm mồ vùi chôn một đời con gái truân chuyên của Kiều, nếu không có Đạo cô và sư Giác Duyên cứu vớt.

        Trang thơ khép lại, trang đời Kiều cũng khép lại với một kết thúc có hậu:

Duyên xưa giữ lại tình thi phú

Thề cũ đổi ra nghĩa xướng hòa

Vẹn vẻ đôi bề câu mộng ước

Bên nhau đầm ấm họp chung nhà.

       Trang sách cuối cùng của “ Nước mắt Kiều ” đã gấp lại, nhưng những giọt nước mắt của người xưa, người nay vẫn vứ vương vấn trong lòng với những thổn thức.

       Đại thi hào Nguyễn Du đã làm bất tử một Kiều trong lòng người đời qua bao thế hệ, và nhà thơ Hương Thu đã làm người đời phải nhỏ nước mắt chia sẻ với Kiều qua bao nỗi đắng cay!

        Tôi nghĩ: “ Nước mắt Kiều ” là những giọt nước mắt thành kính của tác giả muốn dâng lên bậc thi hào của dân tộc giải đáp cho câu thơ :

                 “Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.”

 

                                                                           Trà Kim Long, TP Hồ Chí MInh

 

 

 

 


Tác giả BBT